HOME     CHIA SẺ LỜI CHÚA     LỜI CHÚA NĂM A     LỜI CHÚA NĂM B     LỜI CHÚA NĂM C

 

 

CHỨNG NHÂN PHỤC SINH

Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.

Chúa Nhật thứ hai mùa Phục Sinh, năm C
(Cv.5, 12-16; Kh.1, 9-11a. 12-13.17-19; Ga.20, 19-31)

Không phải chỉ có ông Thomas cứng tin, vì tất cả các tông đồ khác cũng đâu có tin Đức Yêsu Phục Sinh (Mc.16, 9-14) cho đến khi chính các ông được Ngài hiện ra cho (Ga.20, 19-23); tuy nhiên ông Thomas được coi là người cứng tin vì ông đã phát biểu rõ ràng lập trường của mình: “nếu tôi không thấy các dấu đinh nơi tay người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và nếu tôi không tra bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi chẳng tin” (Ga.20, 25). Tinh thần “thực nghiệm” của Thomas đâu có kém tinh thần “cân đo đong đếm” của con người ngày nay. Tất cả các tông đồ chỉ tin Đức Yêsu Phục Sinh khi các ông đã được thấy Ngài, tuy dù đã ba lần Ngài báo trước Ngài sẽ bị bắt, bị giết, và ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại (Mc.8, 31; 9, 31; 10, 33-34), tuy dù các chị phụ nữ đã báo cho các ông biết Chúa đã phục sinh.

Các tông đồ đã trở thành chứng nhân phục sinh (Cv.10, 39-43), và có nhiều người tin lời rao giảng của các tông đồ. Họ là những Kitô hữu tiên khởi. Nếu Đức Yêsu chỉ là người, nếu Đức Yêsu phục sinh chỉ có ích lợi riêng cho bản thân Ngài, thì chắc người khác không phải quan tâm nhiều đến biến cố này như vậy, và các tông đồ cũng không cần phải đem cả sinh mạng ra làm chứng, vì điều đó đâu có ích gì cho các tông đồ cũng như cho người khác. Biến cố Đức Yêsu Phục Sinh phải có thật quan trọng thì các tông đồ mới phải xả thân loan tin mừng phục sinh và dám đem chính mạng sống mình bảo đảm cho lời loan báo này. Thật vậy, theo những chứng nhân phục sinh, Đức Yêsu Phục Sinh là một sự kiện ảnh hưởng đến số phận tất cả con người, liên hệ đến sự sống và hạnh phúc của mọi người.

Đức Yêsu phục sinh chỉ là sự kiện khởi đầu, là dấu chỉ của thực tại khôn dò: Ngài là Đấng Vô Cùng Đặc Biệt. Qua biến cố Đức Yêsu Phục Sinh, người ta biết, Đức Yêsu không chỉ là người. Ngài là Đấng luôn kết hiệp với Thiên Chúa, Ngài lấy Ý Cha làm ý Ngài (Mc.14, 36), đến độ coi Ý Cha là lương thực nuôi sống Ngài (Ga.4, 34). Với tác giả sách Khải Huyền, Đức Yêsu là đầu và là cuối: “Ta là đầu và là cuối. Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời; Ta giữ chìa khóa tử thần và âm phủ” (Kh.1, 17-18). Biến cố Đức Yêsu Phục Sinh là biến cố sinh tử đối với con người. Vì Ngài đã phục sinh, người ta nhận ra Đức Yêsu là Thiên Chúa nhập thể, qua đó người ta nhận ra Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng. Thiên Chúa tha thứ mọi lỗi lầm cho con người. Thiên Chúa muốn con người sống và sống hạnh phúc vĩnh cửu với Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn con người hạnh phúc ở đời sau và ngay cả ở đời này nữa. Thiên Chúa luôn muốn điều tốt cho con người, và Ngài sẽ làm tất cả nên tốt cho những kẻ yêu mến Thiên Chúa.

Tất cả các tông đồ trở thành chứng nhân của Đức Yêsu Phục Sinh. Giáo Hội tiếp tục sứ mạng của các tông đồ, luôn rao giảng Đức Yêsu Phục Sinh. Nếu người ta tin nhận Đức Yêsu Phục Sinh, thì người ta có cơ hội nhận ra chân tướng của Đức Yêsu, nhận ra sứ điệp Thiên Chúa muốn nói với con người qua Đức Yêsu: Thiên Chúa yêu thương thế gian đến độ đã ban Con Một Ngài cho thế gian, để những ai tin Con Ngài, thì không phải hư mất nhưng được sống đời đời. Sứ mạng của Đức Yêsu là làm cho con người tin nhận Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng, để họ phó thác đời họ cho Thiên Chúa, ngay cả khi họ gặp khó khăn tưởng chừng như tuyệt vọng. Tin vào Thiên Chúa tình yêu, giúp con người sống trong bình an và hy vọng, giúp người ta sống bình an hạnh phúc trong mọi hoàn cảnh.

Mỗi Kitô hữu được mời gọi để trở thành chứng nhân của Đức Kitô Phục Sinh. Là chứng nhân của Đức Yêsu Phục Sinh, là thực hiện sứ mạng của Đức Yêsu. Sứ mạng của Đức Yêsu là làm sao để con người tin thực Thiên Chúa yêu thương con người. Đức Yêsu đã yêu con người đến cùng, đã hiến mạng cho con người. Bí tích Thánh Thể là bằng cớ cho thấy Đức Yêsu yêu thương con người đến độ nào. Cái chết trên thập giá của Đức Yêsu cho người ta nhận ra tình yêu của Ngài và của Thiên Chúa đối với con người thật vô cùng.

Kitô hữu phải yêu thương con người hôm nay như Đức Yêsu đã yêu thương con người thời của Ngài. Chỉ khi yêu thương những con người cụ thể sống với mình, Kitô hữu mới có thể làm chứng cho họ thấy rằng Thiên Chúa yêu thương họ. Đức Yêsu đã yêu thương con người đến hy sinh chính bản thân mình, yêu đến hiến dâng chính mạng sống, yêu đến chết, mong rằng khi con người thấy tình yêu của Ngài đối với họ, họ sẽ rung động trước tình yêu của Thiên Chúa và sẵn sàng đáp trả tình yêu. Đến lượt mình, các Kitô hữu cũng phải yêu đến độ hy sinh cho những người mình sống với, để họ nhận ra Thiên Chúa yêu thương họ qua các Kitô hữu. “Thầy mang lửa xuống trần gian, thầy mong ước gì nếu không phải là muốn cho lửa ấy bừng cháy lên” (Lc.12, 49).

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

1. Tại sao bạn tin Đức Yêsu đã phục sinh?

2. Bạn có thấy niềm tin vào Đức Yêsu Phục Sinh chi phối cuộc đời bạn không? Xin chia sẻ.

 

HOME     CHIA SẺ LỜI CHÚA     LỜI CHÚA NĂM A     LỜI CHÚA NĂM B     LỜI CHÚA NĂM C

Chúc bạn an vui hạnh phúc.
Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.
[email protected]