HOME    THẦN HỌC    DẪN NHẬP THẦN HỌC        DNTH1       DNTH2       DNTH3       DNTH4       DNTH5

 

DẪN NHẬP THẦN HỌC

 

Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.

MỤC LỤC:

 

PHẦN IV :  PHƯƠNG PHÁP THẦN HỌC..

Thần học tích cực. 2

Thần học căn bản. 4

Thần học suy lý. 5

THƯ MỤC..

 

PHẦN IV :
PHƯƠNG PHÁP THẦN HỌC

            Theo R. Latourelle, phương pháp của mỗi khoa học được xác định từ đối tượng và mục đích của nó.

            Đối tượng của thần học là Thiên Chúa và chương trình cứu độ của Ngài. Mục đích của thần học là hiểu biết Thiên Chúa và chương trình cứu độ con người, nhằm dẫn đưa con người đến sống thiết thân với Ngài.

            Phương pháp thần học bao hàm hai thời chính:

·        thứ nhất, xác định đối tượng tin. Đây là thần học với chức năng tích cực (fonction positive);

·        thứ hai, tìm hiểu biết đối tượng tin. Đây là thần học với chức năng suy lý (fonction spéculative).

            Một số người còn gọi thần học với chức năng tích cực là thần học tích cực hay thần học lịch sử (théologie historique), và thần học với chức năng suy lý là thần học hệ thống (théologie systématique). Một số khác coi thần học gồm phần tín lý[1] (partie dogmatique) và phần hệ thống (partie systématique).

            Tích cực và suy lý, tín lý và hệ thống, là hai chức năng chính của thần học[2]; nhưng theo Y. Congar, thần học còn có một chức năng khác nữa, đó là biện minh bảo vệ mà ngày nay người ta gọi là thần học căn bản[3].

            Trong phần này chúng ta sẽ đề cập đến ba chức năng[4] tích cực, hộ giáo và suy lý của thần học.

Thần học tích cực

            Thần học tích cực thu lượm và hệ thống hóa những dữ kiện mặc khải- tiềm ẩn hoặc minh nhiên trong Kinh Thánh, Truyền Thống và Huấn Quyền[5].

            Thần học tích cực nghiên cứu cách thức Thiên Chúa mặc khải cho con người, cách thức Ngài làm cho con người cảm nghiệm hữu thể thần linh của Ngài, cũng như ý nghĩa của những hành động Ngài thực hiện trong dòng lịch sử. Vì thế thần học tích cực nghiên cứu tương quan của Thiên Chúa với dân Israel, cũng như việc tỏ lộ của Ngài nơi Đức Yêsu Kitô và nơi các chứng từ tông đồ.

            Thần học tích cực tìm xác định điều Thiên Chúa mặc khải, dù rõ ràng hay ẩn tàng. Thực vậy, những tín điều “thần tính của Đức Kitô”, “Đức Kitô có hai bản tính”, “Đức Maria vô nhiễm nguyên tội”, “Đức Maria lên trời cả hồn lẫn xác”, đâu có cùng một mức độ rõ ràng như nhau!

            Thần học tích cực nghiên cứu xem mặc khải tiến bộ như thế nào trong lịch sử, từ đầu cho tới thời đại các tông đồ.

            Thần học tích cực phải xác định đâu là điều Huấn Quyền đã đề nghị, đề nghị cách minh nhiên hay ẩn tàng, với uy quyền nào Huấn Quyền đã đề nghị điều đó- thường huấn hay đặc huấn (magistère ordinaire or extraordinaire).

            Thần học tích cực cố gắng cho thấy trọn vẹn lịch sử đối tượng đức tin trong toàn bộ mặc khải, trong việc lưu truyền mặc khải và tất cả các hình thức diễn tả đức tin.

            Thần học tích cực là khoa học về nội dung mặc khải, cho biết dữ kiện mặc khải trong toàn bộ một cách khoa học, có phương pháp và thấu đáo cặn kẽ[6].

            Thần học tích cực cũng phải cho thấy rằng có sự liên tục giữa lời giảng dạy hiện tại của Giáo Hội và sứ điệp của Giáo Hội tiên khởi. Điều ngày nay Giáo Hội giảng dạy cũng chính là điều Giáo Hội tiên khởi đã giảng dạy[7].

            Thần học tích cực nghiên cứu ba lãnh vực, Kinh Thánh, Truyền Thống và giáo huấn Huấn Quyền. Cả ba này tạo thành cái mà người ta gọi là các nguồn thần học hay cái nôi thần học. Thần học phải dựa vào đó để nhận biết mặc khải với tất cả sự phong phú và đa dạng[8].

            Thần học tích cực “Kinh Thánh” dựa vào chú giải; thần học tích cực “truyền thống” dựa trên chứng từ của các giáo phụ, của các tiến sĩ Giáo hội, của các thần học gia, của phụng vụ, của lịch sử Giáo Hội, cũng như đời sống đức tin hiện tại của dân Chúa.

            Các giáo phụ là những người sống thời xưa, vào khoảng thế kỷ VII ở Tây Phương và thế kỷ VIII ở Đông Phương về trước, trổi trang trong giáo huấn chính thống cũng như về đời sống thánh thiện, được sự phê chuẩn của Giáo Hội cách minh nhiên hoặc ẩn tàng. Nếu thiếu một trong những yếu tố này thì không thể được coi là giáo phụ, mà chỉ được coi là những văn sĩ trong Giáo Hội, như  Origène và Tertullien.

            Các tiến sĩ Hội Thánh là những người không chỉ trổi trang trong đời sống thánh thiện, mà còn trổi vượt trong việc giáo huấn và củng cố giáo lý trong Giáo Hội, được sự phê chuẩn đặc biệt của huấn quyền. Họ được coi là những vị thầy đích thực trong đức tin kitô giáo.

            Thần học tích cực “Huấn quyền” nghiên cứu những tuyên bố và giáo huấn của Huấn quyền được diễn tả dưới mọi hình thức, nhằm biết đức tin của Giáo Hội được diễn tả qua Huấn Quyền[9].

            Người ta cũng nghiên cứu trên những gì các nhà thần học nói, bởi vì nếu tất cả những nhà thần học đều nhất trí về một điểm nào đó, thì cũng có thể coi điều đó thuộc đối tượng phải tin.

            Nghiên cứu trên phụng vụ cũng giúp xác định đối tượng tin, vì “Lex orandi, lex credendi”.

            Lịch sử Giáo Hội cũng giúp xác định và hiểu những điều phải tin cách đúng đắn. Người ta cũng phải nghiên cứu để thấy dân Chúa trong lịch sử đã tả diễn đức tin như thế nào, và hiện tại diễn tả ra sao. Các phạm trù thần học như mặc khải, truyền thống, linh ứng, ân sủng, bí tích, bản tính, ngôi vị, siêu nhiên, mầu nhiệm v.v., đều được hình thành trong dòng thời gian với những hoàn cảnh lịch sử và văn chương nhất định[10].

            Thần học tích cực sử dụng cả khoa ngôn ngữ học lẫn khoa lịch sử, nhưng sử dụng chúng trong viễn cảnh đức tin. Thần học tích cực  cũng xem Cựu ước và Tân ước là những sách được linh ứng, và coi các tác giả được linh ứng là những chứng nhân của Thiên Chúa. Lý trí của thần học tích cực được đức tin soi sáng và được hướng dẫn bởi Huấn quyền [11].

            Thần học tích cực thường theo tiến trình hồi cố (régressive) hoặc phát sinh (génétique). Được gọi là tiến trình hồi cố vì nó khởi từ giáo huấn hiện tại của Giáo Hội để đi lần lên ngọn nguồn của giáo huấn này. Có thể xảy ra trường hợp ở ngọn nguồn này, giáo huấn ấy còn mù mờ. Như vậy, tiến trình hồi cố khởi từ cái rõ ràng hiện tại, được diễn tả trong giáo huấn bình thường hoặc đặc biệt của Giáo Hội, và đi lần lên nền tảng của giáo huấn này[12].

            Tiến trình phát sinh (génétique) khởi từ mặc khải, và sử dụng những dữ kiện cùng phương pháp phê bình văn chương hoặc lịch sử để xác định bản văn và ý nghĩa của nó- như nó là trong hoàn cảnh xã hội, văn hóa và tôn giáo thời đó. Thần học tích cực theo tiến trình phát sinh tìm cách vẽ lại lịch sử mặc khải đã xảy ra trong qúa khứ, từng giai đoạn một, và cố không bị thành kiến bởi giáo huấn hiện tại của Giáo Hội chi phối. Nó cũng cho thấy các chủ đề Kinh Thánh phát triển và hòa hợp như thế nào trong dòng thời gian. Nếu xảy ra trường hợp kết luận của công trình nghiên cứu trái với giáo huấn chính thức của Huấn Quyền, thì nhà thần học phải tìm một giải đáp cho sự bất tương hợp này bằng việc nghiên cứu lại bản văn cách kỹ lưỡng và sâu xa hơn. Kết qủa của những phân tích và nhận định, không là những sáng kiến hay do các nhà thần học tích cực tưởng tượng ra, mà nó thực sự phải có nguồn gốc hoặc tiềm ẩn hoặc minh nhiên nơi các bản văn[13].

            Thần học nguồn[14] theo hai tiến trình hồi cố và phát sinh, đều được tiến hành dưới sự hướng dẫn bởi đức tin. Hai tiến trình “hồi cố” và “phát sinh”, tuy trái ngược nhau nhưng không hoàn toàn độc lập với nhau[15].

            Đây là vài tác phẩm thu tập những tài liệu nguồn, mà những sinh viên thần học thường sử dụng:

DENZINGER,

Enchiridion Symbolorum Definitionum Et Declarationum

ROUET DE JOURNEL, Enchiridion Patristicum

ARNODO, Enchiridion Biblicum

v.v.[16].

Thần học căn bản

            Thần học căn bản, theo Karl Rahner, là một yếu tố của thần học tín lý. Thần học căn bản phải cho thấy tính khả tín của sự kiện mặc khải trong lịch sử; thần học tín lý phải cho thấy tính khả tín của nội dung mặc khải. Cả hai khía cạnh này đòi hỏi và bổ túc lẫn nhau[17].

            Chức năng phê bình và biện minh của thần học căn bản phải được thực hiện trong mọi giáo trình tín lý. Thần học càng ảnh hưởng khoa chú giải (herméneutique) thì càng không có sự phân biệt giữa thần học căn bản và thần học tín lý[18].

            Sở dĩ chức năng phê bình và biện minh được đề nghị thực hiện trong mỗi giáo trình tín lý theo gợi ý của Karl Rahner, vì làm sao có thể thiết lập sự kiện mặc khải mà không để ý tới nội dung mặc khải[19]? Karl Rahner đã phê bình cách thức suy nghĩ về thần học căn bản trong quá khứ, và cho rằng, cung cách suy nghĩ và nội dung giảng dạy đó ngày nay không còn hợp thời nữa[20]. K. Rahner khẳng định, thần học căn bản rất cần thiết và phải tồn tại[21].

            R. Latourelle gọi điều K. Rahner chủ trương là tín lý căn bản (dogmatique fondamentale, de caractère synthétique et existentiel), mang tính tổng hợp và hiện sinh[22]; còn Y. Congar gọi nó là tín lý hình thể (dogmatique formelle), nó triển khai nhân học siêu việt, nghĩa là, nghiên cứu những điều kiện tiên thiên, và chỉ với những điều kiện tiên thiên này mới có thể có mặc khải và đức tin[23]. Theo R. Latourelle, không được lầm lẫn thần học căn bản như K. Rahner đề nghị ở trên với thần học căn bản vẫn được dùng theo nghĩa thường[24].

            Thần học căn bản theo nghĩa thường dùng, chỉ giáo trình thần học nghiên cứu những thực tại đầu tiên và căn bản của Kitô giáo[25].      Thần học căn bản còn được dùng để chỉ năm thần học đầu tiên, các sinh viên tìm hiểu những khái niệm căn bản và những phạm trù đầu tiên của thần học, như mặc khải, linh ứng, đức tin, huấn quyền, truyền thống v.v[26].

            Khi tìm hiểu, suy tư về mặc khải và đức tin, thần học căn bản tìm hiểu những khái niệm và thực tại đó cách chủ quan lẫn khách quan theo tinh thần phê bình; và như vậy nó thực thi chức năng biện minh và hộ giáo, cùng đặt nền tảng khoa học cho thần học. Ngay trong năm đầu của thần học, sinh viên thần học đã phải có tinh thần phê bình và biện minh, và tinh thần này phải hiện diện trong mọi giáo trình thần học.

 

Thần học suy lý

            Thần học tích cực thu lượm và hệ thống hóa các dữ kiện mặc khải được chứa đựng trong Truyền Thống và Kinh Thánh, được Huấn Quyền giải thích; thần học căn bản biện minh và bảo vệ đức tin bằng việc phê bình; thần học suy lý nhằm hiểu biết Thiên Chúa, nhờ hệ thống hóa những hiểu biết về Thiên Chúa một cách khoa học, cũng như qua việc đánh giá những suy tư và những tổng hợp suy tư này[27].

            Theo quan điểm của Aristote, khoa học là những tri thức chắc chắn và có thể diễn dịch. Như vậy ở thời trung cổ, khi nói đến thần học như một khoa học, là phải hiểu đây là thần học suy lý: diễn dịch, rút từ chân lý mặc khải ra những hệ luận chắc chắn. Thần học tích cực không có tính diễn dịch, nên ở thời trung cổ, thần học tích cực có chỗ đứng rất khiêm tốn[28].

            Là một khoa học, thần học phải có tính chính xác và diễn dịch; nhưng những khái niệm được diễn tả trong Truyền Thống và Kinh Thánh thường là những phạm trù tiền khoa học với những hình ảnh biểu tượng, ẩn dụ; vì vậy để thần học là khoa học, thần học cố gắng xác định và định nghĩa những khái niệm nó dùng, nhằm diễn tả chính xác hơn ý nghĩa chân lý mặc khải; chẳng hạn thần học xác định ý nghĩa của từ ngữ Nước Trời, Con Người, Thân thể mầu nhiệm v.v., trong nghĩa nào Đức Kitô là Con Thiên Chúa; cũng tương tự như vậy thần học phải định nghĩa các từ ngữ bản tính, nhiệm xuất, sứ vụ, tương quan..., để có thể hiểu và diễn tả mầu nhiệm Ba Ngôi. Chính những công việc xác định ý nghĩa từ ngữ này giúp người ta hiểu đúng và không giải thích sai lạc những định tín[29].

            Thần học suy lý cũng phải cho thấy tương quan liên hệ giữa các mầu nhiệm với nhau. Tất cả các mầu nhiệm đều khởi từ Thiên Chúa ngôi vị, và chỉ được hiểu cách đúng đắn trong mầu nhiệm Thiên Chúa. Cái nhìn đúng đắn về Thiên Chúa cho chúng ta cái nhìn đúng đắn về con người; mầu nhiệm con người được soi sáng bởi mầu nhiệm Thiên Chúa. Các mầu nhiệm không ở cùng một mức độ nhưng liên hệ với nhau, soi sáng giúp hiểu biết lẫn nhau.

            Thần học với chức năng suy lý giúp đi sâu vào mầu nhiệm, nhất là mầu nhiệm Thiên Chúa[30]; chẳng hạn để hiểu mầu nhiệm Ba Ngôi hơn, chúng ta phải cho thấy rằng, trong nhiệm cục cứu độ

Chúa Cha đã tỏ mình đầu tiên trong công trình tạo dựng và trong việc nâng con người lên sống trong tình thân hữu với Thiên Chúa,

Chúa Con thực hiện công trình cứu chuộc qua Nhập thể, Tử nạn và Phục sinh, và thiết lập Giáo Hội,

Thánh Thần thánh hóa các linh hồn và thâu họp tất cả trong thân thể mầu nhiệm [31].

            Thần học suy lý xét như một khoa học, còn phải hệ thống hóa các tri thức về Thiên Chúa. Mỗi hệ thống hình thành bởi nguyên tắc được chọn theo từng trường phái, và như vậy có nhiều  tổng hợp thần học; chẳng hạn thần học theo thánh Thomas chịu ảnh hưởng triết học Aristote, và có chiều kích qui thần (théocentrique), thần học rao giảng (théologie kérymatique) có tính quy Kitô v.v..

            Mỗi hệ thống thần học đều có chung điểm tới, là cố gắng tiếp cận và diễn đạt Mầu Nhiệm Vĩnh Cửu Ngôi Vị. Mỗi hệ thống thần học hay mỗi tổng luận thần học đều có giới hạn riêng của nó, bởi vì

·        thần học là lời về Thiên Chúa, lời con người về Thiên Chúa. Mỗi ngôn ngữ có những giới hạn như khả năng giới hạn của con người, và như con người không bao giờ có thể hiểu trọn một ngôi vị, thì con người hữu hạn cũng không bao giờ có thể hiểu trọn Thiên Chúa ngôi vị, và con người cũng chẳng bao giờ có thể dùng ngôn ngữ con người để diễn đạt trọn vẹn Thiên Chúa được; nên ngôn ngữ thần học thường là ngôn ngữ loại suy[32];

·        thần học có thể sử dụng những hệ thống triết học khác nhau, chẳng hạn triết học Aristote, triết Platon, triết hiện sinh v.v; hệ thống triết học cũng chỉ là phương tiện dùng để chuyển tải và diễn đạt Thực Tại;

·        diễn tả Thiên Chúa theo não trạng và nền văn hóa khác nhau, chẳng hạn người Đông phương hay Tây phương[33];

·        có những đích nhắm khác nhau, chẳng hạn khía cạnh cứu độ nơi thánh Bonaventura, khía cạnh chân lý nơi thánh Thomas.

            Về các hệ thống thần học, chúng ta có thể nói đến hệ thống quy thần (systématisation théocentrique), quy Kitô (Christocentrique), quy giáo hội (ecclésio-centrique), hoặc quy nhân (anthropocentrique)[34]. Mỗi hệ thống đều bàn về mọi vấn đề thần học, nhưng có điểm quy chiếu tùy theo điểm nhấn hoặc điểm gợi hứng của từng hệ thống: hoặc Thiên Chúa, hoặc Đức Kitô, hoặc Giáo hội, hoặc con người.


 

THƯ MỤC

Y. M. J. CONGAR, art. “Théologie”, trong DTC. XV, PARIS 1946, col. 341-502

Y. M. J. CONGAR, La foi et la Théologie, DESCLÉE 1962

Y. M. J. CONGAR, Situation et Taches présentes de la théologie, CERF- PARIS 1967

CL. GEFFRÉ, art. “L’histoire récente de la théologie fondamentale, essai d’interprétation”,

trong CONCILIUM 46 (1969), pp. 11-28

G. GUTIERRE-MERINO, art. “Mouvements de libération et Théologie”, trong CONCILIUM 93 (1974), pp. 121-130

Bản Đánh Máy của GHHV. Piô X, “Plan d’études de la faculté de théologie”

và “Matières de la faculté de théologie”.

R. LATOURELLE, Theologia Scientia sacra, GREGORIANA 1965

R. LATOURELLE, Théologie Science du Salut, PARIS 1968

AL. PIERIS, Một hướng thần học giải phóng á châu, ORBIS BOOKS 1988, bản dịch bởi UBĐKCGVN, tp. HCM 1989

K. RAHNER, art. “A prppos de la réforme des études ecclésiastique”,trong Est-il possible aujourd’hui de croire, MAME- FRANCE 1966

J. C. SCANNONE, art. “La théologie de la libération: évangélique ou idéologique?,

trong CONCILIUM 93 (1974), pp. 131-138

ED. SCHILLEBEECKX, Approches thélogiques 1: Révélation et Théologie,

CERF- BRUXELLES 1965

G. SOHNGEN, art. “La Sagesse de la théologie par la voie de la Science”, trong MYSTERIUM SALUTIS t.1, vol. IV, pp. 159-250

J. R. DE DIEGO, Theologia Scientia Sacra: introductio in theologiam, ĐALAT 1969

(cours rénéotypé du col. Pont. Pie X)

 

 

 

LNC 141252

ĐL.240238

 

HOME    THẦN HỌC    DẪN NHẬP THẦN HỌC        DNTH1       DNTH2       DNTH3       DNTH4       DNTH5

 

 

Chúc bạn an vui hạnh phúc.

Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.

[email protected]

 

 

 



[1] Phần tín lý gồm lời dạy của Kinh Thánh, Giáo Phụ, Huấn Quyền.

[2] R. LATOURELLE, op. cit., p. 65-66

[3] Thần học căn bản có hai nghĩa, hoặc nó được dùng để chỉ chức năng hộ giáo- bảo vệ hay biện minh, hoặc nó được dùng để chỉ một phần của thần học gồm các môn Mạc Khải, Đức Tin xét như lời đáp của con người với mặc khải , Huấn Quyền.

Cf. CLAUDE GEFFRÉ, art. “L’ histoire récente de la théologie fondamentale”, trong CONCILIUM 46 (1969), p. 11

cf. DICTIONNAIRE DE LA FOI CHRÉTIENNE, I, PARIS 1968, col. 769

cf. R. LATOURELLE, op. cit., p. 105 note 2

cf. Y. CONGAR, op. cit., p. 183

[4] Ba chức năng của thần học này còn thường được gọi là thần học tích cực, thần học căn bản, và thần học suy lý.

[5] R. LATOURELLE, op. cit., p. 83. 69

cf. Y. CONGAR, art. “Théologie”, trong DTC XV, 1: 462

[6] R. LATOURELLE, op. cit., p. 70-71

[7] Ibid., p. 75-76

[8] Ibid., p. 72

[9] Ibid., pp. 72-75

[10] R. LATOURELLE , op. cit., pp. 74-75. 95

[11] R. LATOURELLE, op. cit, p., 77

[12] R. LATOURELLE, op. cit., p. 78

[13]  R. LATOURELLE, op. cit., p. 79-80

[14] Thần học tích cực, nghiên cứu suy tư trên các tài liệu căn bản và nguồn gốc của thần học.

[15] R. LATOURELLE, op. cit., p. 81

[16] Về việc sử dụng DENZINGER, xin xem Y. CONGAR, Situation et taches présentes de la Théologie, CERF 1967, pp. 111-134

[17] K. RAHNER, A propos de la réforme des études ecclésiastiques,

trong Est-il possible aujourd’hui de croire, p. 202

[18] CLAUDE GEFFRÉ, art. cit, trong CONCILIUM 46, p. 21

cf. K. RAHNER, “Théologie et anthropologie” trong Théologie d’aujourd‘hui et de demain, PARIS 1967, pp. 100-101. 115. 116

(The Word in History, NEW YORK)

[19] R. LATOURELLE, op. cit., p. 103

cf. R. RAHNER, “A propos de la Réforme des études ecclési-astiques”,

trong Est -il possible aujourd’hui de croire, PARIS 1966, p. 203

[20] K. RAHNER, art. cit., p. 180

[21] K. RAHNER, art. cit, p. 180

[22] R. Latourelle, op. cit., p. 105 note 2

cf. K. RAHNER, art. cit., p. 175-225

[23] Y. CONGAR, Situation et taches présentes de la théologie,

CERF 1967, p. 19

[24] R. LATOURELLE, op. cit., p. 105 note 2

[25] Ibidem

[26] Ibidem

[27] R. LATOURELLE, op. cit., p. 86 tt

[28] R. LATOURELLE, op. cit., p. 84

[29] R. LATOURELLE, op. cit., pp. 86-87. 95

[30] R. LATOURELLE, op. cit., pp. 86-89

[31] R. LATOURELLE, op. cit., p. 90

[32] R. LATOURELLE, op. cit., pp. 88-89

[33] R. LATOURELLE, op. cit., p. 91

[34] R. LATOURELLE, Théologie- Science du Salut,

PARIS 1968, p. 32