HOME     LINH ĐẠO     LINH THAO MƯỜI NGÀY       LTMN1       LTMN2       LTMN3       LTMN4       LTMN5      LTMN6

 

LINH THAO MƯỜI NGÀY
NHỮNG  ĐIỂM  GỢI  Ý  GIÚP  CẦU  NGUYỆN

 

Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.

 

NGUYÊN LÝ VÀ NỀN TẢNG.. 2

11. Các ngươi tìm gì (Yn.1,35-51) 2

1. Hai môn đệ này ao ước và khao khát gì?. 2

2. Gặp gỡ Đức Yêsu, thì được biến đổi 2

3. Tôi tìm gì, tôi khao khát mong ước gì?. 2

12. Thiên Chúa dò xét tôi (Tv. 139) 3

1. Thiên Chúa biết rõ về tôi 3

2. Không thể trốn Chúa được. 3

3. Thiên Chúa tạo dựng tôi, nên Ngài yêu thương tôi 3

4. Xin Chúa tiếp tục dò xét con, để gìn giữ con. 3

13. Thiên Chúa yêu tôi vô cùng. 4

1.Thiên Chúa Cha yêu tôi vô cùng. 4

2.Chúa Yêsu yêu tôi vô cùng. 4

3. Chúa Thánh Thần yêu tôi vô cùng. 4

14. Thiên Chúa quan phòng (Mt.6,25-34) 5

1. Chớ lo cho mạng sống mình. 5

2. Hãy tìm kiếm Nước trước đã. 5

3.Tin tưởng phó thác. 5

21. Bình Tâm (LT.23) 5

1. Ý nghĩa và mục đích của đời người 6

2. Tạo vật là phương tiện. 6

3. Bình tâm.. 6

22. Hồi niệm (năm bài: từ bài 11 đến bài 21) 6


 

           

            Thánh Y-nhã đã cho in quyển Linh Thao vào năm 1548 với phép của đức giáo hoàng Phao-lô III, và quyển sách nhỏ này đã là thủ bản của những người hướng dẫn Linh Thao và đặc biệt là của yêsu-hữu.

            Kinh nghiệm với Thiên Chúa qua Linh Thao tuy giống nhau, nhưng mỗi người lãnh nhận theo cách thức của mình. Cũng tương tự như vậy, khi giúp Linh Thao, mỗi người hướng dẫn theo cách thức và kinh nghiệm với Thiên Chúa của mình, và tôn trọng Thánh Thần tác động nơi mỗi người làm Linh Thao.

            Dưới đây là những bài gợi ý giúp cầu nguyện cho một khóa Linh Thao 10 ngày. Cũng cần biết, những người giúp Linh Thao khác, và ngay cả tác giả viết điều này, có thể thay đổi những đoạn Kinh Thánh được dùng, cũng như triển khai những gợi ý theo như người đó thấy tốt nhất để làm vinh danh Thiên Chúa hơn.

NGUYÊN LÝ VÀ NỀN TẢNG

11. Các ngươi tìm gì (Yn.1,35-51)

Khung cảnh

            Như thể mình đang hiện diện tại nơi đức Yêsu ở, khi Ngài mời hai môn đồ tới xem, có lẽ dưới một lùm cây hay trong một hốc đá.

Ơn xin

            Xin khao khát và tìm gặp Chúa; xin cảm nghiệm được Chúa đặc biệt trong cuộc Linh Thao này.

Điểm

1. Hai môn đệ này ao ước và khao khát gì?

            Hai môn đệ này ao ước và khao khát gì, mà đã bỏ công việc mình đang làm, bỏ người thân yêu tại nhà, để tới làm môn đệ của Yoan Tẩy Giả?

            Hai môn đệ này khao khát và tìm kiếm gì, mà đã bỏ thầy cũ của mình là Yoan Tẩy Giả, để đi theo Đức Yêsu, một khi nghe Yoan giới thiệu Đức Yêsu: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây là Đấng gánh tội trần gian”?

            Hai môn đệ này tìm kiếm gì, mà Yoan Tẩy Giả không đáp ứng được mong ước của họ?

2. Gặp gỡ Đức Yêsu, thì được biến đổi

            Có những cuộc gặp gỡ, dù mới lần đầu tiên cũng đã gây ấn tượng, đến độ người ta không quên:

“Oâi cái phút ban đầu lưu luyến ấy,
ngàn năm hầu dễ mấy ai quên!”.

Hai môn đồ đã đi theo đức Yêsu, và họ đã nhớ “như in” cuộc gặp gỡ này: “lúc đó vào khoảng giờ thứ mười”.

            Sau cuộc gặp gỡ này với đức Yêsu, Anđrê đã giới thiệu em mình là Simon với đức Yêsu, và đức Yêsu đã đổi tên cho Simon thành Kêpha. Đổi tên là đổi vận mạng, đổi đời một người.

            Đức Yêsu đã gặp Philip, và Philip đã được biến đổi.

            Philip gặp Nathanael, và thuyết phục Nathanael tới gặp đức Yêsu dù Nathanael có thành kiến về Nazaret; rồi khi Nathanael gặp đức Yêsu, thì ông cũng được biến đổi.

            Gặp gỡ đức Yêsu, mà không cố tình chống lại tác động của Thánh Thần, thì sẽ được biến đổi.

3. Tôi tìm gì, tôi khao khát mong ước gì?

            Trong đời sống đã qua, tôi đã miệt mài tìm kiếm điều gì, cái gì[1]?

            Hiện tại tôi mong ước khao khát và tìm kiếm điều gì?

            Tôi mong ước khao khát điều gì trong cuộc Linh Thao này?
Tôi có mong ước khao khát được gặp Thiên Chúa không?
hay tôi đi tìm kiếm tư tưởng mới về Thiên Chúa, hay tìm biết một cách thức cầu nguyện, hay tìm xem có cái gì “trong đó” mà nhiều người muốn làm Linh Thao như vậy?

Tâm sự

            Thân thưa với Chúa về những khát vọng ao ước của mình, xin Ngài chỉnh đốn nếu những khát vọng đó chưa trong sáng lắm, và xin Ngài làm bùng cháy nơi mình khát vọng ao ước khao khát Ngài.

 

12. Thiên Chúa dò xét tôi (Tv. 139)

Khung cảnh

            Như thể tôi đang ở trước ngai tòa Thiên Chúa, cùng đức Maria và toàn thể triều đình thiên quốc.

Ơn xin

            Xin cho tôi không chỉ biết nhưng còn cảm nghiệm rõ Thiên Chúa yêu thương tôi trong từng biến cố của đời tôi:
tôi có trong chương trình của Ngài từ đời đời,
Ngài luôn can thiệp vào đời tôi để tôi  được như hôm nay.

Điểm

            Trong bài cầu nguyện này, chúng ta cứ đọc chậm chậm Thánh Vịnh, rồi thấy chỗ nào mình thích thì dừng lại suy nghĩ, và nói chuyện thân thưa với Thiên Chúa như lòng mình muốn.

1. Thiên Chúa biết rõ về tôi

            Thiên Chúa dò xét con và Ngài biết, biết cả khi con đứng con ngồi, con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa.

            Thiên Chúa không chỉ thấy mình, nhưng Ngài dò xét mình, Ngài biết:
từng tư thế, cử chỉ, thái độ của mình;
từng lời nói của mình;
tư tưởng thâm sâu và những toan tính của mình.

            “Bàn tay của Ngài, Ngài đặt trên tôi”, “Ngài chặn tôi trước, Ngài ngừa tôi sau”, “Ngài bao bọc tôi cả sau lẫn trước”. Thiên Chúa luôn can thiệp vào đời tôi để gìn giữ tôi trong tình yêu Ngài cho đến hôm nay, vì Ngài rất yêu tôi.

2. Không thể trốn Chúa được

Đi mãi đâu cho thoát thần trí Ngài,

Lẩn nơi nào cho khuất được Thánh Nhan?

            Tác giả thánh vịnh dường như đã có một lúc nào đó muốn trốn Thiên Chúa, nhưng rồi ... trốn không được! Dù lên trời cũng có Chúa, xuống âm ti lòng đất cũng lại gặp Ngài , sang đông cũng gặp sang tây cũng gặp, và ngay cả trong đêm tối âm u Thiên Chúa cũng biết hết, không gì che dấu được Ngài.

            Không gì trong đời mình có thể che dấu được Thiên Chúa, không gì về mình mà Thiên Chúa lại không biết.

3. Thiên Chúa tạo dựng tôi, nên Ngài yêu thương tôi

            Rồi một lúc nào đó tác giả thánh vịnh chợt ngộ ra:

Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo,

Dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con.

            Tác giả thánh vịnh nhận ra mình là tạo vật của Thiên Chúa, là công trình tay Ngài sáng tạo. Cha mẹ sinh ra mình nhưng chính Thiên Chúa mới là Đấng tạo thành mình, mới là Cha đích thực của mình. Bởi vì mình được sinh ra, đâu phải hoàn toàn do ý cha mẹ mình muốn? Có thể cha mẹ mình muốn sinh ra một cô con gái nhưng lại sinh ra một cậu con trai, có thể cha mẹ tôi muốn sinh ra một cậu con trai nhưng lại sinh ra một cô con gái; có bao cặp vợ chồng không muốn sinh con nữa nhưng lại vẫn có con, còn có bao cặp vợ chồng chỉ ao ước có một mụn con nhưng không thể có!

            Thiên Chúa tạo dựng nên mình, nên Ngài yêu thương mình, Ngài để ý tới mình từng chút xíu, không gì thâm sâu kín ẩn nơi mình mà Thiên Chúa không biết. Hơn nữa, Ngài còn có cả một chương trình tuyệt diệu về tôi, để yêu thương tôi. Tại sao tôi lại sợ Chúa và muốn trốn Chúa?

4. Xin Chúa tiếp tục dò xét con, để gìn giữ con

            Khi đã nhận chân ra sự thật, tác giả thánh vịnh không còn muốn trốn Chúa nữa; Lúc này thay vì muốn trốn, tác giả lại muốn và xin Thiên Chúa dò xét mình, để gìn giữ mình! Bây giờ, thay vì sợ và muốn xa Chúa, tác giả lại muốn được ở gần Chúa:

Lạy Chúa, xin dò xét để biết rõ lòng con,
Xin thử con để biết những điều con nghĩ.
Xin Ngài xem con có lạc vào đường gian ác,
thì dẫn con trở lại chính lộ ngàn đời.

Tâm sự

            Hãy nói chuyện với Thiên Chúa như mình cảm nhận nơi lòng mình về Thiên Chúa; Ngài là Đấng luôn yêu thương và chăm sóc mình, từ chuyện nhỏ cho đến chuyện lớn, từ lúc mình còn là bào thai nằm trong dạ mẹ cho đến lúc mình da mồi tóc bạc, và từ khi được sinh ra cho tới lúc xuống mồ.

            Xin Chúa hãy làm những gì Chúa muốn làm nơi con, vì những gì Chúa làm cho con đều rất tốt đẹp. Con tin điều đó, và con biết đó là sự thật.

 

13. Thiên Chúa yêu tôi vô cùng

Khung cảnh

            Như mình đang hiện diện trên đồi Canvê buổi chiều năm ấy,nhìn Chúa Yêsu chết thê thảm trên thập giá: người rũ xuống, trần trụi, thân thể không chỗ nào lành, gương mặt biến dạng vì bị đánh, đầy vết máu.

Ơn xin           

            Xác tín và cảm nghiệm Thiên Chúa yêu thương tôi vô cùng, yêu tôi đến độ ban tặng tôi điều qúy nhất với Thiên Chúa là Con Một của Ngài, đến độ Ngài luôn ở với tôi.

Điểm

1.Thiên Chúa Cha yêu tôi vô cùng

            Có tình yêu nào diễn tả và so sánh được tình yêu của Thiên Chúa, cụ thể là tình yêu giữa Thiên Chúa Cha và Chúa Yêsu? Chúa Cha yêu Chúa Yêsu vô cùng!

            Nhờ Lời Chúa Yêsu, tôi biết Thiên Chúa Cha yêu tôi vô cùng, Ngài yêu tôi như yêu Chúa Yêsu “... Cha yêu chúng như Cha yêu Con” (Yn.17,23). “Chúng” ở đây là các tông đồ, và cũng là những người nhờ các tông đồ mà tin vào Chúa Yêsu (Yn.17,20).

            Chúa Cha yêu thế gian, và cụ thể là yêu tôi đến độ ban Con của Người cho thế gian: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến độ ban Con của Người cho thế gian...” (Yn.3,16). Tại sao Thiên Chúa lại tin con người đến độ trao Con Cưng của Người cho con người? Và họ đã giết Ngài! Tại sao Thiên Chúa tin con người như vậy? Phải chăng vì Người yêu con người?

2.Chúa Yêsu yêu tôi vô cùng

            Trong bữa tiệc vượt qua cuối cùng với các tông đồ, thánh sử nói: “Đức Yêsu, đã đến giờ Ngài qua khỏi thế gian mà đến cùng Cha, đã yêu những kẻ thuộc về Người còn trong thế gian, thì Ngài yêu thương họ đến cùng” (Yn.13,1).

            Chúa Yêsu yêu tôi vô cùng, yêu đến độ hiến mạng sống cho tôi: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống vì bạn hữu mình” (Yn.15,13).

            Chúa Yêsu yêu tôi như Chúa Cha yêu Chúa Yêsu, và không những thế, Ngài xin tôi hãy yêu Ngài, hãy ở lại trong tình yêu của Ngài: “Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến anh em, anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Yn.15,9).

3. Chúa Thánh Thần yêu tôi vô cùng

            Yêu ai, thì cho tặng phẩm qúy nhất.

            Qúy nhất với Chúa Cha và Chúa Yêsu là Thánh Thần. Thế mà Chúa Cha và Chúa Yêsu yêu con người đến độ ban Thánh Thần cho con người (Yn.14,16;15,26).

            Yêu ai, thì muốn luôn sống bên người đó.

Thánh Thần yêu con người, nên Ngài ở lại mãi với con người (Yn.14,16).

            Và không chỉ Thánh Thần muốn ở mãi với con người, cả Chúa Cha và Chúa Yêsu cũng muốn ở mãi với con người (Yn.14,23). Điều đó cho thấy cả Ba Ngôi Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng.

Tâm sự

            Xin Chúa cho chúng ta cảm nghiệm rõ Thiên Chúa yêu chúng ta vô cùng, để một khi cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa, chúng ta sống bình an và hạnh phúc hơn. Thân thưa với Chúa vì chúng ta đã không yêu Chúa như Chúa đáng được yêu.

 

14. Thiên Chúa quan phòng (Mt.6,25-34)

Khung cảnh

            Như thể mình ngồi chung hoà lẫn với dân chúng và các môn đồ trên một ngọn đồi, lắng nghe Chúa giảng dạy.

Ơn xin

            Khao khát xin ơn xác tín và cảm nhận Thiên Chúa yêu thương mình vô cùng, để mình dám quảng đại phó thác đời mình cho Thiên Chúa.

Điểm

1. Chớ lo cho mạng sống mình

            Đức Yêsu nói với người thời đó: “chớ lo cho mạng sống mình, ăn gì mặc gì ...”. Chim trời Thiên Chúa còn nuôi, hoa ngoài đồng Thiên Chúa còn mặc đẹp cho, huống hồ là con người, không lẽ Thiên Chúa không nuôi và không cho mặc sao? Quân yếu tin? (Mt.6,30).

            Lo lắng ăn gì mặc gì, đó là chuyện bình thường, người ngoại cũng lo như vậy, và Thiên Chúa cũng  biết chúng ta cần những điều đó (Mt.6,32).

            Nếu chúng ta lo quá về cơm ăn áo mặc, nghĩa là, hàm chứa chúng ta muốn định đoạt tất cả, và như vậy phải chăng chúng ta không tin tưởng rằng Thiên Chúa yêu thương mình?

2. Hãy tìm kiếm Nước trước đã

            Thiên Chúa là cùng đích và ý nghĩa của con người. Chỉ có một điều cần tuyệt đối đối với con người, đó là Thiên Chúa và tương quan với Ngài.

            Chúng ta có khao khát Thiên Chúa không? Chúng ta có mong ước và cố gắng để nên thánh không? Một ngày chúng ta dùng bao nhiêu giờ để tìm kiếm Thiên Chúa và những chuyện thuộc về Chúa? Khi chúng ta đọc kinh, cầu nguyện, tham dự hoặc cử hành thánh lễ, chúng ta có tham dự và cử hành với trọn cả con người không, hay chúng ta chỉ hiện diện ở đó với thân xác còn tâm trí tinh thần thì ở chỗ khác?

            Nếu một người là tu sĩ, nếu họ không phải lo về cơm ăn áo mặc, mà họ cũng không lo tìm kiếm Thiên Chúa và những sự thuộc về Thiên Chúa, thì cuộc đời họ có ý nghĩa gì? thì họ đi tu, sống đời dâng hiến để làm gì? nếu như vậy thì còn tệ hơn cả một người ngoài đời!

3.Tin tưởng phó thác

            Chúa Yêsu trách người ta không tin tưởng vào Thiên Chúa khi họ qúa lo về thân xác, khi họ không chú ý và tìm kiếm điều quan trọng và cần thiết. Tôi, ngày hôm nay, có phạm vào lỗi lầm mà Chúa đã trách người xưa không?

            Tôi thực sự đã không tin tưởng vào Thiên Chúa nếu tôi đã không chấp nhận:

·        con người của tôi như hồng ân Chúa ban, với thân xác hình dáng dung mạo, cũng như giới hạn về khả năng thể lý hay tinh thần;

·        nguồn gốc của tôi, thành phần gia đình của tôi: ông bà cha mẹ anh chị em và ngay cả họ hàng;

·        môi trường sống như cộng đoàn dòng tu, cộng đoàn giáo xứ, địa phận, đất nước;

·        tôi là người, với những thử thách và cám dỗ trong cuộc sống.

Tâm sự

            Xin Chúa cho chúng ta cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa đối với mình, để một khi cảm nghiệm Thiên Chúa yêu thương mình, chúng ta có thể phó thác tương lai đời mình cho Thiên Chúa, và như vậy chúng ta sẽ sống trong bình an hạnh phúc, vì được Thiên Chúa yêu thương vô cùng.

 

21. Bình Tâm (LT.23)

Khung cảnh

            Như thể mình hiện diện trong buổi chiều đó trên đồi Canvê, nhìn Chúa chết thê thảm ...

Ơn xin

            Xin cho mình ơn nhận rõ đâu là giá trị đích thực của con người và của đời người, ơn chọn Thiên Chúa trên tất cả và có thái độ thanh thoát với tạo vật.

Điểm

1. Ý nghĩa và mục đích của đời người

            Con người được sinh ra để làm gì? Đâu là cứu cánh của con người? Tại sao con người phải đau khổ nhiều như vậy?

            Có những luận thuyết cho rằng:

·        con người tình cờ hiện hữu, đời sống con người chẳng có ý nghĩa gì;

·        con người chỉ là vật chất tiến hóa, chết là hết;

·        con người là trò chơi của Tạo Hóa “Con Tạo đành hanh”, nếu làm hài lòng Ngài thì hạnh phúc còn nếu làm mất lòng Ngài thì đau khổ;....

            Mặc khải Kitô giáo cho chúng ta biết: Thiên Chúa tạo dựng con người để con người được sống và sống hạnh phúc vĩnh cửu với Thiên Chúa. Thiên Chúa không hề muốn con người đau khổ, đau khổ là do con người mà ra!

            Tôi có tin điều đã được mặc khải không?

2. Tạo vật là phương tiện

            Con người được tạo dựng cuối cùng. Thiên Chúa đã tạo dựng vạn sự vạn vật để phục vụ con người, nhằm giúp con người đến với Thiên Chúa.           Tiền bạc danh vọng chức quyền, không làm con người hạnh phúc! “Dù ai giầu ruộng sâu trái núi, đụn lúa kho tiền, bất qúa cũng thủ tài chi lỗ”.

3. Bình tâm

            Thái độ của con người phải như thế nào trong tương quan với Thiên Chúa và tạo vật?

            Nếu Thiên Chúa là cứu cánh và cùng đích của con người, thì con người phải đặt Thiên Chúa lên trên hết, và phải chọn những gì thuộc về Thiên Chúa ưu tiên trên những sự khác: lấy Thiên Chúa và tương quan với Ngài là ưu tiên một, luôn tìm kiếm và lấy ý Thiên Chúa làm ý mình.

            Nếu tạo vật chỉ là phương tiện, thì ta chỉ được dùng tạo vật trong mức độ nó giúp ta đến với Thiên Chúa, và phải bỏ nó khi nó ngăn đường cản lối. Như vậy, nếu điều gì giúp tôi làm vinh danh Chúa hơn thì tôi làm, còn nếu điều gì “làm vinh danh Chúa” ngang nhau thì sao cũng được dù đó là nghèo khó hay giầu sang, bị xỉ nhục khinh chê hay được trọng vọng vinh dự, sống lâu hay chết yểu, thông minh hay ngu dốt, ...!

            Bình tâm, không chỉ là không muốn điều này hơn điều kia khi chúng làm vinh danh Chúa ngang nhau, nhưng chủ yếu là chọn Thiên Chúa và ý định của Ngài trên tất cả ngay cả trong trường hợp những điều đó trái ý mình.

Tâm sự

            Sau mỗi điểm, hãy nói chuyện thân thưa với Chúa dựa theo hiện trạng của mình, xin Chúa cho mình thấy rõ Chúa mới đáng là tất cả của mình, và tạo vật chỉ là phương tiện, để mình không qúa quyến luyến nó và không bị lầm lẫn trong từng hành vi chọn lựa của mình trong cuộc sống mỗi ngày.

 

22. Hồi niệm (năm bài: từ bài 11 đến bài 21)

Khung cảnh

            Như trong bài 21.

Ơn xin

            Xin được ơn cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa đối với mình, nhờ đó mình bình tâm và tin tưởng phó thác đời mình cho Thiên Chúa, hầu được bình an thư thái hạnh phúc.

Điểm

·        Dừng lại những chỗ trong những bài trước mình đã cảm nghiệm được ít nhiều an ủi, tình cảm thiêng liêng, hay hiểu biết, để cảm nghiệm sâu hơn nữa;

·        Dừng lại những chỗ trong những bài trước mình đã bị sầu khổ, để hiểu mình hơn

Tâm sự

            Nói với Chúa như mình thấy về mình và những ơn mình nhận được.

           

 

HOME     LINH ĐẠO     LINH THAO MƯỜI NGÀY       LTMN1       LTMN2       LTMN3       LTMN4       LTMN5      LTMN6

 



[1] Nếu tôi là một tu sĩ, thì tôi đã tìm kiếm điều gì

trước khi tôi đi tu?
khi tôi mới bắt đầu đi tu?
sau khi tôi đi tu một thời gian?