Chủ đề: Chúa Giêsu Ở Lại Trong Đền Thờ – Linh Thao Trong Kỳ Dịch Covid-19

Bài chiêm niệm

 

CHÚA GIÊSU Ở LẠI TRONG ĐỀN THỜ

 

Lời Chúa: Lc 2,41-50

 

41 Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua.42 Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ.43 Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết.44 Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc.45 Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.

46 Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi.47 Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu.48 Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!”49 Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”50 Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.

 

Kinh dọn lòng:

 

Xin cho tất cá ý hướng, hành vi và hoạt động của tôi chỉ qui hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa chí tôn theo cách sống của Chúa Giêsu.

 

Về Lịch sử:

 

Khi đến tuổi 12, mọi người nam Do-thái giáo đều được xem là trưởng thành về mặt tôn giáo. Với mốc thời gian này, Đức Giêsu lên đền cùng gia đình và ở lại đền thờ. Trong biến cố này, Đức Giêsu diễn tả mối tương quan giữa Ngài và Chúa Cha phải được đặt lên trên mọi mối tương quan khác, đồng thời Ngài cho thấy sự gắn kết giữa Ngài và đền thờ, để loan báo trước việc Ngài sẽ thay thế đền thờ và trở thành đền thờ mới cho muôn dân.

 

Về khung cảnh:

 

Hãy nhìn ngắm những ngôi thánh đường mà từng người chúng ta đã từng bước vào, nơi đó có Đức Giêsu đang hiện diện. Chính Đức Giêsu đang ở đó đợi chờ chúng ta. Chúng ta hãy đến thưa mọi chuyện vui buồn của chúng ta với Ngài như Đức Mẹ và thánh Giuse.

 

Về ơn xin:

 

Xin cho tôi được lòng hiểu biết thâm sâu về Chúa, Đấng đã làm người vì tôi, để được yêu mến Ngài hơn và bước theo Ngài hơn.

 

Điểm chiêm niệm:

 

Sau ba ngày vất vả tìm Con, Mẹ Maria dường như mệt mỏi và buồn lòng nhiều. Do đó, khi tìm thấy Con, dường như Mẹ đã trách mắng Giêsu con mình khi nói: “Sao con lại đối xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” (Lc 2, 48). Đáp lại câu hỏi của Mẹ, Chúa Giêsu trả lời bằng một câu hỏi khác: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2, 49).

 

Dù mới 12 tuổi, nhưng Chúa Giêsu đã nhận thức được bổn phận phải có đối với Cha trên trời. Chắc chắn, Chúa Giêsu chẳng bao giờ muốn làm phiền lòng Mẹ Maria và thánh Giuse. Tuy nhiên, đối với Chúa Giêsu, Chúa Cha và Thánh Ý của Ngài luôn chiếm vị trí trước hết, trên hết và tất cả. Có thể nói, Chúa Cha và Thánh Ý của Người là lẽ sống của Chúa Giêsu.

 

Thánh Ý Chúa Cha thật nhiệm mầu. Để có thể nhận biết và sống Ý Chúa Cha chắc chắn Chúa Giêsu luôn từ bỏ ý riêng của mình, để sống gắn bó với Cha trong cầu nguyện cũng như trong mọi hoạt động.

 

Kinh nghiệm đời sống giúp chúng ta nhận ra rằng, mỗi chúng ta rất dễ bám víu vào ý riêng của mình, bởi vì ý riêng là điều quen thuộc và tạo cho chúng ta cảm giác được là chính mình. Ngoài ra, chúng ta thích bám vào ý riêng, bởi vì chúng ta ngại sửa đổi, ngay cả khi sửa đổi để nên tốt hơn.

 

Theo gương Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi ý thức về tương quan của chúng ta với Thiên Chúa. Thiên Chúa là Cha của chúng ta, và chúng ta là con cái của Ngài. Chúng ta cần xin ơn để cảm nghiệm sâu xa rằng Thiên Chúa yêu chúng ta, để chúng ta sống hiếu thảo với Người theo gương Chúa Giêsu qua việc gắn bó với Thiên Chúa trong cầu nguyện và trong mọi hoạt động, qua việc tìm và sống Ý Thiên Chúa trong cuộc đời.

 

Cầu nguyện

 

Lạy Chúa, xin ban ơn giúp chúng con cảm nghiệm mỗi ngày một sâu xa tình yêu của Chúa đối với chúng con. Đồng thời, xin Chúa giúp chúng con biết từ bỏ mình và sống điều Chúa muốn trên cuộc đời chúng con mỗi ngày một hơn.

 

Lm. Giuse Maria Trương Hoàng Sơn, SJ.

Kiểm tra tương tự

Chuyên đề: “Nuôi dưỡng và thể hiện sự tự tin”

  Bạn thân mến! Sự tự tin là một trong những phẩm chất cần thiết …

Câu hỏi về ơn gọi dâng hiến_Kỳ 1: Vấn đề cũ và mới

Trong khi số lượng ơn gọi giảm dần ở Châu Âu cũng như ở Châu …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *