Trong số gần 7.000 lá thư được thánh I Nhã Loyola viết trực tiếp hoặc thay mặt người khác, có 237 lá thư liên quan đến việc linh hướng và tình bạn, 152 lá thư về việc chấp thuận hoặc từ chối các sứ vụ, 142 lá thư về các vấn đề tài chính, và 100 lá thư đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau (trong đó có 27 câu hỏi liên quan đến các vấn đề sư phạm và đại học, 13 câu hỏi phát sinh từ việc tương tác với chính quyền dân sự, và 11 câu hỏi giải quyết các vấn đề về hợp đồng và tài chính). Về người nhận, hơn 1.500 lá thư được gửi đến những người không phải là tu sĩ Dòng Tên, trong đó có 301 lá thư gửi đến các thành viên quý tộc, 142 lá thư gửi tới các quan chức dân sự hoặc quân sự, 140 lá thư gửi tới các quan chức quan trọng hoặc gia đình họ, và 51 lá thư gửi đến các nhà tài chính hoặc thương gia (1).
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ không đi sâu vào tất cả các tài liệu này, mà thay vào đó sẽ tập trung vào một phần trong kho thư thường ít được chú ý hơn của thánh I Nhã. Tiền đề của bài viết này khá đơn giản: qua những lá thư của thánh I Nhã, chúng ta có thể học được thêm về nghệ thuật quản trị công việc của ngài, hay theo một nghĩa nào đó, về nghệ thuật giúp đỡ trong các vấn đề vật chất, và nắm được cách hiểu về I Nhã như một nhà quản trị và hướng dẫn người khác trong công việc hàng ngày (2), nghĩa là về một I Nhã như người thành thạo trong việc đối mặt với những thử thách lớn và biết cách thực hiện điều đó một cách thuyết phục. Về cơ bản, chúng tôi mong muốn mở rộng góc nhìn của người đọc bằng cách cho phép tiếp cận những lá thư, chủ đề và người nhận mà không phải lúc nào cũng xuất hiện trong những tài liệu “thiêng liêng” hơn. Chúng tôi chia bài viết thành tám phần, trong mỗi phần chúng tôi trình bày sự phân cực giữa các khía cạnh cần phải giải quyết nhất để thuận tiện cho việc tìm kiếm và thấy Chúa trong mọi sự, kể cả trong việc quản trị các vấn đề thực tế khác nhau.
Ân sủng và tự nhiên
Năm 1555, I Nhã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng ở Học viện Rôma. Sự tăng trưởng nhanh chóng, thiếu cơ sở ổn định và lạm phát cao đã dẫn đến khoản nợ 7.000 scudi. Trong bối cảnh này, ngài triệu tập một cuộc họp đặc biệt, và sau đó viết thư cho Francesco Borgia, với mục đích thông qua ông để tiếp cận với hoàng đế Rôma, và viết thư cho cha Juan Pelletier, người mà ngài hy vọng sẽ đóng vai trò trung gian với Ercole d’ Este, công tước của Ferrara và Modena (3). Trong bức thư gửi Borgia, viết ngày 17 tháng 9 năm 1555, chúng ta tìm thấy “cách diễn đạt chân thực nhất của I Nhã về cái gọi là điều lệ prima agendorum” (4), vốn làm nên một mô hình thích hợp cho sự cộng tác giữa tự nhiên và siêu nhiên. Ngài viết: “Nhìn về Chúa trong mọi sự, tôi nên làm điều hài lòng Ngài, và coi là sai lầm khi chỉ tin tưởng và hy vọng vào những phương tiện và nỗ lực của con người; và mặt khác, không cho rằng an toàn khi giao phó mọi sự cho Chúa mà không muốn Ngài giúp tôi trong những gì Ngài đã ban cho tôi, vì có vẻ như đối với tôi thì tôi phải dựa vào Chúa trên cả hai phương tiện (tự nhiên và siêu nhiên – ND), để ngợi khen và vinh danh Chúa trong mọi sự, chứ không vì bất cứ gì khác. Tôi đã sắp xếp để những người quan trọng nhất trong nhà gặp nhau để hồi tâm cách kỹ càng hơn trong Chúa về những gì nên làm, để giúp ích cho trường đại học và sinh viên của trường, theo những gì cha sẽ thấy trong thông tin mà họ đang tổng hợp về vấn đề này.” (5)
Trong đoạn thư này chúng ta tìm thấy một tiêu chuẩn kiểu I Nhã – vừa rõ ràng vừa phức tạp – để diễn tả việc kết hợp giữa bản chất tự nhiên của con người và ân sủng của Thiên Chúa. Đối với I Nhã, thật sai lầm khi chỉ dựa vào phương tiện con người, nhưng cũng không thỏa đáng khi phó mặc mọi sự cho Thiên Chúa mà không tận dụng những gì Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Vì vậy, chúng ta phải “dựa vào cả hai phương tiện”, luôn luôn tìm kiếm vinh quang Chúa hơn trong mọi sự. Thực tế là Thiên Chúa “muốn được tôn vinh với những gì Ngài ban với tư cách là Đấng Tạo Hóa, tức là tự nhiên, và với những gì Ngài ban với tư cách là tác giả của ân sủng, tức là siêu nhiên.” (6) Chúng ta sẽ thấy ứng dụng thực tế của khái niệm này trong nhiều trường hợp và trong những tình huống khác nhau. (7)
Các lĩnh vực trần thế và thiêng liêng
Pietro Contarini là một giáo sĩ quý tộc người Venice, người mà vào năm 1537, Ignatius đã đưa ra lời khuyên đúng đắn thích hợp cho bất kỳ ai phải giải quyết các vấn đề tiền bạc và các nhiệm vụ quan trọng: “Trước hết, bạn phải cân nhắc rằng, nếu bạn sở hữu của cải vật chất thì bạn không được để chúng chiếm hữu bạn, và mọi thứ phải được trả lại cho người mà bạn đã nhận được mọi thứ. Vì bất cứ ai không thể hoàn toàn dấn thân theo đuổi ‘sự cần thiết thực sự duy nhất’, ít nhất phải đảm bảo rằng nhiều việc mà mình quan tâm được sắp xếp hợp lý.” (8) Mọi sự đều tìm thấy sự thống nhất trong Thiên Chúa duy nhất; mọi sự phải được định hướng để “trong mọi việc, bạn yêu mến và phụng sự Đấng Tối Cao.” (9)
Một ví dụ thú vị khác đến từ cha Manuel Godinho, một tu sĩ Dòng Tên nghiêm khắc đang phục vụ trong triều đình vua John III của Bồ Đào Nha, và được bổ nhiệm làm quản lý Học viện Coimbra. Ông đang phải trải qua một sự căng thẳng nội tâm nào đó, đôi khi dằn vặt, liên quan đến sự mâu thuẫn giữa điều ông muốn và nhiệm vụ ông được giao. Đối với ông, dường như những nhiệm vụ này khiến ông mất tập trung và thậm chí khiến ông xa cách Chúa. Câu trả lời của I Nhã rất sắc bén và sáng tỏ: “Nhiệm vụ về những việc thế tục có vẻ như và đang gây xao lãng; nhưng đừng nghi ngờ rằng ý hướng thánh thiện của cha, vốn hướng những gì cha làm đến vinh danh Thiên Chúa, làm cho nó trở nên thiêng liêng và rất đẹp lòng lòng nhân lành vô biên của Ngài. Một khi sự xao lãng được hướng dẫn bởi sự vâng phục để phụng sự Chúa hơn và phù hợp với thánh ý của Ngài, thì có thể không chỉ có cùng giá trị như sự kết hợp và hồi tâm chiêm niệm nghiêm túc, mà còn có thể dễ chấp nhận hơn, vì chúng xuất phát từ lòng bác ái nhiệt thành và mãnh liệt hơn.” (10)
Nó liên quan nhiều chứ không ít đến nhiệm vụ trước mắt. Khi một người sống hướng về Thiên Chúa duy nhất của sự sống và lịch sử, mọi sự đều hướng về Người. Sự xao lãng có thể thích hợp hơn việc chiêm niệm, không chỉ những điều có vẻ gây mất tập trung, mà cả những điều thực sự gây mất tập trung. Tại sao và làm thế nào có thể như vậy được? Bởi vì chúng ta chấp nhận chúng như một phần của thánh ý Chúa, thông qua các trung gian tương ứng, và đặc biệt vì chúng đến từ một tình bác ái mạnh mẽ hơn, nhiệt huyết hơn, sáng tạo hơn, nhiệt thành hơn và toàn diện hơn. Bác ái bao gồm tất cả mọi thứ. Chúa Giêsu nói: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” (Lu-ca 12:49).
Cái lớn và cái nhỏ
Giữa việc chú ý sát sao đến những điều nhỏ nhặt và tầm nhìn xa rộng có một sự căng thẳng mà những nhà quản trị giỏi phải đương đầu. Những lá thư của I Nhã cung cấp chất liệu rất thú vị để nắm bắt mối liên hệ giữa cái lớn và cái nhỏ, toàn cầu và địa phương, hệ thống và cá nhân. Nếu công việc của I Nhã ở Rôma đã có thể tạo ra hiệu ứng rất rộng rãi, thì đó là do ngài dành ưu tiên cho việc trao đổi thư từ. Đây là hoạt động mà theo định nghĩa là luôn đề cập đến từng cá nhân và hoàn cảnh. Chúng ta hãy xem xét một vài ví dụ.
Năm 1547 cha Diego Laínez có mặt tại Công đồng Trentô và có một vài đóng góp nổi bật về thần học. Vào tháng 5 năm đó, I Nhã gửi cho cha một lá thư, trong đó ngài lập luận theo nhiều cách khác nhau về ngành học nhân văn. Ngài ủng hộ các học giả dấn thân cho “những điều không cao lắm”. (11) Theo quan điểm của I Nhã, có một sự tiến triển từ triết học lên thần học, vì vậy sẽ thích hợp khi bắt đầu với “cách chia động từ tiếng Latinh và những điều đơn giản khác”. Hãy nhớ rằng chúng ta không chỉ được mời gọi “làm cho mình bình tâm trước mọi thụ tạo” (Linh thao, số 23), mà còn dâng mình hoàn toàn cho “Chúa Hằng Hữu của mọi sự”, và thưa với Ngài: “Lạy Chúa Hằng Hữu, từ mọi sự, con xin dâng lễ vật của mình” (Linh thao, số 98). Trong hai lối diễn đạt này, cả hai cách nhấn mạnh đều hợp lý.
Với sự khôn ngoan thực tế, trong cùng một bức thư, I Nhã giải thích với Laínez rằng một người sẽ thành công trong việc “xử lý và điều hành [tốt hơn] công việc của một vương quốc nếu ông ta giải quyết [trước] những việc thuộc phần nhỏ trong đó”. Không phải ngẫu nhiên mà bức thư này được viết vào thời điểm các trường đại học Dòng Tên đang mọc lên ở Châu Âu: sau trường ở Goa được thành lập năm 1542, trường ở Gandía năm 1546 và ở Messina năm 1548.
Một quan điểm bổ sung xuất hiện trong một lá thư gửi cho cha Giacomo Miró, người đang trong nhiệm kỳ đầu tiên làm giám tỉnh Bồ Đào Nha, và có lẽ vì nhiệt tình quá mức, đã có xu hướng can thiệp vào mọi việc. Trong bức thư này, chúng ta tìm thấy một số manh mối để hiểu được cách lãnh đạo của I Nhã. (12) Một người nắm quyền không cần phải “chú ý tỉ mỉ đến từng việc”, ngay cả khi người đó rất thành thạo trong việc đó: “Tốt hơn là giao phó cho người khác”, tức là ủy thác. Điều này liên quan đến cả việc quan tâm, giải quyết và thực hiện công việc (phân tích, quyết định, thực hiện). I Nhã viết tiếp trong bức thư: “Như vậy, ông ấy sẽ làm được nhiều việc hơn, vốn sẽ được thực hiện tốt hơn và hòa hợp hơn với vai trò của ông ấy.”
Các khía cạnh kỹ thuật và tương quan con người
Khi chúng ta cố gắng làm việc hiệu quả, chúng ta thường bỏ qua khía cạnh con người, tức là quan tâm đến các mối quan hệ giữa con người với nhau. Điều này xảy ra không chỉ trong lĩnh vực kinh tế hay chính trị, mà còn có thể len lỏi vào các sáng kiến mục vụ. I Nhã đã chú ý cẩn thận đến nguy cơ này và chúng ta có thể nhận thấy sự quan tâm của ngài qua những bức thư.
Chẳng hạn, hãy xem xét mối quan hệ mà giữa ngài với Juan de Vega, phó vương của Sicily, người rất ủng hộ dự án tông đồ của Dòng Tên: “Vì phó vương rất nổi nang và thường làm tất cả những điều tốt đẹp, và rất sẵn sàng để ưu ái và giúp đỡ nó, mọi công việc đạo đức mà anh em chúng ta trình lên cho ngài thường rất thành công. […] Sicily dường như khá khác so với những gì được biết trước khi có Juan de Vega.” (13)
Ở mức độ cá nhân cũng vậy, mối quan hệ của I Nhã với Juan de Vega rất gần gũi, thân mật và tình cảm. Với cái chết của vợ phó vương, Eleonora de Osorio vào năm 1550, I Nhã đã viết một lá thư chia buồn chân thành tới ông, và dâng lời cầu nguyện cũng như thánh lễ ở tất cả các cộng đoàn của Dòng, “vì chúng ta có nghĩa vụ lớn lao đối với Chúa trong tất cả các việc đó, và đó luôn là lý do để chúng ta vui mừng.” (14) Vào tháng sau, I Nhã viết một lá thư an ủi mới và nhấn mạnh: “Về phần chúng ta, tôi chẳng có gì để dâng cả, vì tất cả chúng ta đều thuộc về Chúa, không còn gì mới để dâng nữa.” (15)
Thư từ của I Nhã có nội dung rất rộng, nhưng những ví dụ này đủ để cho thấy một mẫu thức gồm hai phần: thứ nhất, ngay cả trong những vấn đề đơn giản nhất cũng có chiều kích nhân bản và cá nhân mà chúng ta buộc phải xem xét; và thứ hai, nhiều khi những cách gián tiếp hóa ra lại hiệu quả hơn những cách trực tiếp. Thường thì những người chân thành sẵn sàng cho đi mọi thứ đều đặt mình vào trạng thái tốt nhất để nhận. Và điều này xảy ra không chỉ đối với Thiên Chúa, mà còn trong các vấn đề thế tục.
Dòng Tên có mối quan hệ căng thẳng hơn và ít mềm dẻo hơn với Tổng Giám mục Lisbon, Fernando Vasconcelos. I Nhã nhận thấy nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột nghiêm trọng hơn và cố gắng ngăn chặn nó bằng một bức thư, trong đó ngài không đề cập rõ ràng đến vấn đề có nguy cơ gây ra xích mích. Thay vào đó, ngài áp dụng chiến lược gián tiếp, dựa trên đề nghị được phục vụ vị Tổng Giám mục, và yêu cầu một cách khiêm tốn rằng, ngài “chấp nhận chúng tôi và coi chúng tôi là con cái và tôi tớ của ngài”. Chúng tôi sẵn sàng gánh vác “một phần nhỏ gánh nặng mà Chúa đã đặt lên vai Ngài” (nhắc nhở vị đó rằng “cần phải chia sẻ một số gánh nặng với người khác để có thể gánh vác được”). (16) I Nhã đã kết thúc bức thư bằng cách sắp xếp một loạt các chuyến viếng thăm Tổng Giám mục của cha giám tỉnh và hiệu trưởng trường đại học, và nói chung điều này đã đạt được hiệu quả như mong muốn. (17)
(Còn tiếp)
Tác giả: Daniel Izuzquiza Regalado, SJ
Người dịch: Hoàng Quân
Nguồn: La Civiltà Cattolica
DOI: https://doi.org/10.32009/22072446.0424.10
[1]. Cf. D. Bertrand, La política de San Ignacio de Loyola. El análisis social, Bilbao – Santander, Mensajero – Sal Terrae, 2003. On this topic, cf. pp. 41-73, the various summary frameworks and Appendix B.
[2]. This article will follow a rather circuitous path in order to offer directly the texts of Ignatius’ letters. A broader view and a more systematic perspective, also useful for understanding the relationship between management and leadership, can be found in J. M. Guibert, El liderazgo ignaciano. Una senda de transformación y sostenibilidad, Santander, Sal Terrae, 2017.
[3]. Cf. D. Bertrand, La política de San Ignacio de Loyola…, op. cit. 180; 279 f.
[4]. Ignatius of Loyola, Cartas esenciales, Bilbao, Mensajero, 2017, 208.
[5]. Id., Lettera a Francesco Borgia, September 17, 1555, in MI Epp IX 626 f.
[6]. Id., Constitutions, 814. Henceforth: C, followed by the number of the quoted paragraph.
[7]. See, among others, the letter to Juan Nuñes Barreto dated July 26, 1554, in MI Epp VII 313-314 and the letter to Juan Álvarez dated July 18, 1549, in MI Epp II 481-483.
[8]. Id., Lettera a Pietro Contarini, August 1537, in MI Epp I 123-126.
[9]. Id., Spiritual Exercises, no. 233. Henceforth: ES, followed by the number of the quoted paragraph.
[10]. Id., Lettera a Emanuele Godinho, January 31, 1552, in MI Epp IV 126-128.
[11]. Id., Lettera a Diego Laínez, May 21, 1547, in MI Epp I 519-526.
[12]. Cf. Id., Lettera a Giacomo Miró, December 17, 1552, in MI Epp IV 558 f.
[13]. Id., Carta al conde de Mélito, July 21, 1554, in MI Epp. VII 255-266.
[14]. Id., Lettera a Giovanni De Vega, April 12, 1550, in MI Epp III 13-15.
[15]. Id., Lettera a Giovanni De Vega, May 31, 1550, in MI Epp III 63-65.
[16]. Id., Carta a Mons. Fernando Vasconcelhos, arzobispo de Lisboa, July 26, 1554, in MI Epp VII 327 f.
[17]. A similar indirect strategy can be seen in the letter to Maria Frassoni del Gesso, dated March 13, 1554, in MI Epp VI 460 f., and in that to Ascanio Colonna, duke of Paliano and Tagliacozzo, of April 15, 1543, in MI Epp I 254 f.