HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA
LỜI CHÚA NĂM A LỜI CHÚA NĂM B LỜI CHÚA NĂM C THIÊN CHÚA MỜI NHƯNG
CON NGƯỜI TỰ DO Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J. Chúa Nhật thứ hai mươi tám
thường niên năm A Is.25, 6-10; Pl.4,
12-14.19-20; Mt.22, 1-14 Bài đọc Cựu Ước
trong sách tiên tri Ysayah và bài Tin Mừng đều đề cập đến bàn tiệc. Ai cũng
hiểu đây là một kiểu nói để diễn tả một thực tại siêu vượt: Nước Trời. Thiên
Chúa mời và muốn tất cả vào dự tiệc, nghĩa là vào Nước Trời; nhưng không phải
tất cả mọi người đều đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa. 1. Thiên Chúa mời con người chia
sẻ sự sống vĩnh cửu Ngày đó Thiên Chúa
sẽ thiết tiệc đãi mọi dân tộc, thịt béo rượu ngon. Ngày đó Thiên Chúa cất tấm
khăn tang, không còn những chuyện buồn phiền nữa. Ngay cả cái chết, Ngài cũng
hủy diệt. Chính Thiên Chúa sẽ lau khô những giọt lệ, chính Ngài sẽ ủi an dân
Ngài. Tất cả những điều
trên là dấu chỉ của Nước Trời, nơi đó Thiên Chúa sẽ thoả mãn mọi nhu cầu của
con người, nơi đó con người sẽ được toại nguyện và hạnh phúc. Thiên Chúa là
nguồn mọi hy vọng của con người. Ngài không chỉ là Đấng thoả mãn nhu cầu vật
chất, cho con người lương thực hằng ngày, hoặc thịt béo rượu ngon; nhưng Ngài
còn đong đầy mọi hy vọng, Ngài biến đổi lòng người, Ngài là Đấng cứu độ. Dự tiệc “Nước Trời”
là hồng ân Thiên Chúa ban cho con người, cho mọi dân tộc chứ không chỉ riêng
cho dân tộc Do Thái, cho mọi người thành tâm thiện chí chứ không phải chỉ cho
những người mang danh Công Giáo. Thiên Chúa muốn chia sẻ sự sống vĩnh cửu của
Ngài với mọi người thuộc mọi dân tộc, vì nếu không vậy Ngài đâu tạo dựng họ.
Ngài tạo dựng con người, để con người được chia sẻ sự sống thần linh với Ngài. 2. Những người từ chối sự sống đời
đời Ông vua trong dụ
ngôn làm tiệc cưới cho con, đã cho người đi gọi những người được mời để họ đến
dự tiệc cưới. Và những người được mời đã chọn làm điều họ quan tâm hơn việc đi
dự tiệc của vị vua; hơn nữa, một số người không chỉ không đi, mà còn bắt các
đầy tớ được sai tới, hành hạ và giết họ nữa. Ông vua đã cho mời
tất cả những người tìm được vào dự tiệc cưới của con ông; và người ta đã vào
tiệc. Theo phong tục, khi vào phòng tiệc mọi người đều được mời mặc trang phục
tiệc cưới do chủ tiệc cung cấp, ấy thế mà vẫn có một kẻ không chịu mang trang
phục lễ cưới khi vào phòng tiệc. Con người tự do
trước lời mời gọi của Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương con người, tạo dựng con
người vì yêu thương, và mời gọi họ vào Nước Trời để chia sẻ sự sống vĩnh cửu
với Ngài cũng vì yêu thương. Tuy nhiên một số người đã từ chối không vào, họ đã
không muốn dự tiệc cưới, và ngay cả có người bước vào bàn tiệc vẫn còn không
muốn dự tiệc qua việc không mang trang phục lễ cưới. Ai không sống yêu thương,
không thể vào Nước Trời ngay cả khi họ mang danh Kitô-hữu. 3. Cách sống của những người tự do
đích thực Những người chọn
Thiên Chúa trên mọi sự, là những người sống hạnh phúc ở đời sau và ngay ở đời
này. Họ tự do với những gì nhiều người theo đuổi: tiền bạc, danh vọng, tình
duyên. Những người đặt quá nặng tiền bạc danh vọng dường như lúc nào cũng bận
rộn, và họ sẵn sàng hy sinh “bàn tiệc hạnh phúc” thường ngày để làm việc. E
rằng những người này không có tự do đích thực. Sự tự do đích thực
không chỉ là tự do làm theo như mình muốn, nhưng còn là làm những gì lý trí
thấy như vậy là đúng là tốt. Con người là thực tại có thân xác, con người chịu
những chi phối của những định luật vật lý. Con người không có tự do vật lý
tuyệt đối nhưng con người có tự do luân lý. Con người có tự do để sống theo lý
trí hay theo bản năng. Thánh Phaolô có thể
sống với mọi tình huống để rao giảng Lời Chúa cho những người ngài gặp gỡ. Ngài
đã học để hành xử lúc no cũng như lúc đói, lúc nghèo cũng như lúc giầu. Bận tâm
chính của Ngài là Thiên Chúa, và làm sao để cho mọi người được biết Chúa và
sống hạnh phúc. Niềm cậy trông của Ngài cũng chính là Thiên Chúa. Ngài không
tựa vào sức riêng của Ngài. Những gì người ta tặng cho ngài, ngài lãnh nhận và
trân trọng; đồng thời hy vọng Thiên Chúa sẽ thỏa mãn mọi nhu cầu của những
người đã rộng lượng giúp Ngài. Cách sống của Phaolô là cách sống của những
người đã được cứu độ, chỉ có Thiên Chúa là nguồn hy vọng và hạnh phúc của Ngài. Câu
hỏi gợi ý chia sẻ 1. Điều bạn mong ước nhất là
gì? 2. Nếu bạn đạt được điều
mong ước ở trên, bạn có hạnh phúc lắm không, và hạnh phúc này kéo dài bao lâu? 3. Theo bạn, điều gì đáng
bạn mong ước nhất? Điều bạn mong ước có thể đạt được không? Làm sao để đạt được
điều bạn mong ước? HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA
LỜI CHÚA NĂM A LỜI CHÚA NĂM B LỜI CHÚA NĂM C Chúc bạn
an vui hạnh phúc. Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.