HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA
LỜI CHÚA NĂM A LỜI CHÚA NĂM B LỜI CHÚA NĂM C ĐỨC YÊSU VẪN SỐNG Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J. Chúa Nhật
thứ nhất Phục Sinh, năm C Sáng ngày thứ nhất trong tuần, khi
đến thăm mồ Đức Yêsu, chị Maria Magdala phát hiện không có xác Đức Yêsu trong
đó. Chị cho rằng có ai đã lấy xác Đức Yêsu và quăng đi đâu đó, vì có lẽ chị
không biết mồ nơi chôn táng Đức Yêsu là tài sản của ông Yuse Arimathia. Chị
chạy về báo tin cho các tông đồ, cụ thể là cho Phêrô và Yoan. Hai môn đệ này
tới, và cũng nhận thấy xác Đức Yêsu không còn trong mồ nữa. Tin mừng Yoan cho
thấy “người môn đệ đến trước”, đã thấy và đã tin (Ga.20, 8); tuy nhiên tin mừng
lại không cho thấy ông tin điều gì. Theo tin mừng Maccô, không có tông đồ nào
tin Đức Yêsu Phục Sinh khi các chị phụ nữ báo tin Đức Yêsu đã phục sinh (Mc.16,
9-14). Tất cả các tông
đồ chỉ tin Đức Yêsu Phục Sinh, khi các ông gặp gỡ Ngài. Trong lần hiện ra đầu
tiên cho các tông đồ, Thomas không ở đó nên không thấy, nên ông đã không tin
Đức Yêsu phục sinh cho dù các tông đồ khác và các chị phụ nữ loan tin cho ông.
Tám ngày sau, khi Chúa Phục Sinh hiện ra với ông, ông mới tin. Phục Sinh, là
điều vượt trên kinh nghiệm bình thường của con người, nên các tông đồ không tin
Đức Yêsu Phục Sinh, cũng là điều dễ hiểu. Đã đành các tông đồ có kinh nghiệm
người chết sống lại như trường hợp con trai bà góa thành Naim, con gái ông
Giairô, Lazarô em của Matta và Maria, nhưng Đức Yêsu Phục Sinh khác với những
người khác sống lại. Ngài vẫn sống nhưng người ta không giữ Ngài lại được. Ngài
hiện ra và biến đi, không gì ngăn cản được Ngài. Những người được
Đức Yêsu phục sinh như Lazarô, con trai bà góa thành Naim, ai muốn gặp có thể
tới để gặp họ. Đức Yêsu Phục Sinh thì không như vậy. Chỉ người nào Ngài muốn,
người đó mới được gặp Ngài mà thôi. Trong khoảng 40 ngày, các tông đồ còn có
thể gặp Ngài (Cv.1, 3); nhưng sau thời điểm này, không ai được diễm phúc gặp gỡ
Đức Yêsu Phục Sinh nữa. Ai tin Ngài, là ngang qua những chứng nhân để tin vào
Ngài. Đức Yêsu phục sinh là một biến cố mà người ta phải tin để biết. “Phúc cho
những ai không thấy mà tin”. Bao nhiêu người tin vào Đức Yêsu Phục Sinh, đều là
những người được ơn đức tin. Tin Đức Yêsu Phục Sinh, là hồng ân lớn lao. “Không
ai có thể tuyên xưng Đức Yêsu là Chúa mà không nhờ Thần Khí” (1Cor.12, 3). Tin Đức Yêsu Phục
Sinh, là một hành vi tự do. Những lý chứng cho thấy Đức Yêsu phục sinh, không
đạt được tính buộc người ta phải chấp nhận như luận chứng toán học 2+2=4. Người
ta vẫn tự do để tin Đức Yêsu phục sinh hay không. Tin cũng là biết. Hai anh chị
yêu nhau, người này nói yêu người kia, và người kia cần tin. Tin vào người
khác, là một cách biết người đó. Tin ai đó, cho rằng những điều người đó nói
hay làm chứng là đúng, và nếu không tin thì không thể biết được vậy. Tất cả các tông
đồ chỉ tin Đức Yêsu Phục Sinh, sau khi các ngài đã được thấy Đức Yêsu Phục
Sinh. Sau đó những ai tin vào Đức Yêsu Phục Sinh đều phải tin qua lời chứng của
các tông đồ. Các tông đồ đã dùng chính mạng sống của mình để làm chứng rằng
những gì các ngài nói là sự thật. Từ ngữ tử đạo (martureô) có nghĩa là làm
chứng. Lời chứng đáng tin nhất, là lời chứng của người dám dùng chính mạng sống
mình để bảo đảm rằng điều mình khẳng quyết là sự thật. Tất cả các tông đồ đều
tử đạo trừ tông đồ Yoan. Không tin Đức
Yêsu Phục Sinh, đây là điều bình thường. Tin Đức Yêsu Phục Sinh, là một ơn vô
cùng lớn. Kitô hữu không ngạc nhiên khi người ta không tin Đức Yêsu Phục Sinh.
Kitô hữu cũng biết rằng họ muốn người khác chia sẻ niềm tin với họ, là để người
đó hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, đức tin là một hồng ân, là điều vượt khả năng của
Kitô hữu. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban hồng ân ấy cho người ta. Muốn ai Đức
Yêsu Phục Sinh, Kitô hữu phải cầu xin Chúa ban ơn ấy cho người đó. Không phải
vì người Kitô hữu giảng hay, dạy tốt mà người đó tin vào Đức Yêsu Phục Sinh.
Tin Đức Yêsu Phục Sinh, không phải là chuyện con người có thể làm được. Đó là
hồng ân của Thánh Thần. Để có thể đón
nhận đức tin, để có thể biết như người của Thiên Chúa, người đó phải có đời
sống có thể đón nhận đức tin. Nếu một người có đời sống bất lương, nếu người đó
chỉ tin vào mình, thì cũng khó có thể tin Đức Yêsu Phục Sinh. Tin Đức Yêsu Phục
Sinh, đòi người đó phải đổi đời, phải có đời sống mới, phải sống lương thiện.
Không sẵn sàng đổi đời để thành người lương thiện, người đó sẽ tìm mọi cách để
biện luận từ khước tin vào Đức Yêsu Phục Sinh. Kitô hữu không là
những người mê tín, nhưng là những người ý thức mình được ơn đặc biệt. Tin Đức
Yêsu Phục Sinh, là hồng ân vô cùng lớn. Niềm tin này làm Kitô hữu có cái nhìn
mới về thế giới, về Thiên Chúa, và về con người. Tin vào Đức Yêsu Phục Sinh,
Kitô hữu nhận ra mình được Thiên Chúa yêu thương vô cùng. Và một khi biết Thiên
Chúa yêu thương mình, mình có thể phó thác đời mình trong tay Thiên Chúa, Đấng
yêu thương mình vô cùng, Ngài sẵn sàng làm tất cả mọi sự để được mình. Câu hỏi gợi ý chia sẻ 1. Tại sao có những người trẻ hổ thẹn khi người khác biết họ là Kitô
hữu? 2. Đâu là lý do chính nhất làm bạn tin Đức Yêsu Phục Sinh? HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA
LỜI CHÚA NĂM A LỜI CHÚA NĂM B LỜI CHÚA NĂM C Chúc
bạn an vui hạnh phúc.
(Cv.10, 34a.37-43; Cl.3, 1-4; Ga.20, 1-9)
Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.
[email protected]