Linh mục Đắc Lộ soạn thảo và cho xuất bản hai sách chữ Quốc ngữ đầu tiên

 (Đỗ Quang Chính, S.J.)

giao-si-dac-lo

Việc L.m. Đắc Lộ, người đầu tiên cho xuất bản hai cuốn sách chữ quốc ngữ đã được nhiều người bàn tới. Tuy nhiên chúng tôi cũng muốn ghi lại đây một cách tổng quát công trình của ông, để bạn đọc có một quan niệm rõ rệt hơn về tiến trình chữ viết chúng ta ngày nay. Chương này đề cập tới hai điểm chính : Đắc Lộ học tiếng Việt và cho xuất bản hai cuốn sách chữ quốc ngữ.

Đắc Lộ tức Alexandre de Rhodes sinh tại Avignon ngày 15-3-1593[1] trong một gia đình gốc Do Thái và có quôc tịch Tòa Thánh La Mã. Cha của Đắc Lộ là một nhà quý phái ở Avignon, có tên là Bernardin II de Rhodes và có 8 con. Người con cả là Jean, Tiến sĩ Luật khoa, người thứ hai là Đắc Lộ rồi đến Suzanne, Georges, Gabrielle, Laure, François và Hélène [2]. Georges sinh ngày 28-12-1597, gia nhập Dòng Tên tỉnh Lyon 1613, qua đời cũng tại Lyon ngày 17-5-1661. Georges là một giáo sư Thần học nổi tiếng, đã viết và xuất bản hai bộ sách Thần học lớn. Riêng Đắc Lộ vì muốn đi Đông Á truyền giáo, nên đã gia nhập Dòng Tên ở La Mã ngày 14-4- 1612, thay vì gia nhập Dòng Tên tỉnh Lyon. Đắc Lộ thụ phong Linh mục tại La Mã năm 1618. Cùng năm đó Đắc Lộ được Bề trên cả Dòng Tên chấp thuận cho ông đi truyền giáo ở Đông Á, sau khi ông đã đệ đơn xin ba lần từ 1614 đến 1617. Đắc Lộ tới thủ đô Bồ Đào Nha đáp tầu đi Đông Á, nhưng vì ông phải ngừng lại ở Goa quá lâu, nên mãi đến ngày 29-5-1623, mới tới Áo Môn. Ý định của ông là sẽ từ Áo Môn đi Nhật Bản truyền giáo, song không đạt được ý nguyện. Do đó cấp trên muốn cho ông đi truyền giáo tại Việt Nam. Đắc Lộ tới Đàng Trong lần thứ nhất vào tháng 12-1624, tháng 7-1626 ông rời Đàng Trong về Áo Môn để sửa soạn đi Đàng Ngoài, và ông đã tới đây ngày 19-3-1627. Tháng 5-1630 ông bị Chúa Trịnh Tráng trục xuất khỏi Đàng Ngoài. Từ năm 1630 đến 1640 ông dạy Thần học ở Học viện “Madre de Deus”. từ năm 1640 đến 1645 ông lại truyền giáo ở Đàng Trong. Tháng 7-1645, Đắc Lộ rời Đàng Trong về áo Môn rồi đi Âu châu. Năm 1654, Đắc Lộ đi Ba Tư, rồi qua đời tại Ispahan ngày 5-11-1660 [3].

Như chúng ta đã biết, Đắc Lộ không phải là người Âu châu đầu tiên học tiếng Việt, cũng không phải là người đầu tiên sáng tác chữ quốc ngữ, hơn nữa, vào năm 1636 Đắc Lộ cũng không phải là người ghi chữ quốc ngữ đúng được như một số Linh mục Dòng Tên Bồ Đào Nha ở Việt Nam thời đó. Thật ra, trong giai đoạn thành hình chữ quốc ngữ, Đắc Lộ chỉ góp một phần trong công việc quan trọng này, mà rõ rệt nhất là soạn sách chữ quốc ngữ và cho xuất bản đầu tiên. Trước khi sơ lược công trình Đắc Lộ soạn thảo và cho xuất bản hai cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên, chúng tôi xin tóm tắt lịch sử Đắc Lộ học tiếng Việt từ 1624- 1626.

ĐẮC LỘ HỌC TIẾNG VIỆT

Cuối tháng 12-1624, Đắc Lộ tới Đàng Trong và được cấp trên cho ở tại Dinh Chàm (Thanh Chiêm) để học tiếng Việt. Khi các Linh mục Dòng Tên đến truyền giáo tại Việt Nam (cũng như tại Nhật Bản, Trung Hoa, Ấn Độ v.v… ) thì trước tiên họ phải học tiếng Việt với những điều kiện rất khó khăn, hầu có thể tiếp xúc với dân chúng. Riêng tiếng Việt đối với người Âu châu thật là khó như chúng tôi đã trinh bày ở chương một. Dù vậy, vào năm 1620 (sau 5 năm các nhà truyền giáo bắt đầu chính thức truyền bá Phúc âm ở Đàng Trong) đã có hai linh mục nói thạo tiếng Việt, đó là ông Francisco de Pina và Cristoforo Boni [4].

Khi vừa tới Đàng Trong, Đắc Lộ thấy hai L.m. Francesco Buzomi và Emanuel Fernandes còn phải dùng thông ngôn để giảng, tuy nhiên ông sung sướng thấy một Linh mục khác tức là Francisco de Pina đã nói thành thạo tiếng Việt. Đắc Lộ được Bề trên cho ở cùng nhà với Pina tại Dinh Chàm, để Pina dậy tiếng Việt cho ông. Sau này, khi đề tựa cuốn tự điển Việt-Bồ-La của ông, Đắc Lộ cũng ghi rõ là mình đã học tiếng Việt với Pina [5] Đắc Lộ thuật lại rằng, ông học tiếng Việt chăm chỉ như khi theo khoa Thần học ở La Mã (Học viện La Mã của Dồng Tên). Nhờ đó sau bốn tháng , ông đã “ giải tội ” được và thêm sáu tháng nữa là ông có thể giảng bằng tiếng Việt[6].

Đắc Lộ còn cho hay là, ông cũng học tiếng Việt với một em bé 13 tuổi. Nhờ em nhỏ này, mà sau ba tuần lễ, Đắc Lộ đã biết phân biệt các thứ thanh tiếng Việt và cách phát âm mỗi tiếng. Có điều khá lạ : em nhỏ không biết tiếng ông nói, Đắc Lộ cũng chưa biết tiếng Việt, thế nhưng hai người vẫn hiểu nhau được. Không rõ Đắc Lộ dùng tiếng nào ? Pháp, Ý, La tinh hay Bồ Đào Nha ? Theo chúng tôi đoán, có lẽ ông dùng tiếng Bồ Đào Nha nói truyện với em nhỏ, vì trong thời kỳ ấy ở Đàng Trong chỉ có người bồ Đào Nha đến buôn bán, các nhà truyền giáo phần đông cũng là người Bồ Đào Nha. Trong ba tuần đó, em nhỏ còn học nói và viết ngôn ngữ của Đắc Lộ (có lẽ tiếng Bồ Đào) và biết giúp Thánh lễ (đọc tiếng La tinh), làm cho Đắc Lộ phải thán phục tinh thần lanh lẹn và trí nhớ giai bền của em[7].

Em đã được gia nhập Giáo hội do chính L.m. Đắc Lộ làm phép Rửa tội. Vì yêu kính Đắc Lộ, nên em đã mang tên của Đắc Lộ, tức Raphael Rhodes [8] (Raphaël, tên thánh của em; Rhodes, tên của Đắc Lộ) [9]. Cũng từ lúc đó, em nhỏ trở thành người đắc lực trong việc giúp các Linh mục dậy giáo lý và dần dần trở thành “ Kẻ giảng ” (tu sĩ cấp hai trong “Dòng tu” Thầy giảng).

Sau này Raphaël Rhodes cũng theo L.m. J.M. de Leria (1597-1665), người Ý, đi truyền giáo tại Lào quốc và tới Vạn Tượng ngày 15-7-1642 [10]. (Nên biết rằng, ngay từ năm 1638, L.m. J.B. Bonelli (Ý) cùng với ba Thầy giảng từ Thăng Long đi sang Lào truyền giáo theo lời yêu cầu của vua Lào. Vì mệt nhọc nên vị Linh mục chết ở dọc đường, còn ba Thầy giảng tuy đã vào tới đất Lào, nhưng nhà vua ỉại cấm truyền đạo). Leria, Raphaël Rhodes và mấy Thầy giảng khác được vua Lào cho phép truyền giáo. Lena cũng dâng vua Lào hai con chó trắng nhỏ xíu, một con thỏ và mấy thứ khác. Ngày 12-8-1642, Leria cũng kính tặng vị đệ nhất cận thần vua Lào một ống nhòm tốt[11]. Tháng 2- 1647, Lena rời khỏi xứ Lào thì có lẽ Raphaël Rhodes cũng bỏ xứ này nhưng không hiểu ông về Đàng Trong hay đi Đàng Ngoài? Chỉ biết rằng, năm 1655 người ta thấy Raphaël Rhodes ở Đàng Ngoài và lúc đó ông không còn là tu sĩ nữa, song đã có vợ (tên thánh của bà là Pia)[12]. Tuy nhiên ông vẫn còn là người Công giáo tốt, luôn luôn tận tâm giúp đỡ các nhà truyền giáo. Theo các tài liệu để lại, thì Raphaël Rhodes là một thương gia giầu có và đại lượng, đặt trụ sở thương mại ỏ Thăng Long và Phố Hiến[13]. Ông qua đời vào năm nào chúng tôi không rõ, nhưng chắc chắn là vào năm 1666 ông vẫn còn là một cán bộ đặc biệt của giáo đoàn Đàng Ngoài[14]

Trên đây là giai đoạn đầu tiên Đắc Lộ học tiếng Việt. Khi bỏ Đàng Trong vào tháng 7-1626, Đắc Lộ đã nói thạo tiếng Việt, vì thế ông được các Linh mục Dòng Tên ở đây cử ông đi Đàng Ngoài truyền giáo[15]. Còn việc học chữ quốc ngữ, có lẽ bắt đầu Đắc Lộ học với Francisco de Pina. Nếu đúng như thế, thì Pina là một trong những người đầu tiên đem mẫu tự a b c vào tiếng Việt, chúng ta phải nhận rằng, Đắc Lộ có năng khiếu ngôn ngữ, vì ông biết nhiều thứ tiếng: Viết và nói các tiếng Pháp, Việt, Ý, La tinh, Bồ Đào; xử dụng sơ sơ tiếng Nhật, Trung Hoa, Konkani (ở Goa), Ba Tư. Nhưng trong các ngoại ngữ Đắc Lộ đã học, thì chỉ có tiếng Việt là ông thành thạo nhất; chính Đắc Lộ đã viết như thế trong một cuốn sách xuất bản năm 1635[16]. Chính L.m. Saccano cũng xác nhận là Đắc Lộ thành thạo tiếng Việt, khi ông lên tiếng bênh vực mô thức Rửa tội bằng tiếng Việt do Đắc Lộ đề ra [17].

ĐẮC LỘ CHO XUẤT BẢN HAI SÁCH QUỐC NGỮ

vatica22n-inri

Sau khi sơ lược việc Đắc Lộ học tiếng Việt với L.m. Francisco de Pina, người Bồ Đào Nha và với em nhỏ Raphaël Rhodes, bây giờ chúng ta bàn đến việc ông soạn thảo và cho xuất bản hai sách quốc ngữ đầu tiên :

Dictionarivm annamiticvm, Lvsitanvm, et latinvm, ope Sacrae Congregatỉonỉs de Propaganda Fide in Ivcem editvm ab Alexandro de Rhodes è Societate lesv, ejusdemque Sacrae Congregatỉonis Missionario Apostolico, Roma, 1651, in-4°

Cathechismvs pro iis, qui volunt suscipere Baptismvm, in Octo dies diuisus. Phép giảng tám ngày cho kẻ muấn chịu phép rửa tọi, ma bẽào đạo thánh đức Chúa blời. Ope Sacrae Congregaíionis de Propaganda Fide in lucem ediîus. Ab Alexandro de Rhodes è Societate Iesv, ejusdemque Sacrae Congregationis Missionarío Apostolico, Roma, 1651, in-4°

Thời gian soạn thảo, hình thức và nội dung

Trước hết chúng ta thử coi hai sách này được soạn thảo thời kỳ nào? Theo nhận xét của chúng tôi, hai cuốn sách này được viết tại Áo Môn khoảng từ 1636 đến 1645. Sở dĩ chúng tôi đặt vào thời gian trên, vì cách ghi chữ Việt trong hai cuốn sách kể là đúng khá so với lôi viết ngày nay. Ta thấy năm 1636 Đắc lộ viết chữ quốc ngữ còn sai về dấu, nhất là đặt các từ ngữ liền nhau. Do đó, nếu Đắc Lộ đã viết khá đúng như hai cuôn trên đây thì ít nhất phải là sau năm 1636.

Chúng tôi thiết nghĩ, sở dĩ Đắc Lộ viết chữ quốíc ngữ được như vậy, phần lớn nhờ hai cuốn tự điển của Gaspar d’Amaral và Antonio Barbosa, như chúng ta đã đề cập trong chương hai.

Độc giả còn rõ là, từ năm 1630-1640. Đắc Lộ làm Giáo sư Thần học ở Áo Môn, sau đó ông lại đi truyền giáo ở Đàng Trong từ 1640-1645. Nhưng không phải là ông ở Đàng Trong liên tục, trái lại vì nhiều hoàn cảnh khó khăn buộc ông phải trờ về Áo Môn bốn lần. Đây là thời gian ông ở Đàng Trong từ 1640-1645 :

-Tháng 2-1640 đến 9-1640, rồi về Áo Môn,

-Tháng 12-1640 đến 7-1641, sau đó về Áo Môn,

-Tháng 1-1642 đến 7-1643, lại về Áo Môn,

–  Tháng 3-1644 đến 7-1645, rời bỏ Đàng Trong hoàn toàn, trở lại Áo Môn rồi về Âu châu.

Chính trong thời gian ở tại Áo Môn là lúc Đắc Lộ soạn thảo và sửa chữa hai cuốn sách đó, những lần ông trở lại Đàng Trong là lúc ông học hỏi thêm để ghi và đánh dấu cho đúng chữ quốc ngữ. Hơn nữa, có lẽ một số Thầy giảng Đàng Trong, như Thầy Y Nhã (một người thông thạo văn chương, triết học, đã làm quan trước khi gia nhập hàng Thầy giảng) đã giúp Đắc Lộ trong việc này.

Chúng tôi không nghĩ rằng, Đắc Lộ soạn hai cuốn trên sau năm 1645, nếu có thì chỉ là sửa chữa và bổ túc cho đầy đủ hơn. Vì như chúng ta đã biết, cuộc hành trình của Đắc Lộ từ Áo Môn về La Mã gặp nhiều khó khăn và kéo dài từ 20-12-1645 đến 27-6-1649; ngoài ra khi về tới La Mã ông rất bận việc tiếp xúc với Giáo quyền, để vận động cho Giáo hội Việt Nam có các Giám mục.

Về hình thức và nhất là nội dung hai cuốn sách, đã được nhiều người bàn tới, nên ở đây chúng tôi sẽ không đi sâu vào vấn đề, mà chỉ trình bày hết sức sơ lược.

Cuốn Dictionarium

page1-752px-Dictionarium_Annamiticum_Lusitanum_et_Latinum.pdfMột điều mà chúng tôi tưởng cần trả lời ngay thắc mắc: tại sao cuốn sách lại được in bằng chữ Bồ Đào và La tinh ngoài chữ quốc ngữ? Hẳn bạn đọc đều rõ vai trò chính trị, thương mại của Bồ Đào Nha từ thế kỷ 15 đến cuối thế kỷ 17 tại Ba Tây, Ấn Độ, Mã lai, Thái Lan, Cam Bốt, Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản. Từ cuối thế kỷ 16 sang đầu thế kỷ 17, tiếng Bồ Đào Nha được xử dụng ở những nơi trên do đoàn thương gia Bồ Đào và giáo sĩ Tây phương. Các nhà truyền giáo dầu là người Đức, Ý, Pháp, đã đến Việt Nam, Áo Môn, Nhật Bản, v.v… vào thế kỷ 17 thì cũng phải biết tiếng Bồ Đào Nha. Đó là tiếng Âu châu quan trọng hơn cả ở các miền trên đây. Tại Việt Nam thời đó, nếu có người Việt nào học tiếng Âu châu, thì sự thường cũng là tiếng Bồ Đào Nha.

Cuốn tự điển được soạn thảo bằng chữ Việt – Bồ – La (riêng tên sách lại chĩ đề bằng La ngữ), với hai mục đích đã được tác giả ghi rõ : thứ nhất, giúp các nhà truyền giáo học tiếng Việt, để có thể truyền giáo [18]; thứ hai, Đắc Lộ đã làm theo ý muốn của một số vị Hồng y ở La Mã thêm chữ La tinh vào, để người Việt Nam có thể học thêm La ngữ [19].

Cuốn từ điển gồm ba phần chính :

–       Lingvae Annamiticae seu Tvnchinensis brevis declaration 31 trang, từ trang 1 đến 31, được sắp lên đầu cuốn tự điển và được đánh số trang tách biệt với cuốn tự điển. Đây là cuốn ngữ pháp Việt Nam, nhưng soạn thảo bằng La ngữ, với mục đích cho người Tây phương học. Tuy sách vắn, nhưng tác giả cũng chia ra 8 chương rõ rệt, không kể Lời nói đầu :

Chương I: Chữ và vần trong tiếng Việt (De literis et syllabis quibus haec lingua constat). Chương II: Dấu nhấn và các dấu (De Accentibus et aliis signis in vocalibus). Chương III: Danh từ (De nominibus). Chương IV: Đại danh từ (De Pronominibus). Chương V: Các đại danh từ khác (De illis Pronomỉnỉbus). Chương VI: Động từ (De Verbis). Chương VII: Những phần bất biến (De reliquis orationis partỉbus indeclinabỉlỉbus). Chương chót : Cú pháp (Praecepta quaedam ad syntaxim pertinentia).

–       Dictionarivm Annamỉticvm seu Tunchinense cum Lusitana, et Latina declaratione. Phần này không đánh số trang nhưng ghi theo cột chữ (mỗi trang có hai cột chữ). Từ đầu đến cuối là 900 cột, từ mẫu tự nọ sang mẫu tự kia thường để cách một trang trắng, có khi hai trang trắng. Một điều khác đặc biệt với tự điển Việt Nam ngày nay, Đắc Lộ thêm mẫu tự-b sau mẫu tự b. Thực ra đó là một số chữ thuộc mẫu tự V bây giờ. Ví dụ -.■bá (vá : vá áo),-bã (vã : vã nhau, tát nhau), -bạch (vạch : vạch tai ra mà nghe),-èậy (vậy : ấy vậy),-èán (ván : đỗ, đậu van),-bỏ (vỏ : vỏ gươm). Mẫu tự -b này chiếm 10 cột, tức 5 trang giấy.

–      Index Latini sermonis là phần thứ ba cuốn tự điển. Trong phần này, tác giả liệt kê chữ La tinh có ghi trong phần hai và bên cạnh mỗi chữ có đề số cột, với mục đích để người học tiếng Việt, nếu đã biết La tinh, thì dò theo phần này để tìm chữ Việt ở phần kia. Trong phần này không đánh số trang, cũng không ghi số cột (mỗi trang có hai cột chữ). Chúng tôi đếm được 350 cột tức 175 trang. Tại sao Đắc Lộ không làm mục bày bằng chữ Bồ Đào Nha, mà lại làm bằng La ngữ? điều đó chúng tôi không rõ. Vì, đáng lý phải làm mục này bằng tiếng Bồ Đào Nha mới hợp lý, bởi lẽ, thứ tự cuốn tự điển là chữ Việt, rồi đến chữ Bồ, sau đó mổi tới La tinh. Hơn nữa, lúc đầu khi soạn thảo tự điển, Đắc Lộ chỉ làm có hai thứ tiếng: Việt và Bồ, sau này vì các vị Hồng y ở Bộ Truyền giáo yêu cầu nên Đắc Lộ mới thêm phần La tinh vào, như chúng ta đã thầy.

Cuốn Cathechismus

Đây là một cuốn giáo lý mà tác giả muốn viết cho những người dậy giáo lý dùng. Cuốn sách được viết bằng hai thứ tiếng : La tinh và Việt Nam. Trên mỗi trang sách chia làm hai, có một gạch phân đôi từ trên xuống dưới : bên tay trái của người đọc sách là chữ La tinh (chữ xiên), bên tay phải là chừ Việt (chữ đứng). Để độc giả dễ dàng đối chiếu hai thứ chữ, Đắc Lộ đặt ở đầu mỗi ý tưởng chính mẫu tự abc… cho hai phần La Việt, rồi chính giữa trang cũng đặt mẫu tự abc… cho hai phần La Việt song song. Cuốn sách có 319 trang, không đề Lời tựa. Sau trang bìa và trang ghi ngày được phép in sách, là đến phần chính ngay.

Viết sách này, tác giả không chia ra từng chương, mà lại chia theo từng ngày học, có tính cách sư phạm, mà như chúng ta đã biết là sách được chia ra Tám ngày. Cuốn sách quý giá này đã được nhóm Tinh Việt tái bản tại Sài Gòn năm 1961. Lần tái bản này sách dầy 237 trang. Tiếc rằng, nhà xuất bản không cho in lại đúng chữ quốc ngữ trong nguyên bản, nên đối với các nhà nghiên cứu ngữ học Việt Nam, ít có lợi. Ở đây chúng tôi không bàn đến nội dung cuốn sách, vì không phải là vấn đề của chúng ta lúc này[20]. Về phương diện ngữ học cuốn Cathechismus cũng như cuốn Dictionarium đã được một số người bàn tới. Riêng chúng tôi, vì không muốn đi ra ngoài mục đích tập sách nhỏ này là sơ lược lịch sử chữ quốc ngữ, nên bó buộc chúng tôi phải bỏ qua, để bước sang phần xuất bản hai cuốn sách.

Công cuộc xuất bản

Chúng ta đã biết là hai cuốn sách trên được xuất bản tại La Mã năm 1651. Cuốn Dictionarium được L.m. F. Piccolomineus, Bề trên cả Dòng Tên cho phép xuất bản ngày 5-2-1651[21], tức là một năm rưỡi sau khi Đắc Lộ về tới La Mã (27-6-1649). Cuốn Cathechismus được L.m. Gosswinus Nikel, lúc đó là quyền Bề trên Cả[22], cho phép xuất bản ngày 8-7-1651. Ngày 2-10-1651, trong một phiên họp, các Hồng y và Giáo chủ đã ra lệnh cho nhà in của Bộ Truyền giáo ngừng mọi công việc để in cho xong cuốn Cathechismus. Như vậy, rất có thể là đầu năm 1652, cuốn sách mới được in xong [23].

Khỏi phải nói, bạn đọc cũng nhận thấy việc xuất bản hai cuốn sách trên thật là khó, không những về phương diện kỹ thuật, vì chưa có chữ Việt sẵn, mà cả phương diện tài chính nữa, vì loại sách đó sẽ bán cho những ai? Đắc Lộ đã phải vất vả lắm để cho xuất bản hai cuốn sách của ông. Cũng may là lúc đó Bộ Truyền giáo (được thành lập ngày 22-6-1622) của Giáo hội La mã đã hy sinh đứng ra in.

Chắc chắn Đắc lộ phải theo dõi công việc này từng li từng tí, từ việc đúc chữ Việt đến việc sắp chữ. Việc sắp chữ hẳn là khó khăn, vì làm gì thợ nhà in biết chữ Việt. Do đó xuất bản hai cuốn sách này là cả một công trình to lớn.

Thực ra, lúc ấy Bộ Truyền giáo sẵn sàng hy sinh trong việc xuất bản, vì mang lại nhiều lợi ích về tinh thần. Hơn nữa cũng muốn tỏ một phần nào cho chính quyền Bồ Đào Nha biết: từ nay việc truyền giáo hoàn toàn thuộc quyền Tòa thánh La Mã, chứ không lệ thuộc vào chính quyền Bồ Đào Nha nữa. Bởi vì từ năm 1418, Đức Giáo hoàng Mạc Tính V (Martinus V) đã chấp nhận cho Bồ Đào Nha có quyền sở hữu trên các đất “mới” mà họ sẽ chiếm được tại Phi châu.[24] Nhất là từ ngày 4-5-1493, khi Đức Giáo hoàng A Lịch Sơn VI (Alexander VI) phân chia cho hai nước Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, quyền cai trị và truyền giáo trên các đất “mới” mà hai nước đó sẽ chinh phục được. Con đường phân ranh tưởng tượng đó nằm cách 100 dặm về phía Tây quần đảo Açores : Bồ Đào Nha được quyền về phía Đông đảo Açores, còn Tây Ban Nha chiếm phía Tây Açores. Năm sau, bằng hiệp ước tại Tordesillas ký ngày 7- 6-1494 giữa hai nước Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, đường phân ranh đó lại được nới rộng cho Bồ Đào Nha thêm 270 dặm nữa về phía Tây quần đảo Açores. Như vậy là những vùng đất đai mới khám phá được từ Ba Tây qua Phi châu đến Nhật Bản đều ở trong “quyền” nước Bồ Đào Nha, còn các vùng đất mới khám phá được ở phía Tây Açores (kể đến hết Phi Luật Tân) ở dưới “quyền” Tây Ban Nha [25]. Vua Bồ Đào Nha có quyền gửi các nhà truyền giáo tới những miền mình “bảo trợ” (padroado) và trợ cấp về phương diện vật chất nữa. Từ thế kỷ 15 đến đầu thế kỷ 17 các nhà truyền giáo Âu châu muốn đi họat động ở Ba Tây, Nam Phi châu hay Đông Ẩn, bó buộc phải đi tầu của chính quyền Bồ Đào Nha từ Lisboa, dầu họ là người Ý, Pháp, Đức v.v…[26]

Nhưng trong việc truyền giáo, chính quyền Bồ Đào có nhiều lạm dụng, nên từ đầu thế kỷ 17, Tòa Thánh La Mã muốn dành lại trách nhiệm đó hoàn toàn cho mình. Vì vậy, năm 1633, Đức Giáo hoàng Ước Bang VIII (Urbanus VIII) chấp thuận cho tất cả các dòng tu truyền giáo được phép chọn lộ trình truyền giáo cho các tu sĩ trong dòng mà không phải theo lộ trình từ Lisboa[27]. Ý chí lãnh trách nhiệm này được thể hiện từ năm 1622, khi Tòa Thánh thiết lập Bộ Truyền giáo. Từ đó, Bộ này hoạt động mạnh, để chứng tỏ là chính Giáo hội La Mã phải hoàn toàn trách nhiệm trong việc truyền bá Phúc Âm.

Vì thế, việc xuất bản hai cuốn sách trên đây của Đắc Lộ cũng nằm trong mục đích ấy. Hơn nữa, muốn tỏ rõ L.m. Đắc Lộ đi truyền giáo là người của Bộ Truyền giáo gửi đi hoạt động [28], nên mặt bìa cuốn sách đề rõ ràng như sau : “Tự điển Việt Bồ La được Bộ Truyền giáo xuất bản, do tác giả Đắc Lộ, là tu sĩ Dòng Tên và là thừa sai của Bộ truyền giáo” (Dictionarivm annamiticvm, lvsitanvm, et latinvm, ope Sacrae Congregationis de Propaganda Fide in lvcem editvm ab Alexandre de Rhodes è Societate Iesv, ejusdemque Sacrae Congregationis Missionarìo Apostolico). Trên bìa cuốn Cathechismus cũng đề giống như thế (Cathechismus… ope Sacrae Congregationis de Propaganda Fide in lucem editus, ab Alexandra de Rhodes è Societate Iesv, ejusdemque Sacrae Congre gationis Missionario Apostolico).

Nhờ công lao của Đắc Lộ, năm 1651 đánh dấu một giai đoạn quan trọng nhất của lịch sử chữ quốc ngữ. Ngày nay, nhắc đến lịch sử chữ chúng ta đang xử dụng, là phải nhớ tới công ơn Đắc Lộ. Tại Hà Nội một bia kỷ niệm[29] Đắc Lộ được dựng vào giữa năm 1941 và tại Sài Gòn một con đường mang tên Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) từ năm 1955, để tưởng nhớ công ơn Đắc Lộ.

Dầu sao Đắc Lộ cũng là người ngoại quốc, chúng ta cần phải tìm kiếm những bản văn quốc ngữ do người Việt Nam soạn vào thế kỷ 17, đề hiểu được phần nào ảnh hưởng thứ chữ mới này nơi người Việt Nam trong thời kỳ đầu tiên. Vì vậy, phần tiếp theo sẽ đề cập tới ba tài liệu quan trọng về chữ quốc ngữ do hai người Việt Nam sáng tác.

 


[1] “Pe A. Rhodes, Frances de naçao, natural de Avinhão, boa saude e forças, de idade 31. annos, da Compa 11, com os estudos de Philosophia e Theologia acabados” (Primeiro catalogo das Informâmes commuas das Pes e Irmaôs da Provincia de Japao,feito em dezembro de 1623, ARSI, JS. 25, f. 130v).

[2]   Musée Calvet d’Avignon, manuscrits vol. 3243, f. 36-45r.

– Archives départementales de Vaucluse, Registre de baptême de la paroisse Sainte – Magdeleine, 1604-1635, GG. 3.

[3]    Thư của L.m. Aimé CHÉZAUD viết ngày 11-11-1660 tại Ispahan, báo tin buồn Đắc Lộ qua đời (Archives des Jésuites de la Province de Paris, Fonds Rybeyrète, số 29).

[4]    Joaô ROIZ, Annua de Cochinchina do anno de 1620 ARSI, JS. 72, f. 3r. – Gaspar LUIS, Cocincinensis missionis annuae Litterae, anni 1620, ARSI, JS. 71, f. 23r.

[5]     “(•••) ab initio magistrum linguae audiens p. Franciscum de Pina lusitanum è nosưa minima Societate JESV, qui primus è Nostris linguã illam apprimè calluit, et primus sine interprete concionari eo idiomate caepit” (RHODES, Dictionarium, Roma, 1651).

[6]    RHODES, Divers voyages et missions, tr. 72-73.

[7]    “ Celuy qui m’ayda merueilleusement fut vn petit garçon du pais qui m’enseigna dans trois semaines, tous les diuers tons de cette langue, et la façon de prononcer tous les mots, il n’entendoit point ma langue ; ny moy la sienne, mais il auoit vn si bel esprit, qu’il comprenoit incontinent tout ce que je voulois dire, et en effect en ces mesmes trois semaines il apprit à lire nos lettres, à escrire, et à seruir la Messe, j’estois estonné de voir la promptitude de cet esprit, et la fermeté de sa mémoire” (RHODES, Divers vogyages et missions, tr. 73).

[8]     “Il a tant d’amour pour moy, qu’il a voulu porter mon nom” {Ibid., tr. 74).

[9]    Tên Việt Nam của em nhỏ là gì, chúng tôi chưa tìm thấy.

[10]    RHODES, Histoire du royaume de Tunquin, tr. 287. – MARINI, Delle Mission, tr. 492-540. – J. BURNAY, Notes chronologiques sur les missions jésuites du Siam au XVIle sïecle, trong Archivum Historicum Societatis Jesu, Năm thứ XXII, tháng 1-6 năm 1953, tr. 184-185-199.

[11] Biên thùy Xiêm Lào (không rõ ngã nào) viên sĩ quan biên phòng nhất định không cho Lena sang Lào, dẫu ông đã van lơn, đã tặng quà. Leria đành trở lại Ajuthia. Ở thủ đô Xiêm, ông đã nhận được thư của L.m. Antonio Rubino, Giám sát Dòng Tên tính Nhật Bản, yêu cầu ông cố thực hiện cuộc đi Lào. Lần này, Lena sang Cam Bốt, xin chính quyền cho phép đi Lào. Tại Oudong, thủ đô Cam Bốt, Lena gặp các thương gia Hòa Lan dưới quyền điều khiển của ông Geritt van Wustoff (Wuysthoff). Ông này bằng lòng chở Lena và mấy Thầy giảng Việt Nam đi Vạn Tượng theo sông Cửu Long. Nhờ vậy, Leria, Raphaël Rhodes và mấy Thầy giảng Việt Nam đã đạt được đích.

[12]   Relation des missions des évesques françols aus royaumes de Siam, de la Cochinchine, de Camboye, et du Tonkin, divisé en quatres parties, Paris, 1674, tr. 267.

[13]   Hãy coi L.m. Joseph Tissanier viết về Raphaël Rhodes vào cuối năm 1660 : “Nous deuons mettre au nombre de nos bienfaiteurs vn riche Cochinchinois nommé Raphaël Rhodes, lequel ayant esté autrefois baptizé dans la Cochinchine par le R.p. Alexandre de Rhodes, conserue encore aujourd’huy le souverir et le nom de ce grand seruiteur de Dieu, et nous fait voir dans le Tunquin le grand amour qu’il nous porte, par les continuelles faueurs qu’il nous fait” (TISSANIER, Relation du voyage, Paris, L663, tr. 347).

[14]   Có thể coi thêm về Raphaël Rhodes : – Henri CHAPPOULIE, Aux origines d’une Eglise, Roma et les missions d’Indochine au XVHe siècle, Quyển 1, Paris, 1943, tr. 215-237.

Relation des missions des évesques français…, Paris, 1674.Tr. 173-194, 251-252, 267 – ARSI, JS. 81, f. 18rv.

[15]    “(•••_ fù eletto il P. Alessandro Rhodes molto bon Religioso et insignè operario” (Thư của Francesco Buzomi viết ở Đàng Trong ngày 13-7-1626, gởi L.m. M. Vitelleschi, Bể trên cả Dòng Tên ở La Mã, ARSỈ, JS. 68,, í. 28r).

[16]  RHODES, Sommaire des divers voyages, Paris, 1653, tr. 37.

[17]   “(•■•) de qua [Baptismi forma] excitata olim fuit quaestio, haud, sanè contemnenda, a p. Alexandra Rhodes viro doclo, et in Collegio Amacaĩnsi [Macao] quondam Theologiae Professore, Annamici vero idiomatis egregiè perito ”

(Metelle SACCANO viết ở Đàng Trong ngày 5-7-1653, ARSỈ, JS. 80, f. 103r).

[18]     “Immo vero vt in fines Orbis terrae, quos Tunchinenses, et Cocincinae, hoc est, Vniuersi Annamitae occupant ; facilius penetret Verbum Dei, nunc etiam vestrae ampliturio muniíĩcentiae Annamitae gentis dictionarium jubet excudi, quod et Apostolicis vins ad earn vineae Domini partem destinatis vsui fit, ad Annamitarum reconditum idioma capiendum, vt scilicet illis possint Diuina explanari mysteria” (RHODES, Dictionarium, Mây lời gởi các vị Hồng y Bộ Truyền giáo, đặt trước Lời tựa).

[19]   “ (…) latinam etiam linguam Eminentissimorum jussu Cardinalium addidi, quae, praeter alia commoda, vsui fit ipsis indigenis ad linguam ỉatinam addiscendam ” (RHODES, Dictionarium, cuối Lời tựa).

[20]   về quan điểm Thần học cuốn Cathechismus, bạn đọc có thể coi : NGUYẾN KHẢC XUYÊN, Le Catéchisme en langue vietnamienne romanisée du Père Alexandre de Rhodes, Luận án Tiến sĩ Thần học tại Đại học Gregoriana, Roma, 1958. – NGUYỄN khắc xuyên, Quan điểm thần học trong ” Phép giảng tám ngày ” của Giáo sĩ Đắc Lộ, trong báo Đại Học ; tháng 2-1961, tr. 37-57. – Placide TAN PHÁT, Méthodes de catéchèse et de conversion du Père Alexandre de Rhodes, Luận án Tiến sĩ Thần học tại Đại học Công giáo Ba Lê, Paris, 1963. – NGUYEN CHÍ THIET, Le catéchisme du Père Alexandre de Rhodes et l’âme Vietnamienne, Luận án tiến sĩ Thần học tại Đại học Giáo hoàng Urbania, Roma, 1970.

[21]   Franciscus PICCOLOMINEUS (1582-1651), sinh tại Senis (Ý) năm 1582, gia nhập Dòng Tên năm 1600, được bầu làm Bề trên cả Dòng Tên ngày 21-12-1649, qua đời ngày 17-6-1651. Khi ngài qua đời, L.m. Gosswinus Nickel được cử làm Bề trên tạm thay thế cho đến khi L.m. A. Gottifredi được bầu làm Bề trên cả ngày 21-1-1652.

[22]   Gosswinus NIKEL (1582-1664), sinh tại Julia (Đức) năm 1582, gia nhập Dòng Tên năm 1604, được bầu làm Bề trên Cả Dòng Tên ngày

17- 3-1652, sau khi L.m. Bề trên cả Alexander Gottifredi qua đời ngày 12-3-1652. Nikel qua đời 31-7-1664. Khi Nikel cho phép xuất bản cuốn Cathechismus, lúc đó ngài mới là tạm quyền Bề trên cả (Vicarius generalis).

[23]   Xin coi thêm : NGUYỄN khắc xuyên, Giáo sĩ Đắc Lộ với công việc xuất bản, Việt Nam Khảo cổ tập san, số 2, năm 1961, tr. 183-194.

[24] Trọng sắc Romanus Pontifex, 4-4 1418, trong Bullarium patronatus Portugalliae regum in Ecclesiis Aricae, Asiae atque Oceaniae, bullas, brevia, epistolas decreta actaque Sanctae Sedis ab Alexandro III ad hoc usque tempus amplectens, Q. 1, (1171-1600), Lisboa, 1868, tr. 8.

[25]   Cũng vì đường phân ranh năm 1494, mà đất Ba Tây ở Nam Mỹ bị đặt dưđi quyền của Bồ Đào Nha và cho đến bây giờ dầu Ba Tây đã độc lập, tiếng nói vẫn là tiếng Bồ Đào Nha. Còn các nước khác ở Nam Mỹ lại dưới quyền Tây Ban Nha, và cho đến bây giờ tiếng Tây Ban Nha vẫn là ngôn ngữ thông dụng và chính thức trong vùng đó.

[26]   về quyền “ bảo trợ ” (padroadó) của Bồ Đào Nha, xin coi :

–     Bullaríum patronatus Portugalliae regum in Ecclesiis Africae, Asiae atque Oceaniae, huilas, brevia, epistolas, décréta actaque Sanctae Sedis ab Alexandro III ad hoc usque tempus amplectens, Quyển I, (1171- 1600), Lisboa, 1868-1879, 5 tập, và quyển II (1601-1700), Lisboa, 1870, 1 tập.

–      c. Ralph BOXER, The Portuguese padroado in East Asia and the problem of the Chinese Rites (1576-1773), Macau, 1948.

–     H. CHAPPOULIE, Aux origines d’une Eglise, Rome et les missions d’Indochine au XVIIè siècle, QI, Paris, 1943, tr. 42-101.

[27]   Trọng sắc Ex debito pastoralis, 22-2-1633, trong Juris Pontifici de Propaganda Fide, Phần I, Roma, 1888, tr. 143.

[28]   Thực ra, năm 1618, khi Đắc Lộ rời La Mã để đi Đông Á truyền giáo, thì Bộ Truyền giáo chưa được thiết lập, và ông cũng phải đến Lisboa để đáp tầu của chính quyền Bồ Đào Nha đi Goa trước khi tới Áo Môn. Trước khi lên tầu, Đắc Lộ cũng phải ghi tên quê quán, Dòng tu, cũng bị khám xét hành lý như mọi thừa sai khác. Sau này, khi Đắc Lộ về tới La Mã năm 1649, tình thế đã đổi khác: Bộ Truyền giáo đã bắt đầu hoạt động mạnh và quyền bảo trợ của Bồ Đào Nha đang suy giảm dần.

[29] Khoảng năm 1957, bia này đã bị phá bỏ.

Kiểm tra tương tự

Đừng ngại rao giảng Tin Mừng

Một trong những thách đố khi là một người Ki-tô hữu là việc ra đi …

Vui Trung Thu nơi cửa Phật

Hơn 40 sinh viên Công giáo thuộc hai nhóm Đại học Đồng Nai, dưới sự …

4 Bình luận

  1. Hãy tìm hiểu chữ quốc ngữ – Alexandre de Rhodes (Jesuit) – Linh mục Đắc Lộ (Dòng Tên)

  2. Hãy tìm hiểu chữ quốc ngữ – Alexandre de Rhodes (Jesuit) – Linh mục Đắc Lộ (Dòng Tên)

  3. Không có thầy các con không làm gì đươc. Chữ việt có các thánh thông công !!!

  4. Không có thầy các con không làm gì đươc. Chữ việt có các thánh thông công !!!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *