HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA LỜI CHÚA NĂM
A LỜI CHÚA
NĂM B LỜI CHÚA NĂM C
CHÚA ĐÃ GỌI KHI TÔI CÒN TRONG LÒNG
MẸ
Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.
Chúa Nhật thứ mười
hai thường niên năm C
Ngày 24 tháng 6 năm 2001, lễ thánh Yoan Tẩy Giả
Is.49, 1-6; Cv.13, 22-26; Lc.1, 57-66.80
Thiên Chúa yêu thương,
gọi và chọn Yoan trở thành dấu chỉ Thiên Chúa hiện diện cho những người của
thời đại của Ngài. Hôm nay, Thiên Chúa cũng đang gọi và chọn bao người để trở
thành chứng nhân tình yêu Thiên Chúa cho con người ngày nay.
Chúa đã gọi tôi khi tôi còn trong
bụng mẹ
Em
bé Yoan được cha mẹ Zacharia và Elisabeth sinh ra trong lúc tuổi già, như một
can thiệp đặc biệt của Thiên Chúa. Yoan Tẩy Giả trở thành dấu chỉ “Thiên Chúa
yêu thương”.
Ơn
gọi không xuất hiện tình cờ, nhưng là tình yêu của Thiên Chúa được tỏ hiện
trong không gian và thời gian theo thánh ý từ muôn đời. Ơn gọi, là để thực hiện
sứ mạng. Sứ mạng của Isaya, trở thành tiên tri của Thiên Chúa cho dân Do Thái,
trở thành dấu chỉ “Thiên Chúa hiện diện và yêu thương dân”. Sứ mạng của Yoan,
là dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa cho Zacharia và Elisabeth, là dấu chỉ “Thiên
Chúa hiện diện và yêu thương” cho dân Do Thái, là Đấng Tiền Hô- dấu chỉ Thiên
Chúa sắp can thiệp một cách đặc biệt nơi lịch sử qua biến cố và con người rất
đặc biệt, Đức Yêsu.
Ơn
gọi ki-tô hữu, là trở thành dấu chỉ Thiên Chúa hiện diện và yêu thương con
người. “Thiên Chúa yêu thương con người hôm nay”, đó là điều ki-tô hữu phải
loan báo cho thế giới này hôm nay. Nói cách khác, sứ mạng ki-tô hữu là làm
chứng cho Thiên Chúa Tình Yêu.
Tôi tớ Yavê- người thi hành mọi ý
định của Thiên Chúa
“Vâng
lời trọng hơn của lễ”. David luôn vâng lời Thiên Chúa, không giết Saul là Đấng
được xức dầu tuy dù có thể giết được. Đó là một trong nhiều cách vâng lời Thiên
Chúa của David. David được coi như tôi tớ của Thiên Chúa, và là người thi hành
ý định của Thiên Chúa, nhưng điều này không miễn trừ cho David khỏi phạm tội.
David đã sa ngã, và ông đã sám hối khi được nhắc nhở; Ông đã chấp nhận hình
phạt như thái độ vâng phục Thiên Chúa, như lòng sám hối. Tuy dù đã từng phạm
tội, David vẫn được coi là một thánh vương của dân tộc Israel.
Để
thực hiện sứ mạng được trao, Yoan Tẩy Giả đã phải “ăn châu chấu và mật ong
rừng”, đã phải “sống trong hoang địa” cho tới ngày tỏ mình cho dân chúng, và đã
phải nói điều phải nói dù phải chết. Nói sự thật, là sứ mạng của một tiên tri
của mọi thời đại. Sứ mạng của một tiên tri, là nói nhân danh Thiên Chúa, nói sự
thật bất chấp những gì xảy ra. Tất cả các tiên tri đều đã phải chết vì lời các
ngài nói “nhân danh Chúa”. Yoan Tẩy Giả, vì ngăn cản Hêrođê không được lấy vợ
của anh mình, nên đã bị Hêrodia ghét và xúi con gái “xin cái đầu của Yoan”. Các
chân phước và các thánh tử đạo Việt Nam, đã phải chết vì đức tin.
Mỗi
người đều có ơn gọi và sứ mạng đặc biệt trong chương trình của Thiên Chúa. Để
thực hiện sứ mạng, đòi mỗi người phải cố gắng từng giây phút của đời mình.
Chẳng hạn nơi Zacharia và Elisabeth, hai ông bà đã phải chấp nhận “không con”
như một thử thách trong khoảng một thời gian dài, mà vẫn tin kính thờ phượng và
không oán hận Thiên Chúa. Giêrêmia đã phải loan báo Lời Chúa bất chấp những
phản đối, âm mưu hãm hại và sự căm ghét của bao người.
Bàn tay Thiên Chúa đang hiện diện
ở đây
Những
bà con thân cận và láng giềng, qua những biến cố xảy tới cho gia đình Zacharia,
nhận ra “bàn tay Thiên Chúa” đang ở với em bé, và họ chờ đợi Thiên Chúa sắp
thực hiện những điều kỳ diệu của Ngài.
Ngày
nay “bàn tay” Thiên Chúa vẫn đang tác động qua những con người. Giữa một thế
giới ham mê vật chất, tiền bạc và sắc dục, thì những người sống đời dâng hiến trở
thành dấu chỉ “Thiên Chúa hiện diện và đang hoạt động”; những người sống yêu
thương và giúp đỡ người khác, cho thấy “bàn tay” Thiên Chúa đang hiện diện nơi
con người của thời đại mình. Chẳng hạn, mẹ Têrêsa Calcuta cho thấy “bàn tay”
Thiên Chúa đang hoạt động nơi mẹ; và mẹ Têrêsa Calcuta trở thành dấu chỉ “Thiên
Chúa yêu thương” cho con người thời đại hôm nay.
Hãy
sống để “bàn tay” Thiên Chúa có thể tác động nơi mình, và để mình trở thành dấu
chỉ Thiên Chúa hiện diện trong cộng đoàn. Nếu không trở thành “dấu chỉ” Thiên
Chúa hiện diện thì hãy cố gắng để nhận ra “bàn tay” Thiên Chúa đang hiện diện
và hoạt động nơi những người chung quanh mình, và giúp người khác cũng nhận ra
“bàn tay” Thiên Chúa đang hiện diện và tác động đó. Nếu được vậy, con người sẽ
đạo đức, thánh thiện và hạnh phúc hơn.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
1. Đâu là nét đặc
trưng của người Tôi Tớ Yavê? Nét nào của Yoan Tẩy Giả bạn ưa thích nhất?
2. Ơn gọi là gì? Ơn gọi của bạn là gì? Bạn có hạnh phúc trong ơn gọi của mình
không?
3. Xin bạn kể một vài biến cố cho thấy “bàn tay” Thiên Chúa đang hiện diện và
tác động chung quanh bạn!
HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA LỜI CHÚA NĂM
A LỜI CHÚA
NĂM B LỜI CHÚA NĂM C
Chúc bạn an vui hạnh phúc.
Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.