HOME    NHƯ THẤY ĐẤNG VÔ HÌNH   ĐIỀU CẦN BIẾT   BẠN ĐƯỜNG THIÊNG LIÊNG   KHÓA LINH THAO   ĐĂNG KÝ   GỢI Ý CẦU NGUYỆN

CÁC BƯỚC CẦU NGUYỆN      LƯỢNG GIÁ CẦU NGUYỆN     CHIA TRÍ     XÉT MÌNH

 

 

Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.

Ai đã bước vào đời sống cầu nguyện ắt đã có kinh nghiệm về những giây phút buồn chán, chia trí, và an vui. Những giây phút cảm nhận niềm vui thiêng liêng, tâm hồn hân hoan thư thái, hạnh phúc vì mình được yêu và muốn đáp trả tình yêu Thiên Chúa, thánh Ynhã gọi là “an ủi thiêng liêng”. Những giây phút chán nản, muốn bỏ cầu nguyện và bỏ tất cả, như thể Thiên Chúa vắng bóng trong đời mình, thánh Ynhã gọi là “sầu khổ thiêng liêng”. Trang này trình bày cách khái quát tư tưởng của thánh Ynhã về những vấn đề này.

AN ỦI THIÊNG LIÊNG

SẦU KHỔ THIÊNG LIÊNG

CHIA TRÍ

AN ỦI THIÊNG LIÊNG

Về an ủi thiêng liêng, thánh Ynhã viết trong sách Linh Thao số [316] như sau:

“Gọi là an ủi trong khi linh hồn phát khởi một thúc đẩy nội tâm, khiến linh hồn bừng cháy lửa kính mến Đấng Tạo Hóa và Chúa mình, và do đó, không có thể yêu một tạo vật nào trên mặt đất vì chính tạo vật ấy, nhưng chỉ yêu trong Đấng tạo dựng mọi sự. Đó cũng là trường hợp linh hồn chảy nước mắt giục lòng mến Chúa, hoặc bởi đau đớn vì tội lỗi mình, hay vì sự thương khó của Đức Kitô, Chúa chúng ta, hay vì những điều khác trực tiếp hướng về việc phụng sự và ca ngợi Chúa. Sau cùng, còn gọi là an ủi mọi gia tăng của lòng tin- cậy- mến, cùng mọi niềm vui bề trong mời gọi và lôi kéo (tâm hồn) đến những sự trên trời và phần rỗi riêng của linh hồn mình, làm cho linh hồn được nghỉ ngơi và an bình trong Đấng Tạo Hóa và Chúa mình”.

Thiên Chúa là Đấng vô cùng tốt lành. Thiên Chúa tạo dựng con người vì Ngài yêu thương và muốn chia sẻ sự sống vĩnh cửu của Ngài cho con người. Ngài muốn mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý (1Tm.2, 4). Ngài muốn con người được hạnh phúc vĩnh cửu không chỉ ở đời sau, nhưng ngay ở đời này nữa; Ngài muốn con người được hạnh phúc trong đời sống thường ngày, và đặc biệt trong những giây phút cầu nguyện: “những giây phút sống với Ngài”.

Theo thánh Ynhã, có một trong những điều sau đây, được coi là đang sống trong an ủi thiêng liêng:

Với thánh Ynhã, chính thần lành đang tác động cách đặc biệt nơi tâm hồn những người được an ủi.

Cứ bình thường, trong cuộc sống cũng như trong cầu nguyện, chúng ta sống trong “an ủi”, nghĩa là ít nhất được bình an trong tâm hồn. Nếu không được “an ủi”, cụ thể là nếu không được bình an, thì chúng ta phải tìm nguyên do nơi chính mình để chỉnh đốn, hầu có thể sống bình an hạnh phúc. Trừ những trường hợp được “thử luyện” đặc biệt, còn bình thường, sầu khổ là dấu chỉ cho thấy mình có điều trục trặc cần chỉnh đốn.

SẦU KHỔ THIÊNG LIÊNG

Khó có ai tránh khỏi sầu khổ thiêng liêng trong cầu nguyện. Nó là cái gì thường hay xảy ra, nhưng lại không bình thường. Thánh Ynhã viết về sầu khổ thiêng liêng trong sách Linh Thao số [317] như sau:

“Gọi là sầu khổ tất cả những gì trái ngược với quy tắc thứ ba, như sự tối tăm trong linh hồn, xao xuyến bề trong, thúc đẩy về những gì thấp hèn và phàm tục, lo lắng về những xao động và cám dỗ xúi ta mất tin tưởng, trông cậy, lòng mên; (linh hồn) cảm thấy lười biếng, khô khan, buồn sầu và như bị lìa xa Đấng Tạo Hóa và Chúa mình. Vì như an ủi trái ngược với sầu khổ thế nào, thì các tư tưởng do an ủi sinh ra cũng trái ngược với các tư tưởng do sầu khổ sinh ra như vậy.”

Theo thánh Ynhã, sầu khổ là tác động của thần dữ, và dĩ nhiên chúng ta không nên theo những lời khuyên của nó [318]. Sau đây là những dấu chỉ cho thấy mình đang ở trong tình trạng sầu khổ thiêng liêng:

Sầu khổ không là tình trạng đáng ao ước, nhưng cũng không là tình trạng phải sợ hãi xao xuyến, vì nó cũng có những mặt tích cực. Khi bị sầu khổ, ta phải tìm nguyên do. Theo thánh Ynhã:

“Có ba nguyên do chính khiến ta gặp sầu khổ:

·        thứ nhất: vì ta không sốt mến đủ, lười biếng hay chểnh mảng trong các việc thiêng liêng; vậy là vì lỗi ta mà sự an ủi thiêng liêng lìa bỏ ta;

·        thứ hai: để thử coi sức ta tới đâu và ta có thể vươn tới đâu trong việc phụng sự và ca ngợi Chúa, khi không được thưởng công bằng bấy nhiêu an ủi và ân sủng bao la;

·        thứ ba: để ta học biết và nhận thức tận thâm tâm rằng, không phải tự ta làm phát sinh hay duy trì được lòng sốt sắng vô ngần, lòng mến mạnh mẽ, nước mắt hoặc ơn an ủi thiêng liêng, mà mọi sự đều là ân điển của Thiên Chúa, Chúa chúng ta, và để ta đừng “làm tổ ở nhà người khác”, và đừng tự đắc đến trở thành kiêu ngạo, khoe khoang, tự gán cho mình lòng sốt sắng hay các hoa trái khác của ơn an ủi thiêng liêng” [322].

Như vậy, nguyên do khiến một người bị sầu khổ được đề cập đầu tiên, là do chính vì họ làm biếng không cố gắng không quảng đại nên họ bị sầu khổ. Nếu bị sầu khổ vì điều này, ta cần xin lỗi Chúa, và quyết sửa mình. Khi sửa đổi chính mình, ta sẽ lại nhận được ơn an ủi thiêng liêng.

Nguyên do khiến một người bị sầu khổ được đề cập thứ ba, là vì Thiên Chúa muốn dạy ta một bài học: an ủi thiêng liêng là một ơn, chứ không phải do tự sức mình mà có được. Nếu ta “thuộc bài” thì lại được ban an ủi thiêng liêng.

Nguyên do khiến một người bị sầu khổ được đề cập thứ hai, hoàn toàn không do lỗi của người bị sầu khổ. Thiên Chúa muốn trôi luyện ta, để ta cứng cáp hơn trong đàng thiêng liêng, để ta có dịp lập công trước nhan Chúa; đây là trường hợp ngay cả bị sầu khổ ta vẫn tiếp tục cầu nguyện, nghĩa là, ta cầu nguyện vì Chúa chứ không phải vì để được an ủi thiêng liêng.

Như vậy những ai bị sầu khổ thiêng liêng ở nguyên do thứ hai, thường là những người đã khá cứng cáp trong đời sống thiêng liêng; và dưới một khía cạnh nào đó, họ là những người được Thiên Chúa yêu một cách đặc biệt. Theo tôi nghĩ, những người xoàng như tôi, nếu bị sầu khổ thì thường ở nguyên do thứ nhất, nghĩa là có một điều gì đó không đúng cần chỉnh sửa, có một trục trặc hay lệch lạc nào đó cần chỉnh đốn; còn chỉ những thánh nhân mới hay bị sầu khổ thiêng liêng ở trường hợp thứ hai. Khi bị sầu khổ thiêng liêng, đừng vội nghĩ rằng mình bị sầu khổ ở trường hợp thứ hai, mà nên liệt mình vào trường hợp một và ba, để tìm nguyên do và chỉnh đốn chính mình.

CHIA TRÍ

Chia trí là điều cũng thường đến khi ta cầu nguyện, nhưng nó không phải là tội. Chia trí xảy đến, vì … ta là người. Vì vậy, đừng đòi cầu nguyện mà không bị chia trí. Chia trí cũng tương tự như cám dỗ vậy. Cám dỗ chưa phải là tội; chỉ là tội khi ta thuận tình đồng ý. Chẳng ai mà không bị chia trí và cám dỗ, kể cả Đức Yêsu. Chia trí và cám dỗ là điều đi liền với thân phận con người.

Đừng sợ chia trí. Cũng đừng nghĩ rằng chia trí là đã phạm tội hoặc không yêu mến Chúa. Hãy tận dụng chia trí để biết chính mình hơn, đặc biệt khi chia trí là những cám dỗ. Ta bị chia trí cám dỗ nhiều ở điểm nào, thì đó là điểm yếu của ta [327].

Khi bị chia trí trong giờ cầu nguyện, bạn hãy bình thản bỏ nó qua một bên; nếu nó tiếp tục trở lại, cũng hãy bình tĩnh bỏ nó qua; bạn sẽ quay lại với nó khi đến giờ lượng giá cầu nguyện. Một vài câu hỏi giúp bạn nhận biết chính mình qua những chia trí:

i). Bạn có mau mắn xua đuổi những chia trí đi không?

ii). Đâu là điều bạn hay chia trí về? Nó có phản ánh thâm sâu điều gì nơi bạn không?

Chẳng hạn nếu bạn luôn bị chia trí về ai đó đã xúc phạm đến bạn, bạn nên xét lại bạn đã thật lòng yêu thương và tha thứ cho họ chưa? Nếu bạn luôn bị chia trí về điều làm bạn trổi trang, hay những cám dỗ phạm tội, phải chăng đó là điểm yếu của bạn? [327] Những chia trí và cám dỗ không chỉ giúp ta biết mình hơn, nhưng còn giúp ta nhận ra mình bất lực, để rồi thấy mình cần gắn bó và tùy thuộc vào Thiên Chúa hơn.

Đừng sợ bị chia trí, và đừng để mình bị căng thẳng vì chia trí. Cả thánh Phaolô cũng có một cái dằm đâm vào xác thịt, hầu giúp Ngài khiêm tốn và tùy thuộc vào Thiên Chúa hơn. Chia trí và cám dỗ, cũng giúp chúng ta tới gần Thiên Chúa hơn.

Chúc bạn luôn khiêm tốn và luôn cậy dựa vào Thiên Chúa trong mọi trường hợp.

 

HOME    NHƯ THẤY ĐẤNG VÔ HÌNH   ĐIỀU CẦN BIẾT   BẠN ĐƯỜNG THIÊNG LIÊNG   KHÓA LINH THAO   ĐĂNG KÝ   GỢI Ý CẦU NGUYỆN

CÁC BƯỚC CẦU NGUYỆN      LƯỢNG GIÁ CẦU NGUYỆN     CHIA TRÍ     XÉT MÌNH

 

 

Chúc các bạn an vui.

Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.

[email protected]