HOME LINH ĐẠO
BẠN ĐƯỜNG LINH THAO BD1 BD2 BD3 BD4 BD5
BẠN
ĐƯỜNG LINH THAO
Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.
4.
Tại sao tôi bị cám dỗ nhiều về điều
này
5.
Những câu hỏi gợi ý giúp xét gẫm
Có
thể có những lúc trong đời, chúng ta cảm
thấy mình bị cám dỗ nhiều, và cảm thấy
bị cám dỗ nhiều về điều này hơn
điều kia. Tại sao vậy?
Có
thể đó là điểm yếu của tôi.
Thánh
Y-nhã viết:
”Thần dữ xử sự
như một tướng quân để thắng và
cướp những gì nó muốn. Bởi vì, một vị
chỉ huy hoặc thủ lãnh của một đạo
quân, sau khi đặt doanh trại và quan sát lực
lượng hay cách bố trí của một thành trì, sẽ
tấn công vào điểm yếu nhất.
Cũng vậy, kẻ thù của
bản tính loài người cũng lượn quanh
để quan sát các nhân đức đối thần, các
nhân đức trụ và luân lý, và nơi nào nó nhận
thấy ta yếu nhất và dễ nguy hiểm nhất cho
phần rỗi đời đời của ta, nó sẽ
tấn công vào đó để cố hạ ta” (LT.327).
Nếu tôi bị tấn công
nhiều ở điểm nào, có thể đó là
điểm yếu (nhược điểm) nhất
của tôi chăng?
ii. Tôi chưa dứt khoát chống trả
Nếu
tôi bị tấn công hay bị cám dỗ dữ dội
ở điểm nào đó, có thể tại vì tôi chưa dứt khoát thái
độ ở điểm này, tại tôi chưa dứt
khoát chống trả ma qủy và những chước cám
dỗ của nó chăng?
Thánh
Y-nhã viết:
“ Kẻ thù xử sự như
đàn bà, vì nó yếu khi ta chống trả, và nó mạnh khi
ta buông xuôi. Thực vậy, đặc điểm của
đàn bà khi gây gỗ với đàn ông, là mất can
đảm và chạy trốn khi đàn ông thẳng tay
chống trả. Còn ngược lại nếu
người đàn ông bắt đầu chạy trốn và
mất can đảm, thì cơn giận sự trả thù và
sự hung dữ của đàn bà thật lớn và không sao
lường được.
Cũng vậy, đặc
điểm của kẻ thù là yếu nhược và
mất can đảm cùng chạy trốn với những
cám dỗ của nó, khi người tập tành trong
đường thiêng liêng thẳng tay chống trả các
chước cám dỗ của kẻ thù và làm ngược
lại với các cám dỗ. Nhưng trái lại nếu
kẻ bắt đầu tập tành trên đường
nhân đức lại sợ hãi và mất can đảm
trước cuộc tấn công của cám dỗ, thì trên
mặt đất này không có con vật nào hung dữ cho
bằng kẻ thù của bản tính loài người
nhằm theo đuổi ý hướng xấu xa và vô cùng
đồi tệä của nó” (LT.325).
Có
thể bởi vì mình thiếu dứt khoát trong việc
chống trả với chước cám dỗ , và như
vậy tình yêu của mình đối với Thiên Chúa đã bị
giảm sút.
Trong
trường hợp này hãy xin lỗi Chúa, và bắt
đầu sống quảng đại hơn với Chúa
trong từng giây phút sống.
iii. Cũng là dịp để lập công, để nên thánh hơn
Khi
còn sống trong thân xác, chúng ta còn bị cám dỗ và thử
thách; những cám dỗ đó có thể là những dịp
để chúng ta diễn tả tình yêu của mình với
Thiên Chúa cách cụ thể hơn.
Không
ai được miễn trừ khỏi bị cám dỗ
và thử thách:
·
Đức
Yêsu không chỉ bị cám dỗ trong hoang địa
(Mt.4,1-11), Ngài còn bị thách thức để làm những
phép lạ từ trời, bị cám dỗ và thử thách
trong vườn dầu (Mc.14,32tt),bị thử thách cả
về đức tin ngay trên thập giá (Mc.15,34);
·
Đức
Maria không chỉ thưa tiếng xin vâng trong biến cố
truyền tin (Lc.1,26tt), nhưng còn thưa tiếng xin vâng
trong suốt cuộc đời, đặc biệt trong biến
cố Mẹ đứng dưới chân thập giá;
·
Thánh Phaolô
đã ba lần xin Chúa cất cái dằm ra khỏi xác
thịt Ngài, nhưng Ngài được trả lời
“ơn Ta đủ cho con” (2Cor.12,7-9).
Thử
thách và cám dỗ trong cuộc sống tại thế, là
thuộc thân phận làm người của chúng ta; chúng ta
hãy chấp nhận, và can đảm đương
đầu đểø vượt qua. Chúa không miễn
trừ cho chúng ta khỏi bị cám dỗ, nhưng Chúa
bảo đảm rằng nếu chúng ta tin tưởng và
cậy dựa vào Ngài, thì chúng ta sẽ chiến thắng:
“Các con hãy tin tưởng, Ta đã thắng thế gian”
(Yn.16,33).
iv. Tình yêu với Chúa đã bị suy giảm
Khi
tôi bị cám dỗ nhiều hoặc mạnh, cũng có
thể Thiên Chúa để tôi bị cám dỗ nhiều,
để tôi có nhiều dịp lập công và trưởng
thành cùng cứng cáp hơn chăng (LT.33-34.322b); nhưng có thể đó là dấu chỉ
cho thấy lòng mến của tôi đối với Thiên Chúa
đã bị giảm sút chăng?
Tình yêu được
biểu lộ qua khát vọng nên thánh và những hành
động cụ thể.
Yêu
là hành vi tự do. Sống theo bản năng, không
được lý trí hướng dẫn, thì không phải là
hành vi tự do, và như vậy không là yêu thương.
Khao
khát nên thánh[1],
ao ước thuộc trọn về Thiên Chúa, là hành vi tình
yêu.
Cứ
xem chúng ta khao khát thuộc về Chúa, khao khát nên thánh
đến mức độ nào, để chúng ta biết
chúng ta yêu Chúa như thế nào. Nếu khi xét gẫm mà chúng
ta nhận thấy chúng ta còn thiếu tình yêu đối
với Thiên Chúa hay thiếu lòng khao khát Thiên Chúa, thì hãy khiêm
tốn xin Thiên Chúa ban tình yêu của Ngài cho chúng ta.
Xin được yêu Chúa,
đó là điều chúng ta cần khiêm tốn nài xin liên
lỉ (Xem LT.234).
Quảng đại trong từng chọn
lựa thường ngày
Từ
ngữ “Tình yêu” là từ ngữ trừu tượng. Dù là
từ ngữ trừu tượng, nó vẫn diễn
tả một thực tại vô cùng phong phú được
biểu lộ bằng nhiều hành vi cụ thể.
Yêu
Thiên Chúa, là sẵn sàng để tùy Ngài muốn xếp
đặt như thế nào về con người và
cuộc đời của mình cũng được.
Sẵn sàng dâng tất cả cho
Chúa, để Chúa hoàn toàn tự do quyết định.
Yêu
Thiên Chúa, là chọn Thiên Chúa và những gì thuộc về
Thiên Chúa trên hết. Chẳng hạn trong thời gian Linh
Thao, dành tất cả thời giờ cho Thiên Chúa và cụ
thể là cầu nguyện; luôn sống với ý thức
Thiên Chúa hiện diện với mình và yêu thương mình,
luôn sống trong tâm tình của chủ đề mình đang
cầu nguyện; luôn giữ gìn ngũ quan để dễ
dàng tập trung cầu nguyện và không làm người khác
bị phân tâm chia trí; hy sinh hãm mình như dấu chỉ
muốn thuộc về Thiên Chúa hơn nữa.
Theo thánh Y-nhã,
để việc cầu nguyện được tiến
bộ, chúng ta cần lượng giá giờ cầu
nguyện; việc lượng giá này được
gọi là xét gẫm (LT.77).
i. Tôi được gì trong giờ cầu nguyện này?
·
Tôi có
được bình an thư thái không?
·
Tôi có
được thêm lòng tin cậy yêu mến Thiên Chúa không? Có
cảm nghiệm Thiên Chúa gần gũi với mình không?
·
Tôi có
nhận được “ơn xin” của bài cầu
nguyện không?[2]
·
Tôi có
được đánh động hay được
một ánh sáng gì đặc biệt không?
ii. Tôi có hài lòng với giờ cầu nguyện này không?
Câu hỏi này giúp tôi có
nhận định tổng quát về giờ cầu
nguyện. Nếu không được hài lòng lắm, thì phải tìm nguyên do
và cải thiện, để giờ cầu nguyện
tiếp sau được tốt hơn.
iii. Nếu tôi không hài lòng lắm thì đâu là nguyên do?
·
Tại tôi
thiếu cố gắng tập trung cầm trí cầu
nguyện?
·
Tôi không mau
mắn xua đuổi chia trí ngay khi tôi ý thức?
·
Phải
chăng tại tôi chưa cố gắng giữ ngũ quan
và tâm trí, và tôi chưa luôn sống với ý thức Thiên Chúa
đang hiện diện với tôi và yêu thương tôi trong
suốt cả ngày sống?
·
Tôi còn
một vướng bận hay bất hòa nào đó với
tha nhân mà chưa được giải quyết không?
·
Có một
quyến luyến lệch lạc nào đó mà tôi chưa
dứt khoát bỏ không?
·
Hay tại
tôi chưa thật sự
mong ước khao khát tìm gặp Chúa, và sống với Ngài?
·
Hay tại
tôi không sẵn sàng làm tất cả những gì Thiên Chúa
muốn?
iv. Thân thưa nói chuyện với Chúa về tình trạng tâm hồn mình
Nếu còn giờ, tôi
sẽ nói chuyện thân thưa với Chúa về thái
độ cầu nguyện của mình, về những
ơn Chúa đã ban cho trong giờ cầu nguyện, và
về những trễ nải thiếu quảng đại
với Chúa trong giờ cầu nguyện hay trong suốt ngày
sống.
Từ muôn thuở Thiên Chúa đã yêu
thương tôi, Ngài đã tạo dựng tôi, và tôi có
chỗ trong chương trình cứu độ của Thiên
Chúa. Thiên Chúa không chỉ lưu tâm cách tổng quát về
tôi, nhưng Ngài còn để ý lưu tâm đến từng
cử chỉ hành vi biến cố của tôi (Tv.139
Lc.12,6-7); chính vì thế trong từng biến cố chúng ta có
thể hỏi “Thiên Chúa muốn tôi làm gì?”.
Nếu ngay cả việc “đi
đứng nghỉ ngơi” Chúa đều biết, thì
huống hồ về bậc sống của cuộc
đời mình: Thiên Chúa đã có chương trình về tôi.
Nếu Thiên Chúa muốn gọi và chọn tôi ở bậc
sống nào, thì Ngài đã tạo dựng tôi thích hợp cho
bậc sống đó.
Lời
mời gọi “sống đời sống nào đó” có
thể được biểu lộ nơi lòng ao
ước sống đời sống đó, hoặc có
những dấu chỉ khách quan cho thấy Thiên Chúa
muốn. Nếu một người khao khát sống bậc
sống dâng hiến với ý hướng ngay lành[3],
lòng khao khát đó có thể là dấu chỉ cho thấy Chúa
gọi người đó. Nếu khát vọng này đã có khá
lâu và còn tồn tại cho tới ngày nay, thì càng cho thấy
“người đó được Chúa gọi” cách chắc
chắn hơn. Nếu trong đời người đó có
những biến cố khách quan mà người đó xác tín
rằng đó chính là Chúa bảo vệ để gọi
họ, thì càng chắc chắn hơn nữa rằng “Chúa
gọi họ”.
Lựa
chọn theo thánh Y-nhã, không phải là quyết định
theo ý thích của mình, nhưng là chọn theo Ý của Thiên
Chúa về mình.
Lựa
chọn bậc sống, không có nghĩa là mình thích bậc
sống nào thì mình chọn bậc sống đó[4],
nhưng: Thiên Chúa muốn mình sống bậc sống nào thì
mình chọn bậc sống đó.
Trong
sách Linh Thao, thánh Y-nhã đề cập đến ba
thời để làm việc lựa chọn; trong thời
thứ ba, thánh Ynhã nói tới hai cách làm việc lựa
chọn. Tuy vậy chúng ta nên cẩn thận, không phải
ai cũng làm việc lựa chọn “đúng đắn”
được, nhưng chỉ những người có cái
nhìn đúng đắn về Thiên Chúa con người và
vũ trụ, cũng như họ phải bình tâm thực
sự, thì họ mới có thể lựa chọn “đúng
đắn” được[5].
i. Nhận thức đúng đắn về mục đích đời người
Để
làm việc lựa chọn tốt, cần ý thức rõ
mục đích đời người: Thiên Chúa tạo
dựng con người để con người sống
hạnh phúc vĩnh cửu với Thiên Chúa, và muôn loài muôn
sự được tạo dựng như phương
tiện để giúp con người đi tới với
Thiên Chúa.
Bình
tâm là một điều kiện cần thiết để
làm việc lựa chọn đúng đắn và chính xác:
chọn lựa theo điều Chúa muốn chứ không
phải theo ý riêng mình thích.
Nếu
không bình tâm, thì không thể chọn lựa đúng
đắn được. Như vậy, chỉ nên cho
những người “bình tâm” được làm chọn
lựa, tức là những người chỉ muốn làm
theo ý Chúa để tôn vinh Ngài chứ không tìm hoặc
muốn làm theo ý mình[6].
Đã là người,
sống thì phải lựa chọn. Lựa chọn là chính
cuộc sống, là hành vi nhân linh, là hành vi tự do. Lựa
chọn, bao hàm con người toàn diện, gồm cả
hành vi lý trí lẫn ý chí.
Con người có lý trí.
Để sống hạnh
phúc, đối với chính mình con người cần
nhận thấy hành vi, cách sống, hay việc làm của
mình hợp lý, và trong
tương quan với Thiên Chúa con người cần
thấy việc mình làm thuận
theo Ý Chúa.
Nhận ra Ý Thiên Chúa về
mình và cảm nhận mình sống triển nở,
thường hay đi đôi với nhau; sở dĩ
vậy vì Thiên Chúa luôn yêu thương và luôn muốn con người
sống hạnh phúc.
Tôi lựa chọn bậc
sống này, vì tôi thấy bậc sống này giúp tôi sống
triển nở và hạnh phúc, vì bậc sống này thoả
mãn khát vọng sâu xa con người tôi mà bậc sống
khác không thể đáp ứng được, và như
vậy tôi xác tín Chúa gọi tôi.
Biết
và làm, đôi khi không trùng khít với nhau nơi nhiều
người. “Tri hành bất nhất”, làm cho con người
không được hạnh phúc.
Thiên
Chúa muốn ai làm điều gì, thì Ngài ban cho họ có
khả năng thực hiện điều đó. Nếu
Thiên Chúa muốn ai thực hiện điều gì đó, thì
người đó không thể nói “lực bất tòng tâm”.
Như vậy, nếu một người thấy rõ mình
không thể làm điều gì đó, hoặc không thểå tin
rằng Thiên Chúa sẽ giúp mình và cho mình có khả năng làm
điều đó, thì đó là dấu chỉ cho thấy
Thiên Chúa không muốn điều đó cho họ.
Khả
năng sống điều mình xác tín, cho thấy
điều xác tín có thể là Ý Chúa đối với
họ. Như vậy, nếu ai tin rằng (hay thấy
rằng) họ được Thiên Chúa gọi sống
đời sống dâng hiến, thì trong cuộc sống
cụ thể họ phải cảm thấy sống
thoải mái và hạnh phúc trong đời sống dâng
hiến. Không có khả năng sống đời sống
dâng hiến “một cách triển nở và hạnh phúc[8]”,
là dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa không muốn
người đó sống đời dâng hiến.
Nếu
chúng ta làm việc lựa chọn đúng, nghĩa là nếu
chúng ta chọn điều Thiên Chúa muốn cho chúng ta, thì
chúng ta sẽ bình an thư thái hạnh phúc hơn, phản
ánh tương quan tốt với Thiên Chúa.
Một
cách cụ thể, nếu chúng ta chọn lựa tốt,
chúng ta sẽ:
·
cầu
nguyện tốt, ít nhất là bằng thời gian
trước khi chọn lựa[9];
·
vui hơn;
·
bình an,
thư thái, hạnh phúc hơn.
Xét mình để nhận ra những
hồng ân Thiên Chúa đã ban cho mình, cũng như những
lỗi lầm mình đã phạm, để tạ ơn và
xin lỗi Thiên Chúa, để sống tốt hơn.
Xét mình là việc thiêng liêng rất quan trọng,
nếu muốn tiến bộ không ngừng trong đời
sống thiêng liêng và thân thiết với Thiên Chúa mỗi ngày
hơn.
Theo thói quen
người ta vẫn cho rằng xét mình chỉ nhằm
nhận ra những lỗi lầm khuyết điểm
của mình để ăn năn sám hối; tuy nhiên
việc nhận ra những
ơn lành Thiên Chúa ban cho mình trong đời sống
thường ngày rất quan trọng, để luôn
sống trong ý thức và tâm tình Thiên Chúa luôn yêu thương
và hiện diện với mình.
Nhận ra
những hồng ân Thiên Chúa ban cho mình, là dấu chỉ
của một đời sống thiết thân với Thiên
Chúa. Càng nhận biết
hồng ân Thiên Chúa, càng thuộc về Thiên Chúa hơn.
Nhận ra
những lỗi lầm của mình để sửa
đổi, là điều chính yếu của việc xét
mình.
Trong xét mình, chúng
ta không chỉ nhằm nhận ra những lỗi lầm khuyết
điểm của mình, nhưng còn nhận ra những khuynh
chiều tàng ẩn của mình, để có thể tránh
được những lỗi phạm nghiêm trọng
hơn! Tại sao tôi làm điều này chứ không phải
điều kia, ngay cả khi điều tôi làm chưa
phải là tội? Cái tàng ẩn hay khuynh chiều
đằng sau hành động đó là gì?
Tại sao tôi hay
bị cám dỗ về điều này? Tại sao tôi bị
cám dỗ về điều này dai dẳng và mãnh liệt
như vậy? Phải chăng vì tôi chưa có thái độ
hay lập trường dứt khoát với điều này
(với khuynh chiều này, với tội này)? Hay tại vì
tình yêu của tôi với Thiên Chúa đã bị phai lạt và
giảm sút? Tôi cần nhận ra những điều
đó, để có quyết định và thái độ
cụ thể nhằm tiến bộ hơn nữa trong
đời sống thiêng liêng.
Nếu có
nhiều giờ cho việc xét mình, thì sau khi đã nhận
ra những hồng ân Thiên Chúa ban và những lỗi lầm
mình đã phạm mất lòng Thiên Chúa, chúng ta nên dùng thời
gian còn lại để nói chuyện thân thưa với
Thiên Chúa dựa vào những hồng ân và những lỗi
lầm của mình. Đây là những phút cầu nguyện
dựa vào đời sống ngày qua của mình.
i. Ý thức mình hiện diện trước nhan Chúa và
kính cẩn chào Chúa
ii. Xin Thiên Chúa ban Thánh
Thần để Ngài giúp mình ...
iii. Ơn lành
·
Xin ơn
nhận ra những ơn lành mình đã nhận lãnh từ
lần xét mình lần trước cho tới bây giờ
·
Xét mình
để nhận ra những ơn lành đã lãnh nhận
·
Tạ
ơn Chúa
iv. Lỗi lầm
·
Xin ơn
để nhận ra những lỗi lầm khuyết
điểm
·
Xét mình
để nhận ra lỗi lầm của mình từ
lần xét mình lần trước cho tới bây giờ
·
Aên năn
thống hối xin lỗi Chúa
v. Tâm sự thân thưa với Chúa dựa vào những
ơn lành mình đã nhận và những lỗi lầm
khuyết điểm mình đã phạm.
Theo thánh Y-nhã, Linh
Thao gồm bốn tuần. Tuần thứ nhất cầu
nguyện về tội, tuần thứ hai về cuộc
đời Chúa Yêsu cho tới ngày Ngài được
rước vào Yêrusalem, tuần thứ ba về cuộc
tử nạn của Chúa Yêsu, và tuần thứ tư
về Chúa Yêsu Phục Sinh. Tuy vậy, vẫn còn một
số bài cầu nguyện khác, như:
·
Lời
mời của Vua Hằng Sống;
·
Các bài
cầu nguyện, tạm gọi là ngày Y-nhã;
·
Chiêm niệm
để được tình yêu ;
·
Ngoài ra còn
có những điểm phải suy nghĩ được
gọi là “Nguyên Lý và Nền Tảng” ở khởi
đầu của Linh Thao, và các chỉ dẫn để
làm việc lựa chọn ở cuối tuần thứ
hai.
Tiến trình Linh
Thao được trình bày dưới đây theo thứ
tự sau:
nếu không tính Nguyên Lý và Nền Tảng,
các bài cầu nguyện về tội và lòng nhân từ tha
thứ của Thiên Chúa, thuộc tuần nhất;
các bài cầu nguyện về Lời Mời của Vua
Hằng Sống, về cuộc đời ẩn dật,
về cuộc đời công khai của Chúa, các bài cầu
nguyện của ngày Y-nhã, việc lựa chọn,
được coi thuộc tuần hai;
các bài cầu nguyện về cuộc khổ nạn và
phục sinh của đức Yêsu, thuộc tuần ba và
bốn;
bài “Chiêm niệm để được tình yêu”
thường là bài cầu nguyện cuối cùng của Linh
Thao.
Mỗi tuần
của Linh Thao, và cụ thể là mỗi bài cầu
nguyện trong Linh Thao đều có mục đích và yêu
cầu cần đạt được. Chính vì vậy,
một người khi làm Linh Thao, cần cố gắng cầu
nguyện hết sức để “đạt yêu cầu
của từng bài”, như thể không hy vọng
đạt được gì khác ở những bài tiếp
sau (LT.11).
Vậy đâu là
mục đích và yêu cầu khi suy nghĩ và cầu
nguyện về “Nguyên Lý và Nền Tảng”?
a. Trí (biết đúng để sống đúng)
Những bài
cầu nguyện trong phần này nhằm giúp cho thao viên có
cái nhìn đúng đắn về Thiên Chúa, con người và
vũ trụ.
Thiên Chúa là nguyên lý
và nền tảng của tất cả, Ngài yêu thương
con người, Ngài tạo dựng vũ trụ vật
chất để phục vụ con người,
để con người dùng chúng như phương
tiện đến với Thiên Chúa.
Làm sao để
sau những bài cầu nguyện này, thao viên cảm thấy
bình tâm trước mọi tạo vật.
Bình tâm không
đơn thuần là dửng dưng trước mọi
sự, nhưng chủ yếu là chọn
Thiên Chúa trên tất cả. Bất
cứ điều nào làm vinh danh Thiên Chúa hơn thì mình
chọn; còn những gì làm vinh danh Chúa ngang nhau, thì mình
không ham muốn điều này hơn điều kia;
chẳng hạn, nếu làm vinh danh Chúa ngang nhau, thì tôi không
chọn giầu có hơn nghèo hèn, danh vọng hơn xỉ
nhục, sống lâu hơn chết yểu,...
Chọn Thiên Chúa trên tất cả, chọn làm vinh danh
Thiên Chúa hơn những gì khác, đó là điểm chính
yếu của bình tâm. Làm sao sau khi cầu nguyện
những bài về Nguyên Lý và Nền Tảng, thao viên cảm
thấy mình sẵn sàng chọn Thiên Chúa và những gì
thuộc về Ngài trên tất cả những gì khác trong
cuộc sống của mình.
HOME LINH ĐẠO
BẠN ĐƯỜNG LINH THAO BD1 BD2 BD3 BD4 BD5
Chúc
bạn an vui hạnh phúc.
Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.
[1] Khao khát nên thánh, là hành vi đã được lý trí tự do hướng dẫn.
[2] Mỗi bài cầu nguyện đều có ơn xin, có thể coi như yêu cầu của bài cầu nguyện.
[3] Không vị lợi, có cái nhìn trưởng thành về đời sống gia đình và dâng hiến, không bị quyến luyến lệch lạc chi phối.
[4] Lấy con người cảm tính của mình làm tiêu chuẩn chọn lựa.
[5] Như vậy không nên lạm dụng cách chọn lựa theo thánh Y-nhã, như thể cứ làm theo cách thức đó, thì đã là làm việc lựa chọn đúng đắn!
[6] Nếu ai đó không bình tâm mà làm lựa chọn, thì cuộc chọn lựa đó không được coi là cuộc chọn lựa có giá trị.
[7] Ở một nghĩa nào đó, không quyết định cũng là quyết định, không chọn lựa cũng là chọn lựa.
Nếu không thấy rõ thì đừng quyết định. Cụ thể, trong trường hợp lựa chọn bậc sống, nếu không thấy rõ Chúa muốn mình sống bậc sống khác, thì cứ sống trong bậc sống mình đang sống.
[8] Điều này không muốn nói rằng người đó không bị đau khổ hoặc thập giá trong cuộc sống.
[9] Đương nhiên phải hiểu là nếu chúng ta vẫn quảng đại với Chúa: vẫn luôn kết hiệp với Chúa liên lỉ trong suốt ngày sống, vẫn luôn giữ tâm trí và giữ gìn ngũ quan.
Nếu sau chọn lựa mà chúng ta cầu nguyện dở hơn trước dù chúng ta vẫn quảng đại với Chúa như trước, thì phải tìm nguyên do, cũng có thể tại mình chọn điều Chúa không muốn.