HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA
LỜI CHÚA NĂM A LỜI CHÚA NĂM B LỜI CHÚA NĂM C LỜI CHÚA GIÚP CON
NGƯỜI TỰ DO Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J. Chúa Nhật thứ mười lăm thường
niên năm A Is.55, 10-11; Rm.8, 18-23;
Mt.13, 1-23 Thời đầu khi Đức Yêsu xuất hiện rao
giảng, người ta đông đảo đi theo Ngài. Rồi với thời gian, nhiều người đã bỏ
Ngài, ngay cả các môn đệ. Trong dụ ngôn người gieo giống hôm nay, Đức Yêsu cho
thấy chính tùy thái độ của người nghe đối với Lời Ngài, mà Lời Ngài sinh hoa
kết quả như thế nào trong lòng con người. Đức Yêsu đã dạy dỗ bằng dụ ngôn, vì
người nghe không dễ dàng hiểu và chấp nhận Lời Ngài. Với dụ ngôn, con người
hiểu theo mức độ của mỗi người. 1. Con người có thể bị nô lệ Con
người có thể bị nô lệ nhiều điều. Có người nghiện xì-ke ma tuý, họ không thể
thắng được cơn nghiện nên đã ăn cắp ăn trộm, có người bán cả vợ cả con để có
tiền hít chích cho thoả cơn nghiền. Có người lại bị nô lệ đồng tiền, họ chỉ
thích và chỉ lo kiếm tiền; tiền bạc như ông chủ, sai khiến họ đủ điều; họ không
chú ý đến vợ đến con, không lo giáo dục con cái, không dành thời giờ cho gia
đình; và hậu quả là gia đình họ không hạnh phúc, con cái hư hỏng, gia đình bị
tan hoang. Có người lại bị nô lệ danh vọng, nô lệ chức quyền, nô lệ tiếng khen.
Nói một cách tổng quát, con người có khuynh chiều vật chất và xác thịt, nếu con
người chiều theo tất cả những điều đó một cách bất chính, con người ở trong
tình trang mê lầm. Thái độ ứng xử của con người tùy thuộc đặc biệt tình
trạng nội tâm của mỗi người, tùy lúc đó họ có tự do thực hay không. Một người
có thể có tự do mà không có tự do đích thực, chẳng hạn như người nghiện xì-ke
ma tuý, họ tuy tự do nhưng lại không tự do thực. Cũng có nhiều lãnh vực tuy con
người bị giới hạn, nhưng vẫn có tự do; chẳng hạn đã là người ai cũng phải ăn
phải uống, tuy con người không có tự do tuyệt đối để không ăn, nhưng con người
vẫn tự do để ăn lúc nào và ăn như thế nào hoặc không ăn. Để có tự do nội tâm, con người cần biết đúng. Biết đúng
để sống đúng. Ngày nay cũng như ngày xưa, có nhiều lý thuyết, có nhiều lập luận
tuy dù không đúng nhưng cũng có người theo. Đi theo một lý thuyết sai lầm, là
giam hãm con người trong tình trạng u mê. Thánh Augustin trước khi trở lại đạo
Công Giáo, đã ở trong tình trạng này. Theo niềm tin Kitô-hữu, những điều Thiên
Chúa mặc khải qua Kinh Thánh và đặc biệt qua Đức Yêsu, sẽ giúp con người được
tự do. Thiên Chúa là Đấng yêu thương con người, Ngài muốn con người được tự do,
Ngài đã nói với con người trong dòng lịch sử qua các tiên tri, và vào thời sau
hết Ngài đã sai gởi Con Ngài tới với chúng ta, để dạy chúng ta hiểu biết đúng
đắn về Thiên Chúa, hầu con người được tự do và hạnh phúc. 2. Lời Chúa như sương sa tưới mát Lịch
sử nhân loại cho thấy có biết bao người “tầm sư học đạo”, miệt mài đi tìm khôn
ngoan, hy vọng sẽ được hạnh phúc đích thực. Tất cả những ao ước hướng thiện,
truy tìm chân lý, ao ước thành người tuyệt vời, là những nét đẹp nơi con người.
Những điều này phản ánh nét đẹp của Thiên Chúa nơi con người; và nét đẹp này từ
Thiên Chúa mà có. Thiên Chúa làm tất cả những điều tốt lành nơi con người.
Thiên Chúa làm con người say mê đi tìm Ngài như Nguồn Chân Thiện Mỹ. Thiên
Chúa làm con người đi tìm Ngài như Chân Thiện Mỹ tuyệt đối. Thiên Chúa cũng nói
với con người qua trung gian những con người. Như sương sa rơi xuống đất, thấm
nhập vào lòng đất, làm cây đâm chồi và sinh hoa kết trái, Lời Ngài giúp con
người nhận ra sự thật, giải phóng con người khỏi nô lệ, giúp con người sinh hoa
kết trái trong việc tốt lành. Đức Yêsu là Lời Thiên Chúa tới trần gian với con
người. Lời Thiên Chúa nhập thể giúp con người nhận ra sự thật, và giúp con
người sống bình an hạnh phúc trong mọi hoàn cảnh sống. Lời
của Đức Yêsu cho con người, tuy dù là Lời Thiên Chúa nhập thể, vẫn luôn luôn để
con người tự do với Lời Ngài. Tùy con người đón nhận hay không, đón nhận như
thế nào, mà Lời đó sinh hoa kết trái. Lời đó có thể như hạt giống rơi trên đá
sỏi, rơi vào bụi gai, rơi nơi vệ đường, hoặc rơi nơi đất tốt. Hạnh phúc vừa
vượt tầm tay của mỗi người, vừa nằm trong tầm tay của mỗi người, tùy con người
quyết định. 3. Đức Yêsu như gương mẫu Ngôi
Lời Thiên Chúa, một khi đã nhập thể làm người, thì Ngài cũng bị giới hạn như
bao người khác. Đức Yêsu cũng là người như chúng ta, Ngài cũng có những khuynh
chiều xác thịt như chúng ta, Ngài cũng bị cám dỗ về miếng ăn, về danh vọng, về
quyền lực. Tuy vậy, Ngài vượt lên và tự do với tất cả. Ngài
tự do với bạc tiền, danh vọng, tình duyên. Ngài rong ruổi rao giảng khắp đất
nước Do Thái trong khó nghèo: “chồn cáo có hang, chim trời có tổ nhưng con
người không có chỗ tựa đầu”. Ngài tự do với tiếng khen lời chê của con người,
Ngài dạy dỗ dân chúng chứ không đi tìm tiếng khen của dân chúng. Ngài sẵn sàng
chấp nhận người ta bỏ không theo Ngài nữa. Ngài chấp nhận không có quyền lực
bảo vệ Ngài, để rồi phải chết ô nhục trên thập giá. Đức Yêsu là người chỉ sống cho Thiên Chúa và cho con người. Ngài muốn
con người được tự do với tất cả, để con người có thể sống bình an hạnh phúc.
Chỉ có tình yêu mới làm con người được tự do. Tình yêu có thể giải phóng tất
cả. Cha mẹ yêu thương con cái, cho dù con cái có lầm lỗi thì tình yêu của người
cha người mẹ có thể tạo dịp để người con có thể bắt đầu lại cuộc đời. Thiên
Chúa luôn tha thứ cho con người, vì Ngài yêu thương con người, và luôn muốn con
người bắt đầu lại cuộc đời. Yêu thương và tha thứ, là để con người trở nên tốt
hơn tuyệt hơn hạnh phúc hơn. 1. Bạn gặp ai là người tự do
nhất trong kinh nghiệm đời bạn? Xin chia sẻ điều bạn được đánh động qua người
này. 2. Bạn có kinh nghiệm Lời
Chúa làm bạn tự do không? Xin chia sẻ. 3. Lời Chúa có chỗ trong đời
bạn không? Bạn có được Lời Chúa dạy dỗ mỗi ngày không? Qua việc gì? (Nghe Lời Chúa
trong Thánh Lễ, đọc Lời Chúa mỗi ngày) HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA
LỜI CHÚA NĂM A LỜI CHÚA NĂM B LỜI CHÚA NĂM C Chúc bạn
an vui hạnh phúc. Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J. Câu hỏi gợi ý chia sẻ