HOME     LINH ĐẠO     ĐỂ TỰ DO VÀ HẠNH PHÚC HƠN       HPH1       HPH2       HPH3       HPH4       HPH5

 

 

ĐỂ TỰ DO VÀ HẠNH PHÚC HƠN

 

Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.

 

 

DẪN NHẬP.. 1

PHẦN  MỘT: ĐỂ  LÀM  LINH  THAO.... 3

A. LINH  THAO    GÌ?. 3

1). Tĩnh tâm theo phương pháp của thánh Y-Nhã. 3

2).  Thời điểm gặp gỡ và sống với Thiên Chúa. 5

B. ĐIỀU KIỆN NỘI TÂM ĐỂ LÀM LINH THAO.. 7

1). Khao khát nên thánh. 7

2). Lòng quảng đại 7

C.  TRONG  LINH  THAO.. 9

1). Những việc phải làm.. 9

2). Lòng quảng đại được cụ thể hóa. 9

PHẦN  HAI: NHÂN  HỌC THIÊNG  LIÊNG.... 10

 

 

DẪN NHẬP

            [HVVT1]            

            Đã là người, ai lại không khao khát hạnh phúc? Con người mong ước sống hạnh phúc ngay giây phút hiện tại; và hơn nữa, người ta còn mơ ước làm sao sống hạnh phúc trọn đời và vĩnh viễn nữa! Ao ước sống hạnh phúc như thể thuộc bản chất con người.

 

            Giầu sang, danh vọng , chức quyền, cũng không mang lại cho con người hạnh phúc đích thực! Có biết bao người “lắm tiền nhiều bạc” đau khổ; có  không ít người “danh tiếng” khổ đau; và có nhiều người  “có chức có quyền” vẫn không hạnh phúc!

            Kinh nghiệm sống cho thấy, có bao người lầm tưởng rằng tiền bạc sẽ mang lại hạnh phúc. Họ chủ trương: “có tiền mua tiên cũng được..., đồng tiền là Tiên là Phật...”; và họ đã miệt mài đi tìm và thu tích của cải; nhưng rồi họ thất vọng chán nản vì ... họ thấy họ đã sai lầm!

            Nhiều người đi tìm công danh tăm tiếng, nhưng có những người từng trải đã kinh nghiệm: “cái vòng danh lợi cong cong, kẻ hòng ra khỏi người mong được vào”!

 

            Đói làm người ta khổ, đau cũng làm con người khổ, và sầu cũng làm người ta khổ...! Chính quyền cũng như  những người thiện chí, luôn bận tâm tìm công ăn viêc làm cho bao  người, để con người có một cuộc sống sung túc hơn. Có bao người đang nỗ lực giúp con người  vượt qua nỗi đau nỗi sầu của mình, để con người bớt khổ hơn. Nhưng kinh nghiệm cho thấy: sự sung túc  về vật chất cũng như những nỗ lực bên ngoài không đủ làm cho con người được thư thái, bình an, hạnh phúc.

 

            Con người chỉ được hạnh phúc đích thực khi sống đúng tương quan của mình với Thiên Chúa, với anh em đồng loại, và với tạo vật. Con người sống  hạnh phúc đích thực khi con người chấp nhận sống như Thiên Chúa muốn, khi con người sử dụng tạo vật như Thiên Chúa muốn , khi con người yêu thương anh em đồng loại và Thiên Chúa như chính Thiên Chúa muốn, khi con người sống yêu thương như  Thiên Chúa là Đấng luôn yêu thương.

 

            Thiên Chúa yêu thương con người , và mãi mãi yêu thương con người. Ngài muốn  con người sống hạnh phúc với Ngài, không chỉ ở đời sau mà ngay cả ở đời này nữa. Thiên Chúa luôn luôn hành động trong dòng lịch sử và nơi tâm hồn mỗi người, để đưa con người trở về với Ngài, để làm con người thuộc về Ngài, để con người được hạnh phúc đích thực.

 

            Linh Thao là một phương tiện, là một môi trường mà Thiên Chúa dùng, để làm con người thuộc về Ngài, để làm con người sống hạnh phúc.

            Nhằm giới thiệu Linh Thao và để làm Linh Thao dễ dàng hơn mà tập sách này được hình thành. Nó gồm bốn phần:

·        phần thứ nhất bàn về những điều cần biết  để làm Linh Thao,

·        phần thứ hai bàn về nhân học thiêng liêng,

·        phần thứ ba về tiến trình Linh Thao,

·        và thứ tư là phần phụ thêm gồm một số bài như những điểm gợi ý giúp cầu nguyện.


 

PHẦN  MỘT: ĐỂ  LÀM  LINH  THAO

 

            Linh Thao là gì?

Đâu là điều kiện cần thiết để làm Linh Thao?

Trong Linh Thao, cụ thể người ta phải làm gì?

Đó là những mục sẽ được đề cập đến trong phần một này.

 

A. LINH  THAO    GÌ?

1). Tĩnh tâm theo phương pháp của thánh Y-Nhã

            Linh Thao là gì? Đóù  là cuộc tĩnh tâm hay cấm phòng theo phương pháp của thánh Y-nhã Loyola Dòng Tên[1]. Nhưng, cuộc tĩnh tâm hay cấm phòng này có gì khác  so với những cuộc tĩnh tâm hay cấm phòng khác?

a). Cuộc tĩnh tâm có nhiều giờ để cầu nguyện

            Tôi đã nghe một nữ tu đã đi linh thao trả lời với một bạn cùng một Dòng, khi nữ  tu này muốn biết về Linh Thao: “Linh Thao là cuộc tĩnh tâm trong đó người ta không nói chuyện, và có nhiều giờ cầu nguyện hơn những cuộc tĩnh  tâm “bình thường” khác”.

b). Cuộc tĩnh tâm có hướng dẫn riêng

            Một nữ tu nói với tôi: “Chúng con không hiểu tại sao các tu sĩ Dòng Tên không chịu giúp Linh Thao cho một số đông khoảng ba bốn chục người trong một khóa? Chúng con thấy Linh Thao rất tốt, chúng con muốn cho nhiều chị em được tham dự, nhưng vì bị giới hạn số người nên có ít chị em được tham dự; Thật lòng, chúng con sẵn sàng theo mọi kỷ luật của Linh Thao: chúng con sẽ cầu nguyện  đủ bốn hoặc năm lần mỗi ngày, và sẽ cầu nguyện mỗi lần đủ một giờ, chúng con cũng sẽ giữ im lặng suốt ngày trọn khóa Linh Thao...; xin quý cha quý thầy mở rộng cho một số đông người được  dự trong một khóa Linh Thao!”.

            Theo ý riêng của tôi, không thể thỏa mãn lời đề nghị trên! Tại sao?

i). Giúp Linh Thao không chỉ là cho điểm gợi ý cầu nguyện

            Có lần đi xuống miền tây giúp Linh Thao cho một Dòng nọ, gặp một người phát biểu: “Tại sao lại phải vất vả mời một tu sĩ ở xa như vậy tới giúp Linh Thao? Ai giảng mà chẳng được? Hoặc một linh mục nào đó, và thậm chí ngay cả một dì cũng giảng được mà!”.

            Đúng là một dì phước cũng có thể giảng, và giảng hay nữa chứ ; và một linh mục nào đó cũng có thể giúp tĩnh tâm, và giúp tĩnh tâm tốt; nhưng như vậy, chưa có nghĩa là người đó có thểå giúp LinhThao ! Tại sao vậy?

            Không phải hễ ai có thể giảng hoặc giảng hay,  đều là người “giúp Linh Thao” được! Bởi vì, nếu Linh Thao chỉ là giảng, thì người ta có thể thu băng những bài giảng “hay”, và cho những người muốn làm Linh Thao nghe lại; hoặc người ta có thể chuẩn bị và cho đánh máy lại những bài giảng hay, rồi phổ biến cho những người muốn làm Linh Thao. Và nếu hiểu Linh Thao như vậy, thì  một người có thể giúp một khóa Linh Thao mà không phải giới hạn số người!

ii). Giúp đỡ các linh hồn qua hướng dẫn thiêng liêng

            “Giúp Linh Thao”, không phải chỉ là cho điểm gợi ý giúp cầu nguyện (LT.2), nhưng còn là gặp gỡ giữa thao viên và người đồng hành (LT. 17.22), nhằm giúp người tập Linh Thao đạt được kết qủa mong ước. Thế nên, để có thể giúp Linh Thao, người đó phải có khả năng “giúp đỡ các linh hồn”; nghĩa là, người đó phải có kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa (để hy vọng có thể giúp người khác gặp gỡ Thiên Chúa), người đó phải có kinh nghiệm hoặc được học biết rằng Thiên Chúa luôn luôn tự do dẫn đưa con người đến với Ngài theo con đường của Ngài (để người đó không dập tắt Thần Khí), và người đó cũng phải có kinh nghiệm thiêng liêng nhận biết tác động của các thần khác nhau (để giúp người ta nhận ra Ý Chúa).

            Để giúp Linh Thao, người đó phải có phán đoán đúng đắn. Nếu phán đoán sai lầm, thì không những không giúp mà còn làm hại người được giúp nữa. Giúp Linh Thao là một nghệ thuật, và là một nghệ thuật tuyệt vời! Không phải ai cũng có thể làm được điều này.

            Gặp gỡ trao đổi để giúp đỡ, là một yếu tố quan trọng và không thể thiếu trong Linh Thao[2]. Và như vậy, học biết “giúp đỡ các linh hồn” qua Linh Thao, không là chuyện dễ dàng, và điều này không thể học biết trong thời gian “một sáng một chiều”. Không thể tách Linh Thao khỏi “hướng dẫn thiêng liêng”: Ai không biết “hướng dẫn thiêng liêng” thì không thể giúp  Linh Thao[3].

c).  Việc thiêng liêng có một tiến trình

            Linh Thao là gì?

            Thánh Y-nhã trả lời: “Hai tiếng Linh Thao  ở đây được hiểu là mọi cách xét mình, suy gẫm, chiêm niệm, cầu nguyện bằng miệng lưỡi hay bằng tâm trí, và các việc thiêng liêng khác như sẽ nói sau. Vì như  đi dạo, đi bộ, chạy, là  thể thao, thì cũng thế, được gọi là Linh Thao tất cả những cách dọn và chuẩn bị linh hồn để xa bỏ những quyến luyến lệch lạc, và sau khi đã xa bỏ các quyến luyến lệch lạc thì tìm và tìm thấy Ý Chúa trong cách sắp đặt cuộc đời nhằm cứu rỗi linh hồn mình”(LT.1).

i). Linh Thao là các việc thiêng liêng       

            Theo thánh Y-nhã, ở một nghĩa rất rộng, tất cả các hành vi hoạt động thiêng liêng đều được gọi là Linh Thao.

            Với một nghĩa hẹp hơn, Linh Thao là những  hành vi hoạt động thiêng liêng có mục đích “xa bỏ quyến luyến lệch lạc...và tìm kiếm Thánh Ý Chúa”.

ii). Có một tiến trình

            Với nghĩa hẹp hơn nữa, Linh Thao là những bài cầu nguyện theo một tiến trình: “Những Linh Thao sau đây gồm có bốn tuần, tương ứng với bốn phần được phân chia như sau: tuần thứ nhất suy xét và chiêm niệm về các tội lỗi, tuần thứ hai về cuộc đời đức Kitô Chúa chúng ta cho đến hết ngày lễ lá, tuần thứ ba về cuộc thương khó của đức Kitô Chúa chúng ta, tuần thứ tư về sự sống lại và lên trời, thêm bản chỉ dẫn ba cách cầu nguyện... tuy nhiên sẽ kết thúc trong khoảng hơn kém ba mươi ngày”(LT.4).

            Gút lại, Linh Thao không chỉ là những hành vi hoạt động thiêng liêng bất kỳ nào đó, mà còn là những hành vi hoạt động thiêng liêng có một tiến trình và nhắm  mục đích rõ ràng.

2).  Thời điểm gặp gỡ và sống với Thiên Chúa

            Linh Thao không là một khóa thần học nhằm cung cấp những kiến thức mới lạ về Thiên Chúa, nhưng  là một thời gian  đặc biệt để sống với Thiên Chúa.

            Nơi Linh Thao, con người ước muốn, khao khát gặp gỡ và cảm nghiệm Thiên Chúa, và một khi được gặp gỡ và cảm nghiệm Thiên Chúa, thì được Ngài biến đổi.

a). Gặp gỡ và cảm nghiệm Tình Yêu

            Linh Thao là hành trình tìm kiếm Thiên Chúa, và chính Thiên Chúa làm cho con người được gặp gỡ Ngài, và cũng chính Thiên Chúa làm cho con người  cảm nghiệm tình yêu của Ngài đối với  con người, cũng chính Thiên Chúa biến đổi cung cách suy nghĩ, con tim tình cảm, ước muốn khát vọng của con người, làm con người trở nên giống Thiên Chúa, giống đức Kitô mỗi ngày một hơn.

b). Để thắng mình

            Trong  kinh nghiệm sống, ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm “tri hành bất nhất”, ước muốn một điều nhưng dường như... không thực hiện được! Linh Thao không chỉ giúp con người nhận ra chân lý, nhận ra Ý Chúa, nhưng còn là phương tiện Thiên Chúa dùng để giúp con người thực hiện Ý Chúa. Nói bằng ngôn từ của thánh Y-nhã: “Linh Thao để thắng  mình và tổ chức cuộc đời cho có trật tự mà không quyết định theo một tình cảm lệch lạc nào” (LT.21).

c). Kinh nghiệm tìm kiếm và thi hành thánh ý Thiên Chúa của Y-nhã

            Trước năm 1521 (khi ngài khoảng 30 tuổi), Y-nhã đã sống khá phóng túng. Với  biến cố bị thương ở Pampeluna và thời gian sau đó, đặc biệt thời gian tại Manresa, Y-nhã đã có kinh nghiệm với Thiên Chúa và được Ngài biến đổi. Kể từ thời điểm đó, Y-nhã say mê giúp đỡ các linh hồn bằng chính kinh nghiệm mà Ngài đã được Thiên Chúa dạy dỗ, và kinh nghiệm này được gọi là Linh Thao.

            Tập sách nhỏ mang tựa đề “LINH THAO” được in lần đầu tại Roma năm 1548, và với phép của đức giáo hoàng Phao-lô III, nhằm tránh mọi dị nghị và chỉ trích. Sở dĩ thánh Y-nhã làm như vậy, là  để phụng sự Thiên Chúa và giúp đỡ các linh hồn hữu hiệu hơn; bởi vì kinh nghiệm cho thấy thánh Y-nhã đã bị ngăn cản và phiền hà nhiều trong việc giúp đỡ các linh hồn bằng Linh Thao: Ngài đã từng bị hỏi cung, bị cầm tù, bị cấm giảng dạy chuyện thiêng liêng và giúp đỡ các linh hồn,...!

            Kinh nghiệm nhận định các thần, lòng hoán cải thật sự, ao ước khao khát bắt đầu một đời sống phụng sự Thiên Chúa bằng việc giúp đỡ các linh hồn, tình yêu đặc biệt đối với đức Yêsu đến độ ao ước khao khát được trở nên giống Ngài trong khó nghèo khổ nhục, là những kinh nghiệm đặc biệt của Y-nhã và là đặc sủng  Linh Thao.

                       

            Chúng ta đã tìm hiểu Linh Thao là gì, bây giờ trong những đoạn tiếp sau, chúng ta sẽ tìm hiểu đâu là những điều kiện cần để có thể làm một cuộc Linh Thao tốt.


B. ĐIỀU KIỆN NỘI TÂM ĐỂ LÀM LINH THAO

            Có phải tất cả mọi người đều có thể làm Linh Thao được không?

            Tôi có biết một vài vị có trách nhiệm huấn luyện trong  một Dòng nọ, sau khi làm Linh Thao có kết qủa tốt, các vị đó muốn cho tất cả những thành viên trong Dòng đi Linh Thao, nhưng kết qủa không khả quan lắm! Tại sao vậy?

            Có người sau khi đi dự một khóa Linh Thao, liền nghĩ ngay rằng họ đã biết “đủ” về Linh Thao, và thấy rằng Linh Thao cũng “thường” thôi! Một người khác không muốn đi Linh Thao thì lập luận: “Đi Linh Thao cũng đâu có ích gì! Cứ  nhìn  bạn X thì biết!”. Một người có trách nhiệm trong một Dòng bận tâm: “Khi tĩnh tâm hoặc khi Linh Thao thì sốt sắng, nhưng sau một thời gian trở về cuộc sống thường ngày thì lại sống như bình thường. Làm sao để các tu sĩ được biến đổi thực sự?”.  Trả lời sao đây?

1). Khao khát nên thánh

a). Thiếu lòng khao khát sống tốt hơn, không thể làm Linh Thao 

            Không phải ai cũng làm Linh Thao được. Có những người chỉ có thể làm được tuần thứ nhất của Linh Thao: “Phải đề ra cho mỗi người việc gì có thể giúp họ và làm ích cho họ hơn, tùy theo mức độ họ sẵn sàng đón nhận. Bởi vậy đối với một người muốn cố gắng học hỏi và thỏa mãn linh hồn tới một mức độ nào đó, thì có thể đề nghị cho họ việc xét mình.... không nên dẫn đưa họ vào việc chọn bậc sống và những việc Linh Thao khác ngoài khuôn khổ tuần thứ nhất” (LT.18).

            Những người chỉ ao ước tiến bộ tới một mức độ nào đó, không thể làm trọn vẹn Linh Thao được! Đúng ra phải nói: không nên cho những người như vậy làm Linh Thao, vì không chắêc thu lượm được nhiều kết qủa như  mình mong ước, và nhất là khi không có nhiều giờ để giúp họ; và nếu là cuộc Linh Thao cho một nhóm người, thì những người “không có thái độ nội tâm tương ứng” này có thể phá hủy bầu khí thiêng liêng, và làm ảnh hưởng gây kết qủa xấu cho khóa Linh Thao.

b). Ao ước khao khát nên trọn lành hơn nữa

            Để có thể làm trọn vẹn Linh Thao, cần phải có thái độ nội tâm cần thiết: lòng khao khát thuộc trọn về Chúa, ao ước nên trọn lành, ước mong nên thánh.

2). Lòng quảng đại

            Lòng quảng đại là thái độ duy nhất cần thiết để chuẩn bị và làm Linh Thao.

a). Dâng trót con người mình cho Chúa

             Thánh Y-nhã nói: “Người luyện tập Linh Thao sẽ được nhiều ích lợi nếu bước vào với lòng quảng đại và hào hiệp với Đấng Tạo Hóa và Chúa mình, dâng trót cho Ngài cả ý muốn và tự do của mình cho Chúa Chí Tôn, để mặc Ngài sử dụng chính mình cũng như mọi sự mình có theo Thánh Ý Ngài” (LT.5).

b). Để tùy Chúa làm tất cả những gì Ngài muốn

            Quảng đại, theo ngôn từ của thánh Y-nhã, là thái độ sẵn sàng để Chúa làm bất cứ điều gì Ngài muốn về mình; Mình sẵn sàng mở lòng ra trước tác động của Thánh Thần, để tùy Chúa lôi kéo mình, và mình sẵn sàng đáp trả mọi đòi hỏi của thánh ý Chúa. Quảng đại, hàm chứa tin tưởng và phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa để Ngài định đoạt về đời mình, để Ngài làm cho mình những gì Ngài muốn; và chắc chắn đó là điều tốt nhất đối với mình.

            Khao khát nên thánh , lòng quảng đại sẵn  sàng thực hành tất cả những gì Chúa muốn về mình, là yếu tố cần thiết để làm Linh Thao.

c). Kết qủa của Linh Thao được thể hiện trong cuộc sống

            Một người làm Linh Thao mà không thấy sống tốt hơn, nên xem người đó có đạt được kết qủa của Linh Thao không?

·        Người đó có lòng khao khát nên thánh và  quảng đại với Chúa không ?

·        Người đó có đạt yêu cầu của từng giai đoạn Linh Thao không? Một người có thể đã trải qua bẩy ngày,hoặc tám ngày, hoặc mười ngày Linh Thao, nhưng nếu người đó thực sự chưa đạt được kết qủa của từng bước của Linh Thao, người đó chưa có kinh nghiệm Linh Thao thực sự! Linh Thao được chia làm bốn tuần, và mỗi tuần đều có yêu cầu cần phải đạt. Nếu không đạt được yêu cầu này, không nên qua tuần khác. Chính vì vậy, Linh Thao thuở ban đầu theo thánh Y-nhã được giúp riêng cho từng người một, vì tùy theo nhu cầu và sự tiến bộ của mỗi người mà vị hướng dẫn cho những bài Linh Thao thích hợp (LT.17).

·        Linh Thao chỉ là khởi đầu của một đời sống “quảng đại" với Chúa hơn. Nếu con người không cố gắng liên tục trong đời sống mỗi ngày, thì con người có thể lạm dụng tự do Thiên Chúa ban để phản bội Ngài. Để nên thánh trong cuộc sống thường ngày, chúng ta phải cố gắng liên tục, phải liên tục vượt qua chính mình, phải cầu xin Chúa làm cho mình yêu Chúa, và cụ thể là quảng đại với Chúa liên tục trong cuộc sống thường ngày hơn.


C.  TRONG  LINH  THAO

            Cụ thể, trong Linh Thao, người ta phải làm gì? Và lòng quảng đại phải được thực hiện như thế nào?

1). Những việc phải làm

            a). Cầu nguyện

            Mục đích của Linh Thao là gặp gỡ Thiên Chúa, sống thân thiết và hạnh phúc với Thiên Chúa, để Thiên Chúa biến đổi và làm mình thuộc trọn về Thiên Chúa.

            Trong cầu nguyện, con người ý thức mình hiện diện trước nhan thánh Chúa, lắng nghe Chúa nói trong tâm trí, tâm sự thân thưa với Chúa. Chúa nói với mình  về chính mình và về Chúa, đểø mình biết mình hơn và biết Chúa hơn, biết mình là con người “tội lỗi” nhưng vẫn được Thiên Chúa yêu thương vô cùng.

            Trong Linh Thao, lắng nghe Chúa nói, để Lời Chúa tra vấn soi chiếu tận tâm khảm thâm sâu lòng mình, và sẵn sàng vâng phục Thánh Thần để thay đổi chính mình, là điều quan trọng nhất.

            b). Điểm cầu nguyện

            Để  cầu nguyện dễ dàng hơn và đạt được mục đích hơn, người làm Linh Thao phải dành thời gian để chuẩn bị nội dung cho việc cầu nguyện. Nếu là cuộc Linh Thao có hướng dẫn, thì đề tài cầu nguyện thường được người hướng dẫn gợi ý (LT.2), còn nếu là cuộc Linh Thao “không có người hướng dẫn” thì người làm Linh Thao sẽ tự mình làm công việc này.

            c). Xét gẫm

            Sau khi cầu nguyện, người làm Linh Thao sẽ dùng khoảng 15 phút để lượng giá hay kiểm điểm xem giờ cầu nguyện vừa qua có kết qủa như thế nào, có đạt được kết qủa như mình mong ước không? Nếu cầu nguyện tốt, thì tạ ơn Chúa; còn nếu không tốt lắm, thì xem đâu là nguyên do, và cố gắng sửa chữa để giờ cầu nguyện tiếp theo được tốt hơn. Việc xét gẫm rất quan trọng, người làm Linh Thao phải làm thật nghiêm túc nếu không sẽ không đạt  nhiều kết quả (LT.77).

            d). Xét mình

            Xét mình là việc thiêng liêng rất quan trọng đối với thánh Y-nhã. Ngài đề nghị xét mình một ngày hai lần, và trong hai lần xét mình “chung” này,  sẽ xem xét “cách riêng” lòng quảng đại của mình với Thiên Chúa (LT.32tt; 24.90).

2). Lòng quảng đại được cụ thể hóa

            Quảng đại, chính là tình yêu của mình đối với Thiên Chúa. Lòng quảng đại được biểu lộ một cách cụ thể trong chính cuộc sống, trong từng hành vi cụ thể của chúng ta, và trong trọn cả ngày sống.

            a). Giữ ngũ quan

            Linh Thao là thời gian đặc biệt mà người làm Linh Thao muốn dành trọn vẹn cho Thiên Chúa. Thế nên, người làm Linh Thao sẽ cầm giữ ngũ quan để không bị những tác động bên ngoài chi phối: giữ con mắt, lỗ tai, miệng lưỡi. Để nếu cần, nghe như không nghe, nhìn nhưng như không nhìn, không nói khi không thực sự cần phải nói.

            b). Giữ tâm trí

            Người làm Linh Thao gạt bỏ mọi bận tâm thường ngày cũng như những gì không phải suy nghĩ, để dành tất cả thời gian và con người mình cho Thiên Chúa trong những ngày này.

            Người làm Linh Thao gạt bỏ những tư tưởng "chia trí" và “không hợp” không chỉ trong giờ cầu nguyện, mà còn cả trong suốt ngày sống nữa. Tuy vậy, trong lúc xét gẫm và xét mình, người làm Linh Thao phải tìm hiểu nguyên do tại sao mình lại hay bị chia trí và thường bị bận tâm về những điều đó, để có thể nhận biết về mình hơn.

 

            c). Ý thức sống trước nhan Chúa

            Trong thời gian Linh Thao, người tĩnh tâm luôn sống dưới con mắt Chúa, luôn ý thức Chúa đang hiện diện với mình và đang yêu thương mình, và luôn sống trong tâm tình của mầu nhiệm mình đang cầu nguyện suốt cả ngày.

 

PHẦN  HAI:
NHÂN  HỌC THIÊNG  LIÊNG

 

HOME     LINH ĐẠO     ĐỂ TỰ DO VÀ HẠNH PHÚC HƠN       HPH1       HPH2       HPH3       HPH4       HPH5

 



[1] Dòng Tên được thánh Y-nhã Loyola, thánh Phanxicô Xavier, chân phước Phêrô Favre và mấy bạn khác nhận định để thành lập vào mùa chay năm 1539, và được đức giáo hoàng Phaolô III phê chuẩn bằng trọng sắc Regimini ngày 27.09.1540.

                Dòng này được gọi là Dòng Tên vì cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) thuộc Dòng Tên, và các bạn thừa sai khác cũng thuộc Dòng Tên , đã thích nghi cách gọi Dòng theo nền văn hóa dân tộc Việt Nam khi các Ngài tới truyền giáo ở Việt Nam. Sát nghĩa thì Dòng này phải được gọi là Dòng Yêsu ( Societas Iesu, Society of Jesus, Compagnie de Jésus), nhưng vì người Việt Nam không có thói quen gọi tên tục một người đáng kính, nên các cha thừa sai “Việt Nam hóa” đó tự giới thiệu  họ là những người thuộc Dòng Tên.

                Các thừa sai Dòng Tên tới Việt Nam vào năm 1615, còn cha Đắc Lộ tới miền Nam Việt Nam vào ngày 27.12.1624 ( Xem LM. NGUYỄN HỒNG, Lịch sử Truyền Giáo ở Việt Nam, q.1: Các cha thừa sai Dòng Tên 1615-1665, HIỆN TẠI  1959, trang 92.94).

 

[2]Nếu không có điều này, thì đây  là cuộc tĩnh tâm hay cấm phòng “ít người” chứ không phải là Linh Thao. Linh Thao là cuộc tĩnh tâm có hướng dẫn theo phương pháp của thánh Y-nhã.

                Khi nói như vậy, người viết không hề có ý muốn nói: “cuộc tĩnh tâm đó không có nhiều ích lợi”, và cũng không hề có tư tưởng đánh gía thấp các cuộc tĩnh tâm đó  một chút nào. Cuộc tĩnh tâm đó có thể rất tốt.

[3]Linh Hướng là một nghệ thuật, một nghệ thuật vượt các nghệ thuật (l’art des arts). Xem JOSEPH STIERLI,SI, L’art de la direction spirituelle, trong L’accompagnement  spirituel, tạp chí CHRISTUS số 153 hors série, PARIS 1992, trang 39.