HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA
LỜI CHÚA NĂM A LỜI CHÚA NĂM B LỜI CHÚA NĂM C LÒNG THƯƠNG XÓT Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J. Chúa Nhật thứ hai mươi bốn thường
niên năm A Hc.27, 30-28, 9; Rm.14, 7-9;
Mt.18, 21-35 Thiên Chúa là Đấng
nhân từ và giầu lòng thương xót. Xưa nay Kitô-hữu biết như vậy, và thường dựa
vào đó để nài xin Thiên Chúa nhân hậu tha thứ tội lỗi cho mình, nhưng ít khi ao
ước khao khát trở nên nhân hậu theo mẫu tuyệt hảo là Thiên Chúa. Một khi con
người sống nhân hậu thì họ trở nên hoàn hảo và sống hạnh phúc hơn. 1. Hận thù ghen ghét Hận thù và ghen
ghét, muốn làm hại người khác, muốn người khác khổ, muốn những tai họa đổ xuống
trên đầu người mình thù ghét và những người thân của họ, không muốn người khác
sung sướng hạnh phúc, điều này làm người khác và chính mình sống trong buồn bực
lo lắng bất an. Người hận thù cưu
mang, nuôi dưỡng tư tưởng làm hại người khác trong lòng họ. Những giây phút họ
thoải mái là những giây phút họ quên ý định hận thù, nhưng khi họ nhớ tới, là
họ bị nung nấu và họ không thoải mái hạnh phúc. Có những người luôn nghĩ xấu
cho người khác, cho rằng người khác luôn suy nghĩ và tìm cách làm hại mình,
muốn điều xấu cho mình; khi cưu mang suy nghĩ như vậy, chính người đó cũng bất
an cực khổ. Dưới một khía cạnh nào đó có thể nói, ai sống trong thù hận ghen
ghét, luôn nghĩ xấu cho người khác, đã phần nào sống trong hoả ngục rồi, nếu
hiểu hoả ngục là tình trạng không hạnh phúc, luôn bị dày vò day dứt đau khổ. Và
cũng trong ý nghĩa này người ta nhận ra, Thiên Chúa không tạo nên hoả ngục,
nhưng chính con người tạo ra hoả ngục cho chính mình. Yêu thương là muốn
điều tốt cho người khác, muốn người khác trở nên tốt lành hầu họ nhìn nhận đúng
thực tại, để họ bình an và hạnh phúc hơn. Khao khát cho mình và cho người khác
trở nên trọn lành, ngay cả những người không ưa hay ghét mình, là khởi đầu của
tình yêu đối với tha nhân và đối với Thiên Chúa. 2. Không thương xót là không yêu
thương Trong Tin Mừng ngày
hôm nay, Đức Yêsu cho chúng ta nghe một dụ ngôn về lòng thương xót. Một người
mắc nợ chủ, không có gì để trả, đáng lẽ phải bị bán làm nô lệ để trả nợ; anh ta
van xin và nhận được lòng thương xót của chủ, và anh ta đã không bị bán nữa mà
còn được tha cả món nợ. Thế nhưng anh ta đã không thương xót người bạn, khi
người bạn chỉ nợ anh ta một chút xíu so với cái nợ to lớn của anh ta đối với
chủ mà anh ta đã được tha “nhưng không.” Anh ta đưa người bạn ra tòa, để rồi
người bạn phải vào tù vì “thiếu công bằng,” vì đã không hoàn trả nợ khi đến
thời hạn. Theo “luật” công bằng, anh ta có thể làm như vậy, vì ai mắc nợ thì
phải trả; tuy nhiên khi làm như vậy, anh ta đã không có lòng thương xót như anh
ta đã van xin lòng thương xót của chủ. Không lòng thương
xót, không động lòng trước nỗi khổ của người khác, không động lòng trước sự bất
lực của người khác, đòi phải “công bằng” khi người ta không thể trả nợ được, là
điều bất nhân. Công bằng đúng nghĩa, phải luôn luôn hàm chứa yêu thương. Nếu
không có yêu thương, không có công bằng. Con người là một giá trị “tuyệt đối”
theo một nghĩa nào đó. Lòng thương xót đòi phải thông cảm ngay cả những giới
hạn yếu đuối của con người, ngay cả khi họ “sa ngã” phạm tội. Khi nói sa ngã,
hàm chứa lúc yếu đuối họ làm như vậy nhưng bây giờ họ không muốn như vậy nữa.
Thông cảm và tha thứ, là dấu chỉ của tình yêu. Ai không tha thứ, là không yêu
thương, và như vậy không hành xử giống như Thiên Chúa, không là con của Thiên
Chúa. Thánh Yoan nói,
Thiên Chúa là Tình Yêu. Thiên Chúa là Đấng luôn yêu thương. Ai yêu thương là
sống như Thiên Chúa, ai không yêu thương là không sống như Thiên Chúa, là không
sống như con cái Thiên Chúa. Kitô giáo là đạo yêu thương, chính vì vậy thánh
Phaolô nói: yêu thương là chu toàn tất cả lề luật. Đức Yêsu nói: “Thầy để lại
cho anh em một giới răn mới, là hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh
em.” Cái mới của giới răn Đức Yêsu dạy các môn đệ của Ngài, là hãy yêu thương như
Ngài đã yêu thương. Ngài đã yêu thương đến hiến mạng sống cho người khác,
cho tất cả mọi người bao hàm cả chúng ta; và đến lượt chúng ta, chúng ta cũng
phải yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta. 3. Tình thương và hạnh phúc Thiên Chúa yêu
thương con người. Ngài tạo dựng con người để cho con người chia sẻ hạnh phúc vĩnh
cửu với Ngài. “Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý”
(1Tm.2, 4). Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ tất cả lỗi lầm cho con người, mỗi khi
con người trở lại với Ngài. Hơn nữa, chính Thánh Thần Thiên Chúa đang hoạt động
nơi lòng mỗi người, mời gọi con người sống yêu thương, mời gọi thúc đẩy tội
nhân sám hối trở lại với Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn tất
cả được cứu độ, nhưng tuỳ con người. Ngài mời gọi, và con người có tự do. Ngài
liên lỉ mời gọi con người hãy sống trong tình yêu của Ngài và với người khác,
Ngài kiên nhẫn với con người, với tội nhân cho tới giây phút cuối đời mỗi
người. Nếu ai cố tình từ chối lời mời gọi tình yêu, nếu ai cố tình sống trong
thù hận như ma quỷ là những thần linh thù ghét Thiên Chúa và không muốn con
người sống hạnh phúc, thì những người đó mới phải vào hoả ngục thôi. Và hoả
ngục, cũng chính là do họ chứ Thiên Chúa không muốn con người đau khổ. Thiên
Chúa không muốn ai đau khổ và bất hạnh. Yêu thương là khởi
đầu của một đời sống hạnh phúc. Yêu thương, thông cảm với nỗi khổ và yếu đuối
của người khác, tha thứ khi họ xúc phạm đến mình, muốn cho người khác những
điều tốt lành, tìm cách làm cho người khác được vui hơn, hạnh phúc hơn, đỡ cô
đơn hơn, là cách hành xử của những người đang sống như con cái Thiên Chúa, đang
sống trong yêu thương. Và chắc chắn những người sống như vậy, họ cảm nghiệm
hạnh phúc, hạnh phúc khi làm cho người khác vui và hạnh phúc hơn. Câu hỏi gợi ý chia sẻ 1. Tha thứ, hệ tại điều nào? 2. Thiên Chúa có sẵn sàng
tha thứ cho kẻ ngoan cố không? Tại sao? 3. Không yêu thương là bất
hạnh. Bạn nghĩ sao về quan điểm này? HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA
LỜI CHÚA NĂM A LỜI CHÚA NĂM B LỜI CHÚA NĂM C Chúc bạn
an vui hạnh phúc. Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.