HOME THẦN HỌC SẼ SỐNG NẾU BẠN TIN SSNBT1 SSNBT2 SSNBT3 SSNBT4 SSNBT5
Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.
PHẦN III:
TIN LÀ ĐÁP TRẢ MẶC KHẢI
Tuyệt đối
không được bàn đến cách minh nhiên
A. THIÊN
CHÚA CAN THIỆP TRONG DÒNG LỊCH SỬ
b). Đức
tin của dân Do Thái và cũng là đức tin của kitô hữu
B. THIÊN
CHÚA NHẬP THỂ LÀM NGƯỜI
a). Tin do
nghe (fides ex auditu)
b). Kinh
nghiệm nền tảng của các lời rao giảng
c). Tin
phó thác (credere in- fides qua)
C. THÁNH
THẦN HOẠT ĐỘNG TRONG HỘI THÁNH
b). Thánh
Thần hoạt động trong Hội Thánh
c). Thánh
Thần hoạt động qua Hội Thánh
Con người là một sinh vật
có tính xã hội, nên niềm tin vào Thiên Chúa của con người cũng có tính xã hội.
Niềm tin vào Tuyệt Đối của một tập thể được thể hiện một cách hữu hình, gọi là
tôn giáo.
Có người cho rằng: “mục đích của tôn
giáo không là Thiên Chúa nhưng là sự sống[1]”.
Chúng ta có thể đồng ý nếu chỉ nhìn Khổng giáo và Phật giáo; Khổng tử nhấn mạnh
đến “thành nhân”; Còn Đức Phật[2]
thì dạy người ta “thoát khổ”. Nhưng chúng ta cũng thấy quan niệm trên của W. James
không đúng đối với Do-thái giáo và Ki-tô giáo, vì Do-thái giáo khởi đầu với một
ơn gọi (St. 12, 1tt), và Ki-tô giáo hình thành với niềm tin Đức Yêsu phục sinh
là Thiên Chúa.
Một số người cho rằng có những tôn
giáo không muốn bàn đến Thiên Chúa và chỉ muốn đề cập tới con người. Nhưng theo
thiển ý tôi, thực tại tuyệt đối vẫn mặc nhiên ẩn tàng nơi mọi tôn giáo, thậm
chí ngay cả nơi Phật giáo[3].
Bởi vì nếu không có Tuyệt Đối Thường Hằng, thì làm gì có hạnh phúc vĩnh cửu của
niết bàn, và cũng chẳng có tình trạng giác ngộ thực sự. Biến cố hoàng tử
Siddhartha Gautama giác ngộ, cho thấy Tuyệt Đối Thường Hằng mặc nhiên ẩn tàng
và là nền tảng cùng cùng đích của mọi sự.
Tin vào Tuyệt Đối hay Thiên Chúa, đó
là niềm tin nền tảng của mọi tôn giáo. Thiên
Chúa hay Thực Tại Tuyệt Đối này được gọi bằng những tên[4]
khác nhau tùy theo mỗi tôn giáo hoặc theo những nền văn hóa khác nhau: người
Do-thái giáo gọi là Đấng Toàn Năng, Thiên Chúa hay Yavê..., người Hồi giáo gọi
là đức thánh Allah..., người theo Ấn giáo gọi là Brahma..., người Phật giáo gọi
là Vô hay Hữu...!
Để nhận biết tôn giáo nào là con
đường tuyệt hảo và chắc chắn nhất giúp con người sống hạnh phúc đích thực bây
giờ và mãi mãi, trên nguyên tắc, chúng ta phải tìm hiểu từng tôn giáo. Nhưng
thật may mắn cho chúng ta là những người đang sống trong đạo Công giáo. Đạo
Công giáo là con đường tuyệt hảo, được Thiên Chúa muốn là tôn giáo giúp con
người sống hạnh phúc vĩnh cửu với Thiên Chúa. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu để
biết chắc chắn điều này trong những trang tiếp theo.
Trong phần ba này chúng ta sẽ đề cập
đến Thiên Chúa can thiệp trong dòng lịch sử, Thiên Chúa nhập thể vì yêu con
người, và Thiên Chúa Thánh Thần hoạt động trong Hội Thánh.
Có những người tin
Thiên Chúa, không phải nhờ họ nhìn vũ trụ vạn vật rồi siêu vượt gặp gỡ Thiên
Chúa, nhưng vì họ đã có kinh nghiệm đặc biệt với Thiên Chúa.
Ông tổ dân Do-thái là Abram. Abram
đã nghe được tiếng Thiên Chúa mời gọi bỏ quê cha đất tổ để đi tới đất Thiên
Chúa sẽ chỉ cho ông. Thiên Chúa hứa sẽ cho ông thành một dân lớn, sẽ chúc lành
cho ông, và sẽ cho ông trở nên mối chúc lành.
Abram đã đi theo lời Thiên Chúa
Ya-vê (St. 12, 1-4). Thiên Chúa đã cho Abram được có kinh nghiệm với Ngài nhiều
lần. Ngài đã đổi tên Abram thành Abraham. Abraham đã được thấy Thiên Chúa Ya-vê
“ở với mình” trong suốt đời sống, chẳng hạn khi ông ở Ai-cập.
Và không chỉ với Abraham, mà cả với
con của Abraham là Ysaac, và với con của Ysaac là Ya-cóp, Thiên Chúa vẫn giữ
mối tương quan đặc biệt với họ (St. 12-49).
Hơn bốn thế kỷ sau khi dân Do-thái
vào đất Ai-cập, Thiên Chúa lại chọn Môsê để có tương quan đặc biệt với ông.
Thiên Chúa đã tỏ mình cho ông qua buị gai bốc cháy nhưng không tàn trên núi
Sinai; Ngài đã sai ông đi giải phóng dân Do-thái khỏi ách nô lệ bên Ai-cập.
Biết bao điềm thiêng dấu lạ Thiên
Chúa đã làm để dẫn dân Do-thái ra khỏi Ai-cập (Xh.). Dân Do-thái trở thành dân
riêng của Thiên Chúa, khi họ bằng lòng tuân giữ thập giới dưới chân núi Sinai.
Kinh nghiệm Vượt Qua là kinh nghiệm nền tảng và đã được lưu truyền từ đời nọ
tới đời kia trong con cái Israel. Dân Do-thái cảm thấy Thiên Chúa thật gần với
họ, Ngài luôn “ở với họ”.
Kinh nghiệm hơn hai trăm năm thời
quan án: bao nhiêu lần dân Do-thái bất trung với giao ước, bao nhiêu lần Thiên
Chúa tha thứ và sai các quan án tới để giải phóng dân khỏi bị hà hiếp. Dân
Do-thái cảm nghiệm được Thiên Chúa trong chính lịch sử dân tộc họ; Thiên Chúa
đã chi phối, hay nói cách khác, Thiên Chúa đã điều khiển lịch sử dân tộc
Do-thái.
Thời các vua xuất hiện bao vị ngôn
sứ đại diện Thiên Chúa, nói Lời Thiên Chúa cho dân, cảnh cáo dân lẫn vua quan về
những bất trung với Thiên Chúa của giao ước, giúp dân giữ thập giới, loan báo
tin vui an ủi trong những ngày đại họa lưu đày.
Thiên Chúa không bỏ dân Ngài, Ngài
vẫn ở với họ ngay cả trong khi họ tưởng Thiên Chúa đã quên họ! Các tiên tri
biết rõ điều này.
α). Tin hàm chứa gặp gỡ
Những người có kinh nghiệm trực tiếp
với Thiên Chúa như Abraham, Ysaac, Yacóp, Môsê,... biết Thiên Chúa không phải
chỉ bằng tin hay siêu vượt nhưng còn bằng chính kinh nghiệm sống của họ: họ đã
gặp gỡ Thiên Chúa! Abraham đã nghe tiếng Chúa phán (St.12,1), đã nghe được Lời
của Yavê trong thị kiến (St.15,1), đã được Thiên Chúa hiện ra và phán bảo
(St.17,1), đã được gặp gỡ và nói chuyện với Thiên Chúa như nói chuyện với con
người (St.18,1-5). Yacóp đã mơ thấy Thiên Chúa (St.28, 2-22), đã “vật lộn” với
Thiên Chúa (St.32, 23-31). Yuse đã thấy Thiên Chúa can thiệp trong cuộc đời lưu
lạc của ông (St.37-50). Môsê được gặp gỡ Thiên Chúa nơi bụi gai bốc lửa nhưng
không tàn trên núi Sinai (Xh.3, 1-15), và trở thành khí cụ làm những điều kỳ
diệu bày tỏ quyền năng của Thiên Chúa (Xh. 5-17; 19-20).
Có rất nhiều người trên hoàn vũ này tin có Thiên Chúa nhờ siêu vượt qua
những dấu chỉ tự nhiên, còn những người đặc biệt kể trên tin có Thiên Chúa không chỉ nhờ họ siêu vượt qua các dấu chỉ tự
nhiên mà còn nhờ những kinh nghiệm đặc biệt trong đời họ. Họ tin có Thiên Chúa nhờ những dấu chỉ đặc
biệt, những dấu chỉ này có thể không có lần thứ hai! Dân Do-thái ở chân núi
Sinai, cũng như trước đó trong tiến trình rời khỏi Ai-cập, cũng đã được thấy
bao dấu kỳ phép lạ. Kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa đối với dân Do-thái là kinh
nghiệm “đặc biệt” và có tính tập thể.
ß). Tin là phó thác trọn vẹn cho Thiên Chúa
Đức tin của những người đặc biệt như
Abraham, Ysaac, Yacóp, Môsê,... không chỉ là tin có Thiên Chúa (credere Deum), và cũng không chỉ là tin vào Thiên Chúa (credere Deo), mà
còn là tin phó thác nơi Thiên Chúa
(credere in Deum). Chính vì tin tưởng phó thác nơi Thiên Chúa mà Abraham đã rời
bỏ quê cha đất tổ để đi theo Lời Thiên Chúa (St.12, 4), dù đi mà không biết
mình đi đâu (Dt.11, 8), dù đi như vậy rất là nguy hiểm[5].
Chính vì tin tưởng phó thác nơi Thiên
Chúa mà Môsê dám trở lại Ai-cập để dẫn dân ra khỏi đó, chỉ với một cây gậy
trên tay (Xh.5, 1tt). Và cũng vì tin
tưởng phó thác cho Thiên Chúa mà Môsê dám dẫn một dân tộc đông đảo đi qua
sa mạc khô cằn không nước và thức ăn.
Chính vì tin tưởng hoàn toàn nơi
Thiên Chúa, phó thác tất cả cho Ngài, mà những người tin vào Thiên Chúa
(credere in Deum) vâng phục hoàn toàn Thiên Chúa, vâng phục ngay trong những
điều vượt hoàn toàn khả năng của con người, vượt khỏi sự hiểu biết bình thường
của con người. Chẳng hạn Abraham vâng phục Thiên Chúa hiến tế con một mình là
Ysaac (St.22, 1-19), Môsê đi vào Ai-cập để dẫn dân Do-thái ra khỏi đó (Xh.
3-15)...
Thiên Chúa Đấng họ tin và gặp gỡ là
một ngôi vị, Đấng thật gần với họ, Đấng luôn quan tâm đến họ, Đấng nhìn thấy
nỗi khổ của họ và sẵn sàng đáp cứu họ khi họ kêu cầu. Đối tượng tin của những
người đặc biệt này, không phải là các “tín điều” nhưng là “ngôi vị”, Đấng tuy
xa nhưng lại rất gần họ.
Không phải tất cả nhưng chỉ có một số
ít người Do-thái, đặc biệt trong những “thời đầu” được kinh nghiệm trực tiếp Thiên Chúa bằng mắt thấy tai nghe- như
Abraham thấy Thiên Chúa là ba người (St.18), Môsê thấy bụi gai bốc cháy nhưng
không tàn (Xh.3,2), Abraham nghe Chúa nói (St.12,1; 13,14), ...- còn những
người Do-thái khác, hoặc con cái họ trong suốt dòng lịch sử thì sao[6]?
α). Tin do nghe nói
Những điều Thiên Chúa dạy và làm cho
dân Israel ở thuở “ban đầu” đó, Ngài đã dạy họ phải tưởng niệm hằng năm và lưu
truyền lại cho con cháu: “Ngày ấy (Vượt Qua) đối với các ngươi sẽ thành kỷ niệm
và các ngươi sẽ mừng ngày ấy như khánh lễ mừng Yavê: qua các thế hệ, các ngươi
sẽ mừng lễ như luật điều vạn đại (Xh.12, 14)”. “Trong những ngày ấy ngươi sẽ thuật lại cho con cháu ngươi
rằng: ấy chính là điều Yavê đã làm cho ta hồi ta ra khỏi Ai-cập. Đó sẽ là dấu
nơi tay ngươi, là kỷ vật nơi trán ngươi ngõ hầu thánh chỉ Yavê ở nơi miệng
ngươi, vì bằng một bàn tay mạnh, Yavê đã đem ngươi ra khỏi Ai-cập. Ngươi sẽ giữ
luật điều này, đúng thời của nó, năm này qua năm khác... Mai này khi con ngươi hỏi ngươi rằng: cái gì thế?
thì ngươi sẽ bảo nó: Nhờ sức mạnh
tay Người, Yavê đã đem chúng ta ra khỏi Ai-cập, khỏi nhà tôi mọi...” (Xh.13,
8-10.14). “Hãy nghe, hỡi Israel, ... các Lời Ta truyền cho ngươi hôm nay hãy ở
nơi lòng ngươi, ngươi sẽ lập lại cho con
cái ngươi; và ngươi sẽ ôn lại khi ngươi ngồi nhà và khi ngươi đi đường, khi
ngươi nằm và khi ngươi dậy” (Tl.6, 4.6-7).
ß). Tin vào con người
Những người Do-thái thuộc thế hệ sau
không được kinh nghiệm trực tiếp Thiên Chúa, phải tin vào cha ông họ, và nhờ đó
họ tin Thiên Chúa (tin Thiên Chúa
hiện hữu, tin vào Thiên Chúa, và tin tưởng phó thác nơi Thiên Chúa). Đầu tiên
họ phải chấp nhận, ưng thuận những gì cha ông họ nói với họ; và sau đó là họ
siêu vượt để gặp gỡ “ngôi vị tuyệt đối đã can thiệp vào đời sống và lịch sử dân
tộc họ”.
Những dấu chỉ người Do-thái ngang
qua đó siêu vượt để gặp gỡ ngôi vị tuyệt đối, không chỉ là những thực tại tự
nhiên mà mọi người đều có thể nhận ra trong cuộc sống của họ, nhưng đặc biệt là
những biến cố lịch sử trong cuộc đời của tổ phụ Abraham, Ysaac, Yacóp, Môsê và
toàn thể dân tộc Do-thái trong suốt dòng lịch sử. Và không chỉ là những người
Do-thái ngày nay, mà cả những người cùng chia sẻ niềm tin vào Thiên Chúa của
dân tộc Do-thái ngày hôm nay cũng chấp nhận những dấu chỉ đặc biệt là lịch sử
dân Do-thái, và qua đó họ siêu vượt gặp gỡ ngôi vị tuyệt đối là Thiên Chúa,
Đấng can thiệp trong dòng lịch sử dân tộc Do-thái.
g). Tin phó thác nơi Thiên Chúa
Phải chăng những người kinh nghiệm
trực tiếp sự can thiệp của Thiên Chúa, như Pharaô và triều thần của ông ta
trong biến cố xuất hành, không phải siêu vượt để nhận biết và gặp gỡ Thiên
Chúa? Ý nghĩa của những dấu chỉ đặc biệt đã được Môsê loan báo cho Pharaô và
triều thần của ông, Pharaô và các triều thần của ông không phải là không nhận
biết có một vị thần bảo hộ cho dân Do-thái, thế nhưng họ không muốn vâng phục vị thần này! Qua những dấu chỉ “tai
họa” đặc biệt (Xh.5-12), vua Pharaô và triều đình Ai-cập biết có Thiên Chúa,
tin rằng Thiên Chúa này quyền năng, thế nhưng điều họ thiếu là tin tưởng phó thác nơi vị Thiên Chúa
này, và như vậy họ không vâng phục, không để dân Do-thái đi theo Lời Thiên Chúa
Yavê. Cũng tương tự như vậy ta thấy đức tin của ma qủy. Nếu không có đức tin
“phó thác”, không thể gọi là “tín hữu[7]”
ngay cả đối với người thời Cựu Ước. Với đức tin “phó thác”, thì dù là người của
thời Cựu Ước, Abraham vẫn được coi là cha của những người tin (Rm.4).
Tất cả các tôn giáo đều
minh nhiên hoặc mặc nhiên tin nhận Tuyệt Đối. Và Tuyệt Đối này được tôn thờ nơi
các tôn giáo với những tên gọi khác nhau như Thiên Chúa, Yavê, Allah, Brahma,
v.v.
Tuy các tôn giáo đều dạy người ta ăn
ngay ở lành, làm lành lánh dữ, và đều tôn thờ Tuyệt Đối, nhưng không phải tất
cả các tôn giáo đều giống nhau và có giá trị như nhau. Ki-tô giáo khác tất cả
các tôn giáo khác (như Do-thái giáo, Hồi giáo, Ấn-độ giáo, ...) ở điểm chính
yếu: tin Đức Yêsu người Nadarét chết
thời Philatô là Thiên Chúa[8].
Nếu Đức Yêsu Nadarét chết thời
Philatô, con người thực sự đó, là Thiên Chúa thật, là Con Một Thiên Chúa thực
sự, thì qủa thật Thiên Chúa (Đấng mà người Do-thái giáo và Hồi giáo tôn thờ đó)
đã yêu con người vô cùng; Vì nếu không yêu con người thì tại sao Ngài lại cho
Con Một Ngài nhập thể làm người và sống như con người vậy? “Thiên Chúa đã yêu
thế gian đến độ đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Ngài... được sống
đời đời” (Yn.3, 16).
Ki-tô hữu là những người tin Đức
Yêsu Ki-tô là Thiên Chúa, và xác tín rằng Thiên Chúa đã yêu con người vô cùng,
vì Thiên Chúa là Tình Yêu; nên họ sống an bình hạnh phúc, vì biết mình đang
được yêu. Tiêu chuẩn sống của họ, là sống yêu thương như Thiên Chúa, Đấng yêu
thương họ vô cùng.
Hôm nay, tại sao chúng ta là ki-tô hữu?
Tại sao chúng ta tin Đức Yêsu Nadarét đã chết và phục sinh, tại sao chúng ta
tin Ngài là Thiên Chúa? Hoặc chúng ta đã nhận lãnh niềm tin từ thuở nhỏ nơi cha
mẹ, hoặc chúng ta tin nhận vì chúng ta thấy “điều chúng ta nghe nói” đáng tin
khi chúng ta trưởng thành.
Những bậc cha anh của chúng ta đã
tin, đã sống đức tin, và đã đem chính mạng sống của họ để bảo vệ và làm chứng
đức tin “điều tôi tin là sự thật là đúng, tôi dám đem chính mạng sống tôi để
khẳng định rằng Đấng tôi tin đáng qúy hơn cả mạng sống tôi”. Chính lời chứng,
cộng với cuộc sống của họ, làm chúng ta tin nhận điều họ sống và rao giảng: Đức Yêsu Nadarét đã chết và phục sinh, Ngài
là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa.
Tại sao các bậc cha anh của chúng ta
đã tin như vậy? Bởi vì họ đã thấy các bậc tiền bối của họ sống và rao giảng như
vậy. Các bậc tiền bối của cha ông chúng ta cũng sống và rao giảng niềm tin của
họ, và đã dùng chính cuộc sống của họ để làm chứng điều họ rao giảng thực đáng
tin.
Cứ đi dần lên như vậy, chúng ta bắt
gặp những người đã trực tiếp nghe các tông đồ rao giảng. Những người này đã
thấy cuộc sống chứng tá của các tông đồ, đã nghe các tông đồ rao giảng, và đã
thấy các tông đồ dùng chính mạng sống của các ngài để làm chứng cho Thực Tại
các ngài rao giảng (theo truyền thống, mười một trong tổng số mười hai tông đồ
đã chết để làm chứng cho đức tin, chỉ có tông đồ Yoan chết vì già yếu).
Lời rao giảng và đời sống chứng tá
của những người tin, chưa đủ để chúng ta tin Đức Yêsu Nadarét là Thiên Chúa, cần phải có ơn Thánh Thần. Chính
Thánh Thần Thiên Chúa tác động nơi chúng ta, làm chúng ta ưng thuận lời rao
giảng, Thực Tại được rao giảng. Nếu không có ân sủng Thánh Thần, con người
không thể tuyên xưng Đức Yêsu là Chúa (1Cor.12, 3).
Qua những lời rao giảng và đời sống
chứng tá của các tông đồ, những bậc tiền bối đã nhận lãnh đức tin vào Đức Yêsu
Phục sinh, và đến lượt mình, các ki-tô hữu tiên khởi đã tiếp tục rao giảng, và
cứ như vậy, lời rao giảng còn đang được tiếp tục cho đến ngày nay. Nhưng, tại
sao các tông đồ rao giảng “Đức Yêsu Nadarét đã phục sinh và là Thiên Chúa”, tại
sao các tông đồ đã tin “Đức Yêsu Ki-tô đã phục sinh và là Thiên Chúa”?
Cái chết của Đức Yêsu Nadarét là một
sự kiện chấn động Yêrusalem mà mọi người đều biết (Lc.24, 18-20): Ngài đã bị
bắt, bị kết án, bị nộp cho Philatô, bị đóng đinh thập tự (Mc.14-15; Mt.26-27;
Lc.22-23; Yn.18-19). Đức Yêsu Nadarét đã chết thực sự, và làm tiêu tan mọi hy
vọng của các tông đồ và môn đệ.
Ngày thứ ba từ khi Đức Yêsu chết,
tức ngày thứ nhất trong tuần, có một số phụ nữ ra thăm xác Ngài, nhưng đã không
thấy xác Ngài, và hơn nữa họ nói họ đã gặp thiên thần loan tin Ngài đã sống lại
(Mc.16, 1-8; Yn.20, 1tt; Mt.28, 1tt; Lc.24, 1tt). Mồ trống, không còn xác Đức
Yêsu Nadarét ở đó nữa, cũng là một sự kiện mà khoa học có thể kiểm chứng.
Có nhiều người đã được thấy Đức Yêsu
Nadarét phục sinh như các tông đồ (Yn.20, 19-25; Mt.28, 9-10), các môn đồ
(Lc.24, 13-35; Mt.28, 16-20), ... Sự kiện phục sinh của Đức Yêsu không là một
hoang tưởng tập thể, vì tông đồ Thomas quyết không chấp nhận tin điều này nếu
không được kiểm chứng bằng việc xỏ ngón tay vào lỗ đinh và thọc bàn tay vào vết
thương nơi cạnh sườn Đức Yêsu. Cuối cùng Thomas đã tin vì ông đã thấy Đức Yêsu,
nhưng: “phúc cho kẻ không thấy mà tin” (Yn.20, 26-29). Sự kiện phục sinh của
Đức Yêsu Nadarét cũng không thể là một sự lừa dối, vì lúc đó các tông đồ và môn
đồ rất sợ hãi[9], và hơn nữa
phần lớn các tông đồ đều chết để làm chứng rằng Đức Yêsu đã phục sinh. Chẳng ai
dại gì lấy chính mạng sống mình để làm chứng một điều không có thực.
Khi Đức Yêsu Phục Sinh hiện ra cho
các tông đồ và ban Thánh Thần cho các ngài, các ngài tin nhận Đức Yêsu Nadarét
đã phục sinh; và rồi các tông đồ cũng tin Đức Yêsu Phục Sinh là Con Một Thiên
Chúa, là một với Thiên Chúa quyền năng.
Sở dĩ như vậy bởi vì, khi còn sống
trên trần gian trong cuộc sống tại thế, có nhiều lần Đức Yêsu nói và hành xử
như thể Ngài có quyền năng như Thiên Chúa:
Ngài tha tội (Mc.2, 1-12)
Ngài nhận mình có trước Abraham (Yn.8, 56-57)
Ngài nhận mình với Thiên Chúa là một (Yn.10, 30)
Ngài cho mình ngang hàng với Thiên Chúa (Mc.14, 62).
Nếu Đức Yêsu chỉ là một người lừa dối lường
gạt, một kẻ tội lỗi, thì Thiên Chúa đâu có phục sinh Ngài, đâu có cho Ngài sống
lại từ cõi chết! Mà nếu Thiên Chúa đã phục sinh Ngài từ cõi chết, hàm chứa Ngài
là người chân thực, được Thiên Chúa yêu thương, và những điều Ngài nói khi Ngài
sống tại dương thế phải là những điều chân thực.
Như vậy, nếu Đức Yêsu Nadarét khi tại
thế đã nhận mình có quyền tha tội, đã nhận mình là một với Thiên Chúa, đã nhận
mình có trước Abraham là ông tổ của dân tộc Do-thái, đã nhận mình có quyền năng
như Thiên Chúa, thì đích thực Ngài là
như Ngài đã nói: Ngài là Thiên Chúa thực.
Tin Đức Yêsu Nadarét đã phục sinh,
là một điều khó khăn và gần như bất khả đối với con người, nhưng tin Đức Yêsu Ki-tô là Thiên Chúa còn là
điều khó khăn hơn bội phần! Một người sinh bởi người nữ tại Bêlem, là Thiên
Chúa! Người Do-thái không thể chấp nhận được điều “lộng ngôn” này. Ki-tô giáo
là một tôn giáo không thể chấp nhận được đối với người Do-thái. Nhưng điều mà
người Do-thái không thể chấp nhận được, lại là sự thật; và hơn nữa, đây là sự
thật có sức cứu độ con người, làm con người hạnh phúc, bởi vì con người biết
Thiên Chúa, Đấng Vô Hình và rất cao vời đó, yêu thương con người rất mực, yêu
con người đến độ cho Con Một Mình nhập thể làm người, mãi mãi là người, để giao
hòa con người với Thiên Chúa, để làm cho con người được sống trong tình yêu của
Ngài.
Đức Yêsu Nadarét đã phục sinh và là
Thiên Chúa. Đây là tin mừng thật sự
lớn lao cho những ai tin nhận. Từ nay con người an tâm, con người cảm thấy mình
được yêu, luôn luôn được Thiên Chúa Toàn Năng yêu thương! Nếu Thiên Chúa phò
tôi, ai còn tranh tụng với tôi được? (Rm.8, 31tt).
Các tông đồ là những người đầu tiên
mục kích Đức Yêsu Phục Sinh, các tông đồ cũng là những người đầu tiên nhận biết
Đức Yêsu là Thiên Chúa. Với ơn của Thánh Thần, các ngài đã can đảm tuyên xưng
đức tin của mình vào Thiên Chúa và vào Đức Yêsu Phục Sinh, các ngài đã loan báo
Tin Mừng Cứu Độ này cho những người các ngài gặp gỡ. Và cứ như vậy, những người
tiếp nhận lời rao giảng cứu độ, lại tiếp tục rao giảng đức tin của mình vào
Thiên Chúa và vào Đức Yêsu Phục Sinh cho những thế hệ tiếp theo mình; và ngày
nay, chúng ta lãnh nhận đức tin nhờ lời rao giảng và ơn Thánh Thần, chúng ta
tin cùng một Thực Tại như các tông đồ xưa đã tin và đã rao giảng. Đức tin của
người Công giáo là đức tin tông truyền, một đức tin được truyền từ thời các
tông đồ lại, và đức tin này cũng chính là đức tin của các tông đồ.
Tin có ba cấp độ: tin có, tin vào,
tin phó thác[10]. Trong một
hành vi tin đúng đắn, tin có có thể
có đối tượng là một sự vật hay một ngôi vị, chẳng hạn tôi tin có cái gì đó; còn
tin vào chỉ dùng để diễn tả niềm tin
nơi một ngôi vị, chẳng hạn tôi tin vào ai đó, người chồng có thể tin vào người
vợ; còn tin phó thác thì chỉ dùng
đối với Thiên Chúa[11]
thôi. Nếu chúng ta tin phó thác vào
một con người, nghĩa là nếu chúng ta tin
tuyệt đối vào ai đó, thì người đó là ngẫu tượng đối với chúng ta[12].
Nếu chúng ta tin vào Đức Yêsu cách tuyệt đối, tức tin phó thác nơi Ngài, thì bởi vì chúng ta tin Ngài là Thiên Chúa[13].
Để một người có thể tin phó thác, thì người đó phải gặp gỡ
với ngôi vị đối tượng tin[14],
đồng thời phải có tương quan giữa ngôi vị[15],
và hơn nữa biết rõ ngôi vị mình tin là ngôi vị tuyệt đối. Tin, xét như tin vào và tin phó thác, hàm chứa yêu thương, nếu
không yêu thương thì không thể tin phó
thác được[16]. Chính với
đức tin phó thác này mà Ki-tô giáo
khác hẳn các tôn giáo khác[17].
Ki-tô hữu là người đã được nghe lời
rao giảng về Đức Yêsu Ki-tô, đã được hiểu lời rao giảng, và đã ưng thuận, vâng
phục, phó thác cho Thực Tại được rao giảng là Đức Yêsu Ki-tô. Ki-tô hữu, qua
lời rao giảng, đã bắt gặp được Đức Yêsu Ki-tô như ngôi vị, đã cảm nghiệm được
tình yêu của Ngài đối với mình, và đã được ơn đáp trả lại tình yêu của Ngài
bằng hành vi tin tưởng phó thác tuyệt đối nơi Đức Yêsu Ki-tô là Thiên Chúa đã yêu thương mình. Chính vì Thiên
Chúa Nhập Thể yêu thương mình đến độ chết vì mình, thế nên ki-tô hữu có thể phó
thác tất cả tương lai đời mình nơi Thiên Chúa, và cho Thiên Chúa. Chỉ có tình
yêu là đáng tin tưởng phó thác mà thôi. Chỉ có thể phó thác đời mình cho người
yêu mình mà thôi. Thiên Chúa là Tình Yêu (1Yn.4, 8.16), Thiên Chúa yêu con
người vô cùng. Chính vì cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa nơi Đức Yêsu
Ki-tô như vậy mà Đức Yêsu Ki-tô trở thành ý nghĩa, lý tưởng, và tiêu chuẩn sống
của mọi ki-tô hữu.
Ki-tô giáo là tôn giáo
đặt nền tảng trên niềm tin Đức Yêsu
Nadarét đã chết và phục sinh là Thiên Chúa. Đức Yêsu đã phục sinh, cho thấy
những điều Đức Yêsu nói khi Ngài còn sống đều chân thật. Vì Đức Yêsu khi còn
tại thế đã nhận mình ngang hàng với Thiên Chúa, có quyền năng như Thiên Chúa,
là một với Thiên Chúa, thế nên những người tin vào Ngài nhận biết Ngài là Thiên
Chúa.
Khi còn sống nơi dương thế, Đức Yêsu
Ki-tô còn nói tới một Đấng khác, đó là Thánh Thần. Cũng nhờ lời Đức Yêsu và ân
sủng của Thiên Chúa mà các ki-tô hữu (các tông đồ là những ki-tô hữu đầu tiên)
nhận biết rằng: Thánh Thần là Thiên Chúa.
Kinh Thánh Cựu Ước sách Thứ Luật
nói: “Nghe đây, hỡi Israel, Yavê Thiên Chúa của chúng ta là Yavê độc nhất”
(Tl.6, 4). Các tông đồ cũng là những người Do-thái, các ngài cũng tin chỉ có
một Thiên Chúa; và rồi khi nhận biết Đức Yêsu Phục Sinh là Thiên Chúa, các ngài
nhận biết Đức Yêsu Phục Sinh là ngôi vị Lời Thiên Chúa nhập thể. Và cùng với
kinh nghiệm nhận biết Đức Yêsu là ngôi vị Thiên Chúa nhập thể, các tông đồ cũng
nhận biết có một ngôi vị Thiên Chúa khác nữa: ngôi vị Thánh Thần.
Thánh Thần, được Đức Yêsu gọi là
Đấng Bầu Chữa[18] (Yn.14,
16), là Đấng từ Cha xuất ra (Yn.15, 26), Đấng được Cha gởi đến với con người
(Yn.14, 16.26). Như vậy, Thánh Thần cũng có nguồn gốc thần linh như Chúa Cha và
Chúa Yêsu. Và không chỉ vậy, nơi Chúa Cha, Chúa Yêsu Ki-tô và Thánh Thần, tất
cả là chung: “mọi sự Cha có, hết thảy là của Ta. Vì thế mà Ta đã nói: Ngài lấy
của Ta mà thông báo cho các ngươi” (Yn.16, 15).
Sứ mạng của Thánh Thần, của Đấng Bầu
Chữa, của Thần Khí Sự Thật, là: ở nơi và ở trong tín hữu (Yn.14, 17), ở với tín
hữu mãi mãi (Yn.14, 16), làm chứng cho Đức Yêsu (Yn.15, 26), nhắc cho nhớ những
gì Đức Yêsu đã nói (Yn.14, 26), loan báo những điều sẽ đến, dẫn chúng ta vào
tất cả sự thật (Yn.16, 13).
Nhờ biến cố Đức Yêsu
Phục Sinh, các tông đồ và sau đó là các ki-tô hữu, đã nhận ra Đức Yêsu Phục
Sinh là Thiên Chúa nhập thể: Đức Yêsu Nadarét vừa là người thật vừa là Thiên
Chúa thật. Thiên Chúa là độc nhất, nhưng là ngôi vị Cha và ngôi vị Con. Cũng
nhờ biến cố phục sinh của Đức Yêsu mà các tông đồ nhận ra Thánh Thần cũng là
Thiên Chúa. Thiên Chúa là ba ngôi vị phân biệt rõ ràng không lẫn lộn: Cha, Con,
và Thánh Thần; Cha không là Con và cũng không là Thánh Thần; và cũng tương tự
như vậy với Con, và Thánh Thần. Thiên Chúa ba ngôi vị hiệp nhất với nhau đến độ
chỉ là một Thiên Chúa, một quyền năng, một bản tính,...!
Sau khi phục sinh, ngay lần hiện ra
đầu tiên với các tông đồ, Chúa Yêsu Phục Sinh đã ban Thánh Thần cho các ngài
(Yn.20, 22); và cũng nhờ Thánh Thần mà các tông đồ đã nhận biết Đức Yêsu là
Thiên Chúa thật.
Thánh Thần Thiên Chúa đã ở với các
tông đồ ngay từ ngày Chúa Phục Sinh thổi hơi ban Thánh Thần cho họ; nhưng vào
ngày lễ Ngũ Tuần, quyền năng của Thánh Thần tỏ hiện diệu kỳ trên các tông đồ và
còn trên cả toàn dân nữa.
Năm mươi ngày sau lễ Vượt Qua, các
tông đồ được tràn đầy Thánh Thần và được ơn nói tiếng lạ(Cv.2, 4). Còn dân
chúng cũng được ơn nghe và cùng nhau kéo đến nghe các tông đồ (Cv.2, 6.8).
Các tông đồ được ơn can đảm tuyên
xưng đức tin của mình vào Thiên Chúa và vào Đức Yêsu Ki-tô Phục Sinh; và các
người đón nhận lời rao giảng đã được chịu thánh tẩy (Cv.2, 14. 17-41).
Chính vì Thánh Thần ở với các tông
đồ, nên các tông đồ mới có thể rao giảng làm chứng cho Chúa Yêsu Phục Sinh; và
cũng chính nhờ Thánh Thần tác động trên những người nghe, mà người nghe mới tin
nhận những gì các tông đồ rao giảng. Chính Thánh Thần rao giảng làm chứng cho
Chúa Yêsu Phục Sinh qua các tông đồ, cũng chính Thánh Thần làm chứng cho Đức
Yêsu Phục Sinh nơi lòng những kẻ tin.
Để một người có thể tin nhận Đức
Yêsu, cần có lời chứng. Lời chứng khách quan là lời rao giảng của những người
đã tin. Cuộc sống tốt của những người tin, cũng là lời rao giảng, và không
chừng còn là lời chứng hùng hồn hơn cả lời rao giảng. Để một người tin, không
chỉ cần có lời chứng khách quan nhưng còn cần tác động của Thánh Thần nơi lòng
con người. Thánh Phaolô ý thức rõ điều này: “Không ai có thể nói Yêsu là Chúa
mà lại không nhờ Thánh Thần” (1Cor.12, 3).
α). Lôi kéo giúp con người tin phó thác nơi
Thiên Chúa
Chính Chúa Thánh Thần lôi kéo lòng
người, làm lý trí con người hiểu dễ dàng chân lý rao giảng; và trên hết, Thánh
Thần tác động trên chính “con người” để con người ưng thuận Thực Tại Siêu Việt.
Không có Thánh Thần tác động, không có ân sủng của Thiên Chúa, con người không
thể tin nhận Đức Yêsu là Thiên Chúa.
ß). Thánh hoá con người
Thánh Thần thánh hóa con người khi
tác động làm con người tin phó thác vào Thiên Chúa nơi Đức Yêsu Ki-tô (Rm.3,
26; 4, 21),
khiến con người có thể gọi
Thiên Chúa là Cha (Gl.4, 6),
tha tội cho con người
(Yn.20, 22), làm con người hứng theo những gì thuộc Thần Khí (Rm.8, 5),
đỡ đần tình cảnh yếu hèn
của con người (Rm.8, 26),
chuyển cầu cho con người
rập theo Ý Chúa (Rm.8, 27),
làm chúng ta tin tưởng phó
thác tuyệt đối nơi Thiên Chúa (Rm.8, 31-39).
g). Giúp con người sống yêu thương
Thánh Thần là Thần Chân Lý, Ngài dẫn
chúng ta vào sự thật trọn vẹn (Yn.16, 13), Ngài giúp chúng ta nhận biết Thiên
Chúa là Tình Yêu (1Yn.4, 8.16), và giúp chúng ta sống yêu thương lẫn nhau
(Yn.13, 34-35; 1Yn.4, 19-21). Không có Thánh Thần Tình Yêu, chúng ta không thể
từ bỏ mình để yêu thương người khác như chính chúng ta.
Kể từ khi Lời Thiên
Chúa nhập thể, Thiên Chúa mãi mãi ở với con người (Mt.1, 23; 28, 20); và kể từ
khi Đức Yêsu thổi hơi ban Thánh Thần cho các tông đồ (Yn.20, 22; 14, 16), thì
Thánh Thần mãi mãi ở với con người, và biến con người thành đền thờ của Thiên
Chúa (1Cor.3, 16; Rm.8, 11; Yn.14, 23). Thánh Thần đã, đang, và sẽ biến đổi
chúng ta thành một tạo vật mới cho Thiên Chúa.
Con người là tri tinh thần và thân
xác, là tinh thần nhập thể; nghĩa là, trong hoàn cảnh tại thế này, con người là
tinh thần khi vượt qua vật chất để gặp gỡ Tuyệt Đối và chính mình.
Theo nhận thức thông thường, tri
thức được truyền thông nhờ chuyển đạt dạy dỗ. Cũng tương tự như vậy, đức tin
nơi Do-thái giáo được kinh nghiệm và truyền đạt nhờ lời dạy dỗ của các bậc cha
anh.
Nói một cách khác, con người là hiện
hữu xã hội[19] nên “đức
tin” của con người cũng mang tính xã hội. Kinh nghiệm đức tin của Abraham được
truyền cho Ysaac, và Ysaac cho Yacóp, và cứ tiếp tục như vậy cho những thế hệ
theo sau.
Siêu vượt và xã hội, là hai đặc tính
của con người. Niềm tin của mọi tôn giáo, kể cả Ki-tô giáo, cũng mang hai đặc
tính này. Nếu con người không có khả năng siêu vượt, không có đức tin; và nếu
đức tin không được diễn tả một cách xã hội thì cũng không có tôn giáo. Đức tin
của ki-tô hữu hôm nay có được là do “lời chứng” và do “nghe nói”: nếu không có
các ki-tô hữu đi trước, thì cũng không có ki-tô hữu hôm nay.
Tôi tin có Hội Thánh, và tôi tin nhờ
Hội Thánh. Hội Thánh, theo một nghĩa hẹp, là tất cả những người tin vào Chúa
Ki-tô, tất cả những người thuộc về Thiên Chúa. Tất cả những người tin vào Chúa
Ki-tô ngày nay, đều là những người đã được Thánh Thần thúc đẩy, để ưng thuận
lời chứng của Thánh Thần qua các tông đồ và qua các ki-tô hữu[20].
Có thể nói, Hội Thánh là một phương
tiện cần mà Thiên Chúa dùng để loan báo Tin Mừng, để công bố mặc khải, để quy
tụ tất cả cho Ngài. Đức Yêsu Ki-tô đã thiết lập Hội Thánh, và Thánh Thần đã
hành động trong Hội Thánh và qua Hội Thánh.
Đức Yêsu đã thiết lập nhóm mười hai,
để họ ở với Ngài và để Ngài sai đi rao giảng (Mc.3, 14); Đức Yêsu thiết lập Hội
Thánh trên đá “Phê-rô”: “ngươi là đá, và trên đá này Ta sẽ xây Hội Thánh của
Ta...” (Mt.16, 18). Đức Yêsu nói các tông đồ sẽ là chứng nhân của Ngài (Yn.15,
27). Sau khi phục sinh, Chúa Yêsu đã hiện ra cho các tông đồ nhiều lần để làm
họ trở thành chứng nhân rằng Ngài đã phục sinh (Yn.20, 19-23. 26-29; 21, 1tt),
và trong lần hiện ra với những người tin vào Ngài, Ngài ra lệnh cho họ đi rao
giảng và làm phép rửa nhân danh Cha, Con, và Thánh Thần (Mt.28, 16-20).
Thánh Thần Thiên Chúa hoạt động
trong Hội Thánh; và qua Hội Thánh, Ngài đã làm nhiều người tin vào Chúa Yêsu
Phục Sinh, và những người này đã lãnh nhận phép rửa (Cv.2, 1tt. 14tt. 37-41).
Sách Công Vụ của các tông đồ cho chúng ta thấy tác động của Thánh Thần nơi Hội
Thánh và qua Hội Thánh:
·
Phê-rô còn đang giảng
thì Thánh Thần đã xuống trên kẻ đang nghe Lời (Cv.10, 44),
·
Thánh Thần tách riêng
Barnaba và Phao-lô để sai các ngài đi rao giảng (Cv.13, 2),
·
Thánh Thần tỏ hiện qua
hành vi đặt tay của Phao-lô (Cv.19, 6),
·
Phao-lô sống và hành
động theo Thánh Thần dù không biết điều gì đang chờ mình (Cv.20, 22-24),...
Vì Đức Yêsu đã thiết lập Hội Thánh
và Thánh Thần đã hoạt động trong và qua Hội Thánh như vậy, nên tin vào Hội
Thánh là tin vào và tin phó thác nơi Đức Yêsu và nơi Thánh Thần[21].
Đức Yêsu là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình (Col.1, 15), là dấu chỉ tuyệt vời
cho thấy Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng (Yn.3, 16); Cũng phần nào như vậy,
Hội Thánh là dấu chỉ tình yêu của Đức Yêsu cho con người. Đức Yêsu là thực tại
hữu hình ban ơn cứu độ cho con người; và theo ý định của Chúa Yêsu, Hội Thánh
cũng là dấu chỉ ban ơn cứu độ cho con người. Hội Thánh là bí tích nguồn xét như
Hội Thánh có đầu là Chúa Ki-tô và được sống động nhờ Thánh Thần[22].
Là một phần tử của Hội Thánh, trong
mức độ kết hiệp với Chúa Ki-tô và để Chúa Thánh Thần hoạt động, mỗi ki-tô hữu
trở thành con đường, thành dấu chỉ giúp con người nhận ra và tới với Thiên Chúa[23];
vì khi ki-tô hữu tin và sống đức tin, đó là Hội Thánh tin và làm chứng[24].
Ki-tô giáo đặt nền tảng trên biến cố
tử nạn và phục sinh của Đức Yêsu Nadarét, trên niềm tin Đức Yêsu Phục Sinh là
Thiên Chúa; và chính vì tin vào Đức Yêsu Phục Sinh, mà ki-tô hữu nhận ra và tin
kính Thánh Thần; và không chỉ thế, tất cả những gì Đức Yêsu Ki-tô dạy, ki-tô
hữu đều tin là chân thực.
Với ki-tô hữu, các bí tích là những dấu chỉ ban ơn thánh
“hữu hiệy”, vì những dấu chỉ này là những dấu chỉ Chúa Yêsu Ki-tô muốn dùng để
thông ban ơn thánh[25].
Những dấu chỉ nào Đức Yêsu thiết lập
để ban ơn cứu độ, thì dấu chỉ đó ban ơn cứu độ cách hữu hiệu (ex opere
operato). Chính vì vậy Hội Thánh là bí tích tiên khởi, là dấu chỉ ban ơn cứu độ[26],
và trong ý nghĩa này chúng ta hiểu câu “ngoài Hội Thánh không có ơn cứu độ[27]”.
Tùng phục ý định của Chúa Yêsu Ki-tô
và dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Hội Thánh đã xác định những dấu chỉ
ban ơn cứu độ hữu hiệu. Lãnh nhận và lưu truyền “truyền thống” từ các tông đồ,
Hội Thánh Công giáo nhận ra và xác định
bảy dấu chỉ ban ơn cứu độ hữu hiệu tại sự (ex opere operato): bí tích
Thanh Tẩy, Thêm sức, Hòa giải, Mình Thánh Chúa, Truyền chức thánh, Hôn phối,
Xức dầu. Các bí tích chỉ có thể được
hiểu đúng đắn trong Hội Thánh như thân thể mầu nhiệm của Chúa Ki-tô được Thánh
Thần linh hoạt: chính Thiên Chúa thánh hóa con người qua trung gian Hội Thánh được tác động bởi Thánh Thần
nhờ công nghiệp của Đức Yêsu Ki-tô. Bí tích là lời và hành động của Thiên Chúa,
thế nên bí tích ban ơn cứu độ “tại sự” (ex opere operato), tuy vậy vẫn bảo toàn
tự do của con người[28].
Thiên Chúa yêu thương con người, và Người muốn con người đáp trả tình yêu Thiên
Chúa để được thông chia hạnh phúc vĩnh cửu với Người, thế nhưng con người vẫn
được tự do để đáp trả tình yêu của Thiên Chúa; cũng tương tự như vậy, Thiên
Chúa muốn dùng những dấu chỉ để cứu độ con người nhưng con người vẫn tự do dùng
những dấu chỉ đó để lãnh nhận ơn cứu độ. Những dấu chỉ hữu hiệu này thực sự
mang lại ơn cứu độ cho con người muốn dùng phương tiện cứu độ “hữu hiệu” này
cách thực lòng.
Đối với các tổ phụ dân Do-thái như
Abraham, Ysaac, Yacóp, cũng như đối với Môsê và dân Do-thái thời xuất hành, tin
Lời Chúa không thể tách rời tin Yavê Thiên Chúa; bởi vì chính kinh nghiệm nghe
Lời Chúa phán mà họ tin vào và tin phó thác nơi Thiên Chúa. Chính vì dân
Do-thái thấy Lời Chúa chi phối lịch sử đời họ và dân tộc họ, Lời Chúa làm nên
lịch sử đời họ và dân tộc họ, mà dân Do-thái tín thác nơi Thiên Chúa. Chính vì tín
thác nơi Thiên Chúa, mà dân Do-thái tin rằng “những gì Thiên Chúa phán hoặc hứa
với họ, sẽ xảy ra”: Lời Chúa thường hằng bất biến dù trời đất đổi thay.
Nói một cách thuần lý hay triết lý,
con người là hiện hữu “tinh thần thể xác”, là hiện hữu “xã hội”, nên, để thông
tri cho con người trong hoàn cảnh tại thế, cần phải dùng “vật chất”. Vật chất ở
đây có thể là âm thanh, cũng có thể là những hình tượng, hoặc những dấu chỉ,
v.v.[29].
Trong quan niệm này, thánh Thomas cho rằng “tiếng Chúa” mà Adam nghe trong vườn
địa đàng không là âm thanh để lọt tai, nhưng là “tiếng nói thâm sâu” được “nghe
và thấy” qua những tạo vật và cảm nghiệm trong lòng[30].
Theo đức tin ki-tô giáo, Lời Thiên
Chúa đã nhập thể nơi lời con người, tức Kinh Thánh (cả Cựu Ước lẫn Tân Ước). Và
không chỉ thế, Lời Thiên Chúa đã nhập thể làm người[31].
Kể từ khi Lời Thiên Chúa nhập thể, Lời Thiên Chúa trong Kinh Thánh phải được
giải thích quy chiếu theo Lời Thiên Chúa làm người[32].
Lời Thiên Chúa trong Kinh Thánh được
ghi lại hay viết ra dưới sự linh ứng của Thánh Thần (2P.1, 20-21), và được lưu
truyền trong Hội Thánh dưới tác động của Thánh Thần. Vì thế, không được hiểu
hay giải thích Kinh Thánh trái ý Hội Thánh. Chúa Thánh Thần luôn hoạt động
trong Hội Thánh, luôn làm chứng cho Chúa Ki-tô qua Hội Thánh, luôn giảng dạy
chân lý qua Hội Thánh, thế nên chúng ta phải luôn tin vào Hội Thánh trong việc
giải thích Kinh Thánh[33].
Tín điều là công thức diễn tả niềm
tin của Hội Thánh. Tín điều diễn tả Thực Tại nhưng không bao giờ gói trọn Thực
Tại được. Giữa tín điều và Thực Tại mà ki-tô hữu tin có khoảng cách “vô cùng”;
dầu vậy, vì là con người nên cần thiết phải có tín điều[34].
Chúng ta tin vào Thực Tại được tín
điều diễn tả, chứ chúng ta không tin vào
tín điều[35].
Vì tín điều cũng được hình thành
theo nhu cầu trong hoàn cảnh xã hội và văn hóa nhất định, nên tín điều cũng cần
được giải thích trong những nền văn hóa và hoàn cảnh xã hội khác. Và một điều
hiển nhiên ai cũng biết, Thực Tại được tín điều diễn tả vẫn là một trong mọi
nền văn hóa và xã hội trong mọi thời điểm.
Ở đây chỉ ghi những sách đã được
trích trực tiếp trong sách này.
ROGER AUBERT, Le problème
de l'acte de foi, LOUVAIN 1945
M-D. CHENU, OP., La Parole
de Dieu: I. La foi dans l'intelligence, CERF-PARIS 1964
J. COLLINS, The
existentialists, GATEWAY-CHICAGO 1967
A. DE LA BARRE, art.
Agnosticisme, trong DTC I/1-PARIS 1923
HENRI DE LUBAC, La foi
chrétienne: Essai sur la structure du
Symbole des Apôtre,
AUBIER-MONTAIGNE-PARIS 1969
R. DE ROUET DE JOURNEL,
Enchiridion Patristicum, HERDER 1965
DENZINGER-SCHOENMETZER,
Enchiridion Symbolorum Definitionum et Declarationum de rebus fidei et morum,
HERDER 1963
G. DOMINICI, Notes de
théologie morale: Les vertus théologales, GHHV sans date ni lieu
HEINRICH FRIES, "Le mythe
et la révélation" , trong QUESTIONS THÉOLOGIQUES AUJOURD'HUI, DDB-PARIS
1964
M. HEINRICHS, Théologie
catholique et pensée asiatique, CASTERMAN 1965
HUYỀN CHÂN, Đạo Phật,
NHA-TRANG 1965
R. JOLIVET, Dieu- Soleil
des esprits: La doctrine augustinienne de l’illumination, DDB et Cie 1934
S. KIERKEGAARD, Traité du
désespoir, NRF-GALLIMARD 1964
K. KRENN, art.
“Kantianism”, SACRAMENTUM MUNDI- BURNS & OATES 1968
H. KUENG, Dieu existe-il?,
trd. JEAN-LOUIS SCHLEGEL et JUSTUS WALTHER, SEUIL 1981
ANDÉ MARC, Psychologie
réflexive, tome II: La volonté et l'esprit, DDB-PARIS 1949
G. MARCEL, Foi et
Réalité, AUBIER 1967, coll. FOI VIVANTE
38
NÀRADA MAHA THERA, Đức
Phật và Phật pháp, PHẠM KIM KHÁNH dịch, GIA-ĐINH 1971
HEINRICH OTT, Art. “La
structure de l'acte de foi”, trg. Mythe et Foi, éd. ENRICO CASTELLI, AUBIER
1966
RAYMOND PANIKKAR, "La
Foi dimension constitutive de l'homme", trong Mythe et Foi, éd. ENRICO
CASTELLI, AUBIER 1966
L.B. PUNTEL, art.
Nihilism, SACRAMENTUM MUNDI- BURNS&OATES 1968
J. RATZINGER, Foi Chrétienne-
hier et aujourd'hui, MAME 1969
E. SCHILLEBEECKX,
Approches théologiques, 1: Révélation et théologie
Trd. P. BOURGY, CEP-BRUXELLES 19651
JORG SPLETT, art.
Agnosticism, SACRAMENTUM MUNDI, BURNS&OATES 1968
THÍCH QUẢNG LIÊN, Sử Cương
Triết Học Ấn-độ, SAIGON 1965
THIỀU CHỬU, Hán Việt Tự
Điển, HÀNỘI 1942
SANCTI THOMAE AQUINATIS
In Aristotelis Librum
De Anima Commentarium, ed. MARIETTI 1959
In Boethium De Trinitate
Summa Theologiae
De Veritate
In III Sent.
F-J. THONNARD, Précis d'histoire
de la Philosophie, DESCLÉE et Cie., PARIS 1966
J. TRUETSCH, “La foi”,
MYSTERIUM SALUTIS IV, CERF 1969
TƯỞNG DUY KIỀU, Đại Cương
Triết Học Phật Giáo, THÍCH ĐẠO QUANG dịch, ĐÀLẠT 1958
H. U. VON BALTHASAR, La
Gloire et la Croix: Les aspects esthétiques de la Révélation
I: Apparition, Trad. ROBERT GIVORD, col. THÉOLOGIE 61, AUBIER 1965
J-H. WALGRAVE, Un salut
aux dimensions du monde, CERF 1970
P. WERNER, art.
"Scepticism", SACRAMENTUM MUNDI, BURNS&OATES 1970
GUSTAV A. WETTER, Art.
“Marxism”, SACRAMENTUM MUNDI, BURNS&OATES 1968
HOME THẦN HỌC SẼ SỐNG NẾU BẠN TIN SSNBT1 SSNBT2 SSNBT3 SSNBT4 SSNBT5
Chúc bạn
an vui hạnh phúc.
Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.
[1] H. KUENG, op. cit., pp. 705-706: “Le but de la religion, en dernière analyse, n’est pas Dieu mais la vie, une vie plus large, plus riche, plus satisfaisante. La tendance religieuse, à tous ses degrés, consiste dans l’amour de la vie” (W. James, L’expérience religieuse, p. 422 seq.).
[2] Phật Thích Ca Mâu-ni (Buddha Sakya muni), tên và họ là Siddharta Gautama, thuộc dòng tộc Sakya, sinh tại Kapilavastu thuộc Trung Ấn Độ.
Theo NÀVADA MAHA THERA, Đức Phật và Phật pháp, bản dịch của PHẠM KIM KHÁNH, GIA ĐỊNH 1971, p. 23, đức Phật sinh năm 623 trước dương lịch và nhập niết bàn năm 543 trước Dương lịch; Còn theo TƯỞNG DUY KIỀU, Đại cương triết học Phật giáo, bản dịch của Thích Đạo Quang, HUYỀN TRANG- ĐÀLẠT 1958, pp. 13-15, đức Phật sinh khoảng năm 510 trước tây lịch và nhập niết bàn năm 430 trước tây lịch; Còn theo HUYỀN CHÂN, Đạo Phật, PHẬT HỌC VIỆN TRUNG PHẦN-NHA TRANG 1965, pp. 80.89, đức Phật sinh ngày mồng tám tháng tư năm 565 trước tây lịch, và nhập niết bàn năm 486 trước tây lịch.
Đức Phật xuất gia năm 19 tuổi, sau khi giác ngộ giảng pháp 49 năm (TƯỞNG DUY KIỀU, sdd, tr. 15; Còn với HUYỀN CHÂN, sdd, tr. 84, đức Phật giảng pháp 45 năm sau khi thành đạo), rồi nhập niết bàn, thọ 80 tuổi (ngày 15 tháng hai).
[3][3] Đạo Phật nằm trong quan niệm chung của người Ấn-độ (phần lớn theo Bà-la-môn giáo, còn gọi là Ấn giáo), tin luân hồi. Mỗi người đều có thể thành Phật. Đạo Phật nhắm giải thoát chúng sinh ra khỏi cảnh khổ. Hoàng tử Siddharta Gautama trong dịp đi ra khỏi hoàng cung, đã xúc động khi thấy cảnh khổ cực của con người; và Ngài đã quyết định bỏ hoàng cung tìm con đường “diệt khổ”. Khi giác ngộ, Ngài đã thuyết pháp cho chúng sinh, để chúng sinh thoát mê lầm, và được vào nơi cực lạc (niết bàn).
Nơi những tín đồ Phật giáo, họ không coi đức Phật là Tuyệt Đối hoặc là Thiên Chúa như những ki-tô hữu. Chính đức Phật Sakya Muni cũng không đòi điều này, vì “chúng sanh cũng có Phật tính nơi mình” và là “Phật chưa thành” mà thôi.
Các
tư tưởng gia lỗi lạc của Phật giáo trong suốt dòng lịch sử, vẫn luôn tìm hiểu
ngọn nguồn của vạn sự vạn vật là gì, là vô
hay hữu!
Theo Tưởng Duy Kiều, sdd, trang 26: “Tiểu thừa Phật giáo, thời kỳ kết tập lần thứ hai tại Vaisàli, đã có sự tranh chấp giữa hai bộ phái Thượng Tọa (Sthavira) và Đại Chúng (Mahàsàmghika)... Trên giáo lý của hai phái đó tuy có nhiều điểm sai biệt, nhưng điều khác nhau nhất là phái bảo thủ chủ trương về hữu luận, phái tiến thủ chủ trương về không luận (Hữu luận là thuyết chủ trương tất cả sự vật đều có thực; Không luận là thuyết chủ trương tất cả sự vật đều không có).
Không những Tiểu Thừa là như thế, chính Đại Thừa Phật giáo lưu truyền tại Ấn Độ, sự quy kết của nó cũng không ngoài hai phái hữu và không. Những loại sách của hai ngài Mã-Minh và Long-Thọ đã trước thuật đều thuộc về không luận. Những loại sách của hai ngài Vô-Trước và Thế-Thân đã trước thuật đều thuộc về hữu luận”.
Đạo Phật có bốn lần kết tập. Lần thứ nhất ngay sau khi Phật nhập niết bàn (năm 430 hay 486 hay 543), lần thứ hai sau lần thứ nhất khoảng 100 năm tại Vaisàli, lần thứ ba thời vua A-dục (264-226), và lần thứ bốn vào thời vua Kanisha (125-150). Ở lần kết tập đầu tiên đã có tạng kinh (Sùtrapitaka) và tạng luật (Vinayapitaka), nhưng là truyền khẩu; Ở lần kết tập thứ ba đời vua Asoka (A-dục) đã có cả luận tạng (Abhidharmapitaka), và đã dùng chữ viết để ghi chép lại (Xem TƯỞNG DUY KIỀU, Sdd, tr. 17).
Dù vô hay hữu là nền tảng của vạn sự vạn vật, nền tảng của vạn sự vạn vật vẫn là nó. Dù được gọi là vô hay hữu theo quan điểm của mỗi phái, nhưng nó vẫn chỉ cùng một “thực tại” và là nền tảng của vạn sự vạn vật.
Phật giáo Tiểu Thừa và Phật giáo Đại Thừa khác nhau về nhiều mặt, và sau đây là “những điểm đặc biệt của tư tưởng Đại Thừa mà Tiểu Thừa không công nhận:
1. Tư tưởng Bồ-Tát-Hạnh (Bodhisatva);
2. Quan niệm Tam Thân: Pháp thân (Dharmakaya), Báo thân (Sambhogakaya), Ứng thân (Nirmanakaya);
3. Phật tánh bình đẳng;
4. Chủ trương tất cả đều không (Sunyata);
5. Quan niệm thực hành lục độ (Paramitas) và cấp độ thập địa.
(Xem THÍCH QUẢNG LIÊN, Sử cương Triết Học Ấn Độ, SAIGON 1965, tr. 95-96).
Những tư tưởng gia nổi tiếng của Đại Thừa Phật giáo là: Asvaghosa (Mã Minh), Nagarjuna (Long Thọ), Asanga (Vô Trước), Vasubandhu (Thế Thân).
[4] M. HEINRICHS, Théologie catholique et pensée asiatique, CASTERMAN 1965, p. 28: “Dans son explication de Nishida, Schinzinger parle ici du Néant comme d’un principe métaphysique, et ce Néant est le dernier “lieu” pour tout ce qui est, y compris l’absence de l’être; comme dernier lieu qui enveloppe tout être, le Néant a la fonction métaphysique que la philosophie chrétienne attribue à Dieu” (Cf. KIRATÔ NISHIDA, intelligibility and the philosophy of Nothingness).
Như vậy chúng ta thấy theo điều trích ở trên, Vô của đa số người châu Á có thể được hiểu như Thiên Chúa đối với những dân tộc châu Âu.
Chẳng hạn với Phật giáo Đại Thừa, “Chơn Như (Bhutatathata) không những là bản tánh nhưng cũng là nguyên nhân của vũ trụ..., là pháp của các pháp” (THÍCH QUẢNG LIÊN, sdd, tr. 137. 138). Chơn Như còn được diễn tả bằng nhiều “từ” khác, nhằm để tượng trưng cho cái gì bất sanh bất diệt, như:
· Nirvana, để chỉ trạng thái của bản thể yên tịnh, tâm thần vắng lặng không còn dục vọng ô trược phiền não;
· Bodhi (Bồ-đề), để chỉ trí huệ hoàn toàn, nguyên tố của tri giác;
· Dharmakaya (Pháp thân), để chỉ cái thể viên mãn về hai phương diện từ bi và trí huệ;
· Thể tánh, Như-lai tạng, .... (Ibidem, tr. 138).
Chơn-như là thực thể bất biến trường tồn (Ibid., tr. 139. 140), nên không là gì cả (Sunyata), vì tất cả vạn vật là vô thường biến dịch (tr. 139), và cũng là cái gì được xác định hay hiện hữu, nó có công dụng của tất cả; Nó “bất biến tùy duyên, tùy duyên bất biến” (Ibid. tr. 139), đứng về tác động tùy duyên thì gọi là A-lai-da (tr. 140); “Nó không phải một, không phải khác, và cũng không phải không một, không phải không khác” (Ibid., tr. 139). “Muôn hình vạn trạng trên vũ trụ nguyên thỉ nó không là vật thể (Rupa), lý thể (Citta), tri giác (Prajna), tri thức (Vijnana), vô thể (Abhaha), hữu thể (Bhaha). Đúng thật nó là Sunya (chơn không)” (tr. 139-140).
Nhứt-như (hay gọi là bản thể tuyệt đối Chân-như) không là cái nào cả, nhưng “bản thể này có cái công năng tác dụng hàm chứa cả công đức và chủng tả các pháp gọi là Alaya-Vijnana (A-lai-da-Thức) (sdd., tr. 136). “Không thể tách lìa tâm vô minh ngoài chân như giác tánh, và cũng không thể đồng hóa Chơn Như là Vô Minh, hoặc Vô Minh là Chơn Như” (sdd., tr.141). Học thuyết Nhứt Như hay Chơn Như (Bhutatathata) được Asvaghosa (Mã Minh) bàn tới trong Đại Thừa Khởi Tín luận (Mahayanas-raddotradasastra) (sdd., tr. 136).
Từ học thuyết Chân Như của Asvaghosa, phát sinh ra học thuyết Tánh Không (Sunyata) của Nagarjuna (Long Thọ) và học thuyết duy thức (Vijnanavada) của Asanga và Vasubandhu.
Phái Trung Quán (Madhyamika) cho rằng Sunya (Không, Vô) là bản thể tối hậu của muôn hình vạn trạng (THÍCH QUẢNG LIÊN, Sdd., tr. 132). Mọi sự đều là Không, thế nhưng “trung không diệu hữu”, và “không bất dị sắc, sắc bất dị không”, vậy nó là: “phi hữu phi vô, phi phi hữu phi phi vô” (Sdd., tr. 165.167).
Như vậy chúng ta thấy, bản thể tối hậu của muôn hình vạn trạng, nguyên nhân của vũ trụ, dù là Nhứt Như hay Không, thì vẫn là Cái Đó với tên gọi khác nhau theo từng quan điểm khác nhau. Theo quan điểm của riêng tôi, đó chính là Thiên Chúa.
Theo thiển kiến, đức Phật không là Thiên Chúa nhưng là người đã giác ngộ, được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa; đức Phật cũng có thể được coi như một vị thánh bên Ki-tô giáo. Ki-tô giáo coi đức Ki-tô là đầu của thân thể Hội Thánh; các kitô hữu làm thành một với đầu, là Đại Ngã (totus Christus, tota Persona, plena Persona); các kitô hữu được cứu độ nhờ liên kết thành một với đức Kitô; tri thức và quyền năng của các thánh có được, là nhờ tham dự vào tri thức và quyền năng của Thiên Chúa trong mức độ được thông ban; cũng tương tự như các thánh bên Công giáo, chúng ta có thể hiểu về đức Phật và các vị Bồ-tát bên đạo Phật.
Nếu đức Phật chỉ là người được cứu độ, thì phật tử không thể có niềm tin phó thác (credere in) như một ki-tô hữu đối với Thiên Chúa, nhưng họ có thể có niềm tin vào (credere aliquo) như một ki-tô hữu đối với một vị thánh trong Công giáo, bởi vì “chúng sinh đều có Phật tánh”, và “ta là Phật đã thành, còn chúng sinh là Phật-chưa-thành”. Chính vì đức Phật chỉ là người, nên niềm tin của một phật tử vào đức Phật rất khác niềm tin của một ki-tô hữu vào Thiên Chúa. (HENRI DE LUBAC, La foi chrétienne- Essai sur la structure du Symbole des Apôtre, AUBIER-MONTAIGNE-PARIS 1969, p. 159 note 2: “Si le bouddhisme, lui aussi, se place nettement à part, c’est en vertu de tout autre caractère. Rien ne lui est plus étranger que la foi, au sens judéo-chrétien”).
[5] Ở vào thời điểm đó, luật rừng- luật của kẻ mạnh- thống trị.
[6] J. RATZINGER, Foi Chrétienne- hier et aujourd'hui, MAME 1969, p. 47: “D’après la phénoménologie de la religion- fait controlable par tous- on trouve apparemment dans la religion, comme dans tous les autres domaines de l’esprit humain, une grande diversité de dons... on rencontre ceux qui sont “doués” religieusement, d’autres qui le sont très peu. Les premiers sont extrêmement rares; ce sont des personnes qui ont une expérience religieuse directe, possédant comme un don de création dans ce domaine...”
[7] H. DE LUBAC, op. cit., p. 273-274: “Aussi, parlant des chrétiens, Lactance (Institutions divines, l. 4, c. 13, n. 26 [S. BRANDT, CSEL., 19, p. 324]) pouvait-il écrire: “Qui credunt in eum (Deum) ac vocantur fideles”: il y avait d’autres “croyants” que les chrétiens, mais Lactance distinguait suffisamment ces derniers de tous les autres en les désignant come “fideles”. Avant que soient énumérées les croyances auxquelles ils adhèrent, la foi chrétienne est déjà spécifiée; elle est déjà chrétienne, dans ces simples mots: “credere in”, “fides””.
H. DE LUBAC, op. cit., p. 159: “Ce qui distingue la religion chrétienne de toute autre conception religieuse, avant même l’examen détaillé de ses croyances ou de ses autres éléments, c’est précisément qu’elle est fondée sur la foi”.
Ibidem note 2: “L’Islam réalise le concept de foi au sens de soumission, non au sens du credere in, élan répondant au Dieu qui se révèle et offre l’entrée dans sa Vie”.
H. DE LUBAC, op. cit., p. 141: “Denys le chartreux, au XVè siècle, résumera tous ses prédécesseurs, en disant que les infidèles eux-même peuvent croire que Dieu existe (Deum esse), qu’ils peuvent encore croire à Dieu (credere Deo), tout en n’ayant pas la foi véritable, du moins la foi pleine, parce qu’ils ne croient pas en Dieu (in Deum); Et il expliquera la raison de cette différence essentielle par les mots suivants: “insuper, quia voluntas intellectum et alias vires movet in fidem, secundum hoc ponitur credere in Deum actus fidei” (étant donné que la volonté meut l’intelligence et les autres forces de l’âme en direction de sa fin, on doit dire que l’acte de foi consiste à croire en Dieu)”. (Opera omnia, t. 17, pp. 341-342: “Primus motus mentis in Deum est per fidem quae est omnis boni origo”).
Ở đây chúng ta chuyển
credere Deum esse: tin có Thiên Chúa
credere Deo : tin vào Thiên Chúa (tin Thiên Chúa)
credere in Deum: tin tưởng phó thác nơi Thiên Chúa
[8] Các tôn giáo khác có thể cũng tin Đấng Tuyệt Đối hóa thân làm người, nhưng chỉ làm người trong một thời gian nào đó thôi, vì khi thân xác được hóa thân đó chết, thì Tuyệt Đối không còn là người nữa. Ki-tô hữu tin rằng, Lời Thiên Chúa đã nhập thể làm người là Đức Yêsu Nadarét; và kể từ thời điểm đó trở đi, Ngài không bao giờ ngưng là người, nhưng vĩnh viễn là người.
[9] Vì sợ nên Phê-rô mới chối thày (Mt.26, 69-75; Mc.14, 66-72; Lc.22, 54-62; Yn.18, 15-27). Các tông đồ đóng kín cửa vào ngày thứ nhất trong tuần vì sợ người Do-thái (Yn.20, 19).
[10] H. DE LUBAC, op. cit., pp. 139-140:
“A
plusieurs reprises, dans sa prédication, il observe que par rapport à Dieu l’on
comporte trois sortes de credere:
credere Deum, credere Deo, credere in Deum.
Ce sont là trois actes, qui s’enchaỵnent
l’un l’autre, suivant une progression nécessaire. Seul le troisième, qui
suppose et intègre les deux premiers, caractérise la véritable foi. Seul il
fait le chrétien.
Augustin précise en commentant Jn.6, 29: “...que vous croyiez en lui (in eum), non que vous croyiez à lui (ei). Mais si vous croyez en lui, c’est que vous croyez à lui; tandis que celui qui croit à lui ne croit pas par le fait en lui; car les démons eux aussi croyaient à lui, et pourtant ils ne croyaient pas en lui” (AUG., In Joanem, tract. 29, n. 6: “...ut credatis in eum, non, ut credatis ei. Sed si creditis in eum, creditis ei; non autem continuo qui credit ei, credit in eum. Nam daemones credebant ei, et non credebant in eum” CCL. 36, p. 387). Et encore ailleurs: “Croire en Dieu est assurément plus que croire à Dieu” (In Ps. 77, n. 8: “Hoc est etiam credere in Deum, quod utique plus est quam credere Deo” CCL. 39, p. 1073).
[11] H. DE LUBAC, op. cit., p. 165 trích dẫn AUGUSTIN, In Ps. 77, n. 8: “Bien souvent, constatait-il, il nous faut croire à tel ou tel homme, quoiqu’il ne nous faille pas croire en lui” (“Et homini cuilibet plerumque credendum est, quamvis in eum non sit credendum” CCL., 39, p. 1073).
H. DE LUBAC, op. cit., pp. 162:
“Nul ne peut dire correctement: je crois en mon prochain, ou en ange, ou en quelque créature que ce soit. Partout, dans les Écritures divines, vous trouverez la propriété de cette confession réservée à Dieu seul... Nous disons bien: je crois à tel homme, comme nous disons: je crois à Dieu; mais nous ne croyons pas en cet homme, ni en aucun autre. Car ils ne sont eux-même ni la vérité, ni la bonté, ni la lumière, ni la vie: ils ne font qu’y participer. C’est pourquoi, lorsque le Seigneur veut, dans l’Évangile, montrer qu’il est consubstantiel au Père, il dit: “vous croyez en Dieu: croyez aussi en moi” (Jn. 14, 1). Car s’il n’est pas Dieu, il ne faudrait pas croire en lui” (Saint PASCHASE RADBERT, De fide, Spe et Caritate, l. I, c. 6, n. 1 [PL., 120, 1402-1403]).
[12] H. DE LUBAC, op. cit., p. 163
“On croit donc, non pas généralement in aliquem en quelqu’un, en une personne quelconque, mais in solum Deum, en Dieu seul. Ici encore se vérifie la grande loi qui commande toute notre connaissance de Dieu et tous nos rapports avec Lui: Dieu, en tout, est l’unique; il ne tombe pas sous le genre. Croire, au sens plein du mot tel que nous l’avons dégagé à partir du symbole de foi, c’est-à-dire croire d’une façon absolue, inconditionnée, définitive, et d’une façon qui engage irrévocablement le fond de l’être, croire d’une telle foi, on ne le peut qu’en cet Être personnel unique que nous appelons Dieu. Une telle foi ne pourrait être donnée à un homme sans sacrilège, sans idolâtrie et sans asservissement”.
H. DE LUBAC, op. cit., p. 164:
“Nous pouvons traduire ici ce que Newman nomme “obéissance absolue” par “obéissance de la foi”: “Pape ou Reine, quiconque me demande une obéissance absolue sort du droit commun. Je ne voue d’obéissance absolue à personne” (Anglican Difficulties, t. 2, p. 243)”.
Ibidem, pp. 165-166: “Nous croyons à Paul, mais non pas: nous croyons en Paul, ou bien: nous croyons à Pièrre, mais non pas: nous croyons en Pièrre (AUGUSTIN, In Joanem, tract. 29, n. 6: “De apostolis ipsius (Christi) possumus dicere: credimus Paulo, sed non: credimus in Paulum; Credimus Petro, sed non: credimus in Petrum” [CLL., 36, p. 287]).
[13] H. DE LUBAC, op. cit., p. 165:
“Tel, sur la fin du XIè siècle, celui de Gilbert Crespin, dans sa Disputatio Judaei et Christiani. Au juif qui lui objectait: “Jamais je ne pourrais croire dans le Christ, même si je crois au Christ, parce que je ne crois en nul autre qu’en Dieu”, Gilbert Crespin répondait: “Si Jésus Christ n’était qu’un homme, assurément, c’est à une idolâtrie que nous inviterait le prophète, lorsqu’il nous invite à croire en lui” (Éd. B. BLUMENKRANZ, p. 33 et p. 42: “Judaeus: Christum credo prophetam... et Christo credam..., sed in Christum neque credo neque credam, quia non nisi in Deum et unum...; Christianus: Si homo tantum esset, profecto idolatrum... propheta suaderet, qui in hominem credi oportere nos admonet...”).
Về ngôn ngữ diễn tả tin, có người cho rằng:
· nếu sau credere có giới từ “in”, thì tin nhắm một ngôi vị;
· còn nếu theo sau là thể trực cách (indicatif), thì tin (credere) nhắm tới đồ vật.
Nhưng điều này không đúng.
Cf. H. DE LUBAC, op. cit., pp. 161.162:
“Plusieurs historiens ont bien remarqué la dualité qui nous occupe et en ont
tenu compte dans leurs analyses du Symbole des Apôtres. Ils ont fait observer
que lorsque le verbe credere est
suivi de la préposition in, il vise
des personnes, tandis que, suivi de simple indicatif, il se rapporte à des
objets... Certes, il est évident que l’on ne peut croire en une chose: on ne
peut donner sa foi à un objet. Pareille assertion n’a pas de sens. Mais on ne
peut pas non plus, ou exactement l’on ne doit pas le faire envers n’importe
quel être personne”.
Một điều nữa chúng ta lưu ý rằng, đi theo sau credere in có thể không là đối cách (accusatif) nhưng là phân cách (ablatif), tuy vậy về ý nghĩa thì vẫn không đổi.
Cf. H. DE LUBAC, op. cit., p. 132.133: “Dans quelques textes, à vrai dire, la préposition in est suivie non de l’accusatif, mais de l’ablatif. Ainsi en est-il à plusieurs reprises chez Rufin d’Aquilée: “credo in Deo Patre..., et in Christo Jesu...., et in Spiritu Sancto” (Comm. in symbolum apostolorum, CCL., 20, pp. 135. 137. 141. 169)..... “Dans la vulgate latine de la Bible, l’ablatif est usuel pour des formules telles que: “credere in nomine Filii Dei”, ou “in Deo sperare”, etc. Mais le changement de l’accusatif en ablatif, assez fréquent aux premiers siècles de notre ère, ne change rien au sens. C’est le in qui importe ici, et c’est en effet le in que le commentaire de Rufin s’attache à mettre en valeur: “comme on a dit que l’on croyait en Dieu le Père (in Deo Patre), en ajoutant le préposition in, ainsi l’on rappelle que l’on croit aussi en le Christ (in Christo) son Fils, ainsi également en l’Esprit Saint (in Spiritu Sancto)” (Op. cit., c. 33: “Sicut dictum est in Deo Patre credi, adjecta prepositione in, ita et in Christo Filio ejus, ita et in Spiritu Sancto memoratur....” (CCL. 20, p. 169).
[14] J. RATZINGER, op.cit., p. 36: “La foi chrétienne est plus que l’option pour un principe spirituel du monde. Sa formule centrale ne dit pas: “je crois à quelque chose”, mai “je crois à Toi” (Cf. H. FRIES, Glauben-Wissen, BERLIN 1960, pp.84-95). Telle est rencontre avec l’homme Jésus, et elle découvre dans une telle rencontre que le sens du monde est une personne”.
[15] H. U. VON BALTHASAR, op. cit., p. 162: “Au centre se trouve la rencontre de personne à personne, c’est ainsi qu’Abraham, comme père de tous les croyants, rencontra Dieu et s’attacha à Lui, avant tout rite et tout dogme, se remettant tout entier entre les mains de Dieu, abandonnant tout projet, tout jugement propre, et, dans le sacrifice d’Ysaac, toute prétention de connaỵtre les voies et les promesses de Dieu”.
[16] H. U. VON BALTHASAR, op. cit., p. 162 trích dẫn ST. AUGUSTIN, In Joan., tr. 29, 6: “Qu’est ce que croire en lui? C’est l’aimer en croyant, se donner à lui en croyant, entrer en lui en croyant, être rattaché à ses membres”.
ST. AUGUSTIN, Serm., 144, 2: “Celui-là croit au Christ qui aime le Christ, car si on croit sans espérance et sans charité, on croit qu’il y a le Christ, mais on ne croit pas au Christ”.
H. DE LUBAC, op. cit., p. 299: “Cet élan de la foi est aussi bien élan de charité, sans qu’on puisse séparer, ni même semble-t-il pleinement distinguer l’un de l’autre: “nam credere in Deum est credendo in Deum ire, quod caritas facit” ( S. THOMAE, In Rom. IV, lect. 1: credere in Deum demonstrat ordinem fidei in finem, qui est per caritatem, nam, etc.). La foi tend à Dieu en l’aimant: “credere in Deum, id est amando in eum tendere” ( S. THOMAS, In III Sent., dist. 23, q.2, art. 2, qu-1a 2: “Ex hoc vero quod intellectus determinatur a voluntate, secundum hoc actus fidei est credere in Deum, etc.)”.
H. U. VON BALTHASAR, op. cit., p. 163: “Toutes les difficultés théoriques et pratiques de la foi comme acte intellectuel se résolvent lorsqu’on atteint le plan plus profond de l’amour. Mais il ne s’agit pas de n’importe quel amour, comme l’amour entre deux êtres humains. Il ne s’agit pas non plus de l’amour philosophique de la créature pour Dieu que st. Thomas décrit comme une pesanteur ontologique semblable à celle de la partie par rapport au tout, ou justement du fini par rapport à l’infini... Il ne peut être question que de l’amour chrétien qui repose sur l’unité hypostatique du Christ et relie ce qui, au regard humain, est éternellement incompatible: l’amour pour un être fini et l’amour pour l’Être”.
[17] H. DE LUBAC, op. cit., pp. 272-273: “La foi, au sens chrétien, a un caractère unique et exclusif. Ce n’est pas une notion globale qui conviendrait à de nombreuses modalités: foi chrétienne, foi musulmane, paganisme des anciens grecs, ou bouddhisme... Elle est le vocable qui désigne un fait unique: la réponse donnée par l’homme au Dieu qui est venu à lui dans le Christ” (ROMANO GUARDINI, Vie de la foi, CERF-PARIS 1968, p. 23). C’est là ce que disait au IXè siècle Smaragde, l’abbé de Saint-Michel, précisément à propos de la Trinité: “en comparaison de notre foi, aucune autre ne doit être appelée de ce nom” (Grammatica, fol. 18: “Ad comparationem fidei nostrae..., nulla alia dicenda est fides”). Ce qui ne signifie pas, ou du moins pas seulement, que la foi chrétienne est la seule vraie foi, la seule dont l’objet soit pleinement réel- mais qu’elle seule est vraiment foi; que la réalité chrétienne constituée par cette foi n’a pas son analogue; que nulle part ailleurs ne se vérifie le concept formel de la foi”.
[18] Đức Yêsu cũng được thư thứ nhất của thánh Yoan gọi là Đấng Bầu Chữa (1Yn.2, 1).
[19] Không có ai hiện hữu biệt lập cả, vì mỗi người chúng ta đều đã được sinh ra và dưỡng dục trong một xã hội nhỏ là gia đình.
[20] Yn.15, 26-27: “Thánh Thần sẽ làm chứng về Ta. Và các ngươi cũng làm chứng, vì từ ban đầu các ngươi hằng ở với Ta!”.
[21] J-H. WALGRAVE, Un salut aux dimensions du monde, CERF 1970, p. 187: “La foi en Église est la foi en l’Esprit Saint, puissance subsistante de salut. La plus ancienne formule baptismale de la confession de foi s’est élaborée organiquement à partir de l’unité indissociable de l’Esprit et de l’Église: “Je crois à l’Esprit Saint (qui agit) dans la sainte Église catholique, communion des saints, pour la rémission des péchés, la résurrection de la chair et la vie éternelle””.
[22] DzS. 3013: “Église en elle même est un motif important et permanent de crédibilité...”.
[23] Cf. J. TRUETSCH, art. cit., p. 99: “R. Guardini écrit: “nous avons vu que la foi de l’individu est liée à celle des autres; que son contenu lui vient toujours d’autres croyants et que naỵt ainsi une tension vivante qui lui est propre. Non pas que la foi tire son origine de l’humain; C’est Dieu qui la suscite- mais il la suscite dans l’être humain, et ainsi l’homme est pour l’homme le chemin qui mène vers Dieu””.
[24] Ibid.: “Nous avons vu aussi que la foi de l’individu a pris forme dans la foi de la communauté: même foi pour l’Église et pour l’individu en elle. Le fidèle croit et c’est par lui que croit l’Église”.
[25] Bí tích là dấu chỉ hữu hình được Đức Yêsu Ki-tô thiết lập để ban ơn thánh, có tính hữu hiệu tại sự (ex opere operato).
[26] J. TRUETSCH, art. cit., p. 104: “L’Église est le sacrement primordial, dominant les temps et les espaces, elle est le “signe efficace” de Dieu en ce monde, signe visible de sa volonté d’alliance, “portant le sceau indélébile” de l’unique médiateur. Présence du Christ dans l’histoire, l’Église est donc une présence qui fonde une communauté, un lien social et qui l’actualise en vue de l’oeuvre salvifique. Elle est tout à la fois action et parole salvifique... C’est dans les sacrements que l’Église s’accomplit elle-même actuellement comme signe du salut individuel”.
[27] Extra ecclesiam nulla salus.
Chỉ những ai cố tình từ chối Hội Thánh mới không được cứu độ thôi; vì họ không vâng phục Thiên Chúa và Đức Yêsu Ki-tô.
[28] J. TRUETSCH, art. cit., p. 105-106: “Prétendre que les sacrements ne tiennent leur efficacité que de la foi, c’est, d’après le dogme catholique, une “spiritualisation” qui contredit le réalisme de l’incarnation et vide le sacrement de sa réalité. Mais d’autre part ce que le dogme catholique ne soutient pas moins fermement (et il est bon que les rencontres oecuméniques avec les protestants le fassent apparaỵtre plus clairement), c’est que la parole, du côté de Dieu, et la foi du côté de l’homme font partie intégrante du sacrement; la parole et la foi donnent au sacrement son âme. En aucun cas le sacrement n’opère la grâce s’il n’est reçu “avec foi””.
[29] Thiên Chúa tạo dựng con người như vậy, nghĩa là, Thiên Chúa muốn như vậy; nên chúng ta có thể nói, đó là cách Thiên Chúa muốn dùng để tương quan với con người.
[30] H. U. VON BALTHASAR, op. cit., pp. 381-382: “La voix de Dieu au paradis n’est pas pour Adam un phénomène sensible parmi d’autres, c’est la présence de Dieu par grâce dans les voix de la nature et du coeur” (ST. THOMAS, De Ver., q. 18, a. 3).
Lời là thực thể rất quan trọng:
Tin là do nghe (fides ex auditu), hàm chứa có lời rao giảng (i);
đối với con người đầu tiên Adam, lời có là do linh ứng nội tâm (ii);
trong lãnh vực triết học, lời là huyền thoại lịch sử (khác với mặc khải lịch sử nơi ki-tô giáo) (iii).
(i). Cf. J. RATZINGER, op. cit., pp. 44-45: “En d’autres termes, dans la foi, il y a priorité de la parole sur la pensée, priorité qui la différencie d’avec la philosophie. Chez le philosophe, la pensée précède la parole. La philosophie est le produit de la réflexion, que l’on essaye ensuite de traduire en paroles, du reste toujours secondaires par rapport à la pensée et, en principe, susceptibles d’être remplacées. La foi, au contraire, se présente à l’homme de l’extérieur; c’est là sa marque caractéristique. Elle n’est pas- répétons le- une idée personnelle, de moi, mais la parole d’un autre; Elle n’est ni conçue ni pleinement concevable par moi; à ce titre précisément elle m’atteint, m’interpelle et m’engage. La double structure: une interpellation venant du dehors “crois-tu” et ma réponse “je crois”, lui est essentiel”.
(ii). Cf. H. U. VON BALTHASAR, op. cit., p. 382: “L’être du monde lui-même ouvre sa profondeur, s’illumine dans son état originel: la face de l’archétype transparaỵt dans le milieu qui le reflète. De la fides naturalis d’Adam à la fides surnaturalis, il y a un passage sans faille ni rupture. Certes, c’est la fides ex auditu, mais non par une parole qui lui serait adressée extérieurement; c’est une parole per inspirationem internam... (ST. THOMAS, De Ver., q. 18, a. 3)”.
(iii). Cf. H. U. VON BALTHASAR, op. cit., p. 134: “La différence par rapport à la foi chrétienne apparaỵt la plus nettement là ó la lumière de Dieu tombe sur le myth (ou le concept) historique ou au contraire sur la révélation historique: la foi philosophique exerce nécessairement sa critique sur toute figure mythique finie, tandis que la foi chrétienne retrouve sa propre lumière dans la figure de la révélation chrétienne ou plutôt ne s’acquiert qu’à partir de là”.
Cf. HEINRICH FRIES, "Le mythe et la révélation" trong QUESTIONS THÉOLOGIQUES AUJOURD'HUI, DDB-PARIS 1964, pp. 18. 22-23. 44. 46.
[31] 1Thess. 2, 13: “... anh em đã chịu lấy Lời Thiên Chúa nghe tự chúng tôi, anh em đã đón nhận lấy, không phải như lời của những người phàm, mà là- và đích thực là thế- như Lời của Thiên Chúa...”.
Yn.1, 14: “Và Lời đã thành xác phàm, và đã lưu trú nơi chúng tôi”.
Các nhà thần học còn nói đến mặc khải “tự nhiên” và mặc khải “siêu nhiên”, nhưng dù là mặc khải nào chăng nữa, con người vẫn cần ơn Thánh Thần để “nghe được hay thấy được” Lời Chúa qua những dấu chỉ tự nhiên hay siêu nhiên (lịch sử đặc biệt, Lời Chúa qua các tiên tri, Lời nhập thể).
[32] Yn.5, 46-47: “Vì nếu các ngươi tin Môsê, các ngươi đã tin Ta, vì chính về Ta mà ông đã viết. Nếu chữ viết của ông, các ngươi không tin, thì làm sao các ngươi sẽ tin được lời nói của Ta?”.
[33] Lời để chuyển ý.
Lời Kinh Thánh giúp con người biết ý Chúa. Thế nên chúng ta phải đặt Kinh Thánh trong hoàn cảnh phát sinh (xã hội, văn hóa, người viết) để hiểu được ý tác giả Kinh Thánh, để hiểu được ý Chúa qua đoạn Kinh Thánh đó.
[34] Cf. H. U. VON BALTHASAR, op. cit., p. 181: “Il est impossible de parler de la foi chrétienne autrement qu’en traitant toujours simultanément de la lumière et de la figure (lumen et species)”.
Cf. J. TRUETSCH, art. cit., p. 135: “Le “réalisme” de l’immédiateté de Dieu et le “formalisme” des déclarations dogmatiques ne se font pas obstacle, au contraire, un authentique réalisme de foi exige et implique précisément une “incarnation” dans les formules de la parole humaine; c’est certainement l’intérêt de ce réalisme que cette foi soit notre foi et donc que les modalités de son acte soient humaines”.
[35] Cf. J. TRUETSCH, art. cit., p. 134-135: “Je m’en remets -dans la foi- non à des dogmes, mais au Dieu qui révèle, parce que je sais que le Dieu qui révèle réussit à s’exprimer fidèlement, quoique dans les rayons réfractés du dogme”.