Những lần Chúa Giêsu hiện trong sách Tân Ước

Chúng ta đang sống trong mùa Phục sinh. Giáo hội dành bảy Chúa Nhật để mừng trọng thể biến cố này. Đây là tâm điểm của đức tin Công giáo. Thật thú vị nếu chúng ta lật lại những trang Tin Mừng về những lần Chúa hiện ra. Con số 12 một lần nữa nói cho chúng ta nhiều điều. Như là ý nghĩa của tròn đầy, phải chăng 12 lần hiện ra này đủ để các môn đệ và chúng ta tin vào mầu nhiệm Phục sinh. Ước sao….!

  1. Ngôi mộ trống ở Giêsusalem

Mộ trống không có ý chứng mạnh mẽ để nói về Chúa phục sinh, nhưng đây là dấu chỉ đầu tiên. Số là ngày thứ nhất trong tuần, bà Maria Macđala và vài người phụ nữ ra mộ Chúa để sức dầu thơm theo tục lề ngày đó (Mc 16,1-8). Tuy trời còn tối, nhưng họ cũng nhận ra ai đó đã lăn tảng đá lấp cửa mồ[1]. Họ đến gần và nhìn vào trong mộ thì thấy hai thiên thần. Các ngài đã nói về biến cố Chúa Giêsu đã sống lại. Họ còn căn dặn các bà về thuật lại cho các môn đệ những gì đã nghe và đã thấy. Nhất là nhớ nói với các môn đệ trở về Galilê, vì Chúa Phục sinh đang chờ các ngài ở đó.

Từ đây, Tin mừng phục sinh bắt đầu nhen nhóm và mỗi ngày một bùng phát, nhất là sau những lần Chúa Giêsu  hiện ra tiếp theo.

2.Đức Giêsu  hiện ra với bà Maria Magdalena

Là người được Chúa chữa lành khỏi bảy quỷ, Maria Magdalena luôn theo sát Chúa, kể cả trong cuộc khổ nạn. Hôm an táng xác thầy, Maria cũng chứng kiến. Sau kỳ nghỉ lễ Vượt Qua, Maria vội vã đến mộ từ sáng sớm. Nơi đây Chúa Giêsu đã hiện ra với bà, nhưng bà tưởng là người làm vườn (Ga 20,11-18). Chỉ khi Chúa gọi đúng tên bà, bà mới quay lại và thưa: “Raboni, nghĩa là lạy thầy.” Bà đã gặp Chúa phục sinh mặt giáp mặt. Niềm vui vô bờ. Chúa phục sinh cũng giao cho bà một sứ mạng loan tin vui này, trước là cho các môn đệ, sau là cho mọi người. Maria đã hoàn thành xuất sắc sứ vụ Chúa trao.

3.Chúa hiện ra với các phụ nữ ở Giêrusalem

Chúng ta không chắc nhóm phụ nữ này có phải là những người đã gặp Chúa Giêsu trên đường thương khó không! (Lc 23,26-28). Tuy nhiên, Tin mừng Mátthêu ghi lại một lần Đức Giêsu đón gặp các bà và nói: “Chào chị em!”. Các bà đã nhận ra thầy Giêsu, tay bắt mặt mừng. Chúa vẫn cùng một sứ điệp nhắn với các bà: “Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.” (Mt 28,10).

Họ lên đường loan tin vui, trước là cho các môn đệ, sau là cho gia đình và bà con họ hàng của họ.

  1. Hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau

Đây là lần hiện ra tương đối nổi tiếng! Nói như thế vì thánh sử Luca đã ghi lại khá chi tiết lần hiện ra này (Lc 24,13-35). Như các môn đệ khác, hai người quê gốc ở Emmau đã buồn sầu khăn gói về nhà. Trên đường, người khách bộ hành đã đến trò chuyện với họ. Chúng ta không biết vì sao hai ông lại không nhận ra Chúa phục sinh. Dẫu sao Đức Giêsu đã đồng hành, gợi chuyện và chia sẻ với họ nhiều điều liên quan đến Chúa phục sinh.

Khi gần về đến nhà, họ mời Đức Giêsu ở lại, vì trời đã xế chiều. Trong bữa tối, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho các ông. (Lc 28,30). Lúc này mắt các ông sáng lên và liền nhận ra Đức Giêsu phục sinh. Nhưng Chúa liền biến mất.

Tuy các ông không nhận sứ mạng loan tin phục sinh, nhưng lòng đầy niềm vui, các ông tìm gặp các môn đệ khác. Họ đã đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu để loan tin Chúa sống lại, cho nhau và cho muôn người.

  1. Chúa hiện ra với 11 môn đệ ở Giêrusalem

Đây là lần hiện ra khá đặc biệt. Số là các môn đệ đang hoang mang cùng cực. Ai cũng sợ giới lãnh đạo Do Thái. Họ ở trong nhà trong buồn sầu bất an. Chính bối cảnh này, Chúa Giêsu đã hiện ra và trao ban bình an cho các ông. (Lc 24,36).

Lần này Chúa nói với các môn đệ một sứ mạng rất quan trọng: “Chính anh em là chứng nhân về những điều này.” (Lc 24,48). Nghĩa là các môn đệ được mời gọi loan truyền tin mừng phục sinh.

  1. Chúa hiện ra với Tôma

Lần khác Tin Mừng thánh Gioan kể về lần hiện ra của Chúa với các môn đệ, nhưng thiếu ông Tôma (Ga 20,19-25). Lúc Tôma trở về, các môn đệ hớn hở báo tin vui, nhưng Tôma không tin[2].

Tám ngày sau, Chúa hiện ra với các môn đệ, lần này có cả Tôma. Chúa cho ông xem lỗ đinh, cạnh sườn và đề nghị ông hãy kiểm chứng và hãy tin. Tôma đã gặp Chúa Phục sinh và thưa rằng: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con.” (Ga 20,28). Nghĩa là ông đã tin[3].

Lần này Chúa phục sinh còn nhắn với chúng ta một tin mừng lớn hơn: “Phúc cho những ai không thấy mà tin.” (Ga 20, 29).

  1. Chúa hiện ra với các môn đệ khi họ đang dùng bữa

Chúng ta không biết chính xác những lần Chúa hiện ra với các môn đệ nơi các thánh sử có trùng lặp không? Tuy vậy, theo thánh sử Máccô, lúc nhóm Mười Một đang dùng bữa, thì Chúa Giêsu tỏ mình ra. Thay vì ban bình an như những lần khác, Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng. (Mc 16,14).

Dẫu sao Chúa phục sinh cũng trao cho các ông một sứ mạng rất cụ thể: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16,15). Vậy là họ ra đi, Giáo hội lớn mạnh theo những lời loan báo và làm chứng của các môn đệ[4].

  1. Chúa hiện ra trên biển hồ Tibêria

Các môn đệ lúc này ít nhiều đã tin rằng Thầy mình đã sống lại. Họ về Galilê để tiếp tục làm nghề đánh cá. Lúc này, Phêrô muốn đi đánh cá và các môn đệ còn lại cũng đi theo. Họ thả lưới suốt đêm mà không được con cá nào, dù vài người trong số họ chuyên nghề chài lưới.

Lúc trời còn tinh mơ, Chúa Giêsu đã hiện ra và hỏi họ: “Các con không có gì ăn sao?”. Sau câu trả lời buồn sầu, Chúa nói các ông hãy thả lưới ở mạn thuyền bên phải. Kết quả là họ có một mẻ lưới đầy cá. Với sự kiện này, Gioan đã nhạy bén nhận ra Chúa phục sinh đang trò chuyện với họ. Gioan nói với Phêrô: “Chúa đó.” (Ga 21,7). Dường như Phêrô cũng nhận ra Chúa, nên mới nhanh chóng bơi vào bờ để gặp Thầy mình.

Trên bờ, Chúa phục sinh đã chuẩn bị than hồng để các ông nướng cá. Ăn sáng xong, Chúa hỏi Phêrô ba lần rằng: “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có yêu mến thầy không?” Sau ba lần thưa có, Phêrô chính thức được Chúa trao cho sứ vụ chăm sóc đàn chiên của Chúa. Có thể nói từ đây, vị giáo hoàng đầu tiên đã dẫn dắt Giáo hội bước đi trên con đường tình yêu của Thiên Chúa phục sinh.

  1. Chúa hiện ra ở trên núi với các môn đệ

Lần khác theo lời của Chúa phục sinh, các ông đi lên núi. Chúa phục sinh đã chờ họ ở trên đó. Khi thấy Chúa, các ông đã bái lạy, nhưng có mấy ông vẫn chưa tin. (Mt 28,17). Dẫu sao lần này Chúa nói rất rõ sứ mạng dành cho các ông: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ…” (Mt 28,19).

Điều thú vị là sau lần sai đi này, Chúa phục sinh hứa sẽ ở cùng các ông mọi ngày cho đến tận thế. (Mt 28,20). Chúa phục sinh cũng đang ở với mỗi người chúng ta, ở đây và lúc này[5].

  1. Chúa hiện ra với 500 người

Mấy năm nay tại Việt Nam, “500 anh em” đã trở nên “trend-xu hướng” nổi tiếng. Tuy nhiên, trong Tân Ước, có lần thánh Phaolô “không đu theo trend”, nhưng ghi nhận rằng: “Chúa phục sinh đã hiện ra với hơn 500 anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống.” (1 Cr 15,6). Thánh Phaolô không phải là các Tông Đồ. Ngược lại, Phaolô ra sức bắt bớ những ai tin vào Chúa phục sinh. Trên đường bách đạo, biến cố ngã ngựa đã giúp Phaolô loan báo tin mừng[6]. Khi giải thích về người chết sống lại cho các tín hữu ở Côrintô, thánh nhân đã đề cập đến sự kiện Chúa hiện ra với nhiều người trong số họ.

  1. Đức Giêsu hiện ra với Giacôbê và Phaolô

Tiếp mạch văn diễn giảng về biến cố kể chết sống lại, thánh Phaolô còn cho biết Chúa Giêsu đã hiện ra với Giacôbê và với chính thánh nhân nữa. (1 Cr 15,17). Lần hiện ra với Giacôbê chúng ta không biết chi tiết. Ngược lại, trên đường đi Đamat, Chúa hiện ra với Phaolô lại được kể nhiều hơn. Lần đó Chúa phục sinh đã biến đổi Phaolô để trở nên người loan báo tin mừng vĩ đại ở mọi thời.

  1. Chúa phục sinh lên trời

Lần cuối cùng chúng ta thấy Chúa phục sinh hiện ra với các môn đệ để chia tay. Chúa tạm biệt các ông để về trời. Thánh Luca cho biết địa điểm này ở Núi Cây Dầu (Cv 1,12). Lúc này thầy Giêsu phục sinh đã giúp các ông đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện và sẵn sàng loan báo tin vui cứu độ (Cv 1,14). Trên ngọn núi ngày hôm đó, Đức Giêsu một lần nữa nhắc lại ngày Chúa Thánh Thần sẽ đến với các ông. Chỉ khi đó, các ông mới thực sự trở nên nhân chứng cho Chúa phục sinh trong các vùng thiên hạ, tận cùng trái đất.

Lần này Chúa phục sinh không trao sứ mạng cho các ông, nhưng giơ tay chúc lành (Lc 24,44-53). Sau đó, Đức Giêsu được cất lên ngay trước mắt các ông và có đám mây quyện lấy Người. Chúng ta có thể tưởng tượng được các môn đệ sau lần này, các ông túa ra các nẻo đường để loan báo tin mừng Chúa đã phục sinh.

Tạm kết

Trên đây là chút lượt lại những lần Chúa phục sinh đã hiện ra mà Tin mừng đã ghi lại. Mỗi lần hiện ra, Chúa Giêsu đều trao một sứ mạng nào đó. Người gặp Chúa phục sinh cũng dần tin vào mầu nhiệm này. Chắc chắn Chúa không chỉ hiện ra với những nhân vật trên đây, nhưng cũng muốn đến gặp gỡ từng người. Ước gì mỗi người cũng để mầu nhiệm phục sinh chạm đến cuộc đời mình. Hoặc nếu lúc nào đó bạn hoang mang về niềm tin của mình, thật quý để bạn chiêm ngắm mầu nhiệm phục sinh. Đó là nền tảng cho mọi điều chúng ta tin. Nói như lời Đức Bênêđictô XVI:

“Biến cố Chúa Giêsu chết và sống lại trở thành tâm điểm của Kitô giáo. Đó là điểm tựa cho đức tin của ta, là đòn bảy mạnh mẽ cho tin tưởng vững chắc của ta, là luồng gió mạnh quét sạch mọi sợ hãi, và lưỡng lự, mọi hồ nghi và tính toán của loài người.”

Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

————-

[1] Đọc thêm: Mt 28,1-20, Lc 24,1-12, Ga 20,1-10.

[2] https://dongten.net/suy-tu-tin-mung-cn2-psa-long-thuong-xot-cua-chua-phuc-sinh/

[3] Đọc thêm: Lc 24,36-53.

[4] Đọc thêm: Ga 20,26-31và  1 Cr 15,5.

[5] Đọc thêm Mc16,15-20

[6] https://www.tonggiaophanhanoi.org/cu-nga-ngua-lich-su-le-thanh-phao-lo-tong-do-tro-lai/

Kiểm tra tương tự

10 Ý tưởng giúp các mẹ nạp lại năng lượng

Làm mẹ không bao giờ dễ dàng. Dưới đây là những ý tưởng từ những …

Đức Mẹ và kinh nghiệm của ta về Thập Giá

  Chúng ta có thể nói về sự cứu độ dưới hai góc độ: khách …