HOME     CHIA SẺ LỜI CHÚA     LỜI CHÚA NĂM A     LỜI CHÚA NĂM B     LỜI CHÚA NĂM C

 

 

ĐIỀU ĐÁNG KHAO KHÁT TÌM KIẾM

                        Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.

Kn.7, 7-11; Dt.4, 12-13; Mc.10, 17-30 (Chúa Nhật 28 năm B)

Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?

Anh nhà giầu này rất tốt. Tuy có nhiều tiền nhưng anh ta còn muốn cái gì hơn nữa: sự sống đời đời. Anh ta không chỉ muốn “được” ở đời này, nhưng còn muốn “được” cả ở đời sau. Có lẽ anh ta đã thao thức về “sự sống đời đời” lâu rồi, nhưng không biết hỏi ai, không biết làm gì để chắc chắn được sống đời đời.

Đức Yêsu là người đáng tin để anh ta có thể hỏi điều này: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”. Đức Yêsu trả lời: “Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ kính cha mẹ”. Có lẽ anh ta thầm nghĩ: tưởng Thày dạy điều gì cao siêu và mới lạ, chứ những điều này qúa cũ và ai cũng biết, chỉ là mười giới răn của Thiên Chúa truyền qua Môsê lâu rồi. Anh ta đáp lại: “Thưa Thầy tất cả những điều đó tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ”.

Tại sao buồn?

 “Anh chỉ thiếu một điều, hãy đi bán tất cả những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ có một kho tàng trên trời, rồi hãy đến mà theo tôi”. Nếu đi theo Đức Yêsu, sẽ trở thành kẻ không cửa không nhà: “chồn cáo có hang, chim trời có tổ, nhưng con người không có chỗ tựa đầu” (Lc.9, 58). Đi theo Đức Yêsu, sẽ phải bữa đói bữa no, có thể sẽ bị đói như các tông đồ đã từng bị đói và phải bứt gié lúa ăn khi đang trên đường (Mt.12, 1).

Nghe lời  nói của Đức Yêsu, anh ta buồn rầu bỏ đi vì anh ta có nhiều của. Anh ta không thể bỏ của cải, dù nếu làm như vậy chắc chắn anh sẽ được sự sống đời đời.

Câu trả lời của Đức Yêsu, cho anh ta biết anh ta là ai, anh ta tốt đến mức độ nào? Lời của Đức Yêsu giúp con người nhận biết chính mình. “Lời của Thiên Chúa sống động sắc bén hơn gươm hai lưỡi, phê phán tâm tình cũng như tư tưởng, phơi bày trần trụi lòng dạ con người” (Dt.4, 12-13).

Biết ý Chúa mà không làm, sẽ làm con người ủ dột, buồn phiền, không triển nở. Không phải vì Thiên Chúa phạt, nhưng vì làm theo điều Chúa muốn, làm theo tiếng Chúa gọi, là điều tốt nhất cho mình, nên sẽ làm mình triển nở và hạnh phúc. Còn với những người không làm theo tiếng Chúa, không đáp lại tiếng Chúa gọi, thì Chúa vẫn thương yêu tha thứ; Thiên Chúa vẫn luôn tìm  làm những điều tốt nhất cho họ ngay trong hoàn cảnh hiện tại của họ. Tình thương của Thiên Chúa đối với con người vượt trên sức hiểu biết của con người.

Bỏ mọi sự để theo Chúa mới là giá trị

Các tông đồ không thể hiểu, không thể tin rằng “những người giầu có khó vào nước Trời”. Như thể Đức Yêsu nói điều đó để chữa mình, để biện minh cho sự thất bại của mình: “gọi mà người ta không theo”. Đức Yêsu lập lại và còn nói rõ hơn: “lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu vào nước Thiên Chúa”. Ấy thế mà Thiên Chúa vẫn luôn làm những điều con người không thể làm được: người giầu vẫn được vào nước Thiên Chúa. Sở dĩ vậy vì Chúa vẫn thương người giầu như Ngài thương người nghèo.

Những ai dám bỏ tất cả mà theo Chúa, sẽ được cả đời sau lẫn đời này: “sẽ được gấp trăm về nhà cửa, anh em chị em....cùng với bắt bớ”. Bạn có dám tin điều này không? Bị bắt bớ cũng là điều “được” đối với Đức Yêsu!

Xin cho những ai được Chúa mời gọi, can đảm và quảng đại đáp trả tiếng Ngài. Lời mời gọi này thế gian không thể nào hiểu nổi. Những người “đáp trả tiếng Chúa gọi” vẫn là những người điên theo tiêu chuẩn thế gian.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ:

1. Đâu là những điều lợi và hại của người có nhiều tiền của?
2. Đâu là những điều lợi và bất lợi của người nghèo? (nghèo không đồng nghĩa với bần cùng)
3. Một người luôn bận tâm tìm kiếm tiền bạc, liệu có thể dễ dàng cưỡng lại những cám dỗ của tiền bạc không? Xin kể kinh nghiệm hoặc những điều được nghe?
4. Bạn ao ước tìm kiếm gì trên đời nhất?
5. Điều bạn ao ước có thể đạt được không? Xin bạn chia sẻ tiến trình bạn sẽ theo để đạt được điều đó?
(Chỉ cần chia sẻ câu 1, 3 và 4 cũng đủ).

HOME     CHIA SẺ LỜI CHÚA     LỜI CHÚA NĂM A     LỜI CHÚA NĂM B     LỜI CHÚA NĂM C

 

 

Chúc bạn an vui hạnh phúc.

Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.

[email protected]