Thánh LU-Y GONZAGA

Thánh LU-Y GONZAGA

Sinh năm 9.3.1568 tại Dastiglene, nước Ý.

Vào Dòng, ngày 25.11.1585 tại Rôma

Qua đời, ngày 21.6.1591 tại Rôma;

Phong thánh ngày 31.12.1726.

Lễ nhớ 21.6

Đến ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời năm 1488, Lu-y đã chắc chắn phải theo con đường nào: Dòng Tên. Khi được biết quyết định ấy, Hầu tước Ferrantê Gonzaga nổi giận lôi đình, ông buộc Lu-y phải bỏ ngay ý định “quái gở” ấy đi, nếu không ông sẽ cho một trận đòn nên thân ngay trước mặt bá quan văn võ ở triều đình Tây Ban Nha. Lu-y không chút nao núng: “Con sẽ sung sướng chịu trận đòn ấy vì yêu mến Chúa.” Hầu tước cho gọi lần lượt tất cả mọi người mà ông nghi ngờ đã thổi cho Lu-y ý định vào Dòng Tên, và nặng lời trách móc, kể cả bà Hầu tước cũng như cha linh hướng của Lu-y. Nhưng ai nấy đều chối không hề xúi giục anh làm chuyện đó. Hầu tước đành gọi Lu-y đến: “Ít ra đáng lẽ con phải nghĩ đến một đàng khác hi vọng được quyền cao chức trọng trong Giáo hội cho khỏi bẽ mặt dòng họ nhà mình.” Lu-y giải thích: “Thưa cha, đó chính là lý do tại sao con chọn Dòng Tên. Con muốn dứt hẳn đường danh vọng, nếu ham danh vọng thì con chỉ cần ở nhà nối nghiệp cha, tội gì con lại đi thả mồi bắt bóng!”

Cái gì đã dẫn Lu-y Gongaga đến một quyết định hệ trọng như thế năm mới 15 tuổi?

1.     ÔNG HOÀNG CON

Ngày 9.3.1568, Lu-y mở mắt chào đời. Hôm sau tất cả dân xứ Castigline miền bắc nước Ý tưng bừng mở hội ăn mừng Hầu tước đã có thế tử. Chuông tất cả các nhà thờ đồng loạt đổ trong 3 ngày vào đúng 11 giờ, đồng thời ban nhạc trình diễn lưu động trên khắp các đường phố, thôn xóm. Suốt một ngày, Hầu tước thết tiệc mọi người, tự do ăn uống no say thỏa thích. Các cuộc chơi được tổ chức khắp nơi. Ban đêm mở hội hoa đăng và bắn pháo bông. Hình như Hầu tước đặt tất cả hi vọng của mình cũng như cả dòng họ nơi “cậu Hoàng con.” Sau này khi Lu-y vào Nhà Tập, ông viết cho cha Tổng quyền Dòng Tên: “Tôi trao cho cha kho tàng quí báu nhất của tôi trên cõi đời này.”

Sinh trong gia đình một lãnh chúa thời Phục Hưng ở châu Âu, Lu-y đã sống đúng như một ông hoàng ngay từ thời thơ ấu. Hầu tước yêu quí anh vô chừng, nên anh được săn sóc cực kỳ chu đáo. Ông cũng mong anh nối nghiệp mình và còn đưa lại vinh dự cho dòng họ Gonzaga hơn nữa.

Năm lên 5 tuổi, anh được ông cho mặc đồ sĩ quan, và sống với ông trong trại quân. Lu-y rất thích mang súng và bắn súng. Một hôm khi cả trại quân đang ngủ, cậu hoàng con đã lẻn đi ăn cắp thuốc súng và khai hỏa một khẩu đại pháo. Tiếng nổ dữ dội khiến Hầu tước tưởng là một cuộc khởi loạn. Lệnh báo động tức tốc được ban hành và cuộc truy nã bắt đầu. Ít phút sau quân lính đem đến trình bày trước thủ phạm. Ông ra lệnh: “Đã là quân nhân thì dù 6 tuổi hay 60 tuổi cũng phải bị phạt theo quân luật!” Dầu sao hôm ấy ông rất hãnh diện thấy Lu-y đầy hi vọng nối nghiệp mình.

Ở trại lính về, Lu-y làm mọi người sửng sốt vì cách ăn nói kỳ dị. Thật vậy, bây giờ anh dùng ngôn ngữ của những người ăn nói bừa bãi nhất. Tiếng lóng pha trộn với những tiếng chửi thề nhiều khi tục tĩu làm cho bà Hầu tước và nhiều người phải đỏ mặt. Viên thái sư được lệnh ngay lập tức, phải tập lại cho thế tử ngôn ngữ của hàng vương giả.

Sau này, khi đã lớn, Lu-y rất hối hận vì những chuyện không hay xảy ra trên đây, và phần nào đã cho thấy phải đổi môi trường sống để có được một đời sống thánh thiện.

Lên 7 tuổi, Lu-y cùng với em là Rôđôlphô bắt đầu gược gởi đi thọ giáo tại các triều đình danh tiếng. Đâu đâu anh cũng thấy những cảnh vinh hoa có thể làm nhiều người lóa mắt. Đời sống ở các triều đình có thể tóm tắt trong hai chữ: hưởng thụ. Người ta không biết làm gì hơn là tổ chức những bữa tiệc linh đình, đàn ca múa hát cho qua ngày. Những cuộc chơi được tổ chức liên miên. Những buổi bàn luận có vẻ đúng đắn thỉnh thoảng được tổ chức để tỏ ra vẻ là những nhà tri thức. Thời gian còn lại dùng để chuyện trò. Đề tài các câu chuyện hầu hết là những chuyện tình tứ, nhiều khi chẳng đúng đắn bao nhiêu.

Sống trong xã hội ấy, Lu-y phải tập giữ đúng phong cách một ông hoàng, cách cư xử tao nhã, cách xưng hô cầu kì, nói chuyện kiểu cách… anh cũng học khiêu vũ và nhiều thứ trò chơi khác, đi đâu thì lên xe xuống ngựa, kẻ đưa người đón, về đến nhà, anh được hầu hạ đủ mọi cách, đến nỗi sau này lúc vào Dòng, anh lúng túng khi phải tự mặc quần áo lấy. Dĩ nhiên bàn ăn của anh luôn đầy đủ mọi thứ cao lương mỹ vị. Trong nhà kẻ hầu người hạ không bao giờ thiếu, ra đường được người ta kính nể cúi đầu.

2.     HẠT GIỐNG NƯỚC TRỜI

Nhưng giữa vùng đất hoang lạnh ấy, hình như hạt giống nước trời đã nãy mầm trong lòng cậu hoàng con. Bà Hầu tước là một người đạo đức sốt sắng. Ngay từ những ngày thơ ấu, Lu-y đã được hun đúc trong trường cầu nguyện của bà, từ những mẫu kinh đơn giản cho đến những cuốn sách thiêng liêng. Khoảng năm 12 tuổi, anh bắt đầu cầu nguyện theo cuốn “Suy niệm hằng ngày” của thánh Phêrô Kanis. Lời văn sáng sủa, luận lý mạch lạc, và nhất là lòng nhiệt thành của vị Thánh Tiến sĩ đã góp phần không nhỏ vào việc tạo cho anh một vài nét chấm phá về con người anh ngày mai. Tuy nhiên, anh có vẻ đóng kín, theo tính tự nhiên, nay lại đóng kín cả về vấn đề đạo đức, anh chỉ thích ở một mình để cầu nguyện, điều này được sửa chữa phần nào khi chẳng bao lâu sau, anh đọc cuốn “Lá thư Ấn Độ” tường thuật những chuyện táo bạo và anh hùng của các thừa sai ở Ấn độ. Từ đây, không bao giờ anh quên những miền truyền giáo, và sau này sẽ nóng lòng muốn đi loan báo Tin Mừng cho lương dân, anh bắt đầu thực tập ngay. Bị gương các nhà truyền giáo thu hút, anh quy tụ một số trẻ em và giảng giáo lý cho chúng, rồi anh đơn sơ trò chuyện với những người nghèo, thăm hỏi những người đau yếu, giúp đỡ những người thiếu thốn, nhờ đó anh cũng khám phá ra cảnh đối chọi giữa những người dân lam lũ đầu tắt mặt tối kiếm cơm ăn, trong khi hàng vương giả và quí tộc sống phè phỡn đến phát ngượng.

Rồi anh may mắn được tiếp xúc với một vị thánh khác: Thánh Carôlô Bôrômêô. Đây là một Hồng Y Tổng Giám Mục dòng dõi quí phái, có liên hệ thân thuộc với gia đình Gonzaga, hiện làm kinh lược Tông tòa ở quê hương anh. Chỉ sau một lần hội kiến, anh liền được ngài cho phép xưng tội rước lễ lần đầu. Được đón rước Chúa Giêsu Thánh Thể do một vị thánh như thế, hẳn Lu-y đã nghĩ đến một đời sống nhiều ý nghĩa hơn là sống hưởng thụ nơi cung điện. Từ đây, hễ có dịp, anh thường lui tới các nhà dòng. Có lẽ vào thời gian này, anh đã có ý định từ bỏ địa vị để tìm đến một đời sống cầu nguyện và hãm mình. Từ năm 13 tuổi, anh thực sự đã chăm chỉ cầu nguyện và làm việc đền tội nặng nề: ăn chay, đánh tội, mùa đông không sưởi ấm, đặt một khúc cây vào giường nằm cho đau. Anh tưởng đó là con đường nên thánh. Anh cầu nguyện liên lỉ: “Lạy Chúa, xin hướng dẫn con, xin hướng dẫn con sống tốt hơn.”

Cũng vào thời gian ấy, anh cùng với cả gia đình sang sống tại triều đình Tây Ban Nha. Ở đây anh được thấy tận mắt cách sống ngạo nghễ diêm dúa của hàng quí tộc. Sự lười biếng không những được coi là thanh tao, nhưng còn được biến thành một thứ nghệ thuật nữa. Tây Ban Nha lúc ấy là quê hương của những khám phá về thế giới ngoài Châu Âu, nên nhờ học hỏi tầm mắt của anh cũng mở rộng hơn. So sánh đời sống vương giả của mình với những con người xấu số ở các phương trời xa, anh bắt đầu cảm thấy không ổn. Vua Philip nước Tây Ban Nha lúc đó có thể nói là người quyền thế nhất trên mọi địa cầu. Dưới quyền ông là 22 nước, gồm cả những vùng đất xa lắc xa lơ, một quân đội hùng mạnh, nhiều đoàn tàu biển xông xáo đi tìm nguồn lợi. Chính tại triều đình này, Lu-y đã khám phá ra một điểm động trời: Chỉ có một vị vua toàn hảo đáng ta xả thân phục vụ là Đức Kitô. Và chỉ có một nước đáng cho người xây dựng là Nước Trời. Từ nay, mọi thứ vinh hoa thế gian đối với anh chỉ còn là phù vân, giả trá. Và đây anh cũng thâm tín hơn về lời chính anh đã nói với những người hầu cận năm anh mới 10 tuổi: “Được làm tôi Chúa còn hơn làm tôi vua cả thế gian.”

Vấn đề của Lu-y bây giờ chỉ còn là chọn dòng nào. Và anh đã chọn Dòng Tên. Lý do là vì Dòng Tên mới thành lập còn đầy sức sống và lòng nhiệt thành tông đồ. Thứ đến, trong Dòng Tên có lời khấn từ chối mọi phẩm tước trong Giáo Hội, anh cũng ước mong một ngày kia được gởi đi làm thừa sai để góp phần vào việc truyền giáo. Vào hôm lễ Đức Mẹ Lên Trời năm 1563, trong một giờ cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ trong nhà nguyện Dòng Tên ở Madrid, anh hoàn toàn xác tín về ơn gọi. Lập tức, anh đi bàn hỏi với cha linh hướng và cha linh hướng ngài xác nhận ơn gọi của anh, chỉ còn phải có phép của Hầu tước, vì anh mới 15 tuổi.

3.     CHO TỚI CÙNG

Dù ông Hầu tước nhất định không chịu nghe anh nói chuyện về ơn kêu gọi, anh cứ ngày ngày đến nài nỉ cha. Hình như ông hơi xiêu lòng, nhưng vẫn không muốn để anh ra đi. Nhân dịp cha Phanxicô Gonzaga, Bề Trên Cả Dòng Phanxicô, là người trong gia đình, đang đi kinh lược tại Tây Ban Nha, ông xin ngài khảo sát trường hợp của Lu-y. Sau khi gặp và trao đổi cặn kẽ với ngài, cha Phanxico xác nhận anh được Chúa gọi. Nhưng, ông Hầu tước vẫn dùng dằng, một hôm Lu-y cùng với em là Lodolphô đi dạo một vòng qua đường phố Madrid. Trên đường về, khi đến học viện Dòng Tên, anh nhất định ở lại đó chứ không chịu về nữa, quyết định của anh làm cả nhà dòng cũng như đoàn tùy tùng đều hết sức bối rối. Hôm ấy, ông Hầu tước đang đau nên không thể đến bắt anh về được, ông sai người đến đưa anh về, nhưng anh cương quyết: “Trước sau thế nào tôi cũng vào ở đây, thay vì để ngày mai thì hôm nay đến cũng vậy!” Cha anh điên đầu vì chuyện này. Ông cho rằng anh làm mang tiếng cả dòng họ, nhắn anh muốn vào dòng thì phải vào một cách đàng hoàng hơn, được lời hứa ấy, anh chịu trở về cung điện lại. Ông Hầu tước thấy rằng ở Tây Ban Nha này rầy rà nhiều chuyện rắc rối quá, nên quyết định đưa cả gia đình về lại quê nhà. Ông hi vọng với thời gian và nhờ thay đổi nơi chốn, cả ý định của Lu-y cũng sẽ thay đổi thôi. Ông đâu ngờ rằng Lu-y đang áp dụng triệt để điều anh đã học được nơi ông. Chính anh nói: “Tôi đã học nơi cha tôi nguyên tắc này, là khi bắt tay vào việc gì, thì phải cố gắng hết sức làm cho tới cùng!”

Và đến Ý, Hầu tước sai Lu-y cùng với Rôdolphô đi thăm viếng một vòng các vị lãnh chúa và quan chức trong miền. Ngầm ý của ông là làm cho Lu-y quên đi vấn đề ơn kêu gọi. Nhưng Lu-y đã thay đổi phong thái. Anh đã mặc đơn giản còn để cho em ăn mặc rất sang trọng. Trong các buổi dạ hội tổ chức tiếp đón, anh từ chối khiêu vũ. Trái lại, anh luôn luôn chăm chú cầu nguyện, và gia tăng hãm mình đền tội. Khi đi hết một vòng về đến quê nhà, anh đã 17 tuổi. Hai năm trời đi đó đây càng làm cho anh thêm xác tín về ơn gọi. Ông Hầu tước một lần nữa vận động mọi người có thể thuyết phục Lu-y bỏ ơn gọi, hay ít là bỏ ý định vào Dòng Tên. Công tước, Giám mục, Hồng y đều được ông nhờ đến, nhưng Lu-y không một chút lay chuyển. Một hôm giận dữ, ông quở trách anh nặng lời, rồi đuổi anh đi, anh lẳng lặng ra lệnh cho đám tùy tùng dọn dẹp đồ đạc ra ở nhà nghỉ mát gần nhà dòng Phanxico cách cung điện chừng hai cây số, khi biết tin ấy Hầu tước cho người đi triệu anh về, anh thưa : “Con tưởng ba đuổi con thì con phải đi.” Bị la mắng, anh về phòng cầu nguyện và đánh tội, tha thiết xin Chúa can thiệp để theo được ơn gọi, Hầu tước được các người hầu cận dẫn đi xem những tận mắt những vết máu của thế tử. Quá xúc động ông cho biết ông đồng ý để Lu-y đi. Anh lập tức viết thư báo tin cho Cha Tổng Quyền, xin cho nhận anh vào Dòng. Đồng thời, các thủ tục giấy tờ nhường ngôi cung được soạn thảo. Nhưng khi mọi thứ đã xong đâu vào đấy, ông Hầu tước lại nói không bao giờ ông hứa cho phép anh vào Dòng Tên. Đau khổ, anh chỉ còn biết cầu nguyện. Bỗng một hôm, anh đường đột vào phòng Hầu tước và tuyên bố: “Con hoàn toàn tùy thuộc nơi ba, ba muốn làm sao thì làm, con đoan chắc là con được Chúa gọi vào Dòng Tên, ba không cho phép con đi là ba chống lại Chúa!” Nói xong, anh biến ngay khỏi phòng không chờ đợi câu trả lời. Trước thái độ ấy, Hầu tước không biết làm gì hơn là để cho nước mắt tự do chảy dàn dụa trên má. Ông khóc mãi. Cuối cùng, ông cho gọi Lu-y đến và nói: “Lu-y con, con làm ba đứt từng khúc ruột… ba đã đặt mọi hi vọng nơi con. Nhưng vì Chúa gọi con, thôi ba để con đi, ba chúc lành cho con!”.

Ngày 8.11.1585, thế tử Lu-y chính thức nhường ngôi cho em. Hôm sau, anh từ giã gia đình đi Roma, cùng đi với anh là cả một đoàn tùy tùng gồm: cha tuyên úy của gia đình, viên thái sư, một tu sĩ, những hầu cận… Trên đường, một người trong đoàn tùy tùng nói với anh: “Chắc công tử Rôdolphô thích lắm!” Anh trả lời: “Chắc chưa thích bằng tôi.”

4.     NHÀ CHÚA

Đến Roma, sau vài ngày nghỉ tại dinh Đức Thượng Phụ Giêrusalem là Scipio Gonzaga, anh vào Nhà Tập thánh Anrê ngày 15.11.1586. Trước khi từ giã đoàn người tháp tùng anh đến Roma, Lu-y còn gởi lời nhắc Hầu tước: “Chúa bảo hãy quên dân tộc và nhà cha người.” Nhận phòng ở Nhà Tập, anh tự nhủ đây là nơi mình được an nghỉ mãi mãi, vì chính mình đã chọn. Rồi anh quì gối, mắt rưng rưng, anh cảm tạ Chúa đã “đưa anh ra khỏi Ai Cập, và dẫn vào Đất Hứa – đất chảy sữa và mật.”

“Tôi là thanh sắt cong, phải vào Dòng để được uốn nắn lại cho thẳng.” Nhưng thật ra, khi vào Nhà Tập Lu-y là một con người chín chắn, có lẽ hơi quá nữa là khác. Nếp sống trong Dòng đã không giống như anh vẫn tưởng. Trước kia anh tự do làm theo lòng sốt sắng cá nhân, giờ đây mọi sự đều phải vào khuôn khổ. Anh không được cầu nguyện lâu giờ như trước kia nữa, trái lại phải nói chuyện gấp mười lần. Các việc hãm mình đền tội của anh đều phải giảm xuống cho có chừng mực. Thật là một thử thách lớn lao cho một ông hoàng trẻ quen ra lệnh và gần như không bao giờ phải theo một kỉ luật nào. Nhưng sẵn ý chí cương nghị, anh cương quyết giữ tỉ mỉ mọi điều trong chương trình huấn luyện, biết rằng đó là cách để “thanh sắt cong được uốn thẳng.”

Ngay từ Nhà Tập, anh đã học được thói quen tích cực xây dựng đời sống cộng đoàn. Dù sống nhiệm nhặt, nhưng anh vẫn vui tươi, anh thích đi trao đổi những câu chuyện thiêng liêng với các bạn. Theo lời chứng của nhiều người, sau khi nói chuyện với anh, người ta thấy lòng sốt sắng hơn cả giờ cầu nguyện. Nhưng anh thường để ý đặc biệt đến những người ít được để ý: những anh em ốm đau hay những anh em mới đến, những lần thăm hỏi, những câu chuyện trao đổi với anh đã làm cho nhiều người cảm thấy phấn khởi mãnh liệt trong đời sống thiêng liêng. Ở Nhà Tập thánh Anrê, cũng như ở học viện Roma sau này, anh rất thích trao đổi đơn sơ với các thầy trợ sĩ. Nhờ gương sáng và việc làm của anh, anh đã trở thành một nhân tố quan trọng kết hợp cả cộng đoàn huynh đệ trong Chúa Kitô.

Anh muốn thực sự quên hẳn địa vị của mình trong xã hội. Không gì làm anh đau khổ hơn là khen anh thuộc về một dòng họ vương giả. Trong nhà anh thích làm những công việc tầm thường, mà trước kia anh không bao giờ đụng tay đến. Anh rất thích làm các việc vệ sinh như lau nhà, quét màng nhện, rửa chén. Có lẽ trước kia anh đã được người khác làm cho hưởng, nay anh tập làm cho người khác hưởng, dù nhiều khi anh vụng về. Ra đường, anh không bao giờ chịu mặc áo dòng đẹp, mà gia đình đã may. Người ta không tài nào nhận ra giữa các tập sinh có ông hoàng. Một lần kia, vì không nhận ra anh một nhà quí phái tỏ ý thương hại ông hoàng con Gonzaga khi không đi đem chôn mình trong Dòng Tên. Anh bình thản trả lời: “Anh ấy chưa chết đâu, trái lại vẫn sống và sống hạnh phúc nữa.”

Nhờ vào trí thông minh, tính cần mẫn, óc tinh tế và vì đã được học khá nhiều từ trước, nên anh đã hoàn tất giáo trình triết lý và bắt đầu giáo trình thần học ngay khi chưa mãn Nhà Tập.

Sau hai năm Nhà Tập, anh tuyên khấn và nhập học viện Roma. Anh sung sướng được chỉ định ở trong căn phòng nhỏ và xấu nhất nhà. Sau này, chính thánh Gioan Berchmans cũng cho là được một đặc ân khi dọn đến ở trong căn phòng ấy. Anh không muốn giữ gì trong phòng để dùng riêng. Đến nỗi ngoài cuốn Kinh Thánh, anh chỉ còn giữ bộ Tổng Luận Thần Học của thánh Tôma. Nhưng khi được bỏ cả bộ Tổng Luận vào tủ sách chung vì nhà thiếu sách, anh cũng rất vui lòng. Thế là anh chỉ còn giữ một cuốn Kinh Thánh.

Ham thích đọc Kinh Thánh, anh đặc biệt say mê cuộc tử nạn của Chúa. Hình như ngay từ nhỏ, anh đã có ý thức rất mạnh về tình trạng tội lỗi của con người, Trước mắt anh là cảnh sống vắng bóng Chúa nơi các triều đình. Chính dòng tộc Gonzaga cũng được biết đến nhiều vì những cuộc tranh chấp đẫm máu, những cuộc tàn sát ghê rợn. Tóm lại, anh thấy chỉ vì danh lợi, người ta dễ dàng đặt Chúa ra ngoài lề cuộc sống, hoặc biến Ngài thành một thứ đồ trang sức không hơn không kém. Vì thế, ngay từ nhỏ, hình ảnh cây thập giá đã ăn sâu vào tâm trí anh. Cầu nguyện, hãm mình, hi sinh, đánh tội… chưa đủ. Anh thấy phải đáp lại tình yêu thập giá bằng một tình yêu thập giá. Anh mơ ước chịu tử đạo, hay ít nữa, sống cực nhọc vì yêu Chúa. Để chuẩn bị ngày mai ấy, anh đã làm tất cả những gì phải làm và có thể làm được.

Nghĩ rằng sau này mình sẽ đi truyền giáo ở châu Á, anh tích cực chuẩn bị hành trang thừa sai. Anh xin phép đi dạy giáo lý cho trẻ em, nhưng Bề Trên từ chối vì tình trạng sức khỏe. Bù lại, anh được trao phó nhiệm vụ dạy giáo lý cho những người giúp việc trong học viện. Anh nhiệt thành với công việc, và thân thiết với từng người, làm cho ai nấy đều học được không những chỉ giáo lý, mà cả những gương sống động nữa. Nhiều anh em trong học viện nói anh làm như thể cả công cuộc cứu rỗi thế gian được tóm gọn trong việc dạy giáo lý cho nhóm người bình dị ấy.

Khi trong gia đình anh xảy ra một vài chuyện rắc rối, chính Cha Tổng Quyền đã sai anh đi làm việc hòa giải. Em anh và ông chú tranh nhau một tòa lâu đài, rồi chuyện hôn nhân gây tai tiếng của Rođôlphô. Anh đã thành công tốt đẹp không những vì lòng ngay thẳng, vì trí phán đoán mà còn vì gương mẫu đời sống bác ái và khiêm tốn.

5.     TÌNH YÊU CAO CẢ

Đầu năm 1591, cả nước Ý lâm nạn đói kém. Hậu quả của nạn đói là bệnh dịch lan tràn. Dân chúng khắp nơi đổ xô về Roma để tìm thầy chạy thuốc. Các nhà thương đều chật ních. Cảnh chết chóc làm cho cả kinh thành sống trong tình trạng kinh hoàng. Anh em Giêsu hữu ra sức góp phần xoa dịu vết đau thương. Hằng ngày người ta thấy họ trên các đường phố, đi lạc quyên giúp người đói, hay săn sóc những người bị bệnh dịch. Cha Tổng Quyền Aquavia đã cho thành lập thêm một nhà thương mới. Ngay từ những ngày đầu tiên mới phát hiện, đã có nhiều học viên đến xin Cha Viện Trưởng cho phép đi cứu trợ, trong số đó có anh Lu-y. Các anh đi đây đó khắp nơi trong thành phố thu góp quần áo, đồ ăn, đem về giúp người đói rét. Riêng Lu-y nhờ quen biết hàng quí tộc, đã xung phong ăn mặc lem luốc đến từng nhà sang trọng xin đồ cứu trợ. Cả đến gia đình anh cũng gởi vào giúp theo lời yêu cầu của anh. Khi gặp người bị bệnh các anh không ngại vác trên vai đưa về tận nhà thương săn sóc chu đáo.

Anh Lu-y hình như rất thích công việc nguy hiểm này. Anh dành lấy những người bị bệnh nặng nhất, và không từ khước một việc khó khăn hay ghê tởm nào. Khi bệnh dịch lan tràn mạnh hơn, hầu như tất cả học viện Roma trở thành một trung tâm cứu trợ. Nhưng chẳng bao lâu sau, các Bề Trên nhận thấy các học viên ngả như rạ: nhiều anh bị lây bệnh và vài anh đã chết. Cùng với nhiều học viên khác, anh Lu-y bị cấm đặt chân đến nhà thương. Nhưng muộn rồi. Dù theo lời năn nỉ của anh, Bề Trên đã cho phép anh đi giúp những người bệnh (bệnh nhẹ và không lây nhiễm) ở nhà thương Đức Mẹ An Ủi. Tuy vậy, anh vẫn ngã bệnh. Một hôm trên đường đến nhà thương, anh gặp một người nằm giữa đường, anh tới xốc người bệnh lên và cõng vào nhà thương. Trước khi ra về anh cũng săn sóc họ cẩn thận. Đến nhà, anh liệt giường luôn. Hôm ấy là ngày 3.3.1591. Chỉ mấy ngày sau, anh chịu các bí tích sau hết, anh Lu-y vui vẻ dù cả cộng đoàn đều rướm lệ. Nhưng vài ngày sau, có vẻ anh thoát nguy hiểm: cơn bệnh kéo dài thay vì giết bệnh nhân ngay lập tức.

Trong thời gian chữa trị, anh chịu đựng cơn đau hay đúng hơn, anh chờ đón cái chết với một đức tin mãnh liệt, một tinh thần siêu nhiên sáng ngời. Anh thường trao đổi chuyện thiêng liêng với những người thăm viếng. Cả đến cha linh hướng của anh là thánh Robertô Bellarminô, hay Hồng y thượng phụ Seipio Gonzaga cũng phải nhìn nhận chưa từng thấy một người vui lòng chấp nhận cái chết đến thế.

Sau 3 tháng rưỡi bị cơn bệnh hành hạ, đêm 20.8.1591, vào khoảng 11 giờ 15 phút, anh ôm chặt thánh giá trên ngực, miệng lặp đi lặp lại: “Tôi vui sướng ra đi, tôi vui sướng ra đi.” Và anh tắt thở, trên môi còn điểm một nụ cười tươi.

Trích trong Chư Thánh Dòng Tên

Kiểm tra tương tự

Chuyên đề: “Nuôi dưỡng và thể hiện sự tự tin”

  Bạn thân mến! Sự tự tin là một trong những phẩm chất cần thiết …

Câu hỏi về ơn gọi dâng hiến_Kỳ 1: Vấn đề cũ và mới

Trong khi số lượng ơn gọi giảm dần ở Châu Âu cũng như ở Châu …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *