HOME     CHIA SẺ LỜI CHÚA     LỜI CHÚA NĂM A     LỜI CHÚA NĂM B     LỜI CHÚA NĂM C

 

 

THÁNH THẦN- ĐẤNG TRỢ GIÚP

Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.

Chúa Nhật thứ sáu mùa Phục Sinh, năm C
(Cv.15, 1-2.22-29; Kh.21, 10-14.22-23; Ga.14, 23-29)

Sống lời Đức Yêsu dạy, là điều rất quan trọng, vì điều đó giúp con người hạnh phúc. Thiên Chúa là tình yêu, là Đấng làm tất cả vì yêu. Đức Yêsu đã yêu thương những kẻ thuộc về Ngài còn trong thế gian, thì Ngài yêu thương họ đến cùng. Ngài đã rửa chân cho các tông đồ để dạy họ bài học phục vụ và yêu thương. Ngài yêu thương các môn đệ đến độ ban Mình Máu Thánh Ngài làm của ăn của uống nuôi những kẻ Ngài thương yêu. Ngài cũng dạy các môn đệ phải yêu thương nhau như chính Ngài yêu thương họ: các con hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương các con.

Tình yêu được thể hiện không chỉ bằng những lời nói dịu êm, nhưng chủ yếu bằng việc làm. Nếu chỉ nói yêu mà không có hành vi cụ thể đi với, e rằng đó không phải là tình yêu chân thực. Chính Đức Yêsu cũng nói: “Ai yêu mến thầy thì phải giữ lời thầy… Ai không yêu mến thầy thì không giữ lời thầy” (Ga.14, 23-24). Tình yêu là tương quan giữa ngôi vị và là điều rất quan trọng để con người sống tự do và hạnh phúc. Thiên Chúa là Đấng yêu thương, và con người được mời gọi để sống yêu thương như Thiên Chúa. Yêu thương là sống ơn gọi làm người, là nên thánh như Thiên Chúa muốn.

Yêu thương, là sống những gì Đức Yêsu đã dạy. Đức Yêsu đã dạy Thiên Chúa là Đấng quan phòng, Ngài yêu thương con người vô cùng, Ngài tha thứ cho con người như người cha trong dụ ngôn người cha nhân hậu, Ngài kiên nhẫn với người tội lỗi để chờ họ ăn năn sám hối, Ngài ban lương thực và cho mặt trời mọc lên cho cả người công chính cũng như người tội lỗi. Thiên Chúa muốn con người sống bình an hạnh phúc với Ngài. Tất cả những điều này, khi Đức Yêsu còn tại thế Ngài đã giảng dạy nhưng các tông đồ đã không nhớ trọn vẹn, phải nhờ Thánh Thần trợ giúp. Sau khi Đức Yêsu phục sinh, Ngài đã ban Thánh Thần cho các tông đồ.

Chính Thánh Thần đã giúp các tông đồ nhớ lại những gì Đức Yêsu đã nói với các tông đồ vì vào lúc đó các ông đã không hiểu và không nhớ nổi: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga.14, 26). Chính vì nhớ lại những gì Đức Yêsu đã nói, mà các tông đồ nhận ra chân tướng của Đức Yêsu: Ngài là Đấng ngự bên hữu Thiên Chúa, và là Đấng ngang hàng với Thiên Chúa: “Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga.14, 23).

Thánh Thần là Đấng dạy các tông đồ mọi sự, là Đấng được Thiên Chúa Cha sai đến nhân danh Đức Yêsu. Thánh Thần cũng là Đấng được chính Đức Yêsu sai gởi tới khi Ngài ở bên Thiên Chúa Cha (Ga.15, 26). Nhờ Đức Yêsu Phục Sinh, chân tướng của Thánh Thần cũng được thấy rõ vì Ngài có cùng nguồn gốc với Chúa Yêsu Phục Sinh. Thánh Thần tùy thuộc vào Đức Yêsu Phục Sinh, cũng như Đức Yêsu luôn tùy thuộc Chúa Cha: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ anh em không có sức chịu đựng nổi. Khi nào Thần Khí Sự Thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật trọn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến… Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế Thầy đã nói: Người lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga.16, 12-13.15).

Thánh Thần xuất phát từ Chúa Cha (Ga.15, 26) nhưng được Chúa Yêsu sai đến, sẽ làm chứng về Đức Yêsu. Không ai có thể tuyên xưng Đức Yêsu là Chúa mà không nhờ Thánh Thần (1Cor.12, 3). Con người cảm thấy mình bất lực không làm điều mình thấy là tốt: “điều tốt tôi biết mà tôi lại không làm, tôi lại làm điều tôi biết đó là xấu” (Rm.7, 15). Nhờ Thánh Thần con người có thể làm điều mình cảm thấy bất lực. Thánh Thần là Đấng luôn ở với con người: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác, đến ở với anh em luôn mãi” (Ga.14, 16). Thánh Thần không bao giờ rời xa chúng ta nữa.

Nhờ ơn Thánh Thần mà các tông đồ nhớ lại những gì Chúa Yêsu đã nói, mà các tông đồ nhận ra Chúa Cha, Chúa Yêsu và Thánh Thần liên hệ mật thiết với nhau. Ba Đấng luôn luôn quan tâm đến con người cách rất đặc biệt để giúp con người được sống hạnh phúc. Tác giả tin mừng theo thánh Yoan cho rằng, Ba Đấng này là một, vì “Cha và Ta là một” (Ga.10, 30), “mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy, vì thế Thầy đã nói: Người lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga.16, 15), “Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại…” (Ga.16, 13).

“Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian” (Ga.14, 27). Bình an của Đức Yêsu, không phải là không có chuyện gì xảy ra, nhưng là, cho dù có chuyện gì xảy ra đi nữa, người môn đệ của Đức Yêsu vẫn cảm thấy an tâm vì biết rằng Thiên Chúa yêu thương mình, vì biết rằng mọi sự sẽ sinh lợi ích cho mình vì Thiên Chúa yêu thương mình. Biết Thiên Chúa yêu thương mình và sẽ làm tất cả thành tốt cho mình, sẽ làm những người tin vào Đức Yêsu Kitô được sống an bình trong mọi hoàn cảnh, ngay cả trong những tình huống mà người khác thấy là bi đát.

Đức Yêsu không phải là không cảm thấy những khó khăn trong cuộc sống. Chính Ngài đã bị tra tấn hành hạ, bị đóng đinh thập giá, cảm nhận nỗi tủi nhục của một người bị coi là người tội lỗi. Đức Yêsu cũng còn cảm thấy mình bị cô đơn. Các tông đồ bỏ Ngài, và thậm chí như thể Thiên Chúa cũng bỏ Ngài: “Lạy Cha, sao cha nỡ bỏ con” (Mc.15, 34). Tuy nhiên, Đức Yêsu sau cùng vẫn cảm thấy bình an vì Ngài phó thác tất cả cho Thiên Chúa Cha: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha”

Bình an và niềm vui của người Kitô hữu, là hồng ân mà Đức Yêsu ban qua Thánh Thần của Ngài. Chính Thánh Thần tha thứ tội lỗi cho con người, làm con người cảm nghiệm bình an và niềm vui, cùng giúp con người sống yêu thương nhau. Thánh Thần là hồng ân tuyệt vời mà Thiên Chúa ban cho con người. Một khi sống theo Thánh Thần, người ta sẽ bình an, vui, và yêu thương nhau như Đức Yêsu đã truyền dạy.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

1. Tại sao con người cảm thấy bất an?

2. Bình an mà Đức Yêsu ban tặng, là loại bình an gì, phải được hiểu như thế nào?

3. Đức Yêsu có được bình an không khi Ngài chết trên thập giá?

 

HOME     CHIA SẺ LỜI CHÚA     LỜI CHÚA NĂM A     LỜI CHÚA NĂM B     LỜI CHÚA NĂM C

Chúc bạn an vui hạnh phúc.
Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.
[email protected]