HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA
LỜI CHÚA NĂM A LỜI CHÚA NĂM B LỜI CHÚA NĂM C LỄ THIÊN CHÚA BA NGÔI Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J. Lễ Chúa Ba
Ngôi, năm B (Dnl.4,
32-34.39-40; Rm.8, 14-17; Mt.28, 16-20) Chúa Nhật ngay
sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Giáo Hội hoàn vũ mừng lễ Thiên Chúa Ba Ngôi.
Đức Yêsu là Đấng mặc khải Thiên Chúa và con người. Chính nhờ Đức Yêsu, mà con
người biết Thiên Chúa Ba Ngôi Vị. i. Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Thiên Chúa Duy Nhất Trong sách Đệ Nhị
Luật, người Do Thái đã nhận biết Thiên Chúa là Đấng duy nhất: “Nghe đây hỡi
Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đấng duy nhất. Hãy yêu mến Thiên Chúa
hết linh hồn hết trí khôn hết sức lực ngươi” (Dnl.6, 4-5). Chính Thiên Chúa là
Đấng đã dẫn dân Do Thái ra khỏi Aicập qua Môsê. Thiên Chúa đã đồng hành với dân
Do Thái qua cột mây lửa trong sa mạc. Trên núi Sinai, Thiên Chúa đã ký kết giao
ước với dân và đã ban thập giới như điều kiện giao ước. Thiên Chúa tỏ lộ Ngài
cao cả siêu việt và là Đấng yêu thương dân Do Thái vô cùng. Trong Tân Ước,
khi người ký lục hỏi Đức Yêsu về giới răn trọng nhất, Đức Yêsu đã trích dẫn Ngũ
Kinh để trả lời cho ông và các bạn của ông ta. “Giới răn trọng nhất là: Hỡi
Israel hãy nghe đây. Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Đấng duy nhất, hãy yêu
mến Thiên Chúa hết linh hồn hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Giới răn thứ hai
là: hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi” (Mc.12, 29-31). Đức Yêsu đã dạy
cùng một điều mà người Do Thái đã được dạy dỗ và đã biết. Thiên Chúa là
Đấng duy nhất, Đấng trổi vượt trên tất cả. Thiên Chúa là Đấng sáng tạo nên tất
cả, là Cha của tất cả. Ngài là Thiên Chúa của tất cả mọi dân tộc, không gì có
mà lại không do Thiên Chúa mà có. Thiên Chúa là Đấng Quan Phòng, Ngài tạo dựng
và làm cho tất cả tiếp tục tồn hữu. Thiên Chúa làm mưa xuống cho người công
chính cũng như kẻ bất lương. Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người. ii. Đức Yêsu Mạc Khải về Thiên Chúa Khi hài nhi Yêsu
được sinh ra tại Bêlem, không ai biết Ngài là Thiên Chúa, không ai biết Ngài là
Thiên Chúa nhập thể. Ngay khi Đức Yêsu đi rao giảng, cả các tông đồ là những
môn đệ thân tín của Ngài, cũng chưa nhận biết Ngài là Thiên Chúa nhập thể. Họ
có cùng ý nghĩ với dân chúng, Đức Yêsu là một tiên tri, và một cách đặc biệt
hơn, Ngài là Đấng Kitô (Mt.16, 16). Khi Đức Yêsu chết trần trụi ô nhục trên
thập giá, các tông đồ chán nản sợ sệt, thậm chí có môn đồ đã bỏ về quê (hai môn
đệ trên đường Emmau). Những người giết Đức Yêsu cũng không biết Ngài là Thiên
Chúa nhập thể, vì nếu họ biết đâu họ có giết Ngài. Chính Đức Yêsu trên thập giá
cũng nghĩ rằng người ta không biết về Ngài một cách thực sự nên đã xin với
Thiên Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng lầm chẳng biết” (Lc.23, ).
Mầu nhiệm nhập thể là mầu nhiệm quá cao vời mà lý trí con người không thể suy
biết được trước khi Đức Yêsu sống lại từ cõi chết. Khi Đức Yêsu phục
sinh từ cõi chết, các tông đồ nhận ra Ngài là Đấng rất đặc biệt. Ngài đến từ
Thiên Chúa, Ngài là Đấng Kitô, Đấng Thiên Sai, và có lẽ còn là Đấng có gì đặc
biệt hơn nữa. Nhờ Chúa Thánh Thần, các tông đồ nhớ lại những gì Đức Yêsu đã
nói, đã dạy dỗ khi còn ở với các ông trên trần thế, về quyền tha tội (Mc.2, 7),
về trước khi có Abraham đã có Ngài (Ga.8, 58), về việc Ngài và Cha là một
(Ga.10, 30), về việc Ngài ngự bên hữu Thiên Chúa (Mc.14, 62). Các tông đồ nhận
ra Đức Yêsu là người rất đặc biệt của Thiên Chúa, là Đấng thuộc hoàn toàn về
Thiên Chúa, đến độ có thể nói, Ngài là Đấng ngang hàng với Thiên Chúa. Con người đứng
trước mầu nhiệm Đức Yêsu, đã cố gắng tìm những từ ngữ để diễn tả thực tại này,
chẳng hạn như nói: Đức Yêsu là Lời Thiên Chúa nhập thể, Đức Yêsu là Con Một
Thiên Chúa. Công đồng chung Nicea (325) dạy: Đức Yêsu là Đấng “đồng bản tính”
với Thiên Chúa. Nói bằng một ngôn từ khác, Đức Yêsu là Thiên Chúa, Đức Yêsu là
Thiên Chúa nhập thể, Đức Yêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể. Những thánh công
đồng chung tiếp theo sau đã tiếp tục dạy về thực tại Đức Yêsu. Đức Yêsu là Đấng
đồng nhất với Thiên Chúa, là một với Thiên Chúa. Không phải Đức Yêsu là Thiên
Chúa “khác” độc lập với Thiên Chúa, nhưng Ngài kết hiệp với Thiên Chúa đến độ
chỉ là một Thiên Chúa. Từ ngữ ngôi vị (persona) của ngày hôm nay làm cho người
ta tưởng rằng Đức Yêsu là một thực tại hiện hữu độc lập bên cạnh Thiên Chúa,
như thể nhiều người khác biệt nhau nhưng đều có cùng bản tính người. Người ta
không được hiểu như vậy về Thiên Chúa. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là
một Thiên Chúa nhưng không là ba thực tại hiện hữu độc lập khác nhau. Khi nói
Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là Ba Ngôi Vị Thiên Chúa, là chúng ta
đang diễn tả nét khác nhau giữa Thiên Chúa Cha và Đức Yêsu, giữa Thiên Chúa Cha
và Thánh Thần, và giữa Đức Yêsu và Thánh Thần. iii. Thánh Thần là Thiên Chúa Chỉ nhờ Đức Yêsu
mà người ta nhận ra Thánh Thần là một ngôi vị Thiên Chúa. Đức Yêsu nói về Thánh
Thần như một ngôi vị. Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ, Đấng Bầu Chữa, Đấng đến từ
Thiên Chúa Cha, Đấng được Cha và chính Đức Yêsu sai gởi tới (Ga.14, 16.26; 15,
26; 16, 13-16). Ngay khi còn tại
thế, Đức Yêsu đã giảng dạy về Thánh Thần như vậy, nhưng các tông đồ chưa hiểu
được, phải chờ đến khi Đức Yêsu phục sinh và với tác động của Thánh Thần, các
tông đồ mới nhận ra Đức Yêsu là Thiên Chúa nhập thể; và một khi nhận ra Đức
Yêsu là Thiên Chúa nhập thể, các tông
đồ mới nhận ra Thánh Thần là Ngôi Vị Thiên Chúa. Chính nhờ Đức Yêsu và nhờ
Thánh Thần, mà con người mới hiểu biết hơn về Thiên Chúa, mới biết Thiên Chúa
là Ba Ngôi Vị. Thiên Chúa sáng
tạo mọi loài, tạo dựng mỗi người qua cha mẹ mỗi người. Thiên Chúa nhập thể làm
người để mặc khải cho con người biết hơn về Thiên Chúa, để chỉ cho con người
biết sống như thế nào để hạnh phúc thật, để trở nên con cái đích thực của Thiên
Chúa. Thánh Thần được sai đến để ở với con người, để thánh hóa con người, để
làm con người thuộc về Thiên Chúa. Thiên Chúa, Đức Yêsu và Thánh Thần là Ba
Ngôi Vị khác biệt nhau, nhưng vẫn luôn là một Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng
duy nhất trong ba ngôi vị. Câu hỏi gợi ý chia sẻ 1. Bạn có cảm
thấy Thiên Chúa gần gũi với bạn không? Xin chia sẻ kinh nghiệm. 2. Bạn có cảm
nhận gì về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi? 3. Bạn thường cầu
nguyện với ngôi vị nào hơn cả? Bạn có biết tại sao? HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA
LỜI CHÚA NĂM A LỜI CHÚA NĂM B LỜI CHÚA NĂM C Chúc
bạn an vui hạnh phúc.
Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.
[email protected]