HOME     LINH ĐẠO     ĐỂ TỰ DO VÀ HẠNH PHÚC HƠN       HPH1       HPH2       HPH3       HPH4       HPH5

 

 

ĐỂ TỰ DO VÀ HẠNH PHÚC HƠN

 

Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.

 

 

PHẦN BA: TIẾN  TRÌNH  LINH  THAO.... 1

A.  NGUYÊN    VÀ NỀN  TẢNG.. 2

1). Mục đích và yêu cầu. 2

2). Những đoạn văn Kinh Thánh có thể dùng  để cầu nguyện trong chủ đề này. 3

3). Ghi chú. 3

B.  TỘI 5

1). Mục đích và yêu cầu. 5

2). Những đoạn Kinh Thánh dùng cầu nguyện. 7

3). Ghi chú. 7

C.  LỜI  MỜI  GỌI  CỦA VUA  HẰNG  SỐNG.. 11

1). Mục đích và yêu cầu. 11

2). Những đoạn Kinh Thánh có thể dùng. 11

3). Ghi chú. 12

D. LỜI THIÊN CHÚA THỰC HIỆN SỨ MẠNG CHA TRAO PHÓ.. 15

 

PHẦN BA:
TIẾN  TRÌNH  LINH  THAO

           

            Theo thánh Y-nhã, Linh Thao gồm bốn tuần. Tuần thứ nhất cầu nguyện về tội, tuần thứ hai về cuộc đời Chúa Yêsu cho tới ngày Ngài được rước vào Yêrusalem, tuần thứ ba về cuộc tử nạn của Chúa Yêsu, và tuần thứ tư về Chúa Yêsu Phục Sinh. Tuy vậy, vẫn còn một số bài cầu nguyện khác, như:

·        Lời mời của Vua Hằng Sống;

·        Các bài cầu nguyện, tạm gọi là ngày Y-nhã;

·        Chiêm niệm để được tình yêu ;

·        Ngoài ra còn có những điểm phải suy nghĩ được gọi là “Nguyên Lý và Nền Tảng” ở khởi đầu của Linh Thao, và các chỉ dẫn để làm việc lựa chọn ở cuối tuần thứ hai.

            Tiến trình Linh Thao được trình bày dưới đây theo thứ tự sau:
nếu không tính Nguyên Lý và Nền Tảng,
các bài cầu nguyện về tội và lòng nhân từ tha thứ của Thiên Chúa, thuộc tuần nhất;
các bài cầu nguyện về Lời Mời của Vua Hằng Sống, về cuộc đời ẩn dật, về cuộc đời công khai của Chúa, các bài cầu nguyện của ngày Y-nhã, việc lựa chọn, được coi thuộc tuần hai;
các bài cầu nguyện về cuộc khổ nạn và phục sinh của đức Yêsu, thuộc tuần ba và bốn;
bài “Chiêm niệm để được tình yêu” thường là bài cầu nguyện cuối cùng của Linh Thao.

 

A.  NGUYÊN    VÀ NỀN  TẢNG

            Theo nhận định của các nhà nghiên cứu về Linh Thao, “Nguyên Lý và Nền Tảng” không có nguồn gốc tại Manresa, nó hình thành sau, khi thánh Y-nhã học tại Paris. Tuy vậy “Nguyên Lý và Nền Tảng” vẫn thuộc Linh Thao, vì nó là cái nhìn tổng quát về vũ trụ, con người và Thiên Chúa, và vì nó là cái nhìn nền tảng để làm Linh Thao.

1). Mục đích và yêu cầu

            Mỗi tuần của Linh Thao, và cụ thể là mỗi bài cầu nguyện trong Linh Thao đều có mục đích và yêu cầu cần đạt được. Chính vì vậy, một người khi làm Linh Thao, cần cố gắng cầu nguyện hết sức để “đạt yêu cầu của từng bài”, như thể không hy vọng đạt được gì khác ở những bài tiếp sau (LT.11).

            Vậy đâu là mục đích và yêu cầu khi suy nghĩ và cầu nguyện về “Nguyên Lý và Nền Tảng”?

a). Trí  (biết đúng để sống đúng)

            Những bài cầu nguyện trong phần này nhằm giúp cho thao viên có cái nhìn đúng đắn về Thiên Chúa, con người và vũ trụ.

            Thiên Chúa là nguyên lý và nền tảng của tất cả, Ngài yêu thương con người, Ngài tạo dựng vũ trụ vật chất để phục vụ con người, để con người dùng chúng như phương tiện đến với Thiên Chúa.

b).  Tâm  (bình tâm)

            Làm sao để sau những bài cầu nguyện này, thao viên cảm thấy bình tâm trước mọi tạo vật.

            Bình tâm không đơn thuần là dửng dưng trước mọi sự, nhưng chủ yếu là chọn Thiên Chúa trên tất cả. Bất cứ điều nào làm vinh danh Thiên Chúa hơn thì mình chọn; còn những gì làm vinh danh Chúa ngang nhau, thì mình không ham muốn điều này hơn điều kia; chẳng hạn, nếu làm vinh danh Chúa ngang nhau, thì tôi không chọn giầu có hơn nghèo hèn, danh vọng hơn xỉ nhục, sống lâu hơn chết yểu,...

            Chọn Thiên Chúa trên tất cả, chọn làm vinh danh Thiên Chúa hơn những gì khác, đó là điểm chính yếu của bình tâm. Làm sao sau khi cầu nguyện những bài về Nguyên Lý và Nền Tảng, thao viên cảm thấy mình sẵn sàng chọn Thiên Chúa và những gì thuộc về Ngài trên tất cả những gì khác trong cuộc sống của mình.

2). Những đoạn văn Kinh Thánh có thể dùng  để cầu nguyện trong chủ đề này

Con người giống hình ảnh Thiên Chúa (Stk.1,1-2,4a);

Con người là ai (Tv.8);

Thiên Chúa thấu suốt mọi sự (Tv.139/138);

Các ngươi tìm gì ( Yn.1,35-51);

Này Ta đứng ngoài cửa Ta gõ (Kh.3,14-22);

Thiên Chúa yêu tôi vô cùng (Yn.17,23.20;3,16; Yn.13,1;15,9.13; Yn.14,16;15,26; Yn.14,23);

Chương trình “Yêsu Kitô” (Eph.1,3-14);

Nếu Thiên Chúa yêu tôi (Rm.8,31-39);

Thiên Chúa Quan Phòng (Mt.6,25-34);

Yêu Chúa yêu người (Mc.12,28-34);

Bình Tâm (LT.23).

3). Ghi chú

a). Cầu nguyện

            Cầu nguyện là gặp gỡ, nói chuyện, thân thưa, than thở tâm sự với Thiên Chúa.

i). Nhiều cách cầu nguyện

            Có nhiều cách cầu nguyện, chẳng hạn như đọc kinh, xét mình, suy gẫm, chiêm niệm; nhưng dù dùng cách thức nào, nó cũng phải giúp chúng ta gặp gỡ và tâm sự với Thiên Chúa.

ii).  Cầu nguyện như suy gẫm

            Đứng trước một biến cố hay một lời nào đó, chúng ta có thể suy nghĩ, và nhờ đó nói chuyện với Thiên Chúa.

            Chúng ta có thể dùng những đoạn Kinh Thánh, để suy gẫm như cầu nguyện:

·        Trước hết, chúng ta xem Thiên Chúa hay đức Yêsu, qua tác giả Kinh Thánh, muốn dạy gì trong đoạn Kinh Thánh đó;

·        Sau đó, xem chúng ta đã sống điều được dạy đó như thế nào;

·        Và cuối cùng chúng ta tâm sự thân thưa với Thiên Chúa.

b).  Xét gẫm

            Theo thánh Y-nhã, để việc cầu nguyện được tiến bộ, chúng ta cần lượng giá giờ cầu nguyện; việc lượng giá này được gọi là xét gẫm (LT.77).

i). Những câu hỏi gợi ý giúp xét gẫm

Tôi được gì trong giờ cầu nguyện này?

·        Tôi có được bình an thư thái không?

·        Tôi có được thêm lòng tin cậy yêu mến Thiên Chúa không? Có cảm nghiệm Thiên Chúa gần gũi với mình không?

·        Tôi có nhận được “ơn xin” của bài cầu nguyện không?[1]

·        Tôi có được đánh động hay được một ánh sáng gì đặc biệt không?

Tôi có hài lòng với giờ cầu nguyện này không?

            Câu hỏi này giúp tôi có nhận định tổng quát về giờ cầu nguyện. Nếu không được hài lòng lắm, thì phải tìm nguyên do và cải thiện, để giờ cầu nguyện tiếp sau được tốt hơn.

Nếu tôi không hài lòng lắm thì đâu là nguyên do?

·        Tại tôi thiếu cố gắng tập trung cầm trí cầu nguyện?

·        Tôi không mau mắn xua đuổi chia trí ngay khi tôi ý thức?

·        Phải chăng tại tôi chưa cố gắng giữ ngũ quan và tâm trí, và tôi chưa luôn sống với ý thức Thiên Chúa đang hiện diện với tôi và yêu thương tôi trong suốt cả ngày sống?

·        Tôi còn một vướng bận hay bất hòa nào đó với tha nhân mà chưa được giải quyết không?

·        Có một quyến luyến lệch lạc nào đó mà tôi chưa dứt khoát bỏ không?

Hay tại tôi chưa thật sự mong ước khao khát tìm gặp Chúa, và sống với Ngài?

Thân thưa nói chuyện với Chúa về tình trạng tâm hồn mình

            Nếu còn giờ, tôi sẽ nói chuyện thân thưa với Chúa về thái độ cầu nguyện của mình, về những ơn Chúa đã ban cho trong giờ cầu nguyện, và về những trễ nải thiếu quảng đại với Chúa trong giờ cầu nguyện hay trong suốt ngày sống.

ii). Cụ thể trong chủ đề này

Có được ơn  “bình tâm” hay được ơn gì khác

            Trong chủ đề này, cố gắng để được ơn bình tâm. Ơn này chỉ có, khi chúng ta nhận thức đúng đắn về Thiên Chúa và tạo vật, cũng như xác định rõ chỗ đứng tuyệt đối của Thiên Chúa trong đời mình, và tạo vật chỉ là phương tiện để mình đến với Thiên Chúa.

            Nếu thấy mình chưa được ơn bình tâm, cần cầu nguyện tiếp tục về chủ đề này trước khi qua chủ đề tiếp sau.

            Khi cầu nguyện một đề tài, hãy làm những bước cần thiết, rồi để tùy Thánh Thần hướng dẫn chúng ta. Chúa Thánh Thần hoàn toàn tự do dẫn chúng ta đi đâu tùy ý Ngài. Chỉ cần chúng ta luôn vâng phục Ngài và sẵn sàng làm những gì Ngài muốn, và như vậy chúng ta có thể được những ơn mà chúng ta không ngờ. Phải luôn luôn ý thức rằng Thánh Thần là vị Hướng Dẫn và người Thầy duy nhất và tuyệt vời của chúng ta.

An ủi hay sầu khổ  (LT.316.317)

            Người ta có thể được an ủi (LT.316), hay sầu khổ (LT.317), hay cảm thấy dửng dưng trong giờ cầu nguyện (LT.11).

            Nếu người tập Linh Thao không cảm thấy gì (dửng dưng), thì người hướng dẫn phải hỏi xem họ đã làm giờ cầu nguyện thế nào, họ có giữ các điều phụ thêm không? Thường thường, đó là nguyên do làm họ không cảm thấy gì trong giờ cầu nguyện.

            Trong giờ cầu nguyện, bình thường chúng ta được an ủi, nghĩa là được bình an thư thái, cảm thấy thêm lòng tin cậy phó thác hơn nơi Thiên Chúa, hoặc cảm thấy yêu mến Thiên Chúa hơn (LT.316), và cũng có thể được thêm ơn mà mình đã xin trong giờ cầu nguyện. Nếu chúng ta nhận thấy mình được an ủi, hãy tạ ơn Thiên Chúa.

            Cũng có thể chúng ta thấy mình bị sầu khổ thiêng liêng, nghĩa là mình cảm thấy chán nản lười biếng trong việc thiêng liêng và cầu nguyện , bị cám dỗ về những gì thấp hèn và phàm tục (LT.317). Trong trường hợp này, chúng ta phải tìm nguyên do xem tại sao lại như vậy (LT.322); cần cố gắng tìm cho ra mà sửa chữa, để hy vọng giờ cầu nguyện tiếp sau được tốt hơn.

            Những nguyên nhân thường ở tại nơi chính mình, do mình thiếu quảng đại trong việc tập trung để cầu nguyện hay chưa cố gắng giữ ngũ quan và xua đuổi những tư tưởng ngoại lai để luôn kết hợp với Thiên Chúa liên lỉ, hay tại mình chưa dứt khoát với một lệch lạc nào đó nơi mình.

Tiến bộ hay thụt lùi so với giờ cầu nguyện trước

            Cũng cần so sánh các lần cầu nguyện để biết mình tiến bộ hay thụt lùi, và nguyên do tại sao, ngõ hầu mình sửa đổi hay phát huy, để mỗi ngày một tiến bộ hơn.

 

B.  TỘI

            Những bài cầu nguyện được chỉ dẫn kỹ lưỡng đầu tiên trong sách Linh Thao của thánh Y-nhã, là những bài về tội: về ba tội, về tội tôi,..., và về hỏa ngục.

            Vào thời gian khởi đầu giúp đỡ các linh hồn, thánh Y-nhã giúp Linh Thao cho riêng từng người một, và tùy người tập Linh Thao đạt yêu cầu của tuần thứ nhất mau hay chậm mà người đó sẽ qua tuần thứ hai.

1). Mục đích và yêu cầu

            Tôi là ai? Tôi là ai đối với Thiên Chúa và tha nhân? Mục đích và yêu cầu của những bài cầu nguyện về tội là gì? Như thế nào thì được coi là đạt yêu cầu của tuần thứ nhất này?

            Tôi là một tội nhân nhưng được Thiên Chúa yêu thương vô cùng! Chúng ta sẽ xét về hai phương diện: trí và tâm.

a). Trí

            Làm sao để mỗi người thấy sự xấu xa ác hại của tội và nhận biết thực sự rằng mình là tội nhân.

i).Nhận biết mình là tội nhân

            Nhận biết rõ về chính mình và thân phận hèn yếu của mình không phải là chuyện dễ dàng. Có người cho rằng mình không có tội, mình chẳng phạm tội gì! Có người cũng cho rằng mình là một tội nhân, nhưng ai mà không phạm tội, bản tính[2] con người mà?!

            Nếu người nào suy nghĩ như vậy, thì họ sai lầm! Tội là hành vi tự do của con người, tôi cố tình làm điều tôi thấy tôi không nên làm và không được phép làm.

ii). Nhận biết sự xấu xa và ác hại của tội

            Chính hành vi tự do “cố tình làm điều tôi không được phép làm”, đã làm biến dạng con người tôi, khiến tôi không còn đẹp như trước nữa, khiến tôi không còn dễ thương và đáng yêu như trước nữa. Do phạm tội, tôi đã làm mất phẩm giá con người mình, và làm tôi “xấu như qủy”.

            Tội không phải là thực tại ngoài mình, nhưng do mình mà ra, là chọn lựa tự do của mình. Tình trạng tội là hậu qủa chọn lựa cố tình của mình, do chính hành vi tự do của mình làm thành.

            Thiên Chúa muốn con người luôn sống yêu thương, để mỗi ngày một đẹp hơn, dễ thương hơn và tự do hạnh phúc hơn. Không làm theo ý Thiên Chúa là tội. Không làm theo những gì lương tâm thấy là đúng là tốt cho mình, là không làm theo ý Thiên Chúa.

            Tội là không vâng lời Thiên Chúa, nhưng không phải chỉ là không vâng lời Thiên Chúa, mà còn là xúc phạm đến Thiên Chúa, không tin rằng Thiên Chúa yêu thương mình và muốn làm những điều tốt lành cho mình.

b). Tâm

            Thiên Chúa yêu thương chúng ta trong lúc chúng ta còn là tội nhân (Rm.5,8). Cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa đối với mình và ao ước trở về với Ngài, là yêu cầu mà mỗi người làm Linh Thao phải đạt được trong tuần thứ nhất.

i). Cảm nhận Thiên Chúa yêu thương tha thứ

            Tội là hành vi từ chối Thiên Chúa, không còn yêu thương thuận phục Thiên Chúa nữa.

            Hai người yêu nhau luôn muốn làm hài lòng nhau, họ không muốn làm trái ý nhau; chỉ một hành vi làm người kia buồn, là họ đã lo lắng và muốn chuộc lại lỗi lầm, cho dù đó chỉ là xúc phạm nhỏ. Cũng vậy người ta chỉ cảm thấy tội mình thực nặng nề và muốn trở về với Thiên Chúa khi cảm nhận Thiên Chúa yêu thương mình vô cùng.

            Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô cùng. Chính vì yêu thương nên Ngài luôn trông chờ chúng ta trở lại với Người, và Người sẵn sàng tha thứ cho chúng ta khi chúng ta thống hối.

            Những bài cầu nguyện về tội không nhằm làm chúng ta bị tê liệt hay bị dằn vặt hoặc mặc cảm, nhưng để giúp chúng ta thấy được tình yêu vô bờ của Thiên Chúa khi Ngài tha thứ tội lỗi cho chúng ta.

ii). Khao khát trở về với Thiên Chúa

            Đứng trước tình yêu vô bờ của Thiên Chúa và thấy mình tội lỗi thấp hèn như vậy, bây giờ tôi phải làm gì?

            Thái độ của chúng ta là sám hối xin Thiên Chúa thứ tha, và ao ước khao khát bắt đầu một đời sống mới với Thiên Chúa.

            Khao khát yêu mến Thiên Chúa, xin Thiên Chúa thứ tha tội lỗi, ao ước bắt đầu một đời sống mới với Thiên Chúa, là tâm tình của một người thống hối thật sự.

            Cảm nhận mình là tội nhân, thấy mình được Thiên Chúa yêu thương vô cùng dù mình tội lỗi nặng nề, khao khát ao ước trở về bắt đầu một đời sống mới với Thiên Chúa, là đạt yêu cầu của tuần thứ nhất.

2). Những đoạn Kinh Thánh dùng cầu nguyện

            Có nhiều đoạn Kinh Thánh có thể dùng để cầu nguyện trong tuần thứ nhất này, ở đây chỉ xin liệt kê một vài bản văn:

Tội Adam và Eva (Stk.3,1tt);

Tội Cain (Stk.4,1-16);

Dân Do-thái thờ bò vàng (Xh.32);

Dân Do-thái vô ơn và thử thách Thiên Chúa (Xh.15,22-17,7);

Bất công (Am.8,4-10);

Israel bất trung (Yer.3,1-4,4);

Tội dân Do-thái (Bar.1,15-3,8);

Tội dân ngoại (Rm.1,18-32);

Không yêu thương là tội (Mt.25,31-46);

Những người mù thiêng liêng (Yn.9,1tt);

Phạm đến Thánh Thần (Mc.3,20-30);

Tôi là tội nhân (I Yn.1,8-2,11);

Chị phụ nữ ngoại tình (Yn.8,1-11);

Chị phụ nữ thống hối (Lời Chúa.7,36-50);

Lời nguyện thống hối (Tv.51/50);

Thiên Chúa là cha nhân từ (Lc.15,11-24).

3). Ghi chú

a). Cầu nguyện

            Cầu nguyện là gặp gỡ Thiên Chúa, là nói chuyện thân thưa với Ngài như một người bạn với một người bạn, như trò đối với thầy, như tôi tớ đối với chủ, như người con đối với cha mình, và như một tạo vật đối với Thiên Chúa.

            Những bước cầu nguyện được trình bày dưới đây, nhằm giúp người ta dễ dàng cầu nguyện hơn; nhưng một khi gặp gỡ được Thiên Chúa rồi, thì những bước cầu nguyện không còn cần thiết nữa.

i). Ý thức Chúa hiện diện và chào Chúa

            Để nói chuyện với ai, cần họ hiện diện với mình một cách nào đó; cũng vậy, để nói chuyện với Thiên Chúa, cần ý thức Thiên Chúa hiện diện với mình.

            Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, Ngài luôn nhìn xem, yêu thương và chăm sóc chúng ta, Ngài luôn hiện diện với chúng ta dù chúng ta ý thức hay không; tuy vậy về phương diện con người, chúng ta vẫn cần ý thức Ngài hiện diện để có thể nói chuyện với Ngài.

ii). Xin Chúa ban Thánh Thần

Để Ngài thanh tẩy tâm hồn mình

            Khó có thể nói chuyện thân tình với ai, nếu người đó đang thù hận với họ. Cũng tương tự như vậy, chúng ta không thể gặp gỡ nói chuyện với Thiên Chúa, nếu chúng ta đang ở trong tình trạng thù nghịch với Ngài.

            Trước khi cầu nguyện, chúng ta hãy xin Thánh Thần tẩy luyện thánh hóa con người chúng ta, để chúng ta có thể gặp gỡ thân tình với Ngài.

Để Ngài giúp mình gạt bỏ mọi vướng bận

            Nếu chúng ta còn nhiều bận tâm, và không chú ý tới lời nói của người đang nói chuyện với mình, thì không thể nói chuyện thân mật với người đó được. Cũng tương tự như vậy, nếu chúng ta không đặt Thiên Chúa lên trên hết, nếu chúng ta không gạt bỏ mọi vướng bận, thì chúng ta cũng không thể nói chuyện thân mật với Ngài được.

            Cùng với tâm tình này, chúng ta gạt bỏ mọi chia trí đến trong đầu chúng ta, và để hết tâm trí vào đề tài cầu nguyện.

Để Ngài giúp mình gặp gỡ Thiên Chúa

            Để gặp một nhân vật quan trọng, chúng ta phải xin gặp, và nếu được ưng thuận chúng ta sẽ được hẹn giờ. Không phải bất cứ lúc nào mình muốn, đều có thể gặp được họ.

            Cũng tương tự như vậy, gặp gỡ Thiên Chúa là một hồng ân lớn lao mà chúng ta cần ý thức để trân trọng. Chỉ có điều Thiên Chúa rất muốn gặp gỡ mình vì Ngài yêu thương mình; tuy vậy, được gặp gỡ Thiên Chúa vẫn luôn luôn là một hồng ân đặc biệt.

iii). Hội nhập khung cảnh

            Trí tưởng tượng rất quan trọng đối với con người. Phần lớn hành vi phạm tội của chúng ta đều có sự đóng góp của trí tưởng tượng. Tương tự như vậy, để nên thánh, chúng ta cũng dùng trí tưởng tượng. Thân xác cũng góp phần giúp chúng ta nên thánh, như nó đã góp phần trong hành vi tội của chúng ta.

            Hình dung khung cảnh câu chuyện, và đặt mình trong bối cảnh và trường hợp đó, giúp chúng ta dễ cầu nguyện hơn.

iv). Ơn xin của bài cầu nguyện

            Mỗi bài cầu nguyện đều có một yêu cầu cần đạt được, đó thường là “ơn xin” của bài cầu nguyện.

            Ở tuần thứ nhất, chúng ta xin Thiên Chúa cho chúng ta hiểu biết sâu xa về tội và những tác hại của tội, cho chúng ta nhận biết mình là tội nhân và ơn được trở về với Người.

            Ở tuần thứ hai, chúng ta xin Thiên Chúa cho chúng ta được hiểu Ngôi Lời Nhập Thể hơn, để yêu mến Ngài hơn và theo Ngài hơn.

            Ở tuần thứ ba và thứ tư, chúng ta xin Thiên Chúa cho chúng ta được đồng hình đồng dạng với Ngài; cụ thể trong tuần ba xin Thiên Chúa cho chúng ta được chia sẻ với Ngài trong đau khổ và xỉ nhục, được thông phần với Ngài trong cuộc thống khổ; và trong tuần thứ tư, chúng ta xin cho được chia sẻ niềm vui và hân hoan của Chúa Phục Sinh.

v). Điểm cầu nguyện

            Mỗi bài cầu nguyện có một hay nhiều điểm cầu nguyện. Điểm cầu nguyện là những gợi ý, nhằm giúp mình có chất liệu để suy nghĩ và cầu nguyện với Thiên Chúa. Tuy mỗi bài có thể có nhiều điểm cầu nguyện, nhưng mỗi người chỉ dùng một số điểm mình thấy ích lợi, trừ phi người hướng dẫn nói khác trong trường hợp cụ thể.

vi). Tâm sự

            Tâm sự là nói chuyện thân thưa với Thiên Chúa, khi đối diện với Thiên Chúa và biết rõ về mình hơn.

            Tâm sự là phần chính của bài cầu nguyện, dù người hướng dẫn chỉ nhắc một vài câu về điều này.

b). Xét gẫm như nhận định thiêng liêng

            Nhận định thiêng liêng rất cần thiết để tiến bộ trong đời sống tinh thần. Gần cuối sách Linh Thao, thánh Y-nhã viết hai bộ quy luật nhận định các thần, một dành cho tuần thứ nhất và một cho tuần thứ hai.

i). Nguyên tắc chính yếu

Thiên Chúa muốn tôi sống hạnh phúc

            Thiên Chúa tạo dựng con người để con người được sống hạnh phúc với Thiên Chúa. Thiên Chúa không bao giờ muốn sự dữ cho con người, Ngài không bao giờ muốn con người phạm tội[3] dù Ngài ban cho con người được tự do.

            Thiên Chúa muốn con người hạnh phúc không chỉ ở đời sau nhưng ngay cả ở đời này nữa; Ngài không chỉ muốn con người hạnh phúc trong cầu nguyện mà còn cả trong cuộc sống thường ngày nữa.

            Thiên Chúa muốn con người cảm nghiệm hạnh phúc khi sống đặc biệt với Ngài. Cụ thể trong cầu nguyện, Ngài muốn con người được bình an thư thái, được thêm lòng tin cậy yêu mến Ngài.

Các thần lành giúp tôi sống như Thiên Chúa muốn

            Các thần lành là các vị sống trong tình yêu của Thiên Chúa, các ngài sống hạnh phúc trong tình yêu và các ngài cũng muốn con người sống trong tình yêu và hạnh phúc như các ngài.

Thần dữ không muốn tôi sống hạnh phúc với Thiên Chúa

            Thần dữ là các thiên thần kiêu ngạo chống đối Thiên Chúa, và không muốn chúng ta sống hạnh phúc trong tình yêu của Thiên Chúa. Hơn nữa, thần dữ còn tìm mọi cách để tôi xa lìa và chống đối Thiên Chúa.

ii). Aùp dụng cụ thể

            Thiên Chúa muốn tôi sống hạnh phúc, trong cuộc sống thường ngày và đặc biệt trong giờ cầu nguyện; cụ thể, ít nhất, tôi được bình an thư thái trong cuộc sống và trong giờ cầu nguyện.

An ủi

            An ủi là tình trạng bình thường trong giờ cầu nguyện nếu chúng ta sống tương quan tốt với Thiên Chúa.

            Thánh Y-nhã viết:

“Gọi là an ủi khi trong tâm hồn có một thúc đẩy nội tâm, làm linh hồn cảm thấy bùng cháy lửa yêu mến Tạo Hóa và Chúa mình, và rồi linh hồn cảm thấy không còn có thể yêu mến bất cứ tạo vật nào trên mặt đất này vì chính nó, nhưng chỉ yêu trong Đấng Tạo Hóa mà thôi.

Tương tự, khi linh hồn chảy nước mắt trước tình yêu Thiên Chúa, do cảm nghiệm tội lỗi của mình hay do cảm nghiệm cuộc thương khó của Chúa, hay do cảm nghiệm những sự khác hướng về việc phụng sự và ngợi khen Thiên Chúa.

Sau cùng, gọi là an ủi khi linh hồn cảm nghiệm sự gia tăng đức cậy đức tin và đức mến, và niềm thanh thản thâm sâu mời gọi và lôi kéo đến những sự trên trời và phần rỗi của linh hồn, làm linh hồn cảm thấy thư thái và bình an trong Tạo Hóa và Chúa mình“ (LT.316).

            Phần lớn khi được an ủi là do thần lành hướng dẫn[4] (LT.318), và nếu khi xét gẫm mình đã nhận ra đó là ơn Chúa thì hãy tạ ơn Chúa.

Sầu khổ

            Sầu khổ là do tác động của thần dữ (LT.318).

            Thánh Y-nhã viết:

“Gọi là sầu khổ tất cả những gì trái ngược với quy tắc thứ ba. Chẳng hạn, sự tối tăm trong tâm hồn, xao xuyến bên trong, thúc đẩy về những gì thấp hèn và phàm tục, bất an trước những xáo động và cám dỗ xúi ta mất tin tưởng, trông cậy và tình yêu; linh hồn cảm thấy lười biếng, khô nhạt, buồn rầu và như bị lìa xa Đấng Tạo Hóa và Chúa mình” (LT.317).

Cách thức chống trả

            Vì sầu khổ là do tác động của thần dữ, mà nếu chúng ta theo nó thì không thể đến với Thiên Chúa được; thế nên “chúng ta luôn luôn làm ngược lại điều ma qủy hay thần dữ muốn” (LT.351).

            Nếu thần dữ muốn chúng ta bỏ cuộc, thì chúng ta sẽ không thay đổi quyết định (LT.318), mà hơn nữa còn phải làm ngược lại điều thần dữ muốn, nghĩa là, chúng ta sẽ chăm chỉ cầu nguyện hơn, xét mình kỹ hơn, hy sinh hãm mình hơn (LT.319), thái độ dứt khoát với thần dữ (LT.325), từ bỏ mình hơn bằng việc hy sinh hãm mình và cởi mở lương tâm với những người đạo đức (LT.326).

            Nếu nguyên do làm chúng ta cầu nguyện không được tốt, là bởi chúng ta còn chia trí về những vướng bận hay lệch lạc nào đó, hay bởi chúng ta còn có một ngăn trở nào đó với Thiên Chúa và với con người, thì mình phải lo thống hối và hoán cải (LT.321bc).

 

C.  LỜI  MỜI  GỌI  CỦA VUA  HẰNG  SỐNG

            “Tiếng gọi Vua Đời Tạm giúp chiêm ngắm đời sống Vua Vĩnh Cửu”, là bài cầu nguyện nằm giữa tuần nhất và tuần hai. Bài cầu nguyện này xác định thái độ cần thiết để có thể cầu nguyện tốt những bài cầu nguyện tiếp theo sau.

1). Mục đích và yêu cầu

            Ơn xin của bài cầu nguyện này: “xin ơn đừng giả điếc trước lời mời gọi của Chúa nhưng mau mắn thi thành thánh ý Ngài”.

            Dù chúng ta tội lỗi, nhưng Thiên Chúa đã yêu thương tha thứ tội lỗi và mời gọi chúng ta cộng tác với Ngài để chinh phục thế gian, để làm cho con người nhận biết tình yêu vô cùng của Thiên Chúa đối với con người. Chúng ta có sẵn sàng đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa không?

            Chọn Thiên Chúa và đặt thánh ý Ngài trên tất cả, kết hiệp với thánh ý Thiên Chúa[5], sẵn sàng đáp trả lời mời gọi của Ngài dù thế nào chăng nữa, ngay cả trong khó nghèo khổ nhục, là yêu cầu của bài cầu nguyện này[6].

2). Những đoạn Kinh Thánh có thể dùng

            Yêu cầu của bài Tiếng Gọi Vua Hằng Sống, được hàm chứa trong nhiều đoạn Kinh Thánh.

            Có thể dùng những đoạn Kinh Thánh sau để cầu nguyện:

Lời mời (Lc.5,1-11);

Hãy là thánh (Lv.19,2);

Sứ mạng (Yn.20,21);

Ơn gọi Abraham (Kn.12,1-9);

Đáp trả trong vâng phục đức tin (Kn.22,1-10);

Ơn gọi Môsê (Xh.3,1-12);

Ơn gọi Samuel (I Sm.3,1-21);

Ơn gọi Ysaya (Ys.6,1-13);

Ơn gọi Yêrêmya (Yer.1,4-19 hoặc Yer.20,7tt);

Người tôi tớ Yahweh (Ys.42,1-9;49;50;52);

Ơn gọi Phaolô (Cv.9);..............

3). Ghi chú

            Cầu nguyện là ý thức sống với Chúa, cảm nghiệm Chúa yêu thương mình, dâng lên Chúa những tâm tình mình có: lời cảm tạ tri ân, lời tán dương, cảm nghiệm hạnh phúc với Chúa, lời khẩn cầu khi ý thức mình bất lực,...

a). Cầu nguyện chủ yếu là tâm sự

            Có thể nói, cầu nguyện chủ yếu là tâm sự. Đã đành trong suy gẫm, suy nghĩ cũng quan trọng; trong chiêm niệm, nhìn ngắm cũng quan trọng; nhưng có thể nói, tâm sự là phần quan trọng nhất.

i). Cảm nghiệm (LT.2)

            Để hướng dẫn người giúp Linh Thao, thánh Y-nhã khuyên họ nên gợi ý cầu nguyện ngắn gọn và trung thực, để giúp người tập Linh Thao dễ cầu nguyện hơn, vì “không phải sự hiểu biết nhiều làm thỏa mãn linh hồn, nhưng chính sự cảm nếm bên trong mới làm thỏa mãn linh hồn” (LT.2).

            Trong cầu nguyện và đặc biệt trong tâm sự, chúng ta có thời gian để sống với Thiên Chúa và cảm nghiệm tình yêu của Ngài dành cho chúng ta. Trong ý nghĩa này, chúng ta có thể nói cầu nguyện là giờ phút cảm nghiệm hạnh phúc với Thiên Chúa.

ii). Điểm gợi ý và tư thế khi cầu nguyện

            Những điểm gợi ý cầu nguyện, chỉ là những gợi ý, là phương tiện giúp chúng ta cầu nguyện; nó chỉ có giá trị tương đối và “rất là tương đối”. Chính vì thế, chúng ta chỉ dùng những điểm gợi ý trong mức độ nó giúp chúng ta cầu nguyện, và chỉ dùng số điểm nào đó như chúng ta thấy cần và có ích, chứ không dùng tất cả mọi điểm đã được gợi ý (LT.2.76.228)[7].

            Về tư thế khi cầu nguyện, tư thế nào (ngồi, đứng, qùy, phủ phục, ...) giúp mình dễ dàng gặp Chúa, thì mình dùng tư thế đó; Và một khi dùng tư thế đó mà gặp được Chúa, thì không nên thay đổi (LT.76).

iii). Tâm sự

            Tâm sự là nói chuyện thân thưa với Chúa như một người bạn với một người bạn, như một người tôi tớ với chủ mình.

            Được coi là tâm sự,

·        khi thân thưa với Thiên Chúa về chính con người và nhu cầu của mình,

·        khi dâng lời cảm tạ tôn vinh Thiên Chúa,

·        khi xin một ơn,

·        khi xin tha thứ lỗi lầm,

·        khi phó thác công việc hay trọn cả con người cho Thiên Chúa,

·        khi xin dạy bảo hay hướng dẫn (LT.54.61.109.199.224).

            Nếu xét gẫm mà chúng ta thấy giờ cầu nguyện khô khan và không có tâm tình, phải xem xem mình có dùng giờ để tâm sự thân thưa với Thiên Chúa không.

            Tâm sự là lắng nghe và nói chuyện với Chúa bằng cả con người với tất cả tâm tình, là ở lặng bên Chúa mà cảm nghiệm hạnh phúc.

            Suy nghĩ, chưa phải là cầu nguyện; suy nghĩ và tâm sự với Chúa, mới là cầu nguyện. Những gợi ý cầu nguyện, là những gợi ý để giúp chúng ta hiểu biết hơn về mình và về Thiên Chúa, để rồi chúng ta có thể tâm sự với Thiên Chúa dựa vào những điều chúng ta đã thấy hoặc được soi sáng.   

b). Xét gẫm như nhận định thiêng liêng

            “Sau khi cầu nguyện xong, trong khoảng một khắc, hoặc ngồi hoặc đi đi lại lại, xem giờ chiêm niệm hoặc suy niệm đã diễn ra thế nào. Nếu dở, xem đâu là nguyên do, và một khi đã thấy thì hối hận và sửa đổi trong tương lai. Nếu tốt, tạ ơn Thiên Chúa Chúa chúng ta, và lần khác cứ làm như vậy” (LT.77).

            Mười lăm phút xét gẫm, là 15 phút nhận định thiêng liêng và cầu nguyện, là những phút phản tỉnh để biết mình hơn và biết Thiên Chúa hơn.

            Việc xét gẫm rất quan trọng để giúp mình tiến bộ hơn, chính vì thế phải làm rất nghiêm túc.

i). Tại sao tôi bị cám dỗ nhiều về điều này

            Có thể có những lúc trong đời, chúng ta cảm thấy mình bị cám dỗ nhiều, và cảm thấy bị cám dỗ nhiều về điều này hơn điều kia. Tại sao vậy?

Đây là điểm yếu của tôi

            Có thể đó là điểm yếu của tôi.

            Thánh Y-nhã viết:

”Thần dữ xử sự như một tướng quân để thắng và cướp những gì nó muốn. Bởi vì, một vị chỉ huy hoặc thủ lãnh của một đạo quân, sau khi đặt doanh trại và quan sát lực lượng hay cách bố trí của một thành trì, sẽ tấn công vào điểm yếu nhất.

Cũng vậy, kẻ thù của bản tính loài người cũng lượn quanh để quan sát các nhân đức đối thần, các nhân đức trụ và luân lý, và nơi nào nó nhận thấy ta yếu nhất và dễ nguy hiểm nhất cho phần rỗi đời đời của ta, nó sẽ tấn công vào đó để cố hạ ta” (LT.327).

            Nếu tôi bị tấn công nhiều ở điểm nào, có thể đó là điểm yếu (nhược điểm) nhất của tôi chăng?

Tôi chưa dứt khoát chống trả

            Nếu tôi bị tấn công hay bị cám dỗ dữ dội ở điểm nào đó, có thể tại vì tôi chưa dứt khoát thái độ ở điểm này, tại tôi chưa dứt khoát chống trả ma qủy và những chước cám dỗ của nó chăng?

            Thánh Y-nhã viết:

“ Kẻ thù xử sự như đàn bà, vì nó yếu khi ta chống trả, và nó mạnh khi ta buông xuôi. Thực vậy, đặc điểm của đàn bà khi gây gỗ với đàn ông, là mất can đảm và chạy trốn khi đàn ông thẳng tay chống trả. Còn ngược lại nếu người đàn ông bắt đầu chạy trốn và mất can đảm, thì cơn giận sự trả thù và sự hung dữ của đàn bà thật lớn và không sao lường được.

Cũng vậy, đặc điểm của kẻ thù là yếu nhược và mất can đảm cùng chạy trốn với những cám dỗ của nó, khi người tập tành trong đường thiêng liêng thẳng tay chống trả các chước cám dỗ của kẻ thù và làm ngược lại với các cám dỗ. Nhưng trái lại nếu kẻ bắt đầu tập tành trên đường nhân đức lại sợ hãi và mất can đảm trước cuộc tấn công của cám dỗ, thì trên mặt đất này không có con vật nào hung dữ cho bằng kẻ thù của bản tính loài người nhằm theo đuổi ý hướng xấu xa và vô cùng đồi tệä của nó” (LT.325).

Tình yêu với Chúa đã bị suy giảm

            Khi tôi bị cám dỗ nhiều hoặc mạnh, cũng có thể Thiên Chúa để tôi bị cám dỗ nhiều, để tôi có nhiều dịp lập công và trưởng thành cùng cứng cáp hơn chăng (LT.33-34.322b); nhưng có thể đó là dấu chỉ cho thấy lòng mến của tôi đối với Thiên Chúa đã bị giảm sút chăng?

ii). Biểu hiện của tình yêu

            Chúng ta hãy xem tình yêu của mình đối với Thiên Chúa như thế nào.

Khao khát nên thánh

            Yêu là hành vi tự do. Sống theo bản năng, không được lý trí hướng dẫn, thì không phải là hành vi tự do, và như vậy không là yêu thương.

            Khao khát nên thánh[8], ao ước thuộc trọn về Thiên Chúa, là hành vi tình yêu.

            Cứ xem chúng ta khao khát thuộc về Chúa, khao khát nên thánh đến mức độ nào, để chúng ta biết chúng ta yêu Chúa như thế nào. Nếu khi xét gẫm mà chúng ta nhận thấy chúng ta còn thiếu tình yêu đối với Thiên Chúa hay thiếu lòng khao khát Thiên Chúa, thì hãy khiêm tốn xin Thiên Chúa ban tình yêu của Ngài cho chúng ta.

            Xin được yêu Chúa, đó là điều chúng ta cần khiêm tốn nài xin liên lỉ (Xem LT.234).

Quảng đại trong từng chọn lựa thường ngày

            Từ ngữ “Tình yêu” là từ ngữ trừu tượng. Dù là từ ngữ trừu tượng, nó vẫn diễn tả một thực tại vô cùng phong phú được biểu lộ bằng nhiều hành vi cụ thể.

            Yêu Thiên Chúa, là sẵn sàng để tùy Ngài muốn xếp đặt như thế nào về con người và cuộc đời của mình cũng được. Sẵn sàng dâng tất cả cho Chúa, để Chúa hoàn toàn tự do quyết định.

            Yêu Thiên Chúa, là chọn Thiên Chúa và những gì thuộc về Thiên Chúa trên hết. Chẳng hạn trong thời gian Linh Thao, dành tất cả thời giờ cho Thiên Chúa và cụ thể là cầu nguyện; luôn sống với ý thức Thiên Chúa hiện diện với mình và yêu thương mình, luôn sống trong tâm tình của chủ đề mình đang cầu nguyện; luôn giữ gìn ngũ quan để dễ dàng tập trung cầu nguyện và không làm người khác bị phân tâm chia trí; hy sinh hãm mình như dấu chỉ muốn thuộc về Thiên Chúa hơn nữa.

 

D. LỜI THIÊN CHÚA THỰC HIỆN SỨ MẠNG CHA TRAO PHÓ

 

HOME     LINH ĐẠO     ĐỂ TỰ DO VÀ HẠNH PHÚC HƠN       HPH1       HPH2       HPH3       HPH4       HPH5

 



[1] Mỗi bài cầu nguyện đều có ơn xin, có thể coi như yêu cầu của bài cầu nguyện.

[2] Thực ra, tội không thuộc bản tính con người. Con người có thể không phạm tội. Phạm tội hay không là tùy tự do mỗi người.

[3] “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống” (Ez.33,11).

                “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (I Tm.2,4).

[4] Cũng xảy ra trường hợp có veû được an ủi, nhưng không phải là an ủi thực; trường hợp này là do ma qủy giả dạng thần lành để đánh lừa người ta (2Cor.11,14), làm người ta đi theo đường của nó, nhưng nếu theo nó, người ta sẽ cảm thấy bất an bối rối, vì không đi trên con đường Thiên Chúa muốn (LT.332-333).

[5] Lấy Ý Thiên Chúa làm ý mình.

[6] Xem ghi chú của FranVois Courel, sj, trong SAINT IGNACE DE LOYOLA, Exercices Spirituels, DESCLÉE DE BROUWER 1960, p.65 note 2.

[7] Tuy vậy cần lưu ý về tình trạng biếng lười của mình; có người không muốn dùng điểm vì họ làm biếng suy nghĩ  cầu nguyện.

                Cũng có bài cầu nguyện cần dùng tất cả số điểm được cho, như trường hợp bài cầu nguyện về “Tội tôi” (LT.55 tt).

[8] Khao khát nên thánh, là hành vi đã được lý trí tự do hướng dẫn.