HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA
LỜI CHÚA NĂM A LỜI CHÚA NĂM B LỜI CHÚA NĂM C NÀY CON
ĐẾN ĐỂ THI HÀNH Ý CHA Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J. Chúa Nhật thứ hai thường niên
năm A Is.49, 3. 5-6; 1Cor.1, 1-3;
Ga.1, 29-34 Khởi
đầu các thư, Phaolô thường gọi các Kitô hữu là thánh. Kitô hữu là người sống
theo gương Đức Yêsu, sống giữa trần gian nhưng thuộc về Thiên Chúa, là men là
muối cho trần gian, để đưa trần gian về với Thiên Chúa. 1. Nói nhân danh Thiên Chúa Ngày
xưa các tư tế, vua, và tiên tri được xức dầu. Các vị này được gọi là Đấng Thiên
Sai (Đấng Massiah, Đấng Thiên Chúa sai đến với con người), được xức dầu để thi hành
một sứ mạng rõ ràng. Tiên tri, người của Thiên Chúa, người nói nhân danh Thiên
Chúa. Người được Thiên Chúa chọn từ khi còn trong lòng mẹ, để trở thành người
đại diện Thiên Chúa dạy dỗ dân Ngài. Sứ
mạng của tiên tri không dễ dàng. Tiên tri thường xuất hiện trong hoàn cảnh đặc
biệt, như trường hợp tiên tri Yêrêmia xuất hiện khi dân Do Thái sắp sửa phải đi
lưu đày. Yêrêmia đã nhân danh Chúa nói tiên tri, nói những lời không hợp với
mong ước của người thời đó. Người ta mong ước an bình, mà tiên tri lại nói
chiến tranh sẽ xảy ra. Người ta mong ước yên hàn, mà tiên tri lại nói tới
chuyện lưu đày. Chính vì vậy Yêrêmia bị người ta ghét; và người ta ghét tới độ
muốn giết tiên tri. Có lúc Yêrêmia muốn bỏ cuộc, nhưng sau đó hối hận, và Thiên
Chúa đã tha thứ, lại tiếp tục dùng Yêrêmia để nói với dân Ngài. Kitô
hữu khi chịu phép rửa tội, đã được xức dầu như dấu chỉ thuộc về Thiên Chúa.
Kitô hữu cũng là người được Thiên Chúa sai đến trần gian. Giữa một xã hội luôn
đặt tiền bạc như tiêu chuẩn đánh giá con người, giữa một xã hội luôn đi tìm lạc
thú xác thịt, Kitô hữu là người được Thiên Chúa mời gọi để làm chứng cho một
giá trị cao quý hơn. Thiên Chúa đang dùng các Kitô hữu để nói với con người
ngày nay rằng, chỉ với tiền bạc và lạc thú xác thịt, con người không thể hạnh
phúc trọn vẹn và lâu dài. Con người cần sống theo lời Thiên Chúa để hạnh phúc
đời này và đời sau. Cũng
như các tiên tri, sứ mạng của Kitô hữu không dễ dàng. Kitô hữu sống giữa trần
gian, cũng bị cám dỗ như bao người khác, cũng vất vả gian nan lam lũ như bao
người, và đôi khi cũng sa ngã như bao người khác. Nhưng Thiên Chúa vẫn tha thứ,
vẫn mời gọi Kitô hữu trở lại với Ngài, để tiếp tục là tiếng nói của Thiên Chúa
cho con người hôm nay, ít là bằng chứng từ cuộc sống của mình trong thế giới
này. Như
ngày xưa, Thiên Chúa luôn hiện diện với các tiên tri, để tiên tri có đủ sức
mạnh, có đủ can đảm để nói nhân danh Ngài, thì hôm nay Thiên Chúa cũng vẫn hiện
diện với các Kitô hữu, trong tâm hồn mỗi người, và cả cụ thể qua những người
đại diện của Ngài nữa. Thiên Chúa cần con người, để nói lời của Ngài cho con
người hôm nay. Ước gì Kitô hữu quảng đại sống Tin Mừng, để trở thành chứng
nhân, để trở thành lời nói sống động cho con người hôm nay, để con người hôm
nay nhận ra sự thật và trở về với Thiên Chúa, để họ được hạnh phúc không chỉ ở
đời sau mà ngay cả ở đời này nữa. 2. Kitô hữu- người được gọi để nên
thánh “Phaolô,
được gọi làm tông đồ, kính gởi Hội Thánh Thiên Chúa ở Côrintô, những người đã
được hiến thánh trong Đức Kitô Yêsu, được gọi để nên thánh…” Tất cả những ai
tin vào Đức Yêsu Kitô, đều là những người được hiến thánh, và được gọi để nên
thánh. Mỗi
Kitô hữu đã là thánh, vì đã được hiến thánh cho Thiên Chúa. Mỗi Kitô hữu cũng
đang được gọi để nên thánh, vì nên thánh không chỉ là cái gì “đã là”, nhưng còn
là điều “đang là” nữa. Mỗi người nên thánh trong từng hành vi sống của mình.
Sống, là nên thánh hay không. Nếu một người sống theo Tin Mừng, theo gương Đức
Yêsu, theo lời mời gọi của Đức Yêsu lúc này, ở đây, trong hoàn cảnh cụ thể này,
thì họ đang là thánh, đang trở nên thánh. Nếu họ từ chối, họ không là thánh vào
thời điểm hiện tại này. Ơn gọi nên thánh, là ơn gọi của giây phút hiện tại. Thiên
Chúa mời gọi mỗi người nên thánh, mời gọi mỗi người thuộc về Ngài lúc này. Tôi
có sẵn sàng thuộc về Ngài ngay giây phút này không? Tôi có sẵn sàng để thành
“tiếng nói” của Thiên Chúa cho những người đang sống chung quanh tôi lúc này
không? 3. Đấng gánh tội trần gian Đức
Yêsu là một người như chúng ta. Chúng ta như thế nào, Ngài như vậy. Ngài được
sinh ra như chúng ta, và còn được sinh ra trong hoàn cảnh nghèo hơn chúng ta
nữa. Ngài sinh trong chuồng chiên cừu. Có lẽ không ai trong chúng ta sinh ra
trong cảnh nghèo như vậy. Ngài không được đi học đến nơi đến chốn, vì Ngài
thuộc nhà nghèo. Ngài phải giúp đỡ cha mẹ kiếm sống, Ngài học nghề thợ mộc và
hành nghề này trước khi Ngài rao giảng. Khi rao giảng, Ngài cũng gặp những thất
bại, những lời dèm pha gọi Ngài là người nhờ tướng quỷ mà trừ qủy. Ngài bị gọi
là kẻ mất trí, kẻ phạm tội “phạm thượng”. Tuy
vậy, Đức Yêsu là người yêu tha nhân vô cùng. Ngài yêu cả những người thù ghét
Ngài. Ngài không bao giờ làm hại ai, Ngài luôn cầu nguyện cho họ, Ngài dạy họ
làm sao để sống hạnh phúc. Điều rất quan trọng đối với Ngài, là yêu thương.
Ngài yêu Thiên Chúa và yêu con người đến độ hiến cả mạng Ngài cho Thiên Chúa và
cho con người. Ngài đi đến cùng đường, không trốn chạy cái chết, và khi sắp
chết trên thập giá, vẫn còn nói lời yêu thương. Đức
Yêsu là người hoàn toàn như chúng ta, nhưng Ngài thuộc về Thiên Chúa hoàn toàn
đến độ các nhà thần học sau này diễn tả Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa, là Thiên
Chúa nhập thể, Thiên Chúa làm người. Là người, Ngài cũng sống trọn vẹn thân
phận con người, cũng bị cám dỗ như chúng ta, và Ngài cũng thuộc về Thiên Chúa
từng giây phút sống. Ngài không dạy chúng ta xin cho khỏi bị cám dỗ, nhưng Ngài
dạy chúng ta xin Thiên Chúa giúp chúng ta vượt thắng cám dỗ từng ngày từng giây
phút. Câu hỏi gợi ý chia sẻ: 1. Theo bạn, cám dỗ nào khó
vượt qua nhất đối với con người hôm nay? 2. Theo kinh nghiệm của bạn,
làm sao để dễ vượt qua những cám dỗ? 3. Bạn được lợi gì khi là
Kitô hữu? Khi sống theo Tin Mừng? HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA
LỜI CHÚA NĂM A LỜI CHÚA NĂM B LỜI CHÚA NĂM C Chúc bạn
an vui hạnh phúc. Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.