HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA
LỜI CHÚA NĂM A LỜI CHÚA NĂM B LỜI CHÚA NĂM C SỐNG THEO
THẦN KHÍ Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J. Chúa Nhật
thứ hai mươi sáu thường niên, năm B Làm sao để sống
hạnh phúc, làm sao để sống tốt, làm sao để hình thành quan điểm sống đúng đắn
để qua đó một người có thể sống bình an hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại? i. Mọi sự tốt lành đều do Thiên Chúa mà có Thiên Chúa là ai?
Ngài là Đấng vượt lên tất cả, Ngài là Cha của tất cả, là Đấng ban cho con người
tất cả những gì con người đang sở hữu hoặc đang có khả năng thực hiện. Chính
Thiên Chúa là Đấng làm cho Eldad và Medad nói tiên tri ngay khi ở trong lều
riêng của các ông, và cũng là Đấng làm cho những người khác có tên trong danh
sách mà đi ra nhập hàng ngũ cùng với Môsê được nói tiên tri. Giôsuê đã suy
nghĩ và hành động với tinh thần phe phái: nếu không ra gia nhập hàng ngũ như
những người khác thì không được nói tiên tri. Giôsuê đâu có biết rằng khi anh
muốn cản người khác làm điều họ được Thiên Chúa thúc đẩy, là vô tình anh đã
muốn cản cả tác động của Thiên Chúa nữa. Cũng tương tự vậy khi Yoan ngăn cản
một người nhân danh Đức Yêsu mà làm phép lạ, vì “người đó không là một trong
chúng ta”. Ai có thể làm phép lạ nếu không phải chính Thiên Chúa đã làm phép lạ
qua trung gian người đó. Đức Yêsu đã trả lời Yoan: “đừng cản họ, vì nếu họ nhân
danh Thầy mà làm phép lạ, thì họ cũng không phải là kẻ chống lại Thầy”. Ai
không chống lại chúng ta, là thuận theo chúng ta. Tinh thần phe
phái là tinh thần muốn loại Thiên Chúa ra khỏi hành động của con người, hoặc
muốn kéo Thiên Chúa về phe mình. Thực ra Thiên Chúa ở trên tất cả, Ngài là Đấng
cho tất cả, Ngài thuộc về tất cả để tất cả được thuộc về Ngài. Tất cả tốt lành
đều từ Thiên Chúa mà tới, đều do Thiên Chúa mà có. Muốn độc quyền Thiên Chúa,
muốn điều tốt chỉ từ phe phái của mình, là muốn giới hạn Thiên Chúa, là muốn
điều khiển Thiên Chúa theo ý mình. Tư tưởng Thiên Chúa không như tư tưởng của
con người, Ngài vượt trên tất cả. ii. Những người bám víu vào của cải đời này Trần gian với
những tiện nghi vật chất, là điều người đời thường tham muốn. Người ta muốn
sống hưởng thụ những thú vui vật chất, thỏa mãn xác thịt. Người ta thường nghĩ
rằng với tiền bạc, người ta sẽ có tất cả. Tiền bạc giúp người ta có nhà cao cửa
rộng, tiện nghi vật chất, được người đời kính trọng. Người ta thường
cho rằng, có tiền muốn gì mà chẳng được: “đồng tiền là tiên là Phật, là sức bật
của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà của danh vọng, là cái lọng để
che thân, là cán cân của công lý”. Với đồng tiền, người ta có thể mua chuộc
được tất cả, lấy lòng được con người, kể cả những người thế giá nhất, uy quyền
nhất. Nếu một người đặt tiền bạc là quan trọng, hoặc danh vọng là quan trọng,
thì tiền bạc là một giá trị và phương tiện có thể mua chuộc hoặc điều khiển
được người đó. Làm sao để con
người có một bậc thang giá trị đúng đắn, nghĩa là đặt tiền bạc danh vọng chức
quyền vào đúng chỗ của nó. Trên đời này, điều gì là quan trọng nhất, điều gì mà
mỗi người phải chú ý để có thể đạt được hạnh phúc trong cuộc sống? Nếu một
người đặt sai bậc thang giá trị và theo đuổi những điều không chính đáng, thì
những người liên hệ với người đó khổ, và chính người đó cũng không thể hạnh
phúc. Chỉ những ai đặt Tuyệt Đối là một giá trị tuyệt đối, và đặt tha nhân là
một giá trị cũng gần như một giá trị tuyệt đối, thì người đó mới sống hạnh
phúc, và những người khác sống với họ cũng mới hạnh phúc đích thực. iii. Dứt khoát với dịp tội “Nếu tay ngươi
nên dịp tội cho ngươi, thì hãy chặt nó đi vì thà rằng cụt một tay vào Nước
Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hỏa ngục”. Lời dạy của Đức Yêsu
cho thấy lập trường dứt khoát của Ngài đối với tội. Ngài coi cái gây ra tội
nguy hiểm đến thế nào! Nơi vườn dầu, Đức
Yêsu đã nói với Phêrô và các tông đồ: “hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước
cám dỗ”. Thân xác có những nặng nề của thân xác, người ta khó có thể vượt qua
những nặng nề của thân xác nếu người ta không cầu nguyện; hơn nữa, người ta khó
có thể không phạm tội nếu người ta không tránh dịp tội. Trường hợp Phêrô ở vườn
dầu: sau khi đã ăn thịt chiên vượt qua và uống rượu, thì khó ai có thể chống
lại cơn ngủ; đó là lý do tại sao Phêrô đã “không thể thức với thầy được một
giờ”. Những lề luật, thường là những gì bảo vệ đời sống ơn gọi của tu sĩ, giúp
tu sĩ khỏi sa vào những dịp tội mà không thể tránh khỏi; ai không giữ lề luật
thì đôi khi cũng là liều mình ở vào dịp tội. Những tội phạm
hình sự không có âm mưu, thường xảy ra khi người ta trong cơn say hoặc nghiện;
tránh say sưa cũng là tránh những dịp tội, và cũng là tránh tội đối với một số
người. Những người phạm tội trong những trường hợp này thường được giảm khinh
vì lúc đó họ không hoàn toàn tự do, họ sống dưới những ảnh hưởng của thể xác mà
không tự chủ hoàn toàn được. Những trường hợp này rất khác với những hành vi
của những người có âm mưu nhưng mượn rượu hay một cớ nào đó để làm điều họ muốn
làm, mà nếu họ làm lúc tỉnh thì họ sợ sẽ lãnh hoàn toàn trách nhiệm. Dứt khoát
với dịp tội, là lời dạy của Đức Yêsu đối với con người của mọi thời đại. Câu hỏi gợi ý chia sẻ 1. Theo bạn,
làm sao để sở hữu một bậc thang giá trị đúng đắn? Làm sao để đánh giá đúng đắn
thực tại trần gian, cụ thể là con người và vạn vật? 2. Theo bạn,
điều gì làm cho đương sự và người khác khổ nhất? Tại sao? 3. Theo bạn,
quan điểm lập trường sống nào làm cho chính mình cũng như những người thân và
những người sống với mình sống hạnh phúc đích thực? HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA
LỜI CHÚA NĂM A LỜI CHÚA NĂM B LỜI CHÚA NĂM C Chúc
bạn an vui hạnh phúc.
(Ds.11, 25-29; Gc.5, 1-6; Mc.9, 38-43.45.47-48)
Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.
[email protected]