HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA LỜI CHÚA NĂM
A LỜI CHÚA
NĂM B LỜI CHÚA NĂM C
SỐ PHẬN CỦA ĐỨC YÊSU
Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.
Ys.50, 5-9a; Gc.2, 14-18; Mc.8, 27-35 Chúa
Nhật 24 năm B
Căn tính của Đức Yêsu
Sau bao nhiêu lời
giảng dạy và phép lạ đã thực hiện nơi người Do Thái, Đức Yêsu muốn biết dân
chúng nghĩ sao về Ngài. Ngài hỏi các tông đồ: “Người ta bảo Con Người là ai?” Các
tông đồ trả lời: “người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, người khác bảo là Elia, và
người khác nữa thì nói thầy là một tiên tri nào đó”.
Đức Yêsu muốn biết
lập trường quan điểm của các tông đồ: “còn các anh em, anh em nói thầy là ai?”
Phêrô đã mau mắn đại diện các tông đồ trả lời: “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa
hằng sống”. Theo Đức Yêsu, Phêrô biết điều này không phải do tự sức con người
của Phêrô, nhưng do được Thiên Chúa mặc khải.
Lời tuyên xưng của
Phêrô có nghĩa gì? Từ ngữ “Kitô”, được dịch theo âm bởi chữ Hylạp “Khristos”
(tiếng Anh và Pháp dịch là Christ), và rồi chữ “Khristos” tiếng Hylạp là dịch
theo nghĩa chữ Massiah tiếng Dothái, có nghĩa được xức dầu. Từ ngữ “Con Thiên
Chúa” cũng được dùng trong Cựu Ước; có nhiều người được gọi là con Thiên Chúa,
chẳng hạn những người công chính, các vị vua và ngay cả các thiên thần. Ngày
nay các kitô-hữu đều nhận mình là con Thiên Chúa.
Từ ngữ “Con Thiên
Chúa”, hiểu như người được Thiên Chúa sinh ra và đồng bản tính với Thiên Chúa,
thì chỉ có Đức Yêsu. Tuyên xưng Đức Yêsu là Con Thiên Chúa và đồng bản tính với
Thiên Chúa, là tuyên xưng “Đức Yêsu là Thiên Chúa”. Điều này người ta chỉ nhận
biết sau khi Đức Yêsu phục sinh, và các tông đồ là những người đầu tiên nhận
biết điều này.
Trước khi biết Đức
Yêsu là Thiên Chúa, thì chữ “con Thiên Chúa” theo người Do Thái chỉ có nghĩa là
người đặc biệt, người luôn làm theo ý Thiên Chúa, người được Thiên Chúa yêu
thương. Thế nhưng cho dù các Tin Mừng đề cập đến Đức Yêsu trước khi Ngài phục
sinh, nhưng tất cả các Tin Mừng lại được viết sau biến cố Đức Yêsu phục sinh,
sau khi các tông đồ đã nhận biết Đức Yêsu là Thiên Chúa, nên các nhà chú giải
có khuynh hướng giải thích lời tuyên xưng Đức Yêsu là Con Thiên Chúa của Phêrô
như lời tuyên xưng thần tính của Đức Yêsu.
Đức Yêsu đã cấm các
tông đồ loan báo điều các ông được mặc khải “Ngài là Đức Kitô”. Sở dĩ vậy vì
dân chúng thời đó lại hiểu “Đức Kitô” theo một nghĩa khác. Trong lịch sử dân Do
Thái, khi dân bị khốn khổ bị hà hiếp bị áp bức bởi dân tộc khác như thời ở bên
Ai Cập, thời các thẩm phán, thời lưu đày, thì Thiên Chúa đã sai các vị “kitô”
tới để giải phóng dân, chẳng hạn Thiên Chúa đã sai Môsê giải phóng dân khỏi Ai
cập, sai các thẩm phán như Samson, Đêborah, và thời lưu đày đã sai Kyrô (Ys.45,
1) v.v.. Chính vì vậy Đức Yêsu không muốn các tông đồ nói điều này ra, vì như
vậy, dân chúng sẽ tưởng Ngài là một vị “Kitô” chính trị, đến để giải phóng dân
Do Thái khỏi bị người Roma đô hộ.
Đức Yêsu là ai?
Phêrô đã đại diện các tông đồ trả lời: Thầy là Đấng được xức dầu, được Thiên
Chúa sai đến với con người, Thầy là Con Thiên Chúa. Thế còn đối với tôi, Đức
Yêsu là ai?
Số phận của Đức Yêsu và số
phận của tôi
Đức Yêsu đã bị bắt,
bị đánh đập hành hạ, bị giết...!
Đức Yêsu, là Đấng
Kitô, là Đấng thánh của Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa. Thế mà
Ngài bị khốn khổ như vậy sao? Ngài phải bị như vậy sao? Tại sao Ngài chấp nhận
điều đó?
Ở vào địa vị của
tôi, tôi sẽ làm gì? Tôi có hành xử như Ngài không?
Điều kiện để theo Đức Yêsu
“Ai muốn theo tôi,
phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo tôi.” Tôi tớ không lớn hơn
chủ. Tôi tớ được bằng thầy là khá lắm rồi. Tôi thật sự có muốn làm môn đệ của
Đức Yêsu không? Nếu tôi muốn làm môn đệ của Đức Yêsu, tôi có sẵn sàng chấp nhận
số phận của Đức Yêsu là số phận của tôi không? Tôi có sẵn sàng chấp nhận thập
giá mình không? Thập giá mình, là những giới hạn của con người tôi, những điều
tôi không muốn về tôi nhưng tôi vẫn vậy, tôi có sẵn sàng chấp nhận, và sẵn sàng
cậy dựa vào Thiên Chúa để Ngài làm tất cả cho tôi, để Ngài là tất cả cho tôi
không?
Cách thế của Đức
Yêsu là tự hủy, là chấp nhận con người, chịu đựng cả sự lạm dụng tự do của con
người nữa. Ngài chỉ muốn dùng tình yêu để đánh động lòng người để họ nhận biết
tình yêu của Thiên Chúa, để họ trở về với Thiên Chúa, để họ nên giống Thiên
Chúa, để họ là con Thiên Chúa thật sự.
Chúng ta là con
Thiên Chúa, khi chúng ta suy nghĩ và hành động như Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu
thương, con Thiên Chúa cũng phải sống yêu thương; Thiên Chúa nhân hậu và tha
thứ, con Thiên Chúa cũng phải biết nhân hậu và tha thứ; Thiên Chúa muốn con
người hạnh phúc, con Thiên Chúa cũng muốn con người, và cụ thể là những người
sống quanh mình được hạnh phúc.
Tôi có sẵn sàng
chấp nhận con người của tôi, thập giá hằng ngày của tôi để bước theo Ngài
không?
HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA LỜI CHÚA NĂM
A LỜI CHÚA
NĂM B LỜI CHÚA NĂM C
Chúc bạn an vui hạnh phúc.
Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.