HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA
LỜI CHÚA NĂM A LỜI CHÚA NĂM B LỜI CHÚA NĂM C ĐỐI XỬ VỚI CON NGƯỜI Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J. Chúa Nhật
Thứ Bảy Thường Niên, năm C Dường như người
ta đối xử với nhau thế nào thì đối xử với Thiên Chúa cũng như vậy! Ngày xưa,
người ta đã đối xử với người tên Yêsu làng Nazarét thế nào, thì đó là điều họ
đã đối xử với Thiên Chúa. Ai nói mình yêu Thiên Chúa mà ghét anh em mình, thì
đó là kẻ nói dối, vì nếu người anh em họ thấy mà họ không yêu thương thì làm
sao họ có thể yêu thương Đấng họ không thấy được (1Ga.4, 20)! “Vì xưa Ta đói
ngươi đã cho ăn, Ta khát ngươi đã cho uống… Những gì ngươi làm cho một trong
những người bé mọn nhất, là làm cho chính Ta… Những gì ngươi không làm cho
những kẻ nghèo hèn nhất, là đã không làm cho chính Ta” (Mt.25, 35.40.45). Bài đọc thứ nhất
trong sách Samuel cho ta thấy cách đối xử rất đẹp của Đavít đối với vua Saolê.
Saolê đi lùng bắt giết Đavít, người cô thế cô thân lúc đó; nhưng Đavít đã không
giết Saolê khi có dịp. Tại sao? “Vì có ai tra tay hại đấng Đức Chúa xức dầu tấn
phong mà vô sự đâu!” Đavít không hạ sát Saolê, vì ông kính sợ Thiên Chúa. Thái
độ Đavít đối xử với Saolê, phản ánh thái độ thâm sâu Đavít có đối với Thiên
Chúa. Đavít không dám làm trái lệnh Đức Chúa. Đavít không lấy lý trí và lý luận
của mình làm tiêu chuẩn hành động, nhưng niềm tin vào Thiên Chúa và cách hiểu
về Thiên Chúa. Nếu lấy chính mình là tiêu chuẩn, thì Đavít đã phải giết Saolê
vì Saolê đang tìm giết ông, để Saolê sống thì mạng sống Đavít còn bị đe dọa,
nên nếu tin vào mình, nếu để tìm sự an toàn theo lý trí mình thì Đavít đã phải
giết Saolê. Cách hành xử của Đavít hàm chứa cách đối xử của Đavít đối với Thiên
Chúa. Với Đavít, Thiên Chúa là tuyệt đối và là tất cả. Niềm tin và sự an toàn
của Đavít tựa trên Thiên Chúa Quyền Năng chứ không dựa trên Đavít với lý trí và
sức mạnh của ông. Đức Yêsu dạy các
môn đệ: “hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em” (Lc.6, 27). Tại sao lại
phải yêu thương kẻ thù ghét mình? Tại sao lại phải giúp đỡ người không thích
mình và tìm cách làm hại mình? Bởi vì nếu mình cư xử như vậy, mình chẳng hơn gì
kẻ tội lỗi vì họ cũng làm như vậy! Nhưng đó không phải là lý do chính. Lý do
chính là “hãy nhân từ, hãy yêu thương như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc.6,
36). Thiên Chúa mời
gọi con người sống như Ngài. Ngài là Đấng nhân từ yêu thương, Ngài muốn con cái
Ngài sống nhân từ yêu thương như Ngài. Nếu ai không sống như Ngài, thì không
phải là con cái Ngài. Yêu thương mọi người và ngay cả kẻ thù ghét mình, không
phải là việc phải làm vì đó là mệnh lệnh từ ngoài đối với những người con cái
Thiên Chúa nhưng vì đó là bản chất người con cái Thiên Chúa. Đã là người con
Thiên Chúa thì sống yêu thương, vì họ không có kẻ thù, theo nghĩa họ không thù
ghét ai; nếu có ai thù ghét họ, thì đó là do người đó, chứ họ thì không thù
ghét bất cứ ai cả. Như Thiên Chúa là Đấng yêu thương và chỉ biết yêu thương,
thì những con cái của Thiên Chúa cũng yêu thương và chỉ biết yêu thương. Yêu thương thuộc
bản chất của những người con cái Thiên Chúa. Ai yêu thương thì biết Thiên Chúa,
ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa. Ai yêu thương thì là con cái
Thiên Chúa, ai không yêu thương thì không là con cái Thiên Chúa. Ai thù ghét là
con cái ma quỷ, hiểu theo nghĩa, họ đã hành xử như ma quỷ; trong một cuộc tranh
luận, Đức Yêsu đã nói với người Do Thái: “Cha các ông là ma quỷ, và các ông
muốn làm những gì cha các ông ham thích. Ngay từ đầu, nó đã là tên sát nhân. Nó
đã không đứng về phía sự thật, vì sự thật không ở trong nó. Khi nó nói dối là
nó nói theo bản tính của nó, bởi vì nó là kẻ nói dối, và là cha sự gian trá”
(Ga.8, 44). Yêu thương tha nhân, ở mức độ thứ nhất, là điều phải làm vì đó là
giới răn của Thiên Chúa cho con người; nếu mình không thực hiện, mình không làm
theo điều Thiên Chúa dạy bảo. Ở mức độ cao hơn, sống yêu thương vì tự bản chất
mình thấy mình phải yêu thương; vì mình là con cái Thiên Chúa nên cách hành xử
của mình cũng phải giống như cách Thiên Chúa hành xử, nghĩa là sống yêu thương. Đức Yêsu là người
đã yêu thương tất cả mọi người, cả những kẻ giết Ngài. Trên thập giá, Đức Yêsu
đã thành khẩn nài xin Thiên Chúa Cha tha cho những kẻ giết Ngài: “Lạy Cha, xin
tha cho chúng vì chúng lầm chẳng biết” (Lc.23, 34). Đức Yêsu không chỉ dạy,
nhưng Ngài đã sống điều mình dạy: “Thầy nói với anh em là những kẻ đang nghe
Thầy nói đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho
người nguyền rủa anh em, hãy cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em” (Lc.6, 27-28).
Đức Yêsu đã không thù hận người làm hại Ngài, mà Ngài còn yêu thương họ, muốn
điều tốt lành cho họ. Ai thù hận, thì không được hạnh phúc. Đức Yêsu không thù
hận, Ngài luôn yêu thương, Ngài luôn hy vọng, Ngài luôn mong chờ người tội lỗi
ăn năn sám hối để họ được bình an. Đức Yêsu tin tưởng nơi Thiên Chúa, Ngài cầu
xin và chờ mong tất cả nơi Thiên Chúa. Người yêu thương là người luôn chờ mong
và hy vọng nơi con người, ngay cả những kẻ theo con mắt người đời không còn
đáng tin và chẳng còn hy vọng gì nữa. Chỉ những người yêu thương mới còn sức
sống; còn những người không hy vọng gì nơi con người, thì họ sống mà như đã
chết, và đối tượng mà người này không hy vọng gì, cũng đã chết đối với họ. Thánh Têphanô, vị
tử đạo tiên khởi của cộng đoàn Kitô hữu sơ khai, cũng đã sống như Thầy mình.
Ngài đã cầu nguyện cho những kẻ giết Ngài: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này.
Nói thế rồi, ông an nghỉ” (Cv.7, 60). Không thù hận nhưng yêu thương cả những
kẻ giết mình, đó là dấu chỉ cho thấy một người đã có cái nhìn và suy nghĩ giống
như Đức Yêsu, người con Thiên Chúa đích thực. Bình an hạnh phúc, là tình trạng
của người đã được sống trong tình yêu Thiên Chúa, và muốn những điều tốt lành
cho tha nhân như chính Thiên Chúa. Khi một người trở nên con Thiên Chúa, suy
nghĩ, ao ước như Thiên Chúa, thì Nước Trời đã hiện diện trong lòng họ (Lc.17,
21). Dưới một khía cạnh nào đó có thể nói: thiên đàng đã ở nơi tâm hồn họ. Câu hỏi gợi ý chia sẻ 1. Đã có khi nào bạn cảm nghiệm bình an hạnh phúc trên đời? Xin chia sẻ
nếu được. 2. Lòng thương cảm, động lòng thương, là dấu chỉ của tình yêu thương như
Thiên Chúa muốn. Bạn nghĩ sao về quan điểm này? HOME CHIA SẺ LỜI CHÚA
LỜI CHÚA NĂM A LỜI CHÚA NĂM B LỜI CHÚA NĂM C Chúc
bạn an vui hạnh phúc.
ĐỐI XỬ VỚI THIÊN CHÚA
(1Sm.26, 2.7-9.12-13.22-23; 1Cor.15, 45-49; Lc.6, 27-38)
Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.
[email protected]