HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA LỜI CHÚA NĂM
A LỜI CHÚA
NĂM B LỜI CHÚA NĂM C
SỐNG LỜI CHÚA
Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.
Chúa Nhật thứ mười lăm thường niên năm C
Dnl.30, 10-14; Col.1, 15-20; Lc.10, 25-37
Làm sao để được sống đời đời? Đây là câu hỏi
nhiều người đã đặt ra và cố gắng tìm câu trả lời. Đức Yêsu cũng đã được người
ta đặt cho câu hỏi này, và Ngài đã không chỉ trả lời bằng lời dạy nhưng còn
bằng chính cuộc sống của Ngài.
Lời Chúa ngay nơi lòng con người
Thời xưa người ta
cũng ao ước được biết Lời Chúa, vì người ta tin rằng Lời Chúa đem lại cho người
ta hạnh phúc. Môsê đã nói với dân chúng: Lời Chúa không ở xa con người, không ở
trên trời để người ta cho rằng mình không thể lên trời nên không biết được, Lời
Chúa không ở bên kia biển để người ta cho rằng xa quá không ai có thể tới để học
biết và trở về dạy cho họ, nhưng Lời Chúa ở ngay trong lòng mỗi người, ở nơi
miệng con người. Điều quan trọng là thực hành Lời Chúa.
Vấn đề chính yếu
không phải là biết, mà là sống Lời Chúa. Mười giới răn của Chúa tóm lại nơi hai
điều: yêu Chúa yêu người. Nói cho cùng, luật Chúa tóm mọi nơi giới luật “tình
yêu”. Yêu tất cả mọi người, yêu đặc biệt người cần đến mình giúp đỡ như người
Samaria yêu thương và giúp đỡ người bị nạn. Có thể người tư tế, luật sĩ, biệt
phái biết luật nhiều hơn người Samaria, nhưng họ không sống Lời Chúa.
Ai yêu thương, là
biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa
là tình yêu (1Ga.4, 8.16). Cái biết ở đây không là “biết nói” giỏi về Thiên
Chúa, nhưng là “biết thực” bằng cuộc sống. Không phải cứ là nhà thần học, không
phải cứ rao giảng hay về Thiên Chúa, là những người biết sâu xa về Thiên Chúa;
nếu một người nói giỏi về Thiên Chúa mà họ lại sống không yêu thương, thì họ
không phải là người biết Thiên Chúa thật.
Tập sống Lời Chúa
Sống Lời Chúa, không
dễ. Sống giới răn yêu thương, không dễ. Đức Yêsu nói: “người ta cứ dấu này mà
nhận biết các con là môn đệ thầy, là các con yêu thương nhau”. Không có dấu chỉ
khác để nhận biết người môn đệ Đức Yêsu. Dấu chỉ duy nhất để nhận biết người
môn đệ Đức Yêsu: “yêu thương”.
Yêu thương được
biểu lộ qua nhiều khía cạnh của cuộc sống. Yêu thương bằng hành động: giúp đỡ;
yêu thương bằng lời nói: dịu dàng, nâng đỡ, dứt khoát; yêu thương nơi tư tưởng:
nghĩ đúng về người khác. Yêu thương được thể hiện bằng cả ánh mắt, bằng chính
thái độ của cả con người. Tình yêu mạnh hơn sự chết, tình yêu có sức biến đổi
con người. Tình yêu làm cuộc sống tươi hơn, đẹp hơn, vui hơn. Yêu thương làm
cho người khác và làm cho chính mình triển nở và hạnh phúc hơn.
Tập yêu mỗi ngày.
Thất bại là mẹ thành công. Mình muốn sống yêu thương, mà dường như con người
của mình không muốn tuân theo điều mình muốn. Tình yêu không chỉ hệ tại nơi cảm
tính, nhưng chính yếu nơi lý trí và ý chí; và từ đó con người thể xác của chúng
ta sẽ được biến đổi. Tập nhìn, tập trả lời ngay cả khi mình không muốn; tập
cười, tập lại gần khi mình không thích. Xin Chúa giúp mình, và ý thức: tự sức
mình, mình không thể sống yêu thương như Chúa muốn được. Mình cần Chúa để sống
yêu thương, để vượt qua chính mình, để thuộc về Chúa trong cuộc sống thường
ngày.
Ai sống yêu thương,
sẽ được thương yêu. Ai thấy mình không được thương yêu, hãy tự vấn xem mình đã
yêu thương người khác chưa. Tập yêu, bằng cách tập chào hỏi trước, ngay cả chào
hỏi người dưới mình trước. Tập cười khi họ chưa cười với mình.
Đức Yêsu- Đấng yêu thương
Đức Yêsu, Đấng đã
yêu thương con người đến chết. Ngài mong rằng con người nhận biết tình yêu của
Thiên Chúa và đáp trả tình yêu. Ngay khi Ngài sống, tuy dù có những người ghét
và tìm cách giết Ngài, nhưng Ngài vẫn yêu thương và được nhiều người yêu mến.
Cho đến hôm nay, Ngài vẫn là người được nhiều người yêu mến. Sở dĩ vậy, vì Ngài
chỉ biết yêu thương mà thôi.
Ngài không đòi
người ta kính trọng Ngài, Ngài không đòi người ta yêu mến Ngài, Ngài không đòi
người ta phục vụ Ngài, nhưng Ngài yêu mến con người, phục vụ con người, tìm
cách giúp đỡ con người, cả tinh thần lẫn vật chất. Những người nghèo, những
người tội lỗi, những người bị xã hội coi thường và ruồng bỏ, thì Ngài tới với
họ, để yêu thương và kính trọng họ.
Thiên Chúa là tình
yêu. Đức Yêsu đã yêu thương như Thiên Chúa yêu thương.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
1. Bạn có được nhiều người yêu thương không?
Tại sao vậy?
2. Câu Lời Chúa nào quan trọng nhất đối với bạn? Tại sao?
3. Có người nói: đạo Công Giáo phải là đạo “tình yêu”. Bạn có đồng ý với người
đó không? Tại sao?
HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA LỜI CHÚA NĂM
A LỜI CHÚA
NĂM B LỜI CHÚA NĂM C
Chúc bạn an vui hạnh phúc.
Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.