HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA
LỜI CHÚA NĂM A LỜI CHÚA NĂM B LỜI CHÚA NĂM C TƯƠNG QUAN THÂN THIẾT VỚI
THIÊN CHÚA Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J. Chúa Nhật
Thứ Mười Sáu Thường Niên, năm C Thái độ của Maria
và Mattha trong tin mừng được nhiều người chú giải cho rằng nó phản ánh đời
sống tu trì chiêm niệm và hoạt động, nhưng theo thiển kiến của tôi, lời giải
thích như vậy không phản ánh hoàn cảnh lịch sử thời Đức Yêsu và cũng chẳng phản
ánh trung thực nét chiêm niệm của những người sống đời hoạt động. Thái độ của
Maria và của Mattha đối với Đức Yêsu, phản ánh thái độ của mỗi người trong
tương quan với Thiên Chúa và với Đức Yêsu. Maria đặt tương quan thiết thân với
Đức Yêsu trên tất cả, Mattha lo phục vụ Thiên Chúa qua việc phục vụ tha nhân. Điều đáng trách
nơi Mattha không phải là những lo toan nhằm phục vụ Đức Yêsu và các tông đồ,
nhưng là thái độ của Mattha đối với em
mình là Maria, cũng như thái độ Mattha đòi Đức Yêsu can thiệp để Maria làm theo
ý mình. Nếu không có Mattha lo việc phục vụ, thì việc thăm viếng của Đức Yêsu
và các tông đồ cũng không hoàn toàn tốt đẹp. Việc Mattha lo phục vụ ăn uống rất
đáng khen, nhưng điều dở nơi Mattha là đòi Maria phải bỏ việc tiếp Đức Yêsu,
đòi Maria bỏ việc ngồi nghe Đức Yêsu mà làm công việc mà chị thấy là cần.
Mattha thấy việc làm điều này điều kia là cần, nhưng Maria thấy việc ngồi bên
chân Đức Yêsu và nghe Ngài nói chuyện là cần. Đừng bắt người khác làm theo ý
mình, và cũng đừng áp lực người khác nữa can thiệp để đòi ai đó làm theo ý
mình. Sở dĩ Mattha đòi như vậy, vì Mattha nghĩ việc “phục vụ” là cần nhất; thật
ra, điều đó là cần nhưng điều khác cũng cần không kém. Điều làm xung
khắc giữa Mattha và Maria hôm nay, chúng ta lại thấy rất hài hòa nơi Abraham.
Abraham rất hiếu khách, ông lo để ba vị khách có nước rửa chân, có lương thực
để ăn, và chính ông lại đứng hầu tiếp chuyện với khách. Thái độ và cách hành xử
của Abraham thật tuyệt vời. Abraham chưa nhận
ra ba vị đây chính là Thiên Chúa, nhưng thái độ của Abraham đối với ba vị khách
này rất kính cẩn, rất hiếu khách. Không ai nghĩ rằng, đối xử với con người là
đối xử với Thiên Chúa, nhưng sự thực lại đúng là vậy. Abraham đối xử với ba vị
khách, là đối xử với Thiên Chúa. Dân Bêlem đối xử với thánh Yuse và Đức Maria
cùng hài nhi nằm trong dạ Đức Maria, là đối xử với gia đình thánh và đối xử với
Thiên Chúa. Đức Yêsu trong lời dạy trong Mt.25, 31tt đã đồng hóa mình với những
người nghèo hèn nhất, và ai đối xử với nghèo hèn nhất thế nào là đối xử với
Thiên Chúa như vậy. Với Maria và Mattha, Đức Yêsu lúc này là một vị thầy kính
yêu nhưng hai chị chưa biết đó là Thiên Chúa nhập thể; tuy vậy, đối xử với Đức
Yêsu là đối xử với Thiên Chúa. Đối xử tốt đối với Đức Yêsu, là đối xử tốt với
Thiên Chúa; không đối xử tốt với Đức Yêsu, là không đối xử tốt với Thiên Chúa;
tuy vậy, Đức Yêsu vẫn cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi và làm hại Ngài: “Lạy
Cha, xin tha cho chúng vì chúng lầm chẳng biết.” Con người đối xử với Thiên
Chúa có thể không tốt, nhưng Thiên Chúa đối xử với con người thì luôn thành tín
và yêu thương. Thiên Chúa tới
thăm Abraham, cho thấy tình thân và tình thương của Thiên Chúa đối với Abrahm
thắm thiết như thế nào. Thiên Chúa biết nỗi bận tâm của Abraham và Sara khi hai
người không có con; Thiên Chúa đã đoái thương và hứa sẽ cho Sara có con vào
thời điểm này năm sau. Thiên Chúa yêu thương nên quan tâm đến những ước vọng
của con người. Thiên Chúa luôn gần gũi và quan tâm đến nỗi bận tâm của mỗi
người đến mức độ không ngờ: Thiên Chúa luôn can thiệp vào cuộc đời mỗi người,
để yêu thương giúp đỡ và bảo vệ mỗi người. Nơi Phaolô, người
ta thấy một tình yêu rất đặc biệt đối với Đức Yêsu. Kể từ khi biết Đức Yêsu,
Phaolô coi tất cả như thua lỗ bất lợi, trước cái lợi tuyệt vời là được biết Đức
Yêsu. Biến cố Đức Yêsu chết và sống lại, Đức Yêsu là Thiên Chúa nhập thể, là
một tin mừng thật đặc biệt đối với Phaolô. Phaolô muốn cho mọi người được biết
Tin Mừng Cứu Độ này. Cả đời của Phaolô đã miệt mài rao giảng Tin Mừng Đức Yêsu
Kitô. Phaolô hạnh phúc khi rao giảng Tin Mừng, vì Phaolô biết người ta sẽ hạnh
phúc khi người ta nhận biết Đức Yêsu là ai, là Đấng Thánh của Thiên Chúa, là
Thiên Chúa nhập thể, là tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, là bảo chứng
cho thấy Thiên Chúa yêu thương con người đến độ nào. Đức Yêsu là niềm
tự hào, là vinh dự của Phaolô. Những người Phaolô phục vụ và rao giảng Tin
Mừng, cũng là triều thiên và vinh quang của Phaolô. Chính nhờ Đức Yêsu, mà
Phaolô có tương quan thân thiết đối với những người Ngài phục vụ. Nhờ Đức Yêsu,
nhờ Đấng mà Phaolô rao giảng, Phaolô được tất cả trong Thiên Chúa. Phaolô vẫn
mang trong mình tất cả những gì của kiếp người: “đã ba lần tôi xin Chúa cất cái
dằm ra khỏi xác thịt tôi, nhưng Ngài nói: ơn Ta đủ cho con” (2Cor.12, 8-9).
Phaolô giống chúng ta mọi đàng với những giới hạn và khó khăn, nhưng ngài là
người yêu mến Đức Yêsu rất đặc biệt. Đức Yêsu là tất cả đối với Phaolô. Phaolô
trở thành một mẫu mực cho tất cả chúng ta, trong cách chúng ta đối xử với Thiên
Chúa, với Đức Yêsu, và đối với con người. Thiên Chúa trên hết, Đức Yêsu là tất
cả, và tha nhân là triều thiên và vinh dự của ngài. Câu hỏi gợi ý chia sẻ 1. Con người có thể có tương quan thân thiết với Thiên Chúa không? Xin
trưng bằng cớ cho lập trường của bạn. 2. Tương quan giữa con người với nhau diễn tả tương quan của con người
đối với Thiên Chúa. Bạn nghĩ sao về câu nói trên? 3. Làm sao để phát huy mối tương quan tốt với Thiên Chúa cũng như mối
tương quan tốt giữa con người với nhau? HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA
LỜI CHÚA NĂM A LỜI CHÚA NĂM B LỜI CHÚA NĂM C Chúc
bạn an vui hạnh phúc.
(St. 18, 1-10a; Cl.1, 24-28; Lc.10, 38-42)
Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.
[email protected]