Thánh Phêrô Canisio

(Lễ Nhớ ngày 27 tháng 4 theo Lịch Phụng Vụ Dòng Tên

Lễ nhớ ngày 21 tháng 12 theo Lịch Phụng Vụ của Giáo Hội)


1. Đavít và Goliat.
Ngày 13.11.1549, linh mục Phêrô Kanis đến đại học Ingolastadt ở miền Nam nước Đức để nhận chức giáo sư thần học. Một học giả Tin lành đã gọi đó là “ngày đánh dấu một khúc quanh trong lịch sử nước Đức”. Quả thật, thánh Phêrô Kanis là một con người đã làm nên lịch sử. Bộ mặt tôn giáo của nước Đức đã thay đổi sâu xa từ khi vị linh mục Dòng Tên 28 tuổi ấy chính thức bắt tay vào việc hoạt động trong phong trào Phục Hưng Giáo Hội Công Giáo.

Vào cuối thời Trung Cổ, đời sống đức tin cũng như luân lý trong Giáo Hội sa sút rất nhiều. Vì lý do này hay lý do khác, hàng giáo sĩ thường lo việc thế gian hơn là lo việc nhà Chúa. Giáo dân vì thế hầu như bị bỏ mặc làm mồi cho mọi thứ đam mê và dị đoan. Ai cũng ước mong một cuộc phục hưng toàn diện, nhưng cả tình trạng chính trị bên ngoài cũng như cơ cấu tổ chức bên trong của Giáo Hội đều không cho phép.

Nhiều cố gắng của những người thiện chí đã chuốc lấy thất bại. Đầu thế kỷ XVI, tiến sĩ Martin Luther đứng lên khởi xướng Phong Trào Cải Cách, ly khai với Tòa Thánh, tạo nên một thời khủng hoảng sâu rộng chưa từng có trong lịch sử Giáo hội. Là quê hương của phong trào Cải cách Tin lành, Giáo Hội Đức lung lay đến tận gốc rễ.

Đã hẳn là những người con trung tín của Giáo Hội không thể ngồi yên nhìn người mẹ thân yêu chết dần chết mòn. Nhiều tâm hồn nhiệt thành dồn hết mọi nỗ lực vào việc canh tân Giáo Hội, tạo nên phong trào Phục hưng, hy vọng cứu nước Đức khỏi cơn hồng thủy. Viện đại học Ingolsstadt trong nhiều năm trời đã là một trung tâm quan trọng của phong trào Phục hưng. Linh mục Gioan Eck là một nhà thần học và hùng biện lỗi lạc dẫn đầu phong trào Phục hưng tại đây. Người ta gọi ngài là Đavít của phong trào Cải cách nhiều lần phải lùi bước.

Nhưng năm 1543, Đavít của Ingolstadt qua đời, trong khi Gôliát vẫn lớn mạnh như sắp ăn tươi nuốt sống nước Đức. Phong trào Phục hưng mất một lãnh tụ hạng nhất, và đại học Ingolstadt mất hết sức sống. Hay Gioan Eck chỉ là Saolê và người ta còn phải đợi Đavít đến?

Khi cha Phêrô Kanis đến nhận chức, viện đại học chỉ còn vỏn vẹn 15 sinh viên thần học. Người ta không biết tương lai nào đang chờ đón ngài ở đây. Ngoài giờ dạy thần học, ngài cũng đi giảng thuyết đó đây trong thành phố. Và hơn một lần, ngài đã đến nhà thờ trước những hàng ghế vắng vẻ đến trơ trẽn. Trước thử thách lớn lao, thánh Kanis đã không chùn bước. Trái lại, với lòng tin sắt đá và với kinh nghiệm những năm học được ở thành phố Kohl miền Bắc nước Đức, thánh nhân kiên quyết bắt tay vào việc.

2. Trường Tông đồ.

Năm 15 tuổi, thánh nhân được gia đình gởi đến Kohl để trau dồi học vấn. Thành phố văn vật thời danh này đã góp phần không nhỏ vào việc hùng biện con ông thị trưởng Nijmegen nước Hòa Lan thành một chiến sĩ xuất sắc của phong trào Phục Hưng. Thật vậy, khi đến Kohl, Phêrô Kanis lúc đó còn là một cậu bé tinh nghịch và phóng túng. Mẹ mất từ nhỏ, cha tối ngày bù đầu vì công vụ, thánh nhân trải qua một thời thơ ấu không đáng lấy làm hãnh diện mấy. Được thỏa lòng, cậu bé chạy theo bản năng tự nhiên và đua đòi chúng bạn học tập những thói xấu của tuổi trẻ.

Nhưng đến Kohl, thánh nhân quen với một linh mục thánh thiện, nhờ đó, ngài được giúp đỡ rất nhiều về đời sống thiêng liêng. Hơn nữa, thánh nhân còn kết thân với các đan sĩ Chartreux và nhiều tâm hồn nhiệt thành khác trong thành phố. Trong bầu không khí đạo đức ấy, thành nhân bắt đầu nghiền ngẫm Tin Mừng và hạnh các thánh.

Thể theo ý ông thị trưởng muốn cho cậu con trai đầu lòng yêu quí vững bước trên đường công danh, năm 18 tuổi, thánh nhân sang thành phố Louvain nước Bỉ để học luật. Nhưng chẳng bao lâu sau, ngài trở lại Kohl để học thần học: thánh nhân đã quyết định dâng mình cho Chúa làm linh mục để phục vụ Giáo Hội.

Đầu năm 1543, thánh nhân nghe nói đến một linh mục khôn ngoan và thánh thiện tên là Phêrô Favre đang ở Mainz cách Kohl chừng 150 cây số, ngài quyết định lên đường đi tìm gặp cha Favre để bàn hỏi về ơn gọi. Sau khi sốt sắng làm linh thao với Chân phước Phêrô Favre, thánh nhân tuyên khấn vào Dòng Tên, một dòng vừa mới thành lập được hơn 2 năm. Hôm đó là kỷ niệm ngày sinh lần thứ 22 của thánh nhân.

Trở về Kohl với con người mới, thánh nhân sống với một nhóm anh em trong Dòng và tiếp tục học thần học. Vừa tu luyện về thiêng liêng, vừa học hành, vừa viết sách, vừa giảng thuyết, dù còn trẻ, chẳng bao lâu thánh nhân đã trở thành một nhân vật tên tuổi của thành phố. Khi vị Tổng Giám mục ở Kohl ngả theo Tin lành, thánh nhân tuy mới 24 tuổi đã được chọn làm đại diện thành phố để dàn xếp. Kết quả vị Tổng Giám mục bị Toàn Thánh và Hoàng đế cách chức. Từ đây, lần đầu tiên tiếng Giêsu hữu được dùng để gọi một tu sĩ Dòng Tên. Lúc đó tiếng này hàm ý mỉa mai là phường xảo trá, quân giả hình, một Giêsu giả hiệu. Tuy nhiên, thánh nhân và sau này cả Dòng Tên, đã nhận lấy danh xưng này như một tước hiệu vinh dự, vì trong đó có Tên Vị Thủ Lãnh Chí Thánh.

Năm 1546, thánh nhân lãnh sứ vụ linhh mục tại Kohl. Tuy còn trẻ vì mới 25 tuổi, danh tiếng thánh nhân đã đồn xa, nên chỉ năm sau, Hồng y Tổng Giám mục ở Augsburg đã chọn ngài làm cố vấn thần học và thay mặt đi dự công đồng Trentô. Nhưng mới họp lại được ít lâu, một lần nữa, công đồng lại phải hoãn vô thời hạn. Thánh nhân được cha Tổng Quản I-nhã gọi về Rôma để hoàn tất chương trình thiêng liêng. Sau một thời gian dạy Latinh vỡ lòng cho trẻ em ở đảo Sicilia, thánh nhân được gọi về Rôma khấn trọng, rồi hoàn tất luận án tiến sĩ thần học trước khi chính thức lên đường nhận nhiệm sở tại Ingolstadt.

3. Hành trình tông đồ

Với kinh nghiệm 10 năm ở Kohl, thánh Phêrô Kanis ý thức rõ ràng tình trạng ở Đức. Muốn phục hưng toàn diện, phải chấn hưng đời sống đức tin và luân lý từ hàng giáo phẩm cho đến giáo dân. Và từ Ingolstadt, thánh nhân đã bắt tay vào việc. Có thể nói ngài sinh ra là để lãnh đạo Phong trào Phục hưng. Cùng ngày 8.5.1521 khi thánh nhân mở mắt chào đời tại Hòa Lan, thì tại Đức tiến sĩ Luther dứt khoát ly khai với Giáo Hội Công giáo để thành lập Giáo hội Tin Lành. Ít hôm sau, ở Tây Ban Nha, hiệp sĩ I-nhã bị thương, khởi đầu cuộc trở lại thời danh của ngài. Thật là một trường hợp kỳ diệu, vì chính đây là Ba khuôn mặt lớn của sân khấu lịch sử Giáo hội vào thế kỷ XVI nhiều biến động.

Trừ ngày đến Ingolstadt, cuộc đời và hoạt động của thánh Phêrô Kanis gắn liền với Giáo hội Đức. Chúng ta không biết phải dùng đến bao nhiêu giấy mực mới có thể thuật lại quãng đường 30 năm trời ấy. Có lẽ, để giúp chúng ta có một ý tưởng lờ mờ về những hoạt động của ngài trong thời gian ấy là nhìn những đoạn đường ngài đã đi qua, những thành phố ngài đã tới. Phải nhận rằng thánh nhân là một trong vài Giêsu hữu di chuyển nhiều nhất vào thời Dòng mới khai sinh, có lẽ chỉ thua thánh Phanxico Xavier. Hầu như trong khắp nước Đức, Áo, Ba Lan, Tiệp Khắc, Ý, thành phố nào cũng mang dấu chân ngài. Nếu lập được bản đồ về các chuyến đi của thánh nhân, có lẽ chẳng khác gì một cái màng nhện chi chít, chỉ những chuyển đi đáng kể cộng lại cũng đủ đưa thánh nhân đi được một vòng quanh trái đất. Còn những chuyến đi ít quan trọng hơn thì nhiều vô kể. Điều đáng lưu ý là ít khi ngài dùng ngựa hay xe, hầu hết là đi bộ.

Đôi chân của vị tông đồ lúc nào cũng sẵn sàng cất bước. Bất cứ ở đâu Giáo hội cần đến, ngài liền có mặt. Đi giảng cho giáo dân, đi họp hội nghị với anh em Tin lành, đi dự Công đồng, đi vận động mở trường học, đi lo việc riêng do Tòa thánh ủy thác, đi yết kiến các vua chúa, đi gặp gỡ anh em trong Dòng, đi dạy giáo lý cho trẻ em… hình như lửa nhiệt thành nhà Chúa không cho phép ngài dừng chân bao giờ. Làm bề trên, nhà giáo dục, nhà thần học, nhà ngoại giao, người trung gian, cố vấn các triều đình và các giám mục; đại diện Tòa thánh, coi sóc giáo phận… việc gì ngài cũng hăm hở và miệt mài, chỉ thấy trước mắt Giáo Hội thân yêu của Chúa Ki-tô. Mỗi thành phố đối với ngài chỉ là một trạm dừng chân.

4. Lửa nhiệt thành nhà Chúa

a. Giảng thuyết

Thánh Phêrô Kanis được coi là một nhà giảng thuyết không biết mệt. Với trí khôn sắc sảo và lòng nhiệt thành, ngài đi khắp nơi để gieo hạt giống Tin mừng. Có thể nói khắp nước Đức và Áo, ai cũng được nghe thánh nhân giảng. Dù không có tài hùng biện tự nhiên như tiến sĩ Luther, thánh nhân vẫn can đảm lên tòa giảng, đem theo mình một đức tin sắt đá, một đức cậy bền vững, và một lòng mến như lửa bùng cháy. Ngài giảng ở kinh đô, ở các thành phố lớn, và ngay cả trong những thôn xóm hẻo lánh ở đồng quê. Ngài giảng cho giáo dân, cho tu sĩ, cho hàng giáo sĩ, cho đủ mọi hạng người, từ những nhà trí thức đến những nông dân mộc mạc. Ở Đức và Áo lúc ấy, nhiều giáo phận có hàng mấy trăm giáo xứ không có linh mục, thánh nhân tự nguyện đi hết xứ này tới họ khác để đem Lời Chúa đến cho tất cả mọi người. Khi ở Ingolstadt, thánh nhân được mời giảng thường trực mỗi Chúa nhật và Lễ trọng tại nhà thờ Chính tòa. Ở Viên, người ta “bở ngỡ vì lòng nhiệt thành nóng bỏng của thánh nhân đối với việc giúp đỡ các linh hồn.” Ở Praha “người lạc giáo nể sợ các bài giảng của ngài.” Ở Regensburg, viên khoa trưởng thần học viết cho ngài: “Không thể tá được ở đây người ta mong chờ cha đến thế nào.” Ở Worms, sau khi nghe thánh nhân giảng, “dân chúng chen lấn nhau để nhìn mặt ngài, như thể họ đi xem một vị hoàng đế.” Ở Augsburg, các bài giảng của thánh nhân được coi là “thành công quá lòng mong ước của phong trào cải cách Tin lành, gần 90% dân chúng đã bỏ Giáo hội Công giáo ngay từ đầu. Khi giảng lần đầu tiên vào một Mùa Chay tại nhà thờ chính tòa, thánh nhân không có được lấy 50 người nghe. Nhưng chẳng bao lâu sau, nhà thờ đã trở thành nhỏ bé vì số người dự lễ tăng lên thật mau. Ngày nay, gần 90% dân Augsburg đã trở về với Giáo Hội. Đó là một trường hợp điển hình cho nhiều trường hợp khác. Hiện nay, chúng ta còn giữ được chừng 2.000 bài giảng của thánh nhân, đóng chung thành 30 cuốn sách lớn.

b. Nhà giáo dục

Ý thức tầm quan trọng của việc đào tạo một lớp giáo dân và một hàng giáo sĩ vừa có học thức vừa sống đức tin mãnh liệt, thánh Phêrô Kanis có lẽ chiếm giải quán quân về việc mở trường học. Mở một trường không phải là chuyện một sớm một chiều. Phải thương lượng với nhà cầm quyền, tìm nguồn lợi tức, kiếm giáo sư, gây ý thức trong dân chúng và học sinh. Vậy mà thánh nhân đã đích thân thành lập ít là 24 học viện. Nguyên việc lo mở bấy nhiêu học viện cũng đáng là công việc của mấy đời người. Dù sao, những trường công giáo mọc lên khắc nơi. Tuổi trẻ được huấn luyện về học vấn, về đức tin, về đạo đức. Tương lai Giáo Hội tùy thuộc khá nhiều ở những trường này. Đây cũng là vườn ươm các mầm non ơn gọi. Cả đời thành Phêrô Kanis những ao ước tạo lập một thế hệ những người nô bộc xứng đáng của dân Chúa. Từ các trường học được tổ chức chu đóa, đã nảy nở và lớn mạnh lên những lớp người vừa thông thái vừa đạo đức dấn thân vào địa hạt tông đồ. Thánh nhân xứng đáng được gọi là cha của nhiều thế hệ tại Đức.

Như những chốt của Phong trào Phục hưng, các học viện khắp nơi đã đem dến cho cả Giáo hội Đức một làn sinh khí mới, Giáo hội vươn mình khỏi vũng lầy để vững mạnh tiến lên.

c. Nhà văn

Thánh Phêrô Kanis là Giêsu hữu đầu tiên có xuất bản sách. Hồi còn tại Kohl, vào thời gian lãnh sứ vụ linh mục, thánh nhân đã cho xuất bản tác phẩm của thánh Xi-ri-lô thành Alexandria và thánh Lêô cả. Qua những tác phẩm này, chẳng những thánh nhân muốn trình bày học thuyết của các Giáo phụ, mà còn muốn kêu gọi các vị chủ chăn trong Giáo Hội noi gương các thánh về đời sống đức tin cũng như bổn phận đối với Giáo Hội.

Vào khoảng năm 1560, người Tin Lành cho xuất bản một bộ sách khổng lồ thu góp mọi thứ trong lịch sử để triệt hạ Giáo Hội Công giáo. Theo lệnh của Đức thánh Giáo hoàng Piô V, thánh Phêrô Kanis phải soạn một bộ sách trình bày một cách trung thực Giáo lý công giáo cho những tâm hồn ngay chính. Thánh nhân dự tính viết một bộ sách gồm 3 cuốn: cuốn thứ nhất về thánh Gioan Tẩy giá, để trả lời người Tin lành cho rằng vị thánh này là tiền hồ của phong trào Tin lành; cuốn thứ hai về Đức Mẹ thường bị họ công kích; cuốn thứ ba về thánh Phêrô và quyền Giáo hoàng mà họ phủ nhận. Như thế, bộ sách sẽ trả lời hầu hết những điểm then chốt mà người Tin lành chỉ trích. Nhưng sau khi 2 cuốn đầu tổng cộng hơn 1.000 trang được xuất bản và đón tiếp nồng nhiệt khắp nơi, Đức Thánh Cha đã miễn cho thánh nhân soạn cuốn thứ ba, vì ngài quá bận rộn và mệt mỏi.

Nhưng tác phẩm quan trọng nhất của thánh nhân là bộ sách giáo lý. Phải giúp đỡ thanh thiếu niên hiểu biết đức tin mới có thể đứng vững trước những cơn sóng gió. Trước hết, thánh nhân soạn bộ “Tổng luận giáo lý” danh cho các học sinh lớn, gồm 4 cuốn, dày tổng cộng hơn 2.200 trang, xuất bản năm 1555. Tiếp theo, thánh nhân soạn một cuốn gọi là “giáo lý nhỏ” dành cho thiếu niên. Cuối cùng năm 1558, ngài xuất bản cuốn “giáo lý tóm lược”. Chính đây là cuốn sách nổi tiếng nhất của ngài. Chỉ trong một thế kỷ, vào thời mới phát triển nghề in, cuốn giáo lý của ngài được xuất bản tới 400 lần, và được dịch ra hàng chục thứ tiếng, kể cả tiếng Hy lạp, Ấn độ và Nhật bản. Tên ngài gắn liền với cuốn sách đến nỗi ở Đức người ta dùng để gọi sách giáo lý.

Vậy là thanh thiếu niên khắp nơi được học biết tường tận giáo lý, xây dựng nền móng vững chắc cho việc phục hưng Giáo Hội.

Khó có thể định rõ ràng thành công của thánh Kanis đến mức nào. Nhiều người đã cho rằng nếu Giáo Hội ở Đức, Áo, Balan, Tiệp khắc lúc đó còn đứng vững và tìm lại được sức sống một phần lớn là nhờ thánh nhân. Cùng với thánh Bôniphaxiô đã đem Tin Mừng đến cho nước Đức, thánh Kanis được gọi là tông đồ nước Đức vì đã giúp Giáo Hội Đức trung thành với Tin Mừng của Chúa Giêsu.

5. Giêsu hữu

Nhưng trong tất cả mọi điều chúng ta vừa nói trên đây, chúng ta thể tóm tắt: Thánh Kanis là tông đồ với nét đặc trưng của một Giêsu hữu. Trong số các Giêsu hữu thuộc thế hệ đầu tiên, và có lẽ trong mọi thế hệ, thánh nhân là người đã thực hiện sự hòa hợp kỳ diệu hơn ai hết giữa đời sống cầu nguyện, đời sống trí thức, và đời sống tông đồ, mà thánh I-nhã coi là lý tưởng của một bạn đường đích thực của Chúa Giêsu. Giữa những ngày tháng trăm công ngàn việc, thánh nhân vẫn trung thành với những giờ cầu nguyện hằng ngày, và nhiều khi bị thánh I-nhã quở trách vì cầu nguyện quá nhiều giờ. Khi được đề cử làm Tổng giám mục giáo phận Viên, ngài đã từ chối để tự do lo cho một Giáo Hội rộng lớn hơn. Luôn luôn đặt nhu cầu Giáo Hội phổ quát khi phải bắt tay vào công việc khẩn thiết hơn. Trong cuốn “Trần tình” và hơn 7.500 trang thư ngài để lại, chúng ta thấy đây là một con người thật nhân bản và hết sức siêu nhiên. Ngài thân thiết với Chúa như con với cha, ngài thân thiết với mọi người như anh em ruột thịt. Những năm cuối đời, ngài về sống tại Fribourg Thụy sĩ, nơi ngài thành lập học viện cuối cùng trong đời tông đồ. Mỏi mòn sau những năm tháng xả thân vì Giáo Hội, thanh nhân dành những năm cuối đời để dạy giáo lý cho trẻ em . Sau bao năm trời oanh liệt giữa những môi trường vinh dự, nay thánh nhân vui vẻ bên các thiếu nhi mà suốt đời ngài hằng quí mến. Một trong những việc cuối cùng ngài làm là sửa lại sách giáo lý của ngài “để các cháu bé dễ đọc hơn”. Đến khi không thể viết lách hay giảng dạy nữa, ngài dành lấy việc quét nhà, rửa chén, với “đôi tay run run”. Cuối cùng ngài liệt giường và thanh thản về nhà Chúa ngày 21.12.1597, thọ 78 tuổi.

Đến miền Nam nước Đức cuối năm 1549 với bậc đàn anh, chỉ 30 năm sau, thánh Phêrô Kanis đã xây dựng từng anh em như người ruột thịt. Tiếp tục công việc của thanh nhân khởi sự, chỉ một thời gian sau, ở Đức đã có 2.500 anh em Giêsu hữu hoạt động trong 120 học viện.

Dòng Tên đã không được lập ra để chống lại Phong trào Cải cách Tin Lành như nhiều người lầm tưởng, nhưng Chúa qua phòng đã dùng những người con nhiệt thành của Dòng để giúp hàng triệu tín hữu trung thành với Đức Kitô và Giáo Hội Ngài. Nếu trong thế hệ đầu tiên của Dòng Tên, thánh Phanxicô Xavier chói sáng một tông đồ giữa dân ngoại, thì thánh Phêrô Kanis cũng nổi bật trong vai trò tông đồ giữa tín hữu. Và cả hai vị thánh đều chỉ tha thiết một điều là xả thân để thấy khuôn mặt Đức Kitô thành hình trong thế gian nhờ Giáo Hội.

Ngài được Đức Thánh Cha Piô XI tuyên thánh và ban danh hiệu thánh sư năm 1925. Cùng với thánh Bôniphaxiô, ngài được gọi là Tông đồ nước Đức.

ĐỂ VINH DANH CHÚA HƠN

Kiểm tra tương tự

Ngày #1: Tuần Cửu Nhật Kính Thánh Giuse: Xin Cho Con Tìm Được Chồng

Thánh Giuse được biết đến như là một trong ba vị thánh bảo trợ cho …

Phanxicô Xaviê – Một linh đạo truyền giáo

Lm. Giuse Hoàng Sĩ Quý, S.J. Trong 10 năm truyền giáo, thánh Phanxicô Xaviê vượt …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *