HOME     LINH ĐẠO     BẠN ĐƯỜNG LINH THAO          BD1          BD2          BD3          BD4          BD5

 

 

BẠN ĐƯỜNG LINH THAO

 

Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.

C. XÉT GẪM NHƯ NHẬN ĐỊNH THIÊNG LIÊNG.. 1

1. Nguyên tắc chính yếu. 1

2. An ủi hay sầu khổ. 1

3. Cầu nguyện không được tốt hay bị sa sút 4

4. Tại sao tôi bị cám dỗ nhiều về điều này. 5

 

C. XÉT GẪM NHƯ NHẬN ĐỊNH THIÊNG LIÊNG

            Xét gẫm[1] là lượng giá giờ cầu nguyện, nhằm giúp mình thấy được những ơn lành đã nhận lãnh trong giờ cầu nguyện để tạ ơn Chúa, và biết được những “nguyên nhân nơi chính mình” đã làm cho giờ cầu nguyện không được tốt đẹp, để sửa đổi.

            “Sau khi cầu nguyện xong, trong khoảng một khắc, hoặc ngồi hoặc đi đi lại lại, xem giờ chiêm niệm hoặc suy niệm đã diễn ra thế nào. Nếu dở, xem đâu là nguyên do, và một khi đã thấy thì hối hận và sửa đổi trong tương lai. Nếu tốt, tạ ơn Thiên Chúa Chúa chúng ta, và lần khác cứ làm như vậy” (LT.77).

            Mười lăm phút xét gẫm, là 15 phút nhận định thiêng liêng và cầu nguyện, là những phút phản tỉnh để biết mình hơn và biết Thiên Chúa hơn.

            Việc xét gẫm rất quan trọng để giúp mình tiến bộ hơn, chính vì thế phải làm rất nghiêm túc.

1. Nguyên tắc chính yếu
a. Thiên Chúa muốn tôi sống hạnh phúc

            Thiên Chúa tạo dựng con người để con người được sống hạnh phúc với Thiên Chúa. Thiên Chúa không bao giờ muốn sự dữ cho con người, Ngài không bao giờ muốn con người phạm tội[2] dù Ngài ban cho con người được tự do.

            Thiên Chúa muốn con người hạnh phúc không chỉ ở đời sau nhưng ngay cả ở đời này nữa; Ngài không chỉ muốn con người hạnh phúc trong cầu nguyện mà còn cả trong cuộc sống thường ngày nữa.

            Thiên Chúa muốn con người cảm nghiệm hạnh phúc khi sống đặc biệt với Ngài. Cụ thể trong cầu nguyện, Ngài muốn con người được bình an thư thái, được thêm lòng tin cậy yêu mến Ngài.

b. Các thần lành giúp tôi sống như Thiên Chúa muốn

            Các thần lành là các vị sống trong tình yêu của Thiên Chúa, các ngài sống hạnh phúc trong tình yêu và các ngài cũng muốn con người sống trong tình yêu và hạnh phúc như các ngài.

c. Thần dữ không muốn tôi sống hạnh phúc với Thiên Chúa

            Thần dữ là các thiên thần kiêu ngạo chống đối Thiên Chúa, và không muốn chúng ta sống hạnh phúc trong tình yêu của Thiên Chúa. Hơn nữa, thần dữ còn tìm mọi cách để tôi xa lìa và chống đối Thiên Chúa.

2. An ủi hay sầu khổ

            Thiên Chúa muốn tôi sống hạnh phúc, trong cuộc sống thường ngày và đặc biệt trong giờ cầu nguyện; cụ thể, ít nhất, tôi được bình an thư thái trong cuộc sống và trong giờ cầu nguyện.

a. An ủi

            An ủi là tình trạng bình thường trong giờ cầu nguyện nếu chúng ta sống tương quan tốt với Thiên Chúa.

            Thánh Y-nhã viết:

“Gọi là an ủi khi trong tâm hồn có một thúc đẩy nội tâm, làm linh hồn cảm thấy bùng cháy lửa yêu mến Tạo Hóa và Chúa mình, và rồi linh hồn cảm thấy không còn có thể yêu mến bất cứ tạo vật nào trên mặt đất này vì chính nó, nhưng chỉ yêu trong Đấng Tạo Hóa mà thôi.

Tương tự, khi linh hồn chảy nước mắt trước tình yêu Thiên Chúa, do cảm nghiệm tội lỗi của mình hay do cảm nghiệm cuộc thương khó của Chúa, hay do cảm nghiệm những sự khác hướng về việc phụng sự và ngợi khen Thiên Chúa.

Sau cùng, gọi là an ủi khi linh hồn cảm nghiệm sự gia tăng đức cậy đức tin và đức mến, và niềm thanh thản thâm sâu mời gọi và lôi kéo đến những sự trên trời và phần rỗi của linh hồn, làm linh hồn cảm thấy thư thái và bình an trong Tạo Hóa và Chúa mình“ (LT.316).

            Phần lớn khi được an ủi là do thần lành hướng dẫn[3] (LT.318), và nếu khi xét gẫm mình đã nhận ra đó là ơn Chúa thì hãy tạ ơn Chúa.

b. Sầu khổ

            Sầu khổ là do tác động của thần dữ (LT.318).

            Thánh Y-nhã viết:

“Gọi là sầu khổ tất cả những gì trái ngược với quy tắc thứ ba. Chẳng hạn, sự tối tăm trong tâm hồn, xao xuyến bên trong, thúc đẩy về những gì thấp hèn và phàm tục, bất an trước những xáo động và cám dỗ xúi ta mất tin tưởng, trông cậy và tình yêu; linh hồn cảm thấy lười biếng, khô nhạt, buồn rầu và như bị lìa xa Đấng Tạo Hóa và Chúa mình” (LT.317).

c. Cách thức chống trả

            Vì sầu khổ là do tác động của thần dữ, mà nếu chúng ta theo nó thì không thể đến với Thiên Chúa được; thế nên “chúng ta luôn luôn làm ngược lại điều ma qủy hay thần dữ muốn” (LT.351).

            Nếu thần dữ muốn chúng ta bỏ cuộc, thì chúng ta sẽ không thay đổi quyết định (LT.318), mà hơn nữa còn phải làm ngược lại điều thần dữ muốn, nghĩa là, chúng ta sẽ chăm chỉ cầu nguyện hơn, xét mình kỹ hơn, hy sinh hãm mình hơn (LT.319), thái độ dứt khoát với thần dữ (LT.325), từ bỏ mình hơn bằng việc hy sinh hãm mình và cởi mở lương tâm với những người đạo đức (LT.326).

            Nếu nguyên do làm chúng ta cầu nguyện không được tốt, là bởi chúng ta còn chia trí về những vướng bận hay lệch lạc nào đó, hay bởi chúng ta còn có một ngăn trở nào đó với Thiên Chúa và với con người, thì mình phải lo thống hối và hoán cải (LT.321bc).

d. Người thường sống trong tình trạng tội

            Thiên Chúa muốn người đang ở trong tình trạng tội trở về với Ngài, Ngài luôn hành động trong thâm sâu tâm hồn mỗi người để làm họ trở về với Ngài, qua tiếng nói của lương tâm và qua những dấu chỉ hữu hình.

            Thần dữ hành động ngược lại. Nó tìm mọi cách để người đó ở lại trong tội, chẳng hạn bằng gợi lên những hình ảnh gây vui thú giác quan...

e. Người đang tiến trên đường thiêng liêng

            Thiên Chúa vẫn tiếp tục lôi kéo mỗi người, để họ tiến tới hơn trên đường phụng sự Chúa. Các thần lành cũng trợ giúp, để con người cảm nhận bình an và hạnh phúc, để họ vui tiến trên đường thiêng liêng.

            Thần dữ tìm mọi cách và mọi lý do “ngụy biện” để ngăn cản con người tiến tới, gây bất an và xáo động nơi tâm hồn con người.

f. Lượng giá “nguyên lý nền tảng”

i. Có được ơn “bình tâm” hay được ơn gì khác

            Trong chủ đề này, cố gắng để được ơn bình tâm. Ơn này chỉ có, khi chúng ta nhận thức đúng đắn về Thiên Chúa và tạo vật, cũng như xác định rõ chỗ đứng tuyệt đối của Thiên Chúa trong đời mình, và tạo vật chỉ là phương tiện để mình đến với Thiên Chúa.

            Nếu thấy mình chưa được ơn bình tâm, cần cầu nguyện tiếp tục về chủ đề này trước khi qua chủ đề tiếp sau.

            Khi cầu nguyện một đề tài, hãy làm những bước cần thiết, rồi để tùy Thánh Thần hướng dẫn chúng ta. Chúa Thánh Thần hoàn toàn tự do dẫn chúng ta đi đâu tùy ý Ngài. Chỉ cần chúng ta luôn vâng phục Ngài và sẵn sàng làm những gì Ngài muốn, và như vậy chúng ta có thể được những ơn mà chúng ta không ngờ. Phải luôn luôn ý thức rằng Thánh Thần là vị Hướng Dẫn và người Thầy duy nhất và tuyệt vời của chúng ta.

ii. An ủi hay sầu khổ (LT.316.317)

            Người ta có thể được an ủi (LT.316), hay sầu khổ (LT.317), hay cảm thấy dửng dưng trong giờ cầu nguyện (LT.11).

            Nếu người tập Linh Thao không cảm thấy gì (dửng dưng), thì người hướng dẫn phải hỏi xem họ đã làm giờ cầu nguyện thế nào, họ có giữ các điều phụ thêm không? Thường thường, đó là nguyên do làm họ không cảm thấy gì trong giờ cầu nguyện.

            Trong giờ cầu nguyện, bình thường chúng ta được an ủi, nghĩa là được bình an thư thái, cảm thấy thêm lòng tin cậy phó thác hơn nơi Thiên Chúa, hoặc cảm thấy yêu mến Thiên Chúa hơn (LT.316), và cũng có thể được thêm ơn mà mình đã xin trong giờ cầu nguyện. Nếu chúng ta nhận thấy mình được an ủi, hãy tạ ơn Thiên Chúa.

            Cũng có thể chúng ta thấy mình bị sầu khổ thiêng liêng, nghĩa là mình cảm thấy chán nản lười biếng trong việc thiêng liêng và cầu nguyện , bị cám dỗ về những gì thấp hèn và phàm tục (LT.317). Trong trường hợp này, chúng ta phải tìm nguyên do xem tại sao lại như vậy (LT.322); cần cố gắng tìm cho ra mà sửa chữa, để hy vọng giờ cầu nguyện tiếp sau được tốt hơn.

            Những nguyên nhân thường ở tại nơi chính mình, do mình thiếu quảng đại trong việc tập trung để cầu nguyện hay chưa cố gắng giữ ngũ quan và xua đuổi những tư tưởng ngoại lai để luôn kết hợp với Thiên Chúa liên lỉ, hay tại mình chưa dứt khoát với một lệch lạc nào đó nơi mình.

iii. Tiến bộ hay thụt lùi so với giờ cầu nguyện trước

            Cũng cần so sánh các lần cầu nguyện để biết mình tiến bộ hay thụt lùi, và nguyên do tại sao, ngõ hầu mình sửa đổi hay phát huy, để mỗi ngày một tiến bộ hơn.

g. Lượng giá ”ngày Ynhã

            Xét gẫm cũng giúp chúng ta biết mình hơn, biết tương quan của mình với Chúa đang như thế nào, để mình không ảo tưởng về mình, và để mình cải thiện tình trạng hiện tại.

i. Bình Tâm

            Khi cầu nguyện về Nguyên Lý và Nền Tảng trong ngày đầu tiên, chúng ta đã xin ơn Bình Tâm: chọn Thiên Chúa và ý định của Thiên Chúa trên hết, còn những sự khác thì sao cũng được, dù là giữa nghèo và giầu, danh vọng hay xỉ nhục, ...! Hôm nay khi cầu nguyện về “ngày Y-nhã”, chúng ta đã biết giầu có, danh vọng và kiêu ngạo là những cạm bẫy của ma qủy; và nghèo khổ, xỉ nhục là con đường đích thực mà Chúa Yêsu dạy chúng ta.

            Chúng ta đã xin Chúa cho chúng ta được yêu Chúa Yêsu đến độ xin chọn nghèo và xỉ nhục với Ngài chưa?

ii. Thái độ của tôi đối với nghèo và xỉ nhục

            Nghèo tinh thần là không bám víu vào tạo vật, dù là tiền bạc hay ai đó; Xin ơn nghèo tinh thần, tức là xin Chúa ơn không bám víu vào tiền bạc hay bất cứ một tạo vật nào.

            Con người có bản năng được tôn trọng. Xin ơn được xỉ nhục[4], là tự hủy, là từ bỏ chính mình với ý riêng và tất cả con người của mình.

            Chúa Yêsu nói: “phúc cho các ngươi là kẻ nghèo ... khốn cho các ngươi là kẻ giầu” (Lc.6,20.24), “phúc cho các ngươi khi người ta xỉ mạ, nói xấu các người đủ điều vì cớ Ta và vì Tin Mừng, hãy hân hoan vì phần thưởng của các ngươi lớn thật ở trên trời” (Mt.5,11-12 Lc.6,22).

            Chúng ta có tin lời đức Yêsu là chân lý, và chúng ta có muốn sống theo Lời Ngài không? Nếu chúng ta tin thật, ắt chúng ta đã xin Chúa cho chúng ta được ơn xỉ nhục và ơn nghèo thực sự! Nếu chúng ta yêu Chúa Yêsu nhiều thì chắc chúng ta đã dám xin cho được đồng hình đồng dạng với Ngài, ngay cả trong nghèo và xỉ nhục khinh chê.

iii. Dứt khoát với quyến luyến lệch lạc

            Cái gì là mười ngàn dollars của tôi?

Mười ngàn dollars của tôi có thể không là tiền bạc, nhưng có thể là tương quan với ai đó, hay một địa sở, một nghề nghiệp, một công việc, một tặng vật nào đó, v.v.

            Trong qúa khứ tôi ở mẫu người thứ mấy?

            Và hiện tại tôi ở mẫu người thứ ba không?

iv. Mức độ tình yêu của tôi đối với Thiên Chúa

            Không phạm tội trọng, không muốn làm mất lòng Chúa và bình tâm, yêu Chúa đến độ muốn trở nên giống Chúa trong khó nghèo khổ nhục: đó là ba cấp độ của tình yêu (LT.165-167).    Tôi có muốn được liệt vào số những người muốn trổi trang trong việc phụng sự Chúa, tức những người yêu Chúa trong cấp độ khiêm nhường thứ ba không? Tôi có chọn nên giống Chúa Yêsu hơn không, nghĩa là chọn nghèo với Chúa nghèo hơn là được giầu sang, chọn bị xỉ nhục và khinh chê với Đức Yêsu bị xỉ nhục và khinh chê hơn là được tôn trọng, chọn bị coi là ngu dại với Chúa Kitô bị coi là ngu dại hơn là được coi là khôn ngoan thông thái ở đời không?

h. An ủi không qua trung gian

            Thiên Chúa muốn con người được sống trong tình yêu và hạnh phúc với Ngài; các thần lành cũng muốn chúng ta sống trong hạnh phúc với Thiên Chúa như các ngài; còn các thần dữ thì luôn chống đối Thiên Chúa và tìm mọi cách để làm con người sống xa Thiên Chúa.

            Khi có nguyên do, cả thần lành lẫn thần dữ đều có thể “an ủi”, nhưng nhằm mục đích trái ngược (LT.331). Chỉ có Thiên Chúa mới có thể tác động trực tiếp trên con người không cần trung gian; Điểm đặc biệt của Thiên Chúa là có thể lôi kéo con người đến với Ngài không qua trung gian, mà con người hoàn toàn tự do (LT.330).

            Chỉ có Thiên Chúa có thể can thiệp trên tự do con người; đó là lý do tại sao chúng ta cầu nguyện xin Thiên Chúa biến đổi một người, xin cho người nào đó trở lại. Làm một người trở lại, đó là khả năng chỉ có một Thiên Chúa mới có thể làm được (mà người đó vẫn hoàn toàn tự do).

            Thiên Chúa có thể dùng trung gian để biến đổi một người, và Ngài cũng có thể biến đổi một người không cần dùng trung gian, mà con người vẫn hoàn toàn tự do[5].

3. Cầu nguyện không được tốt hay bị sa sút

            Sau khi cầu nguyện, người cầu nguyện dùng một thời gian ngắn để xét gẫm, xem giờ cầu nguyện của mình thế nào! Nếu không tốt[6] hoặc không tốt lắm, thì đâu là nguyên do? Và một khi đã nhận ra thì cố gắng sửa đổi (chính mình), để giờ cầu nguyện tiếp sau được tốt đẹp hơn.

            Nếu tìm đúng nguyên do và được chỉnh đốn, thì giờ cầu nguyện tiếp sau sẽ tốt đẹp hơn. Có thể nhờ người có kinh nghiệm thiêng liêng cùng nhận định với mình, bằng cách chia sẻ kinh nghiệm xét gẫm cho họ nghe, để họ giúp mình tìm được nguyên do đã làm mình cầu nguyện không được, cách chính xác và chắc chắn hơn.

i. Do thiếu quảng đại

            Có thể do mình thiếu quảng đại với Chúa trong giờ cầu nguyện hay trong cả ngày sống, mà mình cầu nguyện không được tốt.

            Nếu mình không cố gắng tập trung để cầu nguyện, hoặc nếu không xua đuổi ngay các chia trí đến trong giờ cầu nguyện, không đặt Thiên Chúa lên trên hết, thì cũng khó cầu nguyện “tốt”.

            Nếu trong ngày mình không hy sinh và kết hiệp với Thiên Chúa liên lỉ, thì cũng khó cầu nguyện. Để dễ dàng cầu nguyện, con người cần luôn kết hiệp với Thiên Chúa trong suốt ngày sống.

ii. Do còn bám víu vào tạo vật (tình cảm lệch lạc)

            Có thể do còn bám víu vào một tạo vật nào đó, mà mình cầu nguyện không được “tốt”.

            Khi ta còn đặt một tạo vật nào trên hoặc bằng Thiên Chúa, dù ý thức hay không ý thức, thì cũng khó cầu nguyện. Như vậy nếu mình cầu nguyện không được, hãy xem mình có cố gắng quảng đại hết sức để cầu nguyện chưa; nếu đã cố gắng “hết sức” rồi mà vẫn cầu nguyện không được, thì xem mình còn quyến luyến điều gì cách lệch lạc không, và khi nhận ra thì hãy quảng đại để chỉnh đốn lại.

iii. Nhận thức sai lầm

            Một người có thể không cầu nguyện được, vì họ nhận thức sai lầm: họ tưởng rằng cầu nguyện được hay không là do sức con người. Vì vậy, Thiên Chúa có thể để họ cầu nguyện không được, nhằm giúp họ nhận ra một sự thật: “cầu nguyện được, là một ơn Thiên Chúa ban cho con người”.

iv. Để tôi luyện mình

            Một người có thể bị sầu khổ thiêng liêng mà không phải do lỗi của họ (LT.322b).

            Nếu mình cầu nguyện không được, bị sầu khổ thiêng liêng, mà không tại lỗi mình, thì hãy kiên trì và quảng đại. Lúc đó chủ quan mình thấy mình cầu nguyện không được tốt lắm, nhưng khách quan thì vẫn tốt, vì lúc đó Thiên Chúa đang tôi luyện mình, Ngài tập cho mình đến với Ngài vì chính Ngài chứ không phải vì mình được an ủi; tuy chủ quan mình thấy mình cầu nguyện không được sốt mến, nhưng khách quan thì mình vẫn trưởng thành hơn về đức tin đức cậy và đức mến.

v. Giả dạng thần lành

            Đối với một người đang tiến tới trên đàng thiêng liêng, nếu người đó biết điều gì đó là do ma qủy thì chắc chắn người đó sẽ không theo; như vậy, để làm con người đi theo đường lối tà vạy của mình, ma qủy thường hay giả dạng thần lành để dẫn đưa người đó theo lối đồi tệ của nó (LT.332).

            Nếu một ý tưởng hay một điều nào đó lúc đầu có vẻ tốt lành thánh thiện, nhưng sau đó lại làm chúng ta cầu nguyện không được: như làm chúng ta chia trí phân tâm trong cầu nguyện, làm việc cầu nguyện bị giảm sút, chúng ta thấy bối rối, không được bình an như trước, thì đó là dấu chỉ cho thấy ý tưởng hay điều đó là do ma qủy (LT.333); chúng ta hãy duyệt xét lại để rút kinh nghiệm cho lần tới, để không trúng bẫy ma qủy nữa (LT.334).

4. Tại sao tôi bị cám dỗ nhiều về điều này

 

 

HOME     LINH ĐẠO     BẠN ĐƯỜNG LINH THAO          BD1          BD2          BD3          BD4          BD5

 

Chúc bạn an vui hạnh phúc.

Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.

liempham@jesuits.net

 



[1] Gợi ý giúp xét gẫm:

1. Tôi được gì trong giờ cầu nguyện vừa qua?

Bình an? Thư thái hạnh phúc? Sốt sắng? Được đánh động ở điểm gì nhất? Được ơn gì đặc biệt?

2. Tôi có hài lòng với giờ cầu nguyện không?

3. Nguyên do làm tôi không hài lòng lắm với giờ cầu nguyện?

·         Bị chia trí? Chia trí về điều gì? Nó có phản ánh một vướng bận hay quyến luyến lệc lạc của tôi không?

·         Thiếu quảng đại? Do thiếu tình yêu?

·         Mất bình an? Dấu chỉ có trục trặc cần sửa chính mình?

4. Tâm sự với Chúa dựa vào những ơn mình nhận được hay do những lỗi lầm mình mắc phải.

[2] “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống” (Ez.33,11).

                “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (I Tm.2,4).

[3] Cũng xảy ra trường hợp có veû được an ủi, nhưng không phải là an ủi thực; trường hợp này là do ma qủy giả dạng thần lành để đánh lừa người ta (2Cor.11,14), làm người ta đi theo đường của nó, nhưng nếu theo nó, người ta sẽ cảm thấy bất an bối rối, vì không đi trên con đường Thiên Chúa muốn (LT.332-333).

[4] Xin nghèo là từ bỏ những gì ngoài mình; xin xỉ nhục khinh chê là từ bỏ chính mình. Nhiều người có thể xin được nghèo nhưng không dám xin được xỉ nhục với Chúa.

[5] Với tác động của Thiên Chúa, tự do của con người luôn được bảo toàn.

                “Xin thánh ... làm cho người em con trở lại”. Thánh... không thể làm được điều này nếu “em con” không đồng ý; nhưng Thiên Chúa có thể làm được mà người “em con” vẫn hoàn toàn tự do.

[6] Giờ cầu nguyện không tốt, tốt, hay tốt lắm, là đánh giá chủ quan hay khách quan của người cầu nguyện hay của người hướng dẫn.