HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA
LỜI CHÚA NĂM A LỜI CHÚA NĂM B LỜI CHÚA NĂM C TẬP TỤC VÀ
LỜI CHÚA Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J. Chúa Nhật
thứ hai mươi hai thường niên, năm B Có những người chẳng để ý đến lề luật, nên
không tôn trọng quyền lợi người khác; nhưng cũng có những người quá để ý đến luật, đến trở thành nô lệ lề luật.
Đức Yêsu trách một số người thời đó “bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ
tập tục loài người”. i. Lời Thiên Chúa và lời con người Thiên Chúa đã ban
mười điều luật cho dân Israel qua Môsê, và ông đã dạy dân Do Thái: “các ngươi
chớ thêm bớt điều gì trong các điều ta đã truyền, nhưng hãy tuân giữ các giới
răn của Chúa là Thiên Chúa các ngươi mà ta đã truyền cho các ngươi”. Đừng thêm
và cũng đừng bớt vào những điều Thiên Chúa dạy. Đừng làm lẫn lộn lời của con
người với Lời Thiên Chúa. Chỉ có Lời Thiên Chúa mới phải giữ một cách tuyệt
đối, còn lời của con người thì tùy thuộc thời đại và tùy thuộc văn hóa của mỗi
dân tộc. Tuy nhiên, có Lời
Chúa nào mà không phải là lời của con người? Để con người nghe được Lời Chúa,
thì Lời Chúa cũng phải là lời của con người, phải được truyền qua trung gian
con người. Để dân có thể nghe được Lời Chúa, Lời Chúa đã qua trung gian là lời
Môsê. Lời của Môsê nhưng không phải là lời của Môsê, nên Môsê cũng phải phục
tùng Lời Chúa mà Môsê đã được trao để truyền lại cho dân. Vấn đề chính yếu
là phải nhận định được đâu là Lời Chúa và đâu là lời của con người, xét như
phương tiện chuyển tải Lời Chúa. Đâu là Lời Chúa, đâu là lời của Môsê, đâu là
văn hóa của thời đại chuyển tải Lời Chúa? Thập giới là Lời Chúa, và thập giới
cho con người biết con người phải có tương quan như thế nào đối với Thiên Chúa.
Vào thời cánh chung, Lời Thiên Chúa đã làm người. Đức Yêsu là Lời Thiên Chúa
nhập thể, nên con người cũng là Lời Thiên Chúa, vì Lời Thiên Chúa đã làm người. ii. Tập tục con người và giới răn Thiên Chúa Con người là vật
chất và tinh thần. Thân xác vật chất bị giới hạn, nên con người cũng bị giới
hạn. Khi Lời Thiên Chúa nhập thể, thân xác giới hạn của con người có thể che
khuất làm con người khó nhận ra chân tướng của Lời Thiên Chúa nhập thể; cũng
tương tự vậy, lời con người cũng có thể làm lu mờ Lời Chúa khi Lời Chúa được
diễn đạt qua trung gian lời con người. Trong lịch sử,
Lời Thiên Chúa đã được con người giải thích, với mong ước con người hiểu biết
hơn về Lời Chúa, để có thể sống theo Lời Chúa. Tuy nhiên, vì có quá nhiều những
lời giải thích nên người ta không còn nhận ra đâu là điểm chính yếu mà lề luật
hay Lời Chúa muốn nói. Rồi tới một mức độ nào đó, người ta lấy những lời dạy của
con người và coi đó như là tuyệt đối quan trọng (như thể đó là Lời Chúa). Đó là
lý do tại sao Đức Yêsu nói: “Dân này sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy
những giáo lý và những luật lệ loài người. Vì các ngươi bỏ qua giới răn Thiên
Chúa, để nắm giữ tập tục loài người”. Con người phải
được thanh tẩy liên tục để có thể nghe được Lời Chúa nói với mỗi người, và giữ
mình khỏi bị ràng buộc bởi những lời giải thích Lời Chúa và luật Chúa. Truyền
Lời Chúa lại cho con cháu, đó là bổn phận mà mỗi người thực thi. Tuy nhiên, con
người phải phân biệt Lời Chúa và những giải thích về Lời Chúa. Cần thiết phải
giữ Lời Chúa, chứ không phải giữ tập tục của con người. Thiên Chúa luôn muốn
điều tốt lành cho con người, nên Lời Thiên Chúa làm con người được giải phóng
khỏi mọi ràng buộc, giúp con người tự do và sống hạnh phúc với Thiên Chúa;
ngược lại, tục lệ con người làm người ta trở thành nô lệ. Không được nhân danh
Lời Chúa để bắt con người trở nên nô lệ cho những điều thuộc trần thế. iii. Thiên Chúa Đấng ban luật lệ cho con người Luật Thiên Chúa
ban cho con người, không phải để cưỡng ép con người, nhưng để giúp con người
được tự do thực sự. Con người có thể bị ràng buộc bởi lòng ham mê tiền bạc,
lòng ham mê sắc dục, sợ chết, v.v. Mười Lời (thập giới) được ban cho con người,
giúp con người nhận ra mình bị nô lệ khi thấy mình đã vi phạm thập giới. Luật
Chúa là dấu chỉ cho con người biết về chính mình. Đấng ban luật cho
con người, là Đấng muốn con người được tự do. Thiên Chúa tạo dựng con người
giống hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng sáng tạo muốn loài, Ngài là chủ,
là vua. Ngài không nô lệ bất cứ điều gì nhưng tự do với tất cả để yêu thương.
Thiên Chúa yêu thương, và muốn con người nên giống Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn
con người làm chủ tất cả, tự do với tất cả. Thiên Chúa muốn con người sống hạnh
phúc như Thiên Chúa. Khi con người còn
quy tất cả về chính mình, thì con người chưa thể yêu thương thật sự. Khi con
người muốn đặt mình trên tất cả, thì con người chưa thực sự được tự do. Yêu
thương và phục vụ, là dấu chỉ của một người đang trở nên giống Thiên Chúa. Hạnh
phúc không thể có được chỉ bằng thỏa mãn những nhu cầu vật chất của con người.
Hạnh phúc đòi hỏi điều gì thâm sâu hơn, và chính Đức Yêsu đã sống hạnh phúc
trong chính cuộc đời dương thế của Ngài. Hạnh phúc của Đức Yêsu, liên hệ đến
tất cả con người của Ngài, và là tình trạng mẫu mực con người phải đạt. Khi đó
con người sống an bình và hòa hợp với Thiên Chúa. Câu hỏi gợi ý chia sẻ 1. Tự do nội
tâm là gì? Bạn có bị ràng buộc bởi điều gì “bất chính” không? 2. Theo bạn,
luật lệ đời giúp gì cho con người? Luật Chúa giúp gì cho con người? 3. Với bạn,
bạn cần tự do để yêu thương, hay chính khi bạn yêu thương thì bạn tự do? HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA
LỜI CHÚA NĂM A LỜI CHÚA NĂM B LỜI CHÚA NĂM C Chúc
bạn an vui hạnh phúc.
(Dnl.4, 1-2.6-8; Gc.1, 17-18.21-22.27; Mc.7, 1-8.14-15.21-23)
Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.
[email protected]