HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA
LỜI CHÚA NĂM A LỜI CHÚA NĂM B LỜI CHÚA NĂM C ĐỨC YÊSU- BIỂU TƯỢNG TÌNH
YÊU Yuse Phạm Thanh Liêm,
S.J. Chúa Nhật hai mươi tám thường niên,
năm C (2V.5, 14-17; Tv.97; 2Tm.2, 8-13;
Lc.17, 11-19) Naaman, một viên tướng chỉ huy quân đội và cũng là người
được quý mến của vua Aram, bị bệnh phong cùi, đã được tiên tri Êlisa chữa lành
bằng cách bảo ông xuống tắm bảy lần ở sông Jordan. Ban đầu ông tức giận không
chịu làm theo lời ngôn sứ chỉ dẫn vì cho rằng chẳng lẽ nước các sông ở Đamát
không sạch hơn nước sông ở Do Thái hay sao. Các bề tôi khuyên ông nên nghe lời
vị ngôn sứ: “cha ơi, giả như vị ngôn sứ bảo cha làm một điều gì khó, chẳng lẽ
cha lại không làm? Phương chi ngôn sứ chỉ nói: ông hãy đi tắm, thì sẽ được
sạch.” Naaman đã giác ngộ để vâng lời ngôn sứ, ông đã xuống tắm bảy lần ở sông
Jordan, và ông đã được khỏi bệnh! Naaman được sạch bệnh phong cùi không phải vì nước sông
Jordan sạch hơn nước sông ở Đamát, hoặc nước sông Jordan có sức làm cho ông hết
bệnh; bởi vì đã có bao người Israel bị bệnh phong cùi và đã tắm hơn bảy lần tại
sông Jordan mà vẫn không hết bệnh! Nước sông Jordan chỉ là một phương tiện
Thiên Chúa dùng để làm cho Naaman được sạch; nếu điều gì đó chỉ là phương tiện,
thì người ta có thể dùng phương tiện này hay phương tiện khác. Đi tắm bẩy lần
tại sông Jordan, giúp Naaman diễn tả thái độ tương xứng để có thể lãnh nhận ơn
Thiên Chúa. Nếu Naaman không có thái độ thần phục qua việc đi tắm như tiên tri
yêu cầu, thì ông không thể khỏi bệnh. Nước sông Jordan và thái độ thích hợp
phải có, đã giúp Naaman được lành bệnh. Naaman đòi tiên tri chữa bệnh cho mình theo kiểu cách ông
muốn: “ta tưởng vị tiên tri đó sẽ ra đứng trước mặt ta, giơ tay cầu khẩn Thiên
Chúa và chữa bệnh cho ta.” Naaman đâu ngờ vị tiên tri cũng chẳng cần gặp ông,
chỉ nói với ông qua một tiểu đồng rằng ông hãy đi tắm bảy lần ở sông Jordan thì
ông sẽ được sạch. Nếu Naaman không được các bề tôi giúp nhận ra thái độ và cung
cách hành xử chính đáng là làm theo lời của vị ngôn sứ, thì ông đã không được
khỏi bệnh. Nhiều người cũng có cung cách hành xử như Naaman: đòi Thiên Chúa
phải làm theo ý mình; ngay cả khi xin Thiên Chúa ban ơn, họ cũng đòi Thiên Chúa
phải ban ơn đó theo ý họ, và thậm chí họ còn không muốn nhận ơn nếu Thiên Chúa
không ban theo cách họ muốn. Vị ngôn sứ không nhận lễ vật hậu tạ, vì ngôn sứ cũng chỉ là
dụng cụ Thiên Chúa dùng. Chính thái độ vô vị lợi, không nhận lễ vật hậu tạ,
giúp viên quan Naaman nhận ra chính Thiên Chúa của Israel mới là Đấng chữa bệnh
cho ông, và là Đấng yêu thương ông vô cùng. Ông đã được xin chở ít đất về quê
hương để luôn tưởng nhớ Thiên Chúa của đất nước Do Thái. Thái độ kính nhớ Thiên
Chúa của ông thật đẹp lòng Thiên Chúa, tuy dù người ngày nay thấy ông không cần
phải mang đất về quê hương, vì Thiên Chúa của dân Do Thái cũng là Thiên Chúa
của mọi dân tộc, kể cả dân tộc của ông, và Ngài ở khắp mọi nơi chứ không phải
chỉ ở trên đất nước Do Thái. Tiên tri Êlisa, đất nước Do Thái, là những phương
tiện Thiên Chúa dùng để diễn tả tình yêu thương của Ngài cho tất cả mọi người,
cho mọi dân tộc kể cả dân tộc Việt Nam chúng ta. Với Đức Yêsu, người ta biết cần
thờ phượng Thiên Chúa trong Thần Khí và Sự Thật (Ga.4, 23). Thời Đức Yêsu, Ngài cũng động lòng thương và chữa mười người
bị bệnh phong cùi qua việc nói họ hãy đi trình diện các tư tế, để chứng thực
rằng họ đã lành bệnh. Khi đi đường họ nhận biết mình đã khỏi bệnh nhưng chỉ có
một người trở lại ngợi khen Thiên Chúa, và sấp mình dưới chân Đức Yêsu để cám
ơn Người. “Không phải tất cả mười người được khỏi bệnh sao? Còn chín người kia
đâu sao không thấy trở lại tôn vinh Thiên Chúa mà chỉ có người ngoại này?” Đức
Yêsu không đòi họ phải cám ơn Ngài, nhưng Ngài muốn tất cả đều phải tôn vinh
Thiên Chúa. Khi một người được ơn mà biết tôn vinh cảm tạ Thiên Chúa,
thì họ không chỉ được ơn mà họ đã xin; họ còn được điều quý hơn nữa, đó là nhận
biết Thiên Chúa yêu thương họ, và Ngài đã thương ban cho họ những điều mà họ
mong ước. Biết rằng mình được Thiên Chúa yêu thương, là một ơn vô cùng lớn.
Điều này giúp người ta sống bình an hạnh phúc trong mọi hoàn cảnh và ở bất cứ
thời điểm nào. Qua biến cố trở lại tôn vinh tạ ơn Thiên Chúa, anh người ngoại
còn được điều đáng quý hơn cả ơn chữa bệnh phần xác: ơn đức tin. Anh ta nhận ra
Đức Yêsu là tình yêu của Thiên Chúa cho anh và cho con người. Thiên Chúa yêu
thương anh qua Đức Yêsu Kitô. Đức Yêsu đã sống lại từ cõi chết. Ngài là dấu chỉ Thiên Chúa
đang hiện diện giữa con người, Thiên Chúa đang yêu thương con người qua Đức
Yêsu Kitô. Đức Yêsu đã chết và đã sống lại, mỗi người cũng sẽ chết và sống lại
với Ngài. “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta cùng
kiên vững với Ngài, ta sẽ cùng Ngài thống trị.” Số phận của Đức Yêsu, là số
phận của mỗi người chúng ta; hiện tại của Đức Yêsu là tương lai của mỗi người
chúng ta. Sự dữ không làm chủ được Ngài, Ngài đã chiến thắng sự dữ và sự chết,
mỗi người chúng ta cũng sẽ cùng chiến thắng với Ngài. Đức Yêsu là đường, là sự
thật, và là sự sống. Đức Yêsu là mối lợi tuyệt vời, là niềm hy vọng của con
người. Chính vì thế Phaolô và cả Giáo Hội miệt mài rao giảng Đức Yêsu đã chết
và đã sống lại. Đức Yêsu là dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa yêu thương con người vô
cùng. Cái chết thập giá của Đức Yêsu cho thấy Thiên Chúa yêu thương con người
đến độ nào! Rao giảng Đức Yêsu chết và sống lại, là rao giảng Thiên Chúa là
Đấng tuyệt vời, là Đấng yêu thương con người vô cùng. Biết Đức Yêsu, là biết
Thiên Chúa, là biết Thiên Chúa là Đấng yêu thương. Đức Yêsu là Tin Mừng cho tất
cả mọi người. Câu hỏi gợi ý chia sẻ 1. Biết Thiên Chúa và biết Đức Yêsu
có là một ơn lớn đối với bạn không? Xin cho biết tại sao đó là một ơn đối với
bạn? 2. Bạn sợ điều gì nhất? Nếu điều đó
xảy ra, bạn sẽ phản ứng thế nào? HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA
LỜI CHÚA NĂM A LỜI CHÚA NĂM B LỜI CHÚA NĂM C Chúc
bạn an vui hạnh phúc.
Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.
[email protected]