HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA
LỜI CHÚA NĂM A LỜI CHÚA NĂM B LỜI CHÚA NĂM C
ĐIỀU RĂN TRỌNG NHẤT
Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.
(Xh.22, 20-26; Tv.18; 1Thes.1, 5-10; Mt.22,
34-40)
Người Do thái có rất nhiều luật! Giữa bao
nhiêu điều luật đó, điều luật nào trọng nhất? Yêu Thiên Chúa hết linh hồn hết
trí khôn hết sức lực; và yêu anh em như chính mình! Hai điều này không là điều
mới, nó đã có trong bộ luật xa xưa, trong sách Thứ Luật và Lêvi (Tl.6, 5 và
Lv.19, 18).
1. Yêu Thiên Chúa hết linh hồn hết trí
khôn hết sức lực ngươi
Người Do thái và đặc biệt là các biệt phái
một phần nào biết nguồn gốc nhân loại của Đức Yêsu (con bác thợ mộc Yuse và bà
Maria, ở Nadarét)- một người không được giáo dục ở trường lớp và không có nhiều
kiến thức! Vì vậy, họ muốn thử Đức Yêsu: "Thưa thầy, giới răn nào trọng
nhất?"
Đức Yêsu không nói gì mới, Ngài trích một
câu sách Thứ Luật! Câu trả lời của Ngài ngắn gọn, nhưng rất chính xác!
Yêu Thiên Chúa, chọn Thiên Chúa trên hết mọi
sự. Coi rằng được Thiên Chúa là được tất cả. Có Thiên Chúa là có tất cả! Mất
Thiên Chúa là mất tất cả.
Hệ luận của điều này rất rõ ràng. Thiên Chúa
là trên hết, đức tin là trên hết. Nếu điều nào làm một người mất đức tin, người
ta sẽ bỏ điều đó. Nếu chọn Thiên Chúa mà phải mất nhiều điều, ngay cả mạng
sống, thì họ cũng sẵn sàng mất (trường hợp những người tuyên xưng đức tin dù
phải chết). Nếu người chồng ngoại đạo không cho người vợ sống đạo, Hội Thánh
cho phép họ ly thân để sống đức tin.
Thà chết chứ không phạm một tội trọng, là
trường hợp những người chọn Thiên Chúa trên tất cả.
2. Yêu anh em như chính mình
Sách Lêvi đã dạy điều này, nhưng sau này Đức
Yêsu đã dạy: "anh em hãy yêu mến nhau như thày đã yêu mến anh em"
(Ga.13, 34).
Từ "yêu người như yêu chính mình"
(Lv.19, 18) đến "yêu nhau như Đức Yêsu yêu chúng ta" (Ga.13, 34), là
một bước tiến rõ! Đức Yêsu đã yêu chúng ta đến độ tự hủy, chết để chúng ta được
sống, cũng vậy chúng ta cũng phải yêu thương nhau và hiến mạng sống cho nhau.
Yêu như Chúa yêu!
3. Yêu nhau như thế nào?
Tôi mới dự buổi chia sẻ của một nhóm bạn
sinh viên. Họ là một số bạn ở ký túc xá, và một số bạn cùng nhau thuê nhà trọ ở
với nhau. Khi đọc đoạn tin mừng của Chúa Nhật này, có bạn đã chia sẻ: mình đã
hy sinh nấu cơm cho các bạn cùng phòng ăn, quét dọn phòng, làm vệ sinh... (và
một số bạn đó khá lười, chẳng để ý gì đến việc mình làm, không biết các bạn đó
có cho mình là ngu không) để làm chứng bằng đời sống cho các bạn đó, hy vọng
các bạn đó thấy điều tốt và các bạn đó tìm hiểu đạo chăng! Một bạn khác chia
sẻ: cần phải tổ chức, phân công rõ ràng, chứ không nên hy sinh kiểu như vậy!
Bạn sau này cho rằng, nếu chỉ làm thôi, mình sẽ bị dồn nén, mà cũng chẳng làm
chứng được gì!
Như thế nào mới là đúng? Như thế nào là yêu
thương thực sự? Phải chăng nên nhịn nhục, cam chịu và phục vụ? hay phải nói ra,
phân công rạch ròi?
Yêu là muốn điều tốt cho người khác!
Làm sao để giúp tha nhân triển nở toàn diện,
về thể xác về tinh thần!
Nếu hy sinh, mà giúp các bạn mình triển nở,
trưởng thành, thì mình cần hy sinh phục vụ! Nhưng nếu điều đó làm cho các bạn ỷ
lại, làm hư các bạn, thì đó không những không phải là hành vi bác ái, mà lại
còn phản bác ái nữa. Cho nên, có khi nhịn nhục, hy sinh phục vụ, là yêu thương,
là bác ái; và có lúc phải rạch ròi, phải đòi hỏi, phải cương quyết, mới là bác
ái, mới là yêu thương thực!
Yêu thương là muốn điều tốt cho người khác,
làm mọi cách để người khác tốt hơn, triển nở hơn, hạnh phúc hơn.
4. Truyền giáo
Chúa Nhật tới cũng là Khánh Nhật Truyền
Giáo! Ngày Giáo Hội cầu nguyện cho việc truyền giáo, cho việc rao giảng Tin
Mừng cho các dân tộc.
Chúng ta xin Chúa cho có nhiều vị quảng đại
hiến thân cho công việc thánh thiện này.
Thời buổi này, người ta cần chứng nhân hơn
người giảng dạy. Người ta được đánh động bởi những người có đời sống tốt, hơn
là những người chỉ biết nói hay. Nếu chúng ta sống tốt, là chúng ta đã đang rao
giảng về Thiên Chúa cho những người sống chung quanh chúng ta!
Sống Tin Mừng, đòi chúng ta phải vui tươi
triển nở, bình an hạnh phúc. Nếu Tin Mừng không giúp chúng ta bình an hạnh phúc
hơn, thì cuộc sống của chúng ta là một phản chứng. Một kitô-hữu, là người cũng
chung thân phận với con người ngày nay, nhưng cũng là người được đức tin, được
ánh sáng Tin Mừng soi chiếu, nên cuộc sống của họ khác với những người khác.
Sống Tin Mừng, là sống giữa những thực tại trần gian, nhưng không thuộc về trần
gian. Kitô-hữu, sống giữa lòng thế giới, nhưng như ngọn đèn soi sáng, để con
người thời đại này được chỉ lối về với Thiên Chúa.
HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA
LỜI CHÚA NĂM A LỜI CHÚA NĂM B LỜI CHÚA NĂM C
Chúc bạn
an vui hạnh phúc.
Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.