HOME     LINH ĐẠO     LINH THAO MƯỜI NGÀY       LTMN1       LTMN2       LTMN3       LTMN4       LTMN5      LTMN6

 

 

LINH THAO MƯỜI NGÀY
NHỮNG  ĐIỂM  GỢI  Ý  GIÚP  CẦU  NGUYỆN

 

Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.

NGÀY Y-NHÃ.. 1

64. Hai Cờ Hiệu. 1

1. Mưu chước của ma qủy. 1

2. Đường lối của Chúa. 2

71. Tôi phải làm gì (Mc.10,17-31) 2

1. Có gì đem bán mà cho kẻ khó. 2

2. Người có của khó vào Nước Thiên Chúa biết bao. 2

3. Này chúng tôi đã bỏ tất cả mà theo Thày. 3

72. Ba mẫu người 3

1. Đâu là mười ngàn dollars của tôi?. 3

2. Tôi thuộc mẫu người thứ mấy?. 3

73. Đức Yêsu luôn thực hiện Ý Cha. 3

1. Này con xin đến, để thực thi Ý Chúa. 3

2. Của ăn của Ta là làm theo Ý Đấng đã sai Ta. 4

3. Xin đừng theo Ý Con, nhưng Ý Cha. 4

74. Ba mức độ yêu thương (LT.165-167) 4

1.Tôi yêu Chúa ở mức độ nào. 4

2.Có muốn đồng hình đồng dạng với Ngài không. 5

81. CHỌN LỰA BẬC SỐNG.. 5

82. Những bước đường tình yêu. 5

1. Chúa có gọi tôi sống đời dâng hiến không. 5

2. Dấu chỉ khách quan cho thấy Chúa gọi tôi 5

TUẦN BA.. 5

 

 

NGÀY Y-NHÃ

64. Hai Cờ Hiệu

            Như thánh Y-nhã đã chỉ trong sách Linh Thao (LT.136-148).

            Cần lưu ý:

·        ma qủy là thực tại vô hình, không như con người chúng ta;

·        để nói về những thực tại đó, người ta không thể không dùng những hình ảnh[1], hoặc những ý niệm[2] và từ ngữ để diễn tả;

·        có người cho rằng những hình ảnh thánh Ynhã dùng cho bài cầu nguyện này không còn thích hợp với não trạng con người ngày nay. Nếu như vậy, họ có thể dùng những hình ảnh khác.

1. Mưu chước của ma qủy

            Ma qủy cám dỗ con người, làm con người tham muốn của cải vật chất, và sau đó ham muốn vinh hoa thế gian; và hậu qủa là tính kiêu ngạo tự mãn!

            Điều thánh Y-nhã nói về mưu chước của ma qủy rất chính xác, vì:

·        Người xưa cũng nói “có tiền mua tiên cũng được”, “kim ngân phá lề luật”; ngày nay người ta nói “đồng tiền là tiên là phật, là sức bật của tuổi trẻ, sức khoẻ của tuổi già, cái đà của danh vọng, cái lọng để che thân, cán cân của công lý”;

·        Những người có tiền thường được tôn trọng, được kính trọng “qúa mức”. Có tiền thường dễ có địa vị; người ta có thể mua công danh chức tước;

·        Với tiền bạc, người ta làm được nhiều chuyện đến độ người ta nghĩ rằng họ có thể làm được mọi chuyện với tiền bạc; và như vậy người ta dễ đi đến tự mãn kiêu ngạo.

            Tôi có cho rằng “giầu có danh vọng chức quyền” là con đường ma qủy dùng để trói buộc con người không? Trong cuộc sống thường ngày tôi có đồng lõa và đi theo đường lối của ma qủy không?

2. Đường lối của Chúa

            Đức Yêsu khuyên bảo các môn đệ của Ngài hãy tìm cách giúp con người sống nghèo khó trong lòng tột bực, và ngay cả chấp nhận nghèo khó cụ thể nếu Chúa muốn và nếu Chúa được phụng sự hơn; thứ đến giúp họ ao ước chịu xỉ nhục và khinh chê; và từ hai điều đó sẽ có đức khiêm nhường.

            Sở dĩ như vậy, vì nghèo giúp người ta dễ trông cậy vào Chúa hơn; và một khi nghèo, con người dễ bị khinh khi coi thường; và như vậy, sẽ giúp người ta dễ nhận ra sự thật về chính mình “không là gì cả”, và giúp người ta khiêm nhường thực sự.

            Tôi có chấp nhận lời huấn dụ và con đường của Chúa không? Tôi có sẵn sàng sống theo đường Người chỉ dạy không?

Tâm sự

            Xin cho mình được nghèo và xỉ nhục, để được đứng vào dưới cờ thập giá của đức Yêsu Kitô, để được nên giống Chúa Kitô hơn.

71. Tôi phải làm gì (Mc.10,17-31)

Khung cảnh

            Như thể chúng ta hiện diện tại chỗ gặp gỡ giữa đức Yêsu và người thanh niên giầu có: “nhằm lúc Ngài ra đi lên đàng” (Mc.10,17).

Ơn xin

            Nhận ra lời mời gọi của Chúa và mau mắn quảng đại đáp trả tiếng gọi của Ngài.

Điểm

            Cách cầu nguyện của chúng ta trong bài này là chiêm niệm, tức là “nhìn nghe quan sát, suy nghĩ để rút ích lợi”.

1. Có gì đem bán mà cho kẻ khó

            Anh thanh niên này rất tốt, anh đã giữ thập giới từ thuở bé; không chỉ thế, anh còn bận tâm khao khát sự sống đời đời.

            Anh ta kính trọng đức Yêsu, điều này được thấy qua cung cách bái chào. Anh ta đặt hy vọng nhiều nơi đức Yêsu, chính vì thế anh ta mới tìm hỏi khao khát của anh ta nơi Ngài. Còn đức Yêsu, Ngài thương anh ta cách đặc biệt “đức Yêsu nhìn người ấy đem lòng yêu mến”.

            “Ngươi chỉ thiếu một điều. Đi đi, có gì thì đem bán mà cho kẻ khó, và ngươi sẽ có một kho tàng trên trời, rồi đến theo Ta” (Mc.10,21). Lời mời gọi này, cho anh thanh niên giầu có này thấy con người thực của anh ta hơn. Anh bỏ đi buồn rầu, vì anh không thể dứt bỏ được của cải. Anh không đáp lại lời mời gọi của đức Yêsu.

            Đâu là kho tàng của tôi mà Chúa mời gọi tôi dứt bỏ? Tôi có sẵn sàng dứt bỏ để đi theo Ngài không? Nếu tôi không dứt bỏ, tôi không thể theo Ngài được! 

2. Người có của khó vào Nước Thiên Chúa biết bao

            Như thể đức Yêsu chữa thẹn mà Ngài nói “những người có của khó vào được Nước Thiên Chúa biết bao”, nhưng sự thực là như lời đức Yêsu nói; các tông đồ phản ứng bằng thái độ kinh ngạc “ngẩn người ra”. Đức Yêsu nói lại điều Ngài đã nói một cách rõ ràng hơn: “Này các con, khó vào được Nước Thiên Chúa biết bao! Lạc đà qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu có vào Nước Thiên Chúa”; các tông đồ tỏ thái độ bằng lời nói: “vậy thì còn ai có thể được cứu?”. Và đức Yêsu dứt khoát hơn bằng cả lời nói lẫn thái độ và cái nhìn: “nơi loài người thì không thể được, nhưng không thế nơi Thiên Chúa, vì mọi sự đều là có thể nơi Thiên Chúa”.

            Thái độ của tôi đối với của cải như thế nào? Tôi đã thực sự coi giầu có là một mối họa không, hay tôi đã coi nó là một mối phúc?

3. Này chúng tôi đã bỏ tất cả mà theo Thày

            Tuy dù các tông đồ là những người nghèo, nhưng những điều các vị bỏ cũng là tất cả với các ngài: cha mẹ, anh chị em, con cái,v.v.

            Để theo Chúa, các tông đồ đã từ bỏ tất cả. Tôi có sẵn sàng từ bỏ tất cả để theo đức Yêsu không? Tôi có sẵn sàng từ bỏ những gì “qúy nhất” đối với tôi, để theo Ngài không?

Tâm sự

            Thân thưa với Chúa về kho tàng của tôi, về những gì ngăn cản tôi tới với Chúa, và xin Chúa giúp mình quảng đại với Chúa hơn.

72. Ba mẫu người

            Khung cảnhƠn xin như thánh Y-nhã chỉ trong sách Linh Thao (LT.149-157).

Điểm

1. Đâu là mười ngàn dollars của tôi?

            Đâu là quyến luyến lệch lạc của tôi? Có thể đó là một kỷ vật, một chỗ ở, một công việc, một nghề nghiệp, một tương quan với người đồng phái hay khác phái,v.v.

            Nếu chú ý, chúng ta đã có thể nhận ra quyến luyến lệch lạc hay “kho tàng” của mình qua những chia trí trong giờ cầu nguyện[3].

2. Tôi thuộc mẫu người thứ mấy?

            Trong quá khứ, tôi đã thuộc mẫu người thứ mấy? Hiện tại, tôi thuộc mẫu người thứ mấy? Nếu tôi chưa thuộc mẫu người thứ ba, tôi có ao ước cho tôi được thuộc mẫu người thứ ba không?

            Mẫu người thứ nhất mới chỉ muốn bỏ quyến luyến lệch lạc, chứ họ không chịu dùng phương thế để bỏ nó.

            Mẫu người thứ hai muốn bỏ lòng quyến luyến lệch lạc nhưng lại muốn giữ lại cái mà họ quyến luyến.

            Mẫu người thứ ba muốn không còn quyến luyến lệch lạc nữa, nên sẵn sàng bỏ cả cái mà mình quyến luyến; Họ sẵn sàng đến độ chỉ giữ lại cái đó nếu thấy rõ rằng Chúa muốn họ giữ lại cái đó; còn nếu không thấy rõ Chúa muốn họ giữ, thì họ bỏ; trong khi chờ đợi để biết Chúa muốn họ thế nào, họ coi như mình đã bỏ.

Tâm sự

            Nói chuyện thân thưa với Chúa khi nhìn thấy rõ về con người của mình; xin Chúa giúp mình yêu Chúa bằng hành động, bằng chính đời sống cụ thể và từ bỏ của mình.

73. Đức Yêsu luôn thực hiện Ý Cha

Khung cảnh:

            Bên bờ giếng Yacob, đức Yêsu mỏi mệt, đói và khát. Đức Yêsu khẳng định: “của ăn của Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta” (Yn.4,34).

Ơn xin:

            Xin cho con hiểu Chúa hơn, yêu Chúa hơn và theo Chúa hơn. Xin cho con luôn biết lắng nghe và thực hiện Lời Chúa trong từng giây phút của đời sống con như Chúa đã luôn tìm và thực hiện thánh ý Chúa Cha trong suốt cuộc sống tại thế.

Điểm:

1. Này con xin đến, để thực thi Ý Chúa

            Đức Yêsu là Ngôi Lời Nhập Thể. Thiên Chúa nhập thể để thực hiện chương trình cứu độ con người, làm cho con người nhận biết Thiên Chúa yêu thương con người, để con người đáp trả tình yêu Thiên Chúa, và như vậy con người được hạnh phúc.

            Ngôi Lời Thiên Chúa đã chấp nhận người cha người mẹ thuộc giai cấp bình dân nghèo nàn, và chấp nhận để mình được sinh ra trong cảnh nghèo hèn cùng cực nơi chuồng chiên cừu.

            Thiên Chúa Nhập Thể đã sống rất bình thường tại Nadarét, tập lẫy tập bò tập đứng tập đi, học ăn học nói học gói học mở, học đọc học viết, học làm nghề thợ mộc với thánh Yuse.

            Đức Yêsu đã sống bình thường như một em bé ở Nadarét, được đối xử như mọi em bé khác cùng tuổi không có gì ưu tiên. Có lẽ về khả năng thông minh, đức Yêsu cũng bình thường như bao người, bởi vì Ngài giống chúng ta mọi đàng trừ tội (Dt.2,17;4,15).

            Năm được 12 tuổi, vì được Thánh Thần thúc đẩy nên Ngài đã sẵn sàng ở lại đền thờ dù không kịp báo cho cha mẹ.

            Đức Yêsu luôn sống dưới tác động của Thánh Thần. Một khi nhận ra Thánh Ý Thiên Chúa thì Ngài vâng phục, dù ý định đó như thế nào đối với Ngài chăng nữa.

2. Của ăn của Ta là làm theo Ý Đấng đã sai Ta

            Trong cuộc đời công khai, đức Yêsu miệt mài rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Khi người ta muốn giữ Ngài lại, Ngài nói: “Ta phải đi để rao giảng ở nơi khác nữa, chính vì thế mà Ta đến thế gian” (Mc.1,38).

            Khởi đầu cuộc sống công khai, “Thần Khí Thiên Chúa dẫn Ngài vào hoang địa để Ngài ăn chay, và ở đó Ngài bị ma qủy cám dỗ”(Mt.4,1). Đức Yêsu luôn sống dưới tác động của Thánh Thần.

            Trên đường từ Yuđê về Galilê, mệt mỏi và đói khát, đức Yêsu và các tông đồ đã dừng chân bên bờ giếng Yacob; và trong khi chờ đợi các môn đồ mua thức ăn, đức Yêsu đã xin nước nơi chị phụ nữ để uống. Và dịp tới, đức Yêsu đã miệt mài nói về Thiên Chúa đến quên cả đói: “Của ăn của Ta là làm theo Ý Đấng đã sai Ta” (Yn.4,34).

            Ngay cả trong việc làm phép lạ, đức Yêsu cũng luôn tìm ý Thiên Chúa Cha; và một khi Ngài thấy ý Thiên Chúa Cha, thì Ngài thực hiện. Chẳng hạn trong cuộc gặp gỡ với chị phụ nữ người Syri-phênici[4] (Mc.7,24-30).

            Trong cuộc đời rao giảng Nước Thiên Chúa, khi được thúc đẩy phải nói điều gì đó, thì Ngài nói dù bị hiểu lầm và chống đối, thậm chí phải chết:

·        “tội của ngươi đã được tha” (Mc.2,7);

·        “trước khi có Abraham, đã có Ta” (Yn.8,57-58);

·        “Ta và Cha Ta là một” (Yn.10,30);

·        “Và các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Quyền Năng và đến với mây trời” (Mc.14,62).

3. Xin đừng theo Ý Con, nhưng Ý Cha

            Đức Yêsu luôn làm theo Ý Cha.

            Trong vườn dầu, đức Yêsu nói: “xin đừng theo Ý Con nhưng là Ý Cha” (Mc.14,36). Trên thập giá, dù bị cám dỗ rằng Thiên Chúa đã bỏ rơi Ngài “Lạy Thiên Chúa, sao Ngài nỡ bỏ con?” (Mc.15,34), nhưng Ngài vẫn một niềm tin tưởng “Lạy Cha, con phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc.23,46), và Ngài sẵn sàng chấp nhận tất cả những gì Thiên Chúa cho xảy tới với Ngài “Đã hoàn tất” (Yn.19,30).

Tâm sự

            Đức Yêsu là Thiên Chúa mà Ngài luôn tìm kiếm và thực hiện Ý Cha trong từng biến cố của đời Ngài, xin cho mình cũng được nên giống Ngài, luôn tìm kiếm và thực hiện Thánh Ý Thiên Chúa.

 

74. Ba mức độ yêu thương (LT.165-167)

Khung cảnh

            Nhìn đức Yêsu chết thê thảm trên đồi Calvê, và Ngài bị coi như người tội lỗi.

Ơn xin

            Cảm nghiệm Chúa yêu thương mình vô cùng, và xin cho mình yêu Chúa đến độ ao ước trở nên giống Ngài, đồng hình đồng dạng với Ngài.

Điểm

1.Tôi yêu Chúa ở mức độ nào

            Trong qúa khứ tôi ở bậc khiêm nhường nào? Và hiện tại tôi ở mức độ nào?

            Mức độ khiêm nhường thứ nhất: “thà chết hay được tất cả thế gian, tôi cũng không phạm một tội trọng”.

            Mức độ khiêm nhường thứ hai: “bình tâm, thà chết cũng không phạm một tội nhẹ[5]”; nghĩa là, điều nào làm vinh danh Thiên Chúa hơn thì tôi làm, còn trong trường hợp cả hai đều làm vinh danh Thiên Chúa ngang nhau thì tôi không nghiêng chiều về điều này hơn điều kia[6].

            Mức độ khiêm nhường thứ ba: “yêu Chúa đến độ muốn nên giống Chúa, muốn được đồng hình đồng dạng với Chúa Yêsu Kitô”. Ở mức độ tình yêu thứ ba này, nếu điều nào làm vinh danh Thiên Chúa hơn thì tôi làm; nhưng nếu trong cả hai trường hợp đều làm vinh danh Chúa ngang nhau, thì để nên giống Chúa Yêsu hơn, để trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài hơn, tôi chọn trở nên nghèo với đức Yêsu nghèo hơn là giầu, tôi chọn bị coi là xỉ nhục với đức Yêsu bị xỉ nhục hơn là được kính trọng, tôi chọn bị coi là điên dại với đức Yêsu bị coi là điên dại hơn được coi là khôn ngoan thông thái trên đời.

2.Có muốn đồng hình đồng dạng với Ngài không

            Tôi vẫn thường nói rằng tôi yêu mến Chúa! Nếu tôi yêu mến Chúa thực, chắc tôi đã xin được đồng hình đồng dạng với Ngài.

            Nếu tôi đã không dám xin được yêu Chúa ở mức độ khiêm nhường thứ ba, đó là dấu chỉ cho thấy tôi chưa yêu Chúa nhiều lắm, tôi chưa tin tưởng phó thác tất cả cho Thiên Chúa, tôi chưa tin rằng Thiên Chúa yêu tôi vô cùng. Nếu như vậy, hãy khiêm tốn xin Chúa củng cố đức tin cho mình, xin Chúa làm cho mình yêu Chúa, và xin cho mình yêu Chúa đến độ ao ước trở nên giống Chúa, đồng hình đồng dạng với Ngài.

Tâm sự

            Làm ba cuộc tâm sự, một với đức Maria, một với Chúa Yêsu Phục Sinh đang ngự bên hữu Thiên Chúa, một với Thiên Chúa Cha. Xin cho mình được đứng dưới cờ thập giá của đức Yêsu bằng hành động:

·        ao ước sống nghèo khó tinh thần tột bậc và thái độ sẵn sàng nghèo thực sự nếu Chúa muốn;

·        ao ước chịu xỉ nhục khinh chê với Chúa hơn là được vinh vang trần thế.

81. CHỌN LỰA BẬC SỐNG

            Làm lựa chọn bậc sống theo chỉ dẫn của sách Linh Thao (LT.178-183).

            Chọn lựa bậc sống là việc rất quan trọng, nên hãy làm hết sức cẩn thận. Nếu ta làm việc chọn lựa bậc sống tốt, ta sẽ sống hạnh phúc hơn.

 

82. Những bước đường tình yêu

Khung cảnh

            Như mình đang hiện diện trước tôn nhan Chúa và triều đình thần thánh trên trời. Các thánh và các thiên thần đang cầu bầu cho tôi.

Ơn xin

            Cảm nhận Chúa yêu mình nên đã can thiệp vào đời mình, để gìn giữ mình, và làm mình thuộc trọn về Chúa.

Điểm

1. Chúa có gọi tôi sống đời dâng hiến không

            Tại sao tôi đi tu?

            Lúc mới đi tu, tôi có ý thức Chúa gọi tôi không? Lúc đó, tôi đi tu vì tôi muốn, hay tôi thấy Chúa gọi tôi nên tôi đi?

            Còn bây giờ, tôi có xác tín Chúa gọi tôi sống đời dâng hiến không?

2. Dấu chỉ khách quan cho thấy Chúa gọi tôi

            Có dấu chỉ khách quan[7] nào trong suốt đời tôi, cho thấy Chúa đã can thiệp vào đời tôi, để gìn giữ tôi cho tới bây giờ, để làm tôi thuộc về Chúa cho tới ngày hôm nay?

Tâm sựï

            Thân thưa với Chúa, Đấng đã yêu thương tôi vô cùng. Cảm tạ vì bao hồng ân Chúa ban cho mình trong suốt đời.

 

TUẦN BA

 

HOME     LINH ĐẠO     LINH THAO MƯỜI NGÀY       LTMN1       LTMN2       LTMN3       LTMN4       LTMN5      LTMN6

 



[1] như trong hội họa và điêu khắc.

[2] ý niệm,  tiếng Hy Lạp là eidos: hình ảnh.

[3] Xem LT.327

[4] Ban đầu đức Yêsu không muốn làm phép lạ vì Ngài nghĩ rằng “không nên lấy bánh của con cái mà quăng cho chó”, nhưng khi Ngài thấy đức tin của chị ta- mà đức tin là hồng ân của Thiên Chúa- dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa muốn, thì Ngài đã cho chị ta được như chị ta xin.

[5] Ở đây luôn hiểu là tội cố tình.

[6] Có thể nói: “sao cũng được”; nhưng, người như vậy không có nghĩa là người “ba phải”.

[7] Ở đây hiểu là dấu chỉ “khách quan” đối với đương sự. Dấu chỉ khách quan này có thể rất chủ quan.