HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA
LỜI CHÚA NĂM A LỜI CHÚA NĂM B LỜI CHÚA NĂM C
ĐỂ THIÊN CHÚA CAN THIỆP VÀO ĐỜI
MÌNH
Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.
(Chúa Nhật 23 năm B: Is.35, 4-7a; Gc.2, 1-5;
Mc.7, 31-37)
i. Hãy để Thiên
Chúa có thể can thiệp vào đời mình
Đức Yêsu đã nhổ nước
miếng và bôi vào lưỡi người vừa điếc vừa ngọng. Ở vào trường hợp của chúng ta,
chúng ta có để cho Đức Yêsu làm như vậy không? Hay chúng ta cho rằng như vậy
quá dơ, mất vệ sinh? Nếu người điếc ngọng này từ chối không để cho Đức Yêsu
làm, chắc phép lạ không thể xảy ra được. Để phép lạ có thể xảy ra, con người
phải sẵn sàng để Thiên Chúa can thiệp vào đời của mình lúc nào Ngài muốn và
cách nào Ngài muốn. Con người không thể xác định cách thức và thời điểm buộc
Thiên Chúa phải thực hiện được. Thái độ không phê bình, không lấy mình làm
chuẩn, không lấy những tiêu chuẩn của mình để ép Thiên Chúa làm điều này điều
kia, phải là thái độ của con người trong tương quan với Thiên Chúa. Tương tự
vậy, cách thái con người đối xử với Thiên Chúa, cũng phải là cách thái con
người đối xử với nhau: không ép buộc xúc phạm người khác.
ii. Mầu nhiệm
nhập thể giúp hiểu cung cách hành xử của Đức Yêsu
Phải chăng Đức Yêsu
không đủ quyền năng nên không thể chỉ dùng lời mà chữa người vừa điếc vừa ngọng
được, nên Ngài phải đặt tay vào lỗ tai của anh ta, và phải bôi nước miếng vào
lưỡi anh ta? Hay Ngài làm như vậy vì một lý do nào khác?
Mầu nhiệm nhập thể
chỉ được hiểu và phát biểu, khi con người biết Đức Yêsu là Thiên Chúa, nghĩa là
sau khi Đức Yêsu đã chết và phục sinh. Khi Đức Yêsu còn đang sống đời tại thế,
con người không thể hiểu mầu nhiệm nhập thể, vì lúc đó con người chưa biết Đức
Yêsu là Thiên Chúa. Người ta kết án tử và giết chết Đức Yêsu, vì cho rằng Ngài
phạm thượng, cho rằng Ngài chỉ là một người mà lại dám nhận mình ngang hàng với
Thiên Chúa (Mc.14, 62-64).
Đức Yêsu là Thiên
Chúa nhập thể, nghĩa là Ngài nên giống con người mọi đàng trừ tội (Dt.2, 17;4,
15), thế nên cái biết của Ngài cũng tăng trưởng. Vì là người, nên có nhiều điều
Ngài không biết. Rồi với thời gian khi Ngài ý thức sứ mạng của Ngài, Ngài đã đi
rao giảng; và khi ý thức về chính mình “Ngài là Thiên Chúa” thì Ngài mặc khải
điều này cho con người, dù rằng mặc khải đó con người chưa thể chấp nhận được.
Cần phân biệt: Ngài vẫn là Thiên Chúa khi Ngài còn là bào thai nơi dạ Đức Mẹ,
nhưng việc Ngài ý thức Ngài là Thiên Chúa lại là một điều khác.
Cách hành xử cũng
tương tự vậy khi Ngài chữa bệnh cho người ngọng và điếc này: Ngài thấy sao thì
Ngài làm vậy. Ngài thấy cần phải đặt tay vào lỗ tai người điếc thì Ngài làm,
cần bôi nước miếng vào lưỡi của anh ta thì Ngài làm. Nhưng với hành vi đó của
Ngài, con người ngày nay hiểu hơn về bí tích. Bí tích là những dấu chỉ do Đức
Yêsu thiết lập để ban ân sủng cho con người. Khi Hội Thánh thực hiện dấu chỉ
hữu hình Đức Yêsu thiết lập, thì qua đó Thiên Chúa ban ân sủng cho con người.
Ngày nay Hội Thánh vẫn cử hành các bí tích- những dấu chỉ hữu hình Đức Yêsu
thiết lập để ban ân sủng cho con người. Những dấu chỉ “bí tích” là những dấu
chỉ có lời kèm theo; chẳng hạn bí tích rửa tội là đổ nước và lời “tôi rửa con
nhân danh Cha Con và Thánh Thần”; bí tích “Thánh Thể” là bánh rượu và lời
truyền phép “này là mình ta... này là máu ta...”.
Đức Yêsu là bí tích
nguyên thủy, là bí tích nguồn, vì Đức Yêsu là dấu chỉ qua đó Thiên Chúa ban ân
sủng cho con người. Hội Thánh cũng là bí tích theo một nghĩa nào đó, vì Thiên
Chúa vẫn ban ân sủng cho con người qua
Hội Thánh. Tuy vậy theo cách nói bình thường, Hội Thánh tuyên xưng có bảy bí
tích Đức Yêsu đã thiết lập để ban ân sủng cho con người.
Câu
hỏi gợi ý chia sẻ dựa vào Lời Chúa ngày Chủ Nhật:
1. Cách thế bạn đối xử với người giầu và
người nghèo có khác nhau không? Nếu khác, thì tại sao vậy? (Gc.2, 1-5).
2. Theo bạn, Đức Yêsu khi còn nhỏ có biết
tất cả chưa? Nếu bạn cho là Ngài đã
biết tất cả, thì bạn giải thích hai câu trong thư của thánh Phaolô thế
nào (Dt.2, 17; 4, 15)?
3. Bạn có biết rằng theo tin mừng Maccô, có
nhiều điều Đức Yêsu không biết không? Xin bạn kể một vài trường hợp để chứng
minh.
4. Xin bạn kể bảy bí tích, và nói ân sủng
đặc biệt của từng bí tích? Bí tích nào ban cho chúng ta chính Thiên Chúa? Xin
giải thích.
HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA
LỜI CHÚA NĂM A LỜI CHÚA NĂM B LỜI CHÚA NĂM C
Chúc bạn
an vui hạnh phúc.
Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.