HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA
LỜI CHÚA NĂM A LỜI CHÚA NĂM B LỜI CHÚA NĂM C KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO Giuse Phạm Thanh Liêm,
S.J. Chúa Nhật ba mươi thường niên, năm C Lễ Khánh Nhật Truyền Giáo (Hc 35, 15b-17.20-22a; 2Tm 4,
6-8.16-18; Lc 18, 9-14) Chúa Nhật trước Chúa Nhật cuối tháng mười là khánh nhật
truyền giáo. Năm nay cũng là năm thánh truyền giáo của Giáo Hội Việt Nam, đây
cũng là dịp thuận lợi để Kitô hữu Việt Nam tìm hiểu sâu xa về sứ mạng truyền
giáo. Truyền giáo, là giúp người ta tin nhận Đức Yêsu đã chết và
đã sống lại, để họ tin Đức Yêsu là Thiên Chúa nhập thể, để họ trở nên Kitô hữu.
Tại sao phải truyền giáo? Một số người cho rằng nếu không truyền giáo, nghĩa là nếu
không giúp người ta trở lại đạo Công Giáo thì người ta không được cứu độ. Họ
tưởng rằng những người ngoại đạo chết sẽ sa hỏa ngục, hoặc ít là không được lên
thiên đàng hưởng hạnh phúc đời đời. Công Đồng Chung Vaticanô II dạy rằng, cả
những người không biết Đức Yêsu, cả những người không biết Thiên Chúa, thậm chí
những người vô thần cũng có thể được cứu độ (Hiến Chế Giáo Hội số 16). Đứng trên quan điểm của một người không tôn giáo, tất cả các
tôn giáo đều như nhau: tất cả các tôn giáo đều tốt, đều dạy ăn ngay ở lành. Có
nhiều người Công Giáo sống tốt hơn những người không theo đạo nào hoặc sống tốt
hơn một số người theo đạo khác, nhưng cũng có những người sống trong tôn giáo
ngoài Kitô giáo hoặc không theo một tôn giáo nào cũng ăn ngay ở lành và thậm
chí còn sống tốt hơn một số Kitô hữu. Như vậy, Kitô hữu truyền giáo không phải
vì Kitô hữu sống tốt hơn những người không tôn giáo hoặc sống trong các tôn
giáo khác. Tin Mừng theo thánh Matthêu cho thấy Đức Yêsu truyền lệnh
cho các tông đồ “dạy muôn dân trở thành môn đệ,” dạy bảo người ta tuân giữ
những điều Đức Yêsu đã dạy các môn đệ. Kitô hữu truyền giáo không phải vì sợ
người ta nếu không theo đạo Công Giáo thì phải sa hỏa ngục, nhưng bởi vì Đức
Yêsu đã truyền lệnh. Một số Kitô hữu không thích chữ truyền giáo, vì họ cho rằng
từ ngữ này mang tính bá quyền, thống trị, độc tôn, tự kiêu, vì nó hàm chứa rằng
Kitô giáo là nhất, chỉ có Kitô giáo là đúng. Nhiều người cho rằng, nếu dùng từ
ngữ truyền giáo thì rất khó có thể đối thoại với những người sống trong các tôn
giáo khác, vì nếu tiếp xúc với ai mà lại nghĩ người đó đang theo một tôn giáo
sai lầm, và rồi chỉ tìm mọi cách làm cho người đó vào đạo của mình, thì làm sao
có thể trân trọng và trao đổi chân tình một vấn đề. Một số Kitô hữu thích dùng từ ngữ rao giảng Tin Mừng. Từ ngữ
này có thể hiểu khi một người trình bày cho người khác tôn giáo của mình, họ
nghĩ rằng điều họ biết họ tin là đúng, nên họ loan báo cho người khác biết, để
nếu người đó thấy như họ và tin theo, thì người đó sẽ được hạnh phúc như họ cảm
nghiệm. Việc người khác trở lại hay không là tùy do người đó, Kitô hữu chỉ chia
sẻ những gì mình thấy là hay là tuyệt, và để người đó hoàn toàn tự do theo điều
mà họ thấy đúng nhất hay nhất tuyệt nhất. Kitô hữu luôn tôn trọng tự do tôn
giáo của người khác. Tự do tôn giáo là quyền của con người, quyền này đã được
công đồng chung Vatican khẳng định. Kitô hữu không được rửa tội cho ai nếu
người đó không muốn. Thực ra, từ ngữ “truyền giáo” là từ ngữ được sử dụng “nội
bộ” thôi, nghĩa là, chỉ dùng giữa những Kitô hữu với nhau thôi, chứ không thể
dùng để nói với những người theo các tôn giáo khác được. Nếu nói với những
người ngoài Kitô giáo, từ ngữ loan báo Tin Mừng có lẽ dễ được chấp nhận hơn. Rao giảng Tin Mừng là nói về Đức Yêsu Kitô. Kể cho người ta
nghe Đức Yêsu là ai, Ngài đã làm gì, Ngài thực sự là ai. Tín hữu tin rằng Đức
Yêsu chết và phục sinh là Tin Mừng tuyệt đối cho tất cả mọi người, thế nên, họ
muốn chia sẻ Tin Mừng cho người khác. Tin Mừng Đức Yêsu Phục Sinh làm cho Kitô
hữu hạnh phúc, nên Kitô hữu muốn người khác được bình an, hạnh phúc như họ, nên
họ rao giảng Tin Mừng tuyệt vời này. Đức Yêsu đã chết và đã phục sinh, ai tin vào Ngài sẽ không
phải chết, và nếu có chết cũng sống lại. Đức Yêsu đã chết và đã sống lại. Đức
Yêsu phải chết, vì Ngài mang thân phận con người. Không có ai là người mà đã
không chết. Đức Yêsu đã phục sinh. Sự Ngài phục sinh trở thành dấu chỉ cho
người ta nhận ra sự thật về chính Ngài: Ngài là Thiên Chúa nhập thể. Thiên Chúa
đã làm người để chỉ cho con người biết con đường cứu độ, chỉ cho người ta biết
cách sống giúp người ta hạnh phúc đích thực. Đức Yêsu là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa. Ngài là biểu
tượng tình yêu Thiên Chúa. Đức Yêsu là chính tình yêu Thiên Chúa cho con người.
Biết Đức Yêsu, là biết hơn về Thiên Chúa. Biết Đức Yêsu, là biết Thiên Chúa yêu
thương con người đến độ nào; vì nếu không yêu thương, tại sao Thiên Chúa lại
nhập thể, lại vĩnh viễn làm người! Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng.
Tình yêu của Thiên Chúa đối với con người như một lời mời gọi con người đáp trả
tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu đáp trả tình yêu, ân tình đền đáp ân tình. Con
người đáp trả tình yêu Thiên Chúa bằng việc phó thác tất cả cho Thiên Chúa trong
niềm tin tưởng tuyệt đối. Bước theo Đức Yêsu, trở nên môn đệ của Ngài, là đã bắt đầu
được giải phóng, được an bình hạnh phúc vì biết Thiên Chúa yêu thương con người
vô cùng. Kitô hữu muốn người khác biết Đức Yêsu, là để họ được bình an và hạnh
phúc thật sự. Đó là lý do tại sao Kitô hữu rao giảng Tin Mừng, rao giảng Đức
Yêsu đã chết và đã phục sinh. Đức Yêsu là chính Thiên Chúa nhập thể. Thiên Chúa
yêu thương con người vô cùng, nên đã sai Con Ngài nhập thể để đưa con người đến
với Thiên Chúa, để con người được hạnh phúc đích thực. Con người ngày nay dường như được đánh động bởi những việc
làm hơn là những lời nói xuông. Họ được đánh động bởi chứng từ cuộc sống hơn là
bài giảng hay. Nếu Kitô hữu cho người khác thấy niềm tin vào Đức Yêsu chết và
sống lại đã chi phối đời sống của họ, giúp họ vượt qua khó khăn và giúp họ chấp
nhận cuộc sống đích thực như thế nào, thì chắc có nhiều người sẽ tìm hiểu về
Đức Yêsu, Đấng đã làm cho các Kitô hữu những điều tuyệt vời như vậy. Câu hỏi gợi ý chia sẻ 1. Truyền giáo là gì? Tại sao Kitô
hữu phải truyền giáo? 2. Hôm nay tại môi trường bạn sống,
phải loan báo Tin Mừng thế nào để người ta tin nhận Đức Yêsu là Thiên Chúa? HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA
LỜI CHÚA NĂM A LỜI CHÚA NĂM B LỜI CHÚA NĂM C Chúc
bạn an vui hạnh phúc.
Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.
[email protected]