HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA
LỜI CHÚA NĂM A LỜI CHÚA NĂM B LỜI CHÚA NĂM C ƠN GỌI Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J. Chúa Nhật
Thứ Mười Ba Thường Niên, năm C Thiên Chúa muốn
con người được cứu độ và nhận biết chân lý (1Tm.2, 4). Thiên Chúa đã sai Con
của Ngài nhập thể làm người, để chỉ cho con người biết con đường cứu độ, để
giúp con người nhận ra Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng, để con người
tin vào Thiên Chúa yêu thương, và rồi họ sống bình an hạnh phúc. Đức Yêsu đã sống
trọn kiếp người, Ngài đã sinh ra nghèo hèn trong chuồng chiên cừu, đã sống thân
phận người nghèo tại Nadarét, đã nhận lãnh nền giáo dục của người nghèo, đã
hành nghề chân tay như một người nghèo. Khi được thúc đẩy, Ngài đã đến với Yoan
để được ông làm phép rửa cho, Ngài đã bị cám dỗ trong hoang địa sau bao ngày ăn
chay cầu nguyện để biết Thiên Chúa muốn Ngài làm gì, và làm điều Thiên Chúa
muốn như thế nào. Sau thời gian ăn chay cầu nguyện trong hoang địa và chịu cám
dỗ, Ngài đã ra đi rao giảng Tin Mừng: “hãy sám hối, Nước Thiên Chúa đã đến gần”
(Mc.1, 14-15). Đức Yêsu cần con
người cộng tác thực hiện chương trình Thiên Chúa đã gợi lên nơi Ngài, nên Ngài
đã kêu gọi nhiều môn đệ. Trong bao kẻ theo Người, cũng không ít kẻ bỏ Người vì
họ thấy những lời nói của Người nghe sao chói tai quá (Ga.6, 60.66). Giữa những
kẻ được Người tuyển chọn đặc biệt, cũng có một kẻ phản bội (Ga.6, 70-71). Đức
Yêsu đã gọi Matthêu khi ông đang ngồi nơi bàn thu thuế (Mt.9, 9); Simon Phêrô
được gọi sau khi ông đã quảng đại chống thuyền cho Đức Yêsu rao giảng, và sau
khi đã quảng đại buông lưới theo lời của Đức Yêsu (Lc.5, 10); Phaolô được Chúa
gọi khi ông đang trên đường đi Damas bắt bớ những người tin vào Đức Yêsu Kitô (Cv.9). Trong sách các Vua
quyển thứ nhất, người ta thấy Thiên Chúa mời gọi Elisa làm ngôn sứ qua trung
gian tiên tri Elia. Ơn gọi đến từ
Thiên Chúa. Có người xin đi theo Chúa, Chúa không cho nhưng nói người đó hãy về
và loan báo những gì Thiên Chúa đã làm cho anh ta (Mc.5, 18-19). Con người tự
do đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa. Đức Yêsu mời anh nhà giầu đi theo Ngài,
nhưng anh ta đã từ chối (Mc.10, 21-22). Chúa mời gọi con người làm lành lánh
ác; Ngài mời gọi con người xa lánh tội lỗi nhưng con người vẫn có thể không
nghe lời Thiên Chúa mà phạm tội. Con người có thể từ chối không đáp trả lời mời
gọi của Thiên Chúa. Elia đồng ý cho
Elisa về hôn từ giã cha mẹ. Đức Yêsu gọi; người ta xin về chôn cất cha, nhưng
Đức Yêsu nói: “cứ để kẻ chết chôn kẻ chết; còn anh, anh hãy đi loan báo Triều
Đại Thiên Chúa” (Lc.9, 60). Có người sẵn sàng xin đi theo Đức Yêsu, nhưng xin
phép về từ biệt gia đình; Đức Yêsu bảo họ: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái
lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (Lc.9, 62). Đức Yêsu đòi
người ta dứt khoát để đi theo Ngài. Tuy Elisa về hôn từ giã cha mẹ, nhưng thái
độ của ông rất dứt khoát để theo Elia, bằng chứng là ông đã giết bò cày làm lễ
tế, dùng cày nấu thịt đãi anh em họ hàng rồi ra đi (1V.19, 21). Elisa một đi
không hẹn ngày trở lại. Elisa dứt khoát đi theo thầy làm ngôn sứ cho Thiên
Chúa. Thiên Chúa mời
gọi chúng ta sống tự do. “Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải
thoát chúng ta” (Gl.5, 13). Mỗi người dù ở bất cứ bậc sống nào, cũng được mời
gọi để hưởng sự tự do của con cái Thiên Chúa. Đức Yêsu muốn chúng ta tự do;
Ngài muốn chúng ta chiến thắng chính mình để được tự do, để không bị nô lệ bởi
bất cứ điều gì. Tự do, là không để điều gì bất chính chi phối mình. Thời xưa
khi còn chế độ nô lệ, một Kitô hữu có thể là một người nô lệ; nhưng cho dù là
nô lệ về phần xác, họ vẫn là người tự do về tinh thần vì họ không nô lệ bất cứ
điều gì. Ngày xưa thời còn chế độ nô lệ, Kitô hữu tự do cũng lo chuộc những
Kitô hữu đang bị nô lệ, để khi tự do về luật lệ họ thêm tự do về tinh thần như
con cái của Thiên Chúa. Tuy nhiên, với Kitô hữu, tự do nội tâm thì quan trọng
hơn tự do về lề luật. Thiên Chúa có thể
mời gọi chúng ta sống một đời sống đặc biệt, chẳng hạn sống đời dâng hiến; tuy
nhiên mỗi người đều được mời gọi để nên thánh. “Hãy là thánh vì Ta là thánh,
Ta, Yavê Thiên Chúa của các ngươi” (Lv.19, 1-2). “Anh em hãy nên trọn lành như
Cha anh em trên trời là Đấng trọn lành” (Mt.5, 48). Thiên Chúa luôn yêu thương
và mời gọi tôi sống bình an hạnh phúc. Xin cho mỗi Kitô hữu đáp trả lời mời gọi
nên thánh, trở nên trọn lành như Thiên Chúa là Đấng trọn lành. Ơn gọi nên thánh
là ơn gọi chung cho tất cả và từng Kitô hữu. Nên thánh, nên
trọn lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành, là ơn gọi của tất cả Kitô hữu.
Sống ơn gọi làm người, là nên thánh. Sống yêu thương, là đang nên thánh. Một
người sống yêu thương, không phải là người không cảm thấy nơi mình có những cảm
tính không thích không hợp với ai đó, nhưng là người ngay cả khi mình có cảm
tính không thích không hợp ai đó, thì vẫn ra khỏi mình, vượt lên chính mình để
chào hỏi, vui vẻ, giúp đỡ người đó. Ra khỏi chính mình, vượt lên những cảm tính
tiêu cực nơi mình, là nên thánh, là đang sống như con cái Thiên Chúa. Câu hỏi gợi ý chia sẻ 1. Ơn gọi là gì? 2. Chúa muốn bạn sống đời gia đình hay tu trì? Nếu có thể được, xin mời
bạn chia sẻ con đường Thiên Chúa muốn bạn đi. 3. Làm sao để biết một người được Chúa gọi sống đời dâng hiến hoặc tu
trì? HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA
LỜI CHÚA NĂM A LỜI CHÚA NĂM B LỜI CHÚA NĂM C Chúc
bạn an vui hạnh phúc.
(1V.19, 16b.19-21; Gl.5, 1.13-18; Lc.9, 51-62)
Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.
[email protected]