HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA LỜI CHÚA NĂM
A LỜI CHÚA
NĂM B LỜI CHÚA NĂM C
ĐỜI SỐNG MỚI SAU CÁI CHẾT
ĐƯỢC HÌNH THÀNH TỪ BÂY GIỜ
Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.
Chúa Nhật hai mươi sáu
thường niên năm C
Am.6, 1. 4-7; 1Tm.6, 11-16;
Lc.16, 19-31
Nhiều người chê ki-tô hữu là dại, vì các ki-tô hữu không tận hưởng những
lạc thú trên đời, lại còn chuốc vất vả vào thân khi lao vào giúp đỡ người khác.
Những người này nghĩ vậy, vì họ chỉ biết đến họ, và không động lòng trước nỗi
khổ của bao anh em nghèo đói sống bên họ. Thế nhưng, chết đâu phải là hết. Và
những người chỉ biết sống cho mình, chỉ biết sống như thể chỉ có đời sống này,
lại trở thành người dại sau khi chết.
Ai cũng phải chết
Không phải ai cũng
giầu, cũng đẹp, cũng có địa vị. Nhưng có một điều rất công bằng cho mọi người:
ai cũng phải chết. Cái chết làm người ta bình đẳng: chẳng ai mang theo gì với
mình ngoại trừ chính con người của mình: không tiền bạc, không người thân,
không quyền lực, không sắc đẹp, không kiến thức. Sinh ra trần trụi, chết cũng
trần trụi.
Cái chết làm con
người trở lại với con người thực của mình. Cái chết giúp người ta nhận ra sự
thật, và cố gắng sống cho ra người trong đời hiện tại. Trong nhãn quan này, cái
chết không chỉ là mối họa, nhưng còn là một hồng ân cho những ai đang sống, vì
qua nó, con người nhận ra đâu là quê hương thật của mình, đâu là điểm mà mỗi
người sẽ đến. Chỉ lo đi bắt bướm tìm hoa trên đường, mà không lo hoàn tất nhiệm
vụ của mình, thì quả là người dại biết bao.
Cái chết làm người ta đi vào vĩnh
cửu
Thời gian thật là
quý. Vì người ta có thể xây dựng và hoàn thành con người của mình một cách
tuyệt vời. Con người mình như thế nào, tuỳ mình khi sống trên đời này. Khi chết
rồi, mình không còn thay đổi được nữa. Thời gian trên trần thế, là thời gian
của mỗi người, thuộc về mỗi người, mỗi người được quyền định đoạt và hình thành
con người mình theo như mình muốn. Với tự do Chúa ban, không ai hình thành đời
mình, nếu không phải chính mình. Chỉ cần một giây thôi, cũng đủ làm cho người
ta ra khác, được sống hạnh phúc vĩnh cửu hay không. Một giây thôi, quý như thế
nào.
Cũng khó mà diễn tả
tại sao cái chết lại làm người ta thành vĩnh cửu. Theo nhãn quan của thánh Ynhã
Loyola, ma quỷ và những người ở dưới hoả ngục vẫn luôn chống đối và nguyền rủa
Thiên Chúa. Thái độ người ta chọn lúc chết, là thái độ vĩnh hằng của người đó.
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy như thể người giầu vẫn thương anh em của ông ta
còn đang sống, nên đề nghị Abraham cho người về. Chúng ta biết rằng, bởi vì đây
là dụ ngôn, nên không phải tất cả đều có ý nghĩa và phải được giải thích. Dụ
ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay dạy con người hãy sống sao, để khi chết được
hạnh phúc vĩnh cửu. Mỗi người phải chọn lựa ngay trong đời sống của mình, với
những lời dạy dỗ của những người được sai tới với họ. Họ không cần phải chờ
người chết hiện về, hoặc thiên thần tới nói với họ. Như vậy, những người sống
với chúng ta, những người nói Lời Chúa cho chúng ta rất quan trọng. Không ai
thay thế họ cho chúng ta. Đừng đòi người chết hiện về để nói.
Hôm nay là ngày hồng phúc, hôm nay
là ngày cứu độ
Hôm nay, với những
điều kiện tôi có và hoàn cảnh cùng những người xung quanh tôi, tôi phải sống
cho ra người, hình thành con người của tôi. Người nghèo ăn xin, không có gì,
vẫn có thể hình thành con người của anh ta cách trọn vẹn. Những người làm vệ
sinh đường phố, những người quét rác ngoài đường, những giám đốc xí nghiệp lớn,
hay những bác sĩ kỹ sư, đều ngang nhau trong việc hình thành đời mình. Nếu một
bác sĩ không tận tâm cứu giúp bệnh nhân, là bác sĩ dở. Bác sĩ đó cũng tương tự
như người giầu không có lòng thương với người nghèo ăn xin Lazarô. Nếu một công
nhân quét đường mà không làm tròn bổn phận của mình, thì cũng dở như một giám
đốc xí nghiệp không cố gắng để xí nghiệp được trao cho mình phát triển. “Không
có nghề dở, chỉ có người dở”. Trước mặt Chúa, bác sĩ và công nhân vệ sinh trong
bệnh viện đều ngang nhau. Và ngay cả trước mặt con người, một người làm phu vệ
sinh nhưng thương yêu và giáo dục con nên người, thì tốt hơn một bác sĩ hay kỹ
sư giầu có mà không dành giờ để thương yêu và giáo dục con cái họ. Chính trong
việc làm, và trong việc giáo dục con cái, hình thành nhân cách và bản lãnh mỗi
người, cũng như hình thành con người vĩnh cửu của mình trong đời sống mai hậu.
Tài nguyên của cải,
là của Cha trên trời cho tất cả mọi người. Không ai được lợi dụng tài năng của
mình để bóc lột người khác. Tài nguyên, là để cho tất cả mọi người; và tài năng
là để phục vụ mọi người. Một giám đốc đi xe hơi giầu sang, không chắc đã tốt
bằng người công nhân xúc đất bên đường. Tốt hay không, tuỳ thuộc mỗi người dùng
tài năng Chúa ban cho mình, để phục vụ mọi người hay không. Nếu Chúa ban cho họ
5 nén, họ phải làm lời 5 nén. Nếu Chúa chỉ ban cho tôi một nén, Ngài chỉ đòi
tôi làm lời 1 nén. Đừng đem chôn nén bạc tài năng Ngài ký thác. Nếu không có
người phu quét đường và những người trồng và săn sóc cây trong công viên, cuộc
đời đã không đẹp như đang là. Những công nhân làm sạch đường phố, không chỉ làm
đẹp phố phường, nhưng làm đẹp cả đời tôi, và làm tôi hạnh phúc. Họ có thể là
những người tuyệt đẹp ở đời sống mai hậu.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
1. Theo bạn, Thiên Chúa có
công bằng khi để mỗi người đều phải chết không? Tại sao?
2. Người giầu và người nghèo, ai dễ hạnh phúc hơn? Tại sao?
3. Có ai hình thành đời bạn giúp bạn không? Bạn hình thành đời bạn mỗi ngày thế
nào?
HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA LỜI CHÚA NĂM
A LỜI CHÚA
NĂM B LỜI CHÚA NĂM C
Chúc bạn an vui hạnh phúc.
Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.