Suy tư Tin mừng CN2 PSA: Lòng thương xót của Chúa phục sinh

Chúa Giêsu phục sinh không hiện ra lần đầu với các môn đệ, nhưng là với Ma-ri-a Mác-đa-la[1]. Trong Tin Mừng Chúa Nhật II phục sinh chúng ta mới thấy Đức Giêsu đến với các học trò yêu quý  của mình. Họ đang trong tâm trạng hoảng loạn và sợ hãi. Cửa đóng then cài, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Vậy là với thân xác phục sinh, Đức Giêsu đã trao lời đầu tiên của mình cho các ông: “Bình an cho anh em.” Chỉ có Thiên Chúa mới hiểu các ông cần gì nhất vào lúc này. Với bình an của Thiên Chúa, các ông không chỉ nhận ra thầy mình, nhưng còn như lấy lại sức sống để viết tiếp ước mơ. Họ muốn loan truyền tin mừng Phục sinh đến cho muôn dân.

Lòng phấn khởi loan tin ấy bị chặn đứng ngay với người môn đệ khó tin, Tô-ma. Lúc Chúa hiện ra, Tô-ma đã không có ở đó. Lúc ông trở về, đồng bạn đã ra sức thuyết phục nhưng lòng ông vẫn cứng như đá. Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” (Ga 20,25). Cũng hiểu cho ông vì biến cố phục sinh còn quá mới và khó hiểu trên phương diện lý trí. Chính Đức Giêsu cũng cho Tô-ma thời gian để phản tỉnh và hoán cải. Mọi suy nghĩ của Tô-ma đã tan biến khi Chúa Phục sinh hiện ra lần thứ hai. Ngài tiến lại gần ông. Mặt giáp mặt. Đức Giêsu đề nghi ông “đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” (Ga 20,27). Trái tim ông như tan chảy và ông chỉ biết quỳ bái phục trước thầy mình đã phục sinh.

Có lẽ chúng ta cũng có quyền đòi hỏi như Tô-ma, nghĩa là Chúa phục sinh phải hiện ra với con. Khi đó con mới có thể tin được. Dĩ nhiên Chúa có thể làm như thế, nhưng vì tình yêu, vì lòng thương xót của Ngài, nên Ngài không hiện ra. Lý do là: “Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20,29). Tuy không thấy, nhưng chúng ta được mời gọi tin vào tin mừng này. Khi đó, chúng ta sẽ được phần thưởng lớn biết bao.

Các bạn thân mến,

Vậy là sau lần hiện ra đó, các môn để đã mở toang cánh cửa. Các Ngài túa ra các nẻo đường để loan tin mừng phục sinh vô cùng vắn gọn: Đức Giêsu đã chết và Ngài đã sống lại rồi. Đó là bài rao giảng đầu tiên (kerygma) vốn giữ vị trí trung tâm và đòi hỏi Giáo hội ngày nay tiếp tục nhấn mạnh: “bài giảng này phải diễn tả tình thương cứu độ của Thiên Chúa. Nó phải được đánh dấu bằng niềm vui, sự khích lệ, sức sống.” Khi đón nhận hoặc cảm nhận thông điệp này, ước gì chúng ta cũng cảm thấy “Đức Giêsu Kitô yêu bạn; Ngài hiến mạng sống mình để cứu bạn; và bây giờ Ngài đang sống bên cạnh bạn mỗi ngày để soi sáng, ban sức mạnh và giải thoát bạn.”[2] Vì lý do này mà Đức Bênêđictô XVI nhận xét rằng: “Biến cố Chúa Giêsu chết và sống lại trở thành tâm điểm của Kitô giáo. Đó là điểm tựa cho đức tin của ta, là đòn bảy mạnh mẽ cho tin tưởng vững chắc của ta, là luồng gió mạnh quét sạch mọi sợ hãi, và lưỡng lự, mọi hồ nghi và tính toán của loài người.” (Youcat 105).

Tình yêu của Chúa phục sinh trong bài giảng đầu tiên này cũng được hiểu như lòng thương xót của Chúa mà chúng ta mừng lễ hôm nay. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã công bố lễ Lòng Chúa Thương Xót vào ngày 30 tháng 4 năm 2000. Theo đó, cả Giáo hội mừng lễ này vào ngày Chúa Nhật II phục sinh. Sở sĩ có ngày này là dựa trên thị kiến của nữ tu Fausztina, ngày này được điều chỉnh thành Chúa Nhật đầu tiên sau Chúa Nhật Phục Sinh. Như trong nhật ký của thánh Fausztina viết: “Ta ước mong rằng bức ảnh Lòng Chúa Thương Xót sẽ được tôn kính trọng thể vào Chúa Nhật đầu tiên sau Lễ Phục Sinh. Hãy để Chúa Nhật này như là cơ hội diễn tả Lòng Thương Xót Chúa. (..) Ước gì Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót là nơi trú ẩn và giải thoát cho mọi linh hồn, nhất là cho những tội nhân đáng thương. Vào ngày này, lòng thương xót dạt dào của Ta sẽ được mở ra, (…) Linh hồn nào góp sạch tội và rước lễ sẽ được tha tội hoàn toàn và sẽ được giải thoát khỏi hình phạt.[3] Đó là tin vui, là ơn bình an dành cho những người lắng nghe và chấp nhận Đức Giêsu đã sống lại.

Khi Đức Giêsu sống lại, chúng ta biết Ngài thực sự là Con Thiên Chúa. Hơn nữa, từ đây Ngài có thể hiện diện ở khắp mọi nơi để diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa đến với từng người. Ngài thực sự muốn thương xót và làm cái gì đó tốt nhất cho con người. Và Ngài đã phục sinh để từ đây, “Tình yêu Thiên Chúa đi tới chỗ sáng, nhanh như chớp. Như một tia chớp Chúa Thánh Thần đi qua đêm tối của mỗi người. Đấng Phục Sinh bắt lấy bạn, đảm nhận mọi sự, mang trên Người tất cả những gì bạn không mang nổi. Chỉ như thế mà sau này, đôi khi rất lâu sau này điều đó mới rõ ràng: Chúa Kitô đã đi qua và đã phân phát những gì quá đầy đủ của Người.” (thầy Frère Roger Schutz). Đây là kinh nghiệm của người sáng lập phong trào Taizé. Hẳn là kinh nghiệm ấy cũng đáng để mỗi người kiếm tìm và tìm kiếm.

  • Nếu lúc nào đó bạn buồn chán, cứ tìm Chúa phục sinh ngay trong thinh lặng của lòng mình.
  • Khi gặp khủng hoảng, cứ hỏi Chúa phục sinh để tìm một lối thoát.
  • Nếu thiếu vắng tình yêu hay lòng thương xót, thật tốt để đưa tay xin Chúa một chút tình yêu vô bờ của Ngài.
  • Giả như cuộc sống có phũ phàng với bạn, thì Thiên Chúa vẫn luôn trung tín và đang dành trọn tình yêu cho bạn.
  • Và nếu bạn đang cảm thấy hạnh phúc bình an, thì hãy tạ ơn Chúa vì nguồn bình an của Thiên Chúa tuôn chảy vào tâm hồn bạn.

Để kết thúc, chúng ta nghe lại lời này của thánh GioanVianney: “Nhiều người nói: Tôi đã làm nhiều điều xấu xa độc ác, Chúa chẳng còn tha cho tôi. Đó là sự phạm thượng rõ ràng, nó đặt giới hạn cho lòng thương xót Chúa, nhưng không đúng, Chúa thương xót vô cùng. Không có gì xúc phạm đến Chúa bằng nghi ngờ lòng thương xót Người.” Ước gì mỗi người cũng thôi nghi ngờ sự phục sinh của Chúa, lý do là Chúa đã sống lại và vẫn đang thương xót tôi và bạn, ở đây và lúc này. Amen.

Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

[1] Mt 28,1-8; Mc 16,1-8; Lc 24,1-11

[2] Tông Huấn niềm vui của tin mừng Evangelii Gaudium số 164.

[3] https://www.tinmung.net/THIENCHUA/Longthuongxot/SuyniemLTX/dailechuatinhthuong.htm

Kiểm tra tương tự

Khóa học: “Tìm hiểu tông huấn niềm vui tình yêu ”

Bạn thân mến! Ai trong chúng ta đều xuất thân từ một gia đình. Dù …

Hãy mạo hiểm! Tôi đã làm thế, và cưới được vợ

Các thánh nhân là những người dám khuấy động cả hoàn vũ, nên Đức Thánh …