HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA
LỜI CHÚA NĂM A LỜI CHÚA NĂM B LỜI CHÚA NĂM C LỄ CHÚA BA NGÔI Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J. Chúa Nhật thứ tám thường
niên, năm A Chúa Nhật sau lễ Chúa Thánh
Thần Hiện Xuống- Lễ Chúa Ba Ngôi Xh.34, 4b-6. 8-9; 2Cr.13,
11-13; Ga.3, 16-18 Kitô-hữu tin Thiên Chúa là Đấng duy
nhất, nhưng là ba ngôi vị Cha Con và Thánh Thần. Trong thánh lễ hôm nay, Giáo
Hội nhắc nhớ Kitô-hữu về mầu nhiệm căn bản và đặc biệt này. 1. Thiên Chúa là Cha của Đức Yêsu
Kitô Thiên
Chúa là Cha Đức Yêsu Kitô. Thiên Chúa là Cha của tất cả, của vạn sự vạn vật
hiểu theo nghĩa mọi sự đều nhờ Ngài mà có, cũng như người con hiện hữu là nhờ
cha mẹ vậy. Thiên Chúa là Cha của Đức Yêsu, cũng như của tất cả mọi người;
Thiên Chúa là Thiên Chúa của Đức Yêsu và cũng là Thiên Chúa của tất cả chúng ta
(Ga. 20, 17). Đức Yêsu vẫn luôn cầu nguyện với Thiên Chúa Cha, và Ngài dạy các
môn đệ cầu nguyện với Thiên Chúa Cha nữa, như trong kinh “Lạy Cha” (Mt.6,
9-13). Thiên
Chúa Cha là Đấng sáng tạo mọi sự. Ngài là nguyên uỷ và cùng đích mọi loài. Mọi
sự đều từ Ngài mà có, và đều hướng về Ngài như cứu cánh. Thiên Chúa là Đấng Tuyệt
Đối, vô cùng vô tận, không thể diễn tả hết bằng lời, lý trí con người không thể
hiểu trọn vẹn được vì con người tương đối và giới hạn nhưng Thiên Chúa thì
tuyệt đối và vô hạn. Con người chỉ hiểu biết phần nào về Thiên Chúa qua những
gì Ngài làm cho con người, qua các tạo vật và đặc biệt qua Đức Yêsu Kitô. Qua
biến cố Đức Yêsu, người ta nhận biết Thiên Chúa là tình yêu. Hiểu theo nghĩa
Ngài yêu thương con người vô cùng, yêu thương đến độ ban Đức Yêsu cho con
người. Đức Yêsu là Đấng mặc khải về Thiên Chúa cho con người. 2. Đức Yêsu là Thiên Chúa Con Theo
con mắt người đời, trước khi Đức Yêsu xuất hiện rao giảng, Ngài chỉ là một
người bình thường như bao người khác. Biến cố truyền tin như trong tin mừng
Luca đâu có ai biết ngoại trừ Đức Mẹ, và nếu Đức Mẹ nói điều đó, liệu có ai
tin. Biến cố Đức Yêsu ở lại đền thờ Yêrusalem, cùng lắm thì được coi như một
hiện tượng “thần đồng” của ngày nay. Khi
Đức Yêsu rao giảng, quy tụ môn đệ, thâu nạp tông đồ, Ngài trở thành một “hiện
tượng”. Dân chúng coi Ngài như một vị tiên tri (Mt.16, 13tt), Phêrô đại diện
môn đồ nhận ra Ngài là Đấng Thiên Chúa sai đến (Mt.16, 16). Cao điểm qua việc
vào thành Yerusalem long trọng, dân chúng coi Ngài như Đấng Thiên Sai Vua
(Mt.21, 1-11). Ý
niệm một người là Thiên Chúa, không hề có trong trí óc của con người trước đó.
Theo quan niệm người Do Thái, Thiên Chúa là Đấng duy nhất (Dnl.6, 4), Ngài cao
vượt tuyệt đối trên con người. Ngay cả cho đến bây giờ, đa số người Do Thái và
các nhà triết học không-kitô không chấp nhận quan niệm một người là Thiên Chúa
như Kitô-hữu quan niệm về Đức Yêsu Kitô. Đức
Yêsu đã sống lại. Ngài vẫn đang sống dù Ngài đã bị giết chết và chôn táng, là
điều các tông đồ kinh nghiệm. Đây là một sự kiện, nhưng các ngài không thể
chứng minh cho người khác được. Đây vẫn là biến cố đức tin. Các tông đồ không
phải là những người dễ tin, vì các ngài đâu có tin lời các chị phụ nữ loan báo
Đức Yêsu đã sống lại. Các ngài chỉ “tin” khi chính Đức Yêsu Phục sinh hiện ra
cho các ngài mà thôi (Ga. 20, 19-24). Riêng thánh tông đồ Thomas, ngài cũng
chẳng tin các chị phụ nữ lẫn các tông đồ khác, khi những người này làm chứng về
Đức Yêsu phục sinh, cho đến khi Thomas được Chúa Phục sinh hiện ra cho (Ga.20,
25-29). Với
ơn từ trời, sau biến cố Đức Yêsu phục sinh, các tông đồ hiểu về Đức Yêsu hơn,
và nhận ra Ngài là người đặc biệt, là Con Thiên Chúa theo một nghĩa rất đặc
biệt. Các nhà thần học thời sau diễn tả Ngài là Con “đồng bản tính” với Thiên
Chúa; còn chúng ta cũng là con Thiên Chúa, nhưng là con được thừa nhận, là
“nghĩa tử”. Đức Yêsu là Thiên Chúa nhập thể, là một cách hiểu và diễn tả về Đức
Yêsu. Đức Yêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể, cũng là một cách diễn tả khác
của các nhà thần học về Đức Yêsu. Tin Mừng Yoan, vào khoảng thập niên 90, diễn
tả Đức Yêsu là “Lời đã thành xác phàm”. Theo
Tin Mừng Yoan, Đức Yêsu khi còn sống, luôn kết hiệp với Thiên Chúa Cha. Lấy ý
của Cha làm lương thực của Ngài (Ga. 4, 34). Ngài luôn làm việc như Thiên Chúa
Cha (Ga.5, 17). Ngài với Cha là một (Ga.10, 30). Đức Yêsu có trước Abraham, ông
tổ của người Do Thái sống vào khoảng 1850 năm trước Ngài (Ga.8, 57-58). Theo
nghĩa này, Đức Yêsu là Thiên Chúa Con nhập thể, Lời nhập thể, Ngôi Hai nhập
thể. 3. Thánh Thần là Thiên Chúa Ngôi
Ba Thánh
Thần được Cựu Ước đề cập với tên Thần Khí. “Thần Khí Thiên Chúa bay là là trên
mặt nước” (St.1, 2). Thần Khí Thiên Chúa làm cho những bộ xương khô trở nên
sinh động (Ez.37, 1tt). Thần Khí cũng là sức mạnh của Thiên Chúa. Một
khi các tông đồ, sau biến cố phục sinh, cụ thể nơi Tin Mừng Yoan, nhận ra Đức
Yêsu là “Lời đã thành xác phàm” (Ga.1, 14), nhận ra Ngài đã hiện hữu trước
Abraham, và đồng nhất với Thiên Chúa, thì các tông đồ cũng nhớ lại lời Đức Yêsu
và nhận ra Thánh Thần là Đấng Bầu Chữa, từ Thiên Chúa Cha mà đến. Chính Thánh
Thần dạy các tông đồ mọi sự, dẫn các tông đồ vào sự thật trọn vẹn. Cộng đoàn
Kitô-hữu sơ khai đã nhận ra sự hiện diện và tác động của Thánh Thần cách đặc
biệt qua biến cố lễ Ngũ Tuần (Cv.2, 1tt), nhận ra Thánh Thần luôn hoạt động nơi
tín hữu, để sai gởi và làm người ta tin nhận Đức Yêsu phục sinh (Cv.13, 2-4). Công
đồng chung Nicea định tín Đức Yêsu đồng bản tính với Thiên Chúa (năm 325); công
đồng Chalcedoine (năm 451) định tín Đức Yêsu có hai bản tính, bản tính Thiên
Chúa và bản tính loài người, nghĩa là, Ngài là Thiên Chúa thật và là người thật
hoàn toàn. Tuy dù từ ngữ Ba Ngôi được dùng sau này, nhưng cả ba Cha- Con và
Thánh Thần đã được nhận biết và tuyên xưng bởi các tông đồ và các Kitô-hữu ngay
từ thuở đầu (Mt.28, 19). 1. Bạn có biết giải thích
của thánh Augustinô về Thiên Chúa Ba Ngôi không? Nếu biết xin bạn chia sẻ. 2. Có một số người sợ
Kitô-hữu rơi vào sai lầm “ba Chúa”, bạn hiểu thế nào thì bị rơi vào sai lầm
này? 3. Bạn hiểu thế nào về Thiên
Chúa Ba Ngôi? Bạn có cầu nguyện với Thiên Chúa Ba Ngôi không? Bạn thường cầu
nguyện với Thiên Chúa Ba Ngôi như thế nào? HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA
LỜI CHÚA NĂM A LỜI CHÚA NĂM B LỜI CHÚA NĂM C Chúc bạn
an vui hạnh phúc. Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J. Câu hỏi gợi ý chia sẻ