HOME THẦN HỌC DẪN NHẬP THẦN HỌC DNTH1 DNTH2 DNTH3 DNTH4 DNTH5
DẪN NHẬP
THẦN HỌC
Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.
MỤC LỤC:
THƯ MỤC
Thần học không đứng ngoài hay độc
lập với tiến trình văn hóa của con người, nhưng trái lại nó ở trong và phản ánh
tiến trình tư duy và nhận thức của con người trong thời đại đó.
Vào thế kỷ XVI, nhân bản thuyết (humanisme) đã ghi dấu ấn
trên thần học; thế kỷ XVIII, thần học chịu ảnh hưởng bởi thuyết duy lý; thế kỷ
XIX, thần học chịu ảnh hưởng bởi thuyết duy khoa học[1];
còn ở thế kỷ XX này, dưới ảnh hưởng của triết lý hiện sinh và hiện tượng luận,
thần học hướng về con người[2].
Cơ cấu quy nhân là cơ cấu tư duy của thời đại, và trong
thần học cũng vậy. Chiều kích quy nhân (anthropocentrique) hiện diện khắp nơi
trong mọi giáo trình thần học.
Với Kierkegaard, con người không chỉ là một đối tượng
giữa những đối tượng khác, mà hơn nữa con người là trung tâm của tất cả, và là
điểm quy chiếu. Như vậy mọi tri thức về Thiên Chúa đều phải có thông số là con
người (khởi từ con người, theo kiểu con người, hướng về con người), kể cả những
tri thức về Thiên Chúa có được do mặc khải. Không có tri thức về Thiên Chúa nào
mà không hàm chứa một hiểu biết trước nào đó về con người[3].
Thần học kinh viện nỗ lực tìm sự hiểu biết mầu nhiệm
Thiên Chúa; thần học hiện nay do ảnh hưởng bởi nét hiện sinh và tính quy nhân
của não trạng hiện tại, nỗ lực bày tỏ ý nghĩa của mầu nhiệm đối với con người.
Thần học hiện tại nghiên cứu các mầu nhiệm không phải chỉ vì các mầu nhiệm, mà
còn vì ý nghĩa mầu nhiệm ấy đối với con người.
Cơ cấu quy nhân của thần học ngày nay được nhận thấy qua
chiều kích ngôi vị, chiều kích lịch sử, chiều kích đối thoại, hiệp nhất và phục
vụ của thần học. Khi lược qua các trục chính của thần học, chúng ta sẽ thấy rõ
chiều kích quy nhân này hơn.
Theo R. Latourelle, các trục chính của thần học ngày nay
là thần học Lời Chúa, Kitô học, Giáo Hội học, tương quan giữa Giáo Hội và thế
giới, ân sủng và bí tích, cánh chung học[4].
Cũng có thể thấy khẳng định trên ẩn tàng nơi công đồng chung Vatican II qua các
hiến chế Dei Verbum, Lumen Gentium, Gautium et Spes[5].
Thần học Lời Chúa cho thấy Thiên
Chúa mặc khải cho con người trong lịch sử. Thiên Chúa mặc khải cho con người về
chương trình cứu độ, mặc khải cho con người biết về chính mình, và mặc khải cho
con người biết Thiên Chúa như là Thiên Chúa ngôi vị yêu thương.
Chỉ gọi là lịch sử, những hành vi hành động của ngôi vị.
Như vậy có thể nói, tất cả mặc khải của Thiên Chúa cho con người đều có tính
lịch sử. Chính trong lịch sử và qua lịch sử, con người đón nhận mặc khải của
Thiên Chúa; và cũng chính bằng hành vi đáp trả mặc khải, con người tạo ra lịch
sử. Hai nhịp “tỏ mình- đáp trả” tạo thành lịch sử cứu độ.
Thần học về Đức Kitô (Kitô học), bao
gồm cả giáo trình Nhập Thế và Cứu Độ Học, cho thấy Đức Kitô là ai. Ngài là
Thiên Chúa ngôi vị (Ngôi Lời), là Thiên Chúa mặc khải, là chính Mặc Khải, là
Con Đường đưa con người đến với Thiên Chúa, là trung gian tuyệt hảo và duy nhất
để người ta kết hiệp với Thiên Chúa.
Vật chất đã được “hóa thánh” (thánh hóa) với biến cố
Thiên Chúa nhập thể. Con người xét như ngôi vị, trong tương quan tình yêu với
Thiên Chúa ngôi vị, hình thành chính mình trong lịch sử bằng những hành vi tự
do của mình.
Đức Kitô là thần nhân. Khía cạnh quy nhân của Kitô học
được thấy qua các vấn đề đức tin và tri thức của Đức Yêsu. Những hành vi hoạt
động của Đức Yêsu trở thành lịch sử, và người ta đã có thể nói về “lịch sử của
Thiên Chúa”.
Thần học về Giáo hội hiện nay mang
chiều kích Ba ngôi và Kitô; Giáo Hội là thực thể duy nhất, vừa thần linh vừa
nhân loại, là thánh nhưng gồm những phần tử yếu đuối tội lỗi, là tập hợp những
người được Thiên Chúa yêu thương và tôn trọng.
Giáo Hội, xét như thực thể gồm những con người, có một
lịch sử được tạo thành do những hành vi tự do của những phần tử của Giáo hội.
Giáo Hội là dấu chỉ của Thiên Chúa, là bí tích (dấu chỉ ban tình yêu ân sủng)
cho con người.
Thần học về Giáo Hội còn cho thấy tương quan “quy nhân”
giữa Giáo hội và thế giới. Ngày nay thái độ của Giáo Hội đối với thế giới là
đối thoại, Giáo Hội xác nhận, các tạo vật và các xã hội đều có những định luật
và những giá trị riêng mà con người phải khám phá dần dần[6].
Giáo Hội cũng có thể nhận ra dự định của Thiên Chúa qua những dấu chỉ là những
gì đang xảy ra trong lòng thế giới[7].
Thần học về ân sủng và bí tích cũng
được nhìn trong viễn tượng ngôi vị và quy kitô. Đức Yêsu Kitô là ân sủng và là
bí tích cho con người; Giáo Hội xét như thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô cũng
trở thành ân sủng và bí tích của Thiên Chúa đối với con người ngày nay.
Cơ cấu bí tích (dấu chỉ-ân sủng) là cơ cấu của con người.
Thiên Chúa cũng mặc khải cho con người qua các dấu chỉ. Lời Thiên Chúa đã nhập
thể để trở thành dấu chỉ tình yêu Thiên Chúa cho con người. Trong thần học về
ân sủng và bí tích, người ta nhận thấy Đức Kitô là dấu chỉ của Thiên Chúa, Giáo
Hội là dấu chỉ của Đức Kitô, và các bí tích là những hành động của Đức Kitô
được hoàn thành trong Giáo Hội và bởi Giáo Hội[8].
Thần học cánh chung (cánh chung học)
cũng là một trục chính của thần học hiện đại, và nó cũng mang chiều kích quy
nhân.
Cánh chung học bàn về “những sự sau” trong tương quan với
Đức Kitô chết và phục sinh, Ngài là khởi điểm và cánh chung của mọi sự.
Chiều kích cánh chung phải là chiều kích chi phối tất cả
thần học, bởi vì thần học không phải chỉ bàn về ơn cứu độ trong thời gian này,
nhưng còn phải nói về ơn cứu độ trong thời điểm hoàn tất của thời gian nữa. Mỗi
người đều phải chết cái chết của mình, không ai có thể chết giùm người khác, và
chẳng có ai có thể chết giùm mình. Chết là hành vi của ngôi vị.
Hỏa ngục là hành vi từ
chối tình yêu. Không tình yêu, không đón nhận Thiên Chúa Tình Yêu, là hỏa ngục[9].
Y. M. J. CONGAR, art. “Théologie”, trong DTC. XV, PARIS 1946, col.
341-502
Y. M. J. CONGAR, La foi et la Théologie, DESCLÉE 1962
Y. M. J. CONGAR, Situation et Taches présentes de la théologie, CERF-
PARIS 1967
CL. GEFFRÉ, art. “L’histoire récente de la théologie fondamentale, essai
d’interprétation”,
trong CONCILIUM 46 (1969), pp. 11-28
G. GUTIERRE-MERINO, art. “Mouvements de libération et Théologie”, trong
CONCILIUM 93 (1974), pp. 121-130
Bản Đánh Máy của GHHV. Piô X, “Plan d’études de la faculté de théologie”
và “Matières de la faculté de théologie”.
R. LATOURELLE, Theologia Scientia sacra, GREGORIANA 1965
R. LATOURELLE, Théologie Science du Salut, PARIS 1968
AL. PIERIS, Một hướng thần học giải phóng á châu, ORBIS BOOKS 1988, bản
dịch bởi UBĐKCGVN, tp. HCM 1989
K. RAHNER, art. “A prppos de la réforme des études ecclésiastique”,trong
Est-il possible aujourd’hui de croire, MAME- FRANCE 1966
J. C. SCANNONE, art. “La théologie de la libération: évangélique ou
idéologique?,
trong CONCILIUM 93 (1974), pp. 131-138
ED. SCHILLEBEECKX, Approches thélogiques 1: Révélation et Théologie,
CERF- BRUXELLES 1965
G. SOHNGEN, art. “La Sagesse de la théologie par la voie de la Science”,
trong MYSTERIUM SALUTIS t.1, vol. IV, pp. 159-250
J. R. DE DIEGO, Theologia Scientia Sacra: introductio in theologiam,
ĐALAT 1969
(cours rénéotypé du col. Pont. Pie X)
LNC 141252
ĐL.240238
HOME THẦN HỌC DẪN NHẬP THẦN HỌC DNTH1 DNTH2 DNTH3 DNTH4 DNTH5
Chúc bạn an vui hạnh phúc.
Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.
[1]R. LATOURELLE, op. cit. p. 241
[2] R. LATOURELLE, op. cit., p. 243
[3] R. LATOURELLE, op. cit., p. 243
Claude Geffré cũng thấy nơi K. Rahner và E. Schillebeeckx một ý tưởng tương tự.
Cf. CL. GEFFRÉ, art. cit., trong CONCILIUM 46 (1969), p. 22
[4] R. LATOURELLE, op. cit., pp. 251-270
[5] R. LATOURELLE, op. cit., p. 251
[6] Công Đồng Vatican II trong hiến chế Gaudium et Spes, số 36.
[7] R. LATOURELLE, op. cit., p. 263
cf. M-D. CHENU, “Les signes des temps”, trong Gaudium et Spes, L’Église dans le monde de ce temps, PARIS 1967, p. 113
[8] R. LATOURELLE, op. cit., p. 267
cf. E. SCHILLEBEECKX,
Le Christ- Sacrement de la rencontre de Dieu, PARIS 1962
E. SCHILLEBEECKX, “Les sacrements- organes de la recontre de Dieu”, trong Questions théologiques aujourd’hui, III, BRUGES et PARIS 1965, pp. 239-267.
[9] R. LATOURELLE, op. cit., p. 267-269