Gioan Berchmans sinh ngày 13/03/1599 tại thị trấn Diest, nước Bỉ. Không giống như hai vị thánh trẻ Stanislaô Kostka và Luy Gonzaga sinh ra trong gia đình quý tộc và giàu có; Gioan xuất thân từ một gia đình lao động bình dân. Cha anh làm thợ giày, mẹ anh suốt đời đau yếu, anh là con đầu lòng và là anh của 4 đứa em.
Sau khi học xong cấp 1, Gioan Berchmans vào ở với cha sở để giúp việc và có điều kiện hơn để học cấp 2, và sau đó anh đến ở với vị kinh sĩ ở Malines để học cấp 3. Khi Dòng Tên mở một trường ở Malines, anh được vị kinh sĩ gửi đến học ở trường mới. Tiếp xúc với các Giêsu hữu, anh thấy những chân trời mới, đang rộng mở trước mắt. Rất nhanh chóng, anh được thu hút bởi những bài giảng đầy cảm hứng của các giáo sư mà trong đó khoa học hài hòa với đức tin. Những bài giảng này đáp lại mong muốn được học tập và đào sâu đời sống thiêng liêng của anh; đồng thời ở đây, anh cũng nhận được sự đồng hành thiêng liêng và học tập của các Giêsu hữu. Nhưng quyết định xin vào Dòng Tên của anh chỉ có sau một thời gian lâu dài cân nhắc và cầu nguyện cùng nghiền ngẫm tiểu sử thánh Luy Gonzaga. Nếu năm xưa vị thánh trẻ này được Chúa “quyến rũ và Ngài đã thắng” thì nay qua gương thánh thiện của vị thánh ấy, Chúa cũng tiếp tục lôi cuốn Gioan một cách không thể cưỡng lại được. Anh tâm sự với một linh mục trong trường: “Lòng trí con sẽ không bao giờ được an nghỉ, nếu chưa tìm đến được với Đấng con yêu mến.” Anh còn bị ấn tưởng bởi đức tin và sự hăng hái của các tu sĩ Dòng Tên chống lại phong trào Cải Cách đang lan rộng ra khắp Châu Âu thời đó nên khi giải thích với cha mẹ về ước muốn gia nhập Dòng Tên, anh đã gọi Dòng là “Chiếc Búa của mọi dị giáo” (The Hammer of all heresies). Gioan và Luy có một điểm chung là quyết định gia nhập Dòng Tên không được gia đình ủng hộ vì những ông bố bà mẹ vẫn mong muốn người con trai của mình thành đạt trên đường công danh; trở thành một tu sĩ Dòng Tên không phải là giấc mơ mà cha mẹ đã ấp ủ cho người con trai của mình. Nhưng cuối cùng, sự quyết tâm và kiên trì của hai chàng trai đã chiến thắng: hầu tước Ferrantê Gonzaga viết cho cha Tổng Quản Dòng Tên: “Tôi trao cho cha kho tàng quý báu nhất của tôi trên cõi đời này,” còn cha Gioan đã cho anh được theo đuổi mơ ước và nguồn cảm hứng tuyệt vời của anh.
Sau hai năm nhà tập, Gioan Berchmans tuyên khấn và được gửi đi học triết tại Học viện Rôma. Những năm tháng dài học triết học thường khô khan và trừu tượng, nhiều khi chẳng ăn nhập gì với thực tế nhưng Gioan đã chuyên cần học tập như thể đó là lẽ sống của anh; anh thi hành “sứ mạng học tập” của mình với niềm vui và nhiều hy sinh vì đó là bước đầu để anh có thể làm linh mục và phục vụ cánh đồng của Chúa. Nơi bàn học, anh dâng hiến con tim, trí tuệ và cả con người mình cho Chúa. Với một đầu óc thực tế, “chân anh vẫn chạm đất” giữa biển tri thức nhân loại. Các thầy giáo nhận xét rằng anh có một khả năng đặc biệt, anh có thể học hiểu và nắm bắt thành thạo một lúc nhiều môn học, và sự tận tình học tập của anh thì không ai sánh bằng. Ngày 08/07/1621, anh thành công rực rỡ trong một cuộc thi tổng quát về tất cả các môn triết lý đã học trong ba năm.
Như nhiều Giêsu hữu trẻ thời đó, Gioan Berchmans khao khát được đi truyền giáo ở Viễn Đông xa xôi và huyền bí. Anh không chỉ nung nấu lý tưởng ấy trong lòng nhưng còn không ngừng tôi luyện mình, để chuẩn bị trở thành sứ giả và chứng nhân của Đức Kitô, nơi miền xa lạ. Anh vẫn tự nhủ sau khi hoàn tất việc học, mình sẽ có mặt ở những phương trời xa ngút mắt. Nhưng vừa kết thúc chương trình triết học, anh đã qua đời khi suýt soát 22 tuổi rưỡi. Anh được chôn cất bên trong nhà thờ thánh Inhaxiô, bên cạnh mộ thánh Luy Gonzaga. Anh không bao giờ được đặt chân lên vùng Viễn Đông nhưng với việc sống tròn đầy từng ngày sống với lý tưởng cao đẹp và khao khát vươn xa, anh đã thực hiện được ước mơ “truyền giáo và chứng nhân” của mình. Viễn Đông tuy xa cách về địa lý và khắc nghiệt về khí hậu nhưng lại rất gần gũi trong chính từng công việc nhỏ bé và bổn phận mà anh làm hàng ngày. Gioan đích thực là ở nơi cách thế anh hành xử, cách thế mà anh chọn để hiện thực hóa lý tưởng và ước mơ của mình.
Rạo rực với sứ mạng của Dòng, anh cũng tha thiết với từng anh em trong cộng đoàn. Anh nói: “Việc đền tội lớn nhất của tôi là đời sống cộng đoàn” (meus maxime mortificatsio est vita communis). Với anh, đời sống cộng đoàn không chỉ là một cơ hội quý báu để thi hành lòng bác ái, mà còn để sống hy sinh và bỏ mình liên lỉ, để đền bù tội lỗi của mình và của người khác, đặc biệt là để đền tội cho những tội ác chống lại tình yêu mà con người thường phạm nhân danh tình yêu trong thế giới quay cuồng. Cộng đoàn là gia đình thực sự và cũng là sứ mạng của anh. Với anh em trong Dòng, anh thích cười đùa và hay giúp đỡ. Ở học viện, anh được gọi đùa là “cha giáo” vì có đời sống gương mẫu, nhưng đồng thời anh được gọi là “chàng tếu” vì gặp anh là có chuyện cười. Trong cuốn sổ tay anh để lại, người ta thấy anh kể tên từng người trong cộng đoàn, cả trăm người, mỗi người đều có gì cho anh phải học.
Từ nhà tập cho đến học viện, anh luôn trung thành với bổn phận hàng ngày của một tập sinh, một triết sinh. Khẩu hiệu của anh thật đơn giản và ngắn gọn: “Làm cho ra làm.” Không phải là làm nhiều, nhưng làm những việc nhỏ với một tình yêu lớn, một tấm lòng rộng mở. Làm gì thì làm đến nơi đến chốn, từ những việc nhỏ nhặt “không tên” đến những việc khó khăn, anh luôn sẵn sàng hy sinh quên mình. Nơi anh ta thấy sự thấm nhuần tinh thần cốt lõi của thánh Inhaxiô Loyola: “Thấy Chúa trong mọi sự và thấy mọi sự trong Chúa.” Anh thấy ý Chúa trong mọi khoảng khắc và hơi thở của cuộc sống, ngay cả trong những chi tiết nhỏ nhất; và anh cố gắng phụng sự Chúa trong mọi việc ấy. Với anh, điều quan trọng nhất trong cuộc sống không phải là làm những điều phi thường, mà là làm những điều bình thường một cách phi thường. Trong mọi sự, yêu mến và phục vụ để trở thành con người của cầu nguyện. Anh sống đời sống siêu nhiên rất tự nhiên. Anh vui với những gì đơn sơ, thích những điều mình làm chứ không chỉ làm những điều mình thích. Có lần anh đã nói: “Nếu tôi không nên thánh lúc còn trẻ, thì tôi sẽ chẳng bao giờ nên thánh!” Khi thấy con chó lao xuống hồ để ăn được miếng bánh, anh suy nghĩ: “Chúng ta phải ngoan ngoãn vâng lệnh Chúa, Đấng sẽ thưởng chúng ta gấp trăm.”
Cha J. Windey S.J. mô tả con đường của Gioan Berchmans đến với Đức Kitô như một người hành hương trên hành trình của cầu nguyện và chính Đức Kitô Chúa chúng ta đã dẫn anh từ sự phụ thuộc vào tình yêu cảm tính của những người anh em trong Dòng; băng qua sự khô khan, chia trí và những ngờ vực lặp đi lặp lại trong cầu nguyện; để tới sự phân định thiêng liêng chín chắn và cảm thức khiêm tốn về sự bình an. Với sự hài hước đặc trưng, Gioan Berchmans tóm tắt cuộc đời mình trong lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, trong Dòng của Người, con là một cành nho cằn cỗi: xin đừng cắt bỏ con khỏi cây nho, nhưng với lòng thương xót, xin Ngài tuôn đổ nhựa sống là ân sủng Ngài xuống trên con.”
Vào buổi chiều ngày 12/08/1621, trong khi hai tay ôm chặt thánh giá khấn, chuỗi Mân Côi và cuốn Luật Dòng, Gioan Berchmans tâm sự: “Đây là ba kho tàng quí giá nhất của tôi; với ba kho tàng này, có chết tôi cũng hạnh phúc.” Sáng ngày 13/08/1621, anh qua đời trên giường bệnh tại Học viện Roma khi mới 22 tuổi xuân. Ba kho tàng quý giá nhất cũng biểu lộ ba nét đặc trưng và sâu sắc nhất của Gioan. Trước hết và trên hết, anh chỉ mong tìm ý Chúa và làm đẹp lòng Người.
Lạy Thiên Chúa,
Chúa hằng mời gọi chúng con đáp lại tình yêu của Chúa,
và Chúa vui lòng với người biết hân hoan dâng hiến.
Noi gương vị thánh trẻ Gioan Berchmans,
xin ban cho chúng con
tinh thần hăng say tìm kiếm Chúa trong mọi sự,
và làm đẹp lòng Chúa trong mọi việc chúng con làm. Amen.
(Phụng vụ Dòng Tên, Lời nguyện nhập lễ Lễ thánh Gioan Berchmans, 26/11)
Hv. Văn Quynh, S.J.
Tài liệu tham khảo:
- Windey S.J., “St. John Berchmans,” Companions of Jesus: Spiritual Profiles of the Jesuit Saints and Beati, 1974
John A. Hardon, S.J., Saint John Berchmans – Jesuit Saint.
Hoàng Sóc Sơn, Chư thánh Dòng Tên.