HOME     LINH ĐẠO     LINH THAO MƯỜI NGÀY       LTMN1       LTMN2       LTMN3       LTMN4       LTMN5      LTMN6

 

LINH THAO MƯỜI NGÀY
NHỮNG  ĐIỂM  GỢI  Ý  GIÚP  CẦU  NGUYỆN

 

Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.

MỤC LỤC

MỤC LỤC. 1

TUẦN BA.. 1

TỬ NẠN.. 1

83. Yêu thương là phục vụ và dâng hiến. 1

84. Vườn dầu (Mc.14,32-52) 3

91. Đức Yêsu bị xử án. 3

92. Đường tình yêu. 5

93. Ba vị trên đồi Calvê. 6

 

 

 

TUẦN BA

TỬ NẠN

83. Yêu thương là phục vụ và dâng hiến

Khung cảnh

            Đức Yêsu và các tông đồ trong một căn phòng trên gác, nơi ăn tiệc Vượt Qua.

Ơn xin

            Xin hiểu đức Yêsu hơn, hiểu tâm tình của Ngài lúc này, để yêu Ngài hơn, và ao ước chia sẻ nỗi buồn sầu của Ngài, cũng như để theo Ngài, đồng hình đồng dạng với Ngài, bắt chước sống theo cung cách của Ngài.

Điểm

            Nhìn nghe quan sát, suy nghĩ để rút ích lợi; cố gắng đi vào tâm tình của Ngài, xem Ngài đã phải chịu cực khổ vì yêu tôi như thế nào, và Ngài còn sẵn sàng chịu tất cả những gì có thể xảy đến như thế nào nữa, vì yêu tôi?

1. Đức Yêsu yêu các tông đồ vô cùng

            “Đức Yêsu, biết đã đến giờ Ngài phải qua khỏi thế gian mà đến cùng Cha, đã yêu mến những kẻ thuộc về Ngài còn trong thế gian, thì Ngài yêu thương họ đến cùng” (Yn.13,1).

            Đức Yêsu không chỉ yêu chúng ta bằng tình yêu của một người yêu một người, nhưng bằng tình yêu của Thiên Chúa đối với Thiên Chúa: “Như Cha đã yêu mến Thày, Thày cũng yêu mến anh em; Hãy ở lại trong tình yêu của Thày” (Yn.15,9).

            Tâm tình của đức Yêsu trong bữa tiệc Vượt Qua này, là tâm tình của người yêu phải xa người mình yêu. Chúng ta phải đọc những hành động và lời nói của đức Yêsu trong bầu khí và tâm tình trên.

2. Đức Yêsu rửa chân cho các tông đồ

            Các tông đồ tranh luận xem ai giữa họ là người đứng đầu, và đức Yêsu đã dạy: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc.9,35). Một lần khác, hai con ông Giêbêđê, xin Ngài cho họ một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Ngài; các môn đệ khác bực tức với họ; đức Yêsu đã dạy: “ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người” (Mc.10,43-44).

            Trong bầu khí “tranh nhau làm đầu” đó mà đức Yêsu đã dạy các tông đồ bài học khiêm tốn phục vụ bằng hành động (Yn.13,1-17) chứ không bằng lời như trước nữa.

            Đức Yêsu đã nêu gương phục vụ cho các tông đồ. Ngài đã yêu các tông đồ vô cùng, nhưng đã thành người phục vụ, thành đầy tớ trong hành vi rửa chân cho các ông. Tình yêu đòi chúng ta phải có tinh thần phục vụ: “Thày đã làm gương, để anh em cũng sống như Thày”.

3. Này là Mình Ta, sẽ bị nộp vì các con

            Trong tình yêu, người ta có nhiều sáng kiến. Đức Yêsu là người yêu phải xa người mình yêu “cách nhân loại”, và Ngài đã có một sáng kiến tuyệt vời để ở gần mãi người mình yêu, đó là “bí tích Thánh Thể”.

            Đức Yêsu đã biến bánh rượu thành mình và máu Ngài, để trở thành thần lương nuôi sống chúng ta. Ngày xưa Ngài đã từ chối biến đá thành bánh để phục vụ Ngài, thì nay Ngài đã biến bánh rượu thành thịt máu Ngài để nuôi con người.

            Khi yêu, người ta cho nhau tất cả, và cao điểm là chính bản thân mình. Đức Yêsu đã yêu chúng ta vô cùng, và Ngài đã hiến mình Ngài cho Chúa Cha và cho con người chúng ta. Yêu thương là đời sống của những người sống đời dâng hiến, và những người sống đời dâng hiến phải là những người luôn yêu thương.

            Với hành vi tự hiến qua bí tích Thánh Thể, chúng ta thấy rõ tình yêu tự nguyện hiến thân của đức Yêsu trong ngày thứ sáu hôm sau.

Tâm sự

            Hãy nói chuyện thân thưa với Chúa như chúng ta thấy. Xin Chúa cho mình yêu Chúa đến độ muốn chia sẻ niềm đau nỗi buồn của Ngài.

 

84. Vườn dầu (Mc.14,32-52)

Khung cảnh

            Vườn dầu, nơi đức Yêsu trải qua cơn chiến đấu với chính mình.

Ơn xin

            Xin hiểu Chúa hơn, hiểu nỗi lo sợ kinh hoàng và buồn sầu của Ngài; Xin cho mình yêu Chúa, được chia sẻ nỗi buồn đau của Ngài, và xin cho mình được sẵn sàng nên giống Ngài trong khó nghèo khổ nhục.

Điểm

            Nhìn nghe quan sát, suy nghĩ và rút ích lợi. Cố gắng đi vào tâm hồn Ngài, để yêu và nên đồng hình đồng dạng với Ngài.

1. Xin cho giờ này qua đi khỏi Con

            Đức Yêsu xưa nay vẫn được hiểu như người luôn trầm tĩnh  và không bao giờ run sợ trước mọi biến cố; thế nhưng đoạn Tin Mừng Mc.14,32-42 cho thấy “đức Yêsu hãi hùng xao xuyến” và “buồn đến chết được”, còn thánh Luca cho thấy “mồ hôi Ngài như những giọt máu nhỏ xuống đất” (Lc.22,44).

            Giờ phút đức Yêsu ở Vườn Dầu, có lẽ là giờ phút khủng khiếp nhất đối với đức Yêsu; bởi vì đây là cuộc chiến đấu nội tâm, và với chính mình.

            Có lẽ giờ phút này đức Yêsu cảm thấy “tội của tất cả loài người” đè nặng trên Ngài, và có lẽ Ngài cũng thấy trước những gì sắp xảy đến cho Ngài.

2. Anh dùng cái hôn để nộp con người sao

            Làm sao để bắt đức Yêsu cách chính xác giữa một nhóm đông 12 người? Yuđa và đồng bọn đã nghĩ ra được một cách rất chính xác: “ôm hôn”!

            Nỗi đau của đức Yêsu tăng thêm khi thấy Yuđa đã “dùng dấu chỉ tình yêu” để nộp “Người” đã đồng hành với mình suốt ba năm trời: “Yuđa ơi, anh dùng cái hôn để nộp con người sao?” (Lc.22,48). Có lẽ Yuđa đã qúa táng tận lương tâm khi dám hành xử như vậy.

            Đức Yêsu đã thành “phạm nhân” khi bị bắt, và chắc chắn người ta đã đối xử với Ngài cách thậm tệ: Thiên Chúa mà bị người ta trói và dẫn đi một cách bất kính như vậy sao?

Tâm sự

            Thân thưa với Chúa như chúng ta thấy nơi lòng mình. Xin cho mình yêu Chúa đến độ ao ước được chia sẻ nỗi đau và xỉ nhục của Ngài, vì Ngài đã yêu chúng ta mà Ngài phải chịu những sự đó.

91. Đức Yêsu bị xử án

Khung cảnh

            Đức Yêsu trước toà Công Nghị Do Thái và trước toà Roma.

Ơn xin

            Xin ơn hiểu và cảm nhận những đau đớn và xỉ nhục đức Yêsu đã chịu; và xin được tan nát cõi lòng với đức Yêsu tan nát tâm hồn.

Điểm

            Nhìn nghe quan sát, suy nghĩ và rút ích lợi: con người mà dám xét xử Thiên Chúa!

1.Tất cả đều lên án Ngài đáng chết

            Công nghị được triệu tập để kết án tử hình đức Yêsu (Mc.14,1.55), nhưng với những lý do được đưa ra, không đủ để họ kết án đức Yêsu.

            Thượng tế đã hỏi đức Yêsu về chân tính của Ngài, và câu trả lời đã làm cho Ngài bị kết án tử: “rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Quyền Năng mà đến trên mây trời” (Mc.14,62).

            Đức Yêsu có biết nếu Ngài trả lời như vậy, Ngài sẽ phải chết không? Chắc đức Yêsu biết, vì Ngài không phải là người kém thông minh (Lc.2,47). Nếu đức Yêsu biết nếu Ngài nói như vậy, Ngài sẽ phải chết, thì tại sao Ngài lại dại dột nói lên điều đó?

            Câu nói làm đức Yêsu phải chết, là câu nói vô cùng quan trọng, mặc khải cho chúng ta thấy chân tính và nguồn gốc của đức Yêsu; và nhờ đó, chúng ta biết Thiên Chúa yêu con người vô cùng; và nhờ đó, con người có thể tin tưởng sống bình an hạnh phúc.

            Đức Yêsu là chứng nhân tình yêu: Ngài tới để làm chứng cho con người ngày nay biết là Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng. Nếu đức Yêsu không nói sự thực, và sự thực đó làm Ngài phải chết, thì e rằng con người không thể nhận biết chắc chắn tuyệt đối rằng Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng.

            Đối với người Do Thái, đức Yêsu đã phạm một tội rất nặng “phạm thượng”, là người mà dám cho mình ngang bằng Thiên Chúa; chính vì thế mà tất cả công nghị đều nhất trí kết án tử hình đức Yêsu; hơn nữa khi Philatô hỏi dân chúng xem họ muốn ông phóng thích ai, Barabba hay Yêsu, thì dân chúng đã chọn tha Barabba, vì đối với họ, lúc đó, đức Yêsu đã phạm một tội quá nặng “dám cho mình ngang bằng Thiên Chúa”, và tội này đáng ghê tởm hơn mọi thứ tội, và như vậy, đức Yêsu ngàn lần đáng chết hơn Barabba.

2.Ta không thấy lý do để kết tội ông ấy

            Dân Do Thái lúc đó là dân tộc bị trị, và người Roma đã không cho phép họ được quyền xử tử hình ai cả; một người chỉ có thể bị xử tử hình cách hợp pháp bởi toà án của người Roma, do tổng trấn xét xử. Chính vì thế những người lãnh đạo dân Do Thái đã đưa đức Yêsu sang xin Philatô xét xử, khi họ thấy phải xử tử hình Ngài(Mc.14,64 Yn.19,7).

            Philatô thấy đức Yêsu vô tội và bị vu cáo, nên ông muốn tha đức Yêsu nhiều lần (Yn.18,38;19,4.6.12), nhưng, vì sợ mất địa vị chức quyền nên Philatô nhu nhược, đã nhân nhượng và đồng ý giết đức Yêsu.

            Thiên Chúa phải là Đấng xét xử con người, thế mà nay lại bị con người xét xử. Tại sao đức Yêsu lại phải chịu như vậy, phải chăng vì yêu tôi? Tôi phải đối xử với Ngài như thế nào đây?

Tâm sự

            Cố gắng đi vào tâm hồn của đức Yêsu trong những giờ phút này, để thấy những nhục nhằn đức Yêsu phải chịu, đặc biệt nơi toà án của Herode (Lc.23,8-12), và xin cho mình được yêu Chúa và ao ước chia sẻ nỗi niềm đau buồn tủi khổ với Chúa.

92. Đường tình yêu

Khung cảnh

            Con đường đức Yêsu đã vác thập giá đi qua: con đường từ nơi đức Yêsu bị đánh đòn cho tới đồi Golgotha.

Ơn xin

            Xin ơn hiểu Chúa, hiểu nỗi tủi nhục đau buồn của Chúa; xin cho mình ơn được yêu Chúa đến độ khao khát chia sẻ đau khổ của Ngài, xin cho mình đồng hình đồng dạng với Ngài.

Điểm

            Có thể dựa vào đường thánh giá như chúng ta vẫn có thói quen làm để cầu nguyện. Cũng có thể dùng những gợi ý sau đây.

1. Đức Yêsu bị đánh đòn

            Nhìn nghe quan sát đức Yêsu bị đánh đòn, suy nghĩ và rút ích lợi.

            Nhìn đức Yêsu bị lột trần, bị trói, bị đánh và không được kiêng chừa chỗ nào khỏi bị đánh; thấy đức Yêsu quằn quoại đau đớn; thấy vết roi và những lằn rướm máu.

            Nghe tiếng roi. Đức Yêsu có kêu la không? Nghe xem đức Yêsu nghĩ gì trong lòng lúc đó?

            Quan sát kỹ đức Yêsu. Ngài có bị xỉu không? Aùnh mắt của Ngài thế nào, lộ lên sự thù hằn, hay thương hại và tha thứ những người đã hành hạ Ngài?

            Suy nghĩ và rút ích lợi. Vì yêu tôi mà Chúa đã phải chịu tất cả những sự ấy.

2. Đức Yêsu bị đội mạo gai

            Nhìn nghe quan sát, suy nghĩ và rút ích lợi.

3. Đường thập giá

            Nhìn nghe quan sát, suy nghĩ và rút ích lợi.

            Đức Yêsu đã đuối sức lắm rồi, Ngài té ngã. Ngài cảm nhận giới hạn của thân xác như chúng ta. Lực bất tòng tâm, “tinh thần lanh lẹ nhưng xác thịt thì yếu đuối”: đức Yêsu đã ngã vì Ngài không gượng nổi nữa. Đức Yêsu nói gì với Thiên Chúa Cha trong giờ phút này? Tâm tình của Ngài đối với con người thế nào?

            Nhìn đức Maria chạy tới gặp con của Mẹ. Làm sao để gặp con, khi bao nhiều người hiếu kỳ bu chung quanh? Có lẽ Mẹ đã phải chạy tới trước chỗ đức Yêsu sẽ đi ngang qua. Tâm tình thái độ của Mẹ lúc đó ra sao? Mẹ nói gì với Thiên Chúa? Mẹ có bị cám dỗ về đức tin vào Thiên Chúa không khi nhìn con Mẹ như vậy và nghĩ về lời Thiên Chúa nói qua thiên thần truyền tin?

4. Đóng đinh

            Nhìn nghe quan sát, suy nghĩ và rút ích lợi.

Hãy cảm nghiệm đau đớn của đức Yêsu, của Mẹ khi thấy con bị hành xử như vậy: “như dao sắc thâu qua lòng” (Lc.2,35).

Tâm sự

            Thân thưa với Chúa, Đấng đã yêu tôi đến chết khốn khổ như vậy vì tôi. Tôi phải làm gì để đáp trả lại tình yêu của Ngài bây giờ?

 

93. Ba vị trên đồi Calvê

Khung cảnh

            Đồi Calvê trong buổi chiều thứ sáu hôm đó: đức Yêsu chết treo khổ giá giữa những người tội lỗi; và thực sự  Ngài bị coi là người tội lỗi nặng nề.

Ơn xin

            Chia sẻ cảm thông với Chúa, Đấng đã chết vì yêu tôi. Xin cho con ao ước được nghèo khó và xỉ nhục, để cùng chia phần với Ngài. Xin cho con được đồng hình đồng dạng với Chúa Yêsu.

Điểm

1.Đức Yêsu trên đồi Calvê

            Nhìn nghe quan sát, suy nghĩ và rút ích lợi.

            Đức Yêsu bị đóng đinh; Ngài quằn quoại không? Tâm hồn Ngài thế nào? Chúng ta sẽ dựa vào những lời nói của đức Yêsu để hiểu tâm tình của Ngài.

            “Xin Cha tha cho chúng, vì chúng lầm chẳng biết” (Lc.23,34). Những người giết Ngài thực sự không biết Ngài là Thiên Chúa! Đức Yêsu đã hiểu biết điều đó, và đã cầu xin Thiên Chúa Cha tha thứ lỗi lầm của họ đối với Ngài.

            “Thật, hôm nay ta sẽ cho anh được ở trên thiên đàng với ta” (Lc.23,43). Đức Yêsu vẫn còn bận tâm tới thao thức và hạnh phúc của người khác, Ngài không bận tâm cho chính Ngài.

            “Này là con bà, này là Mẹ con” (Yn.19,26-27). Đức Yêsu vẫn còn giờ và tâm huyết để nhớ và lo cho những người thân, dù Ngài chỉ còn ít thời gian nữa trên cuộc sống dương gian.

            “Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con?” (Mc.15,34). Khủng khiếp biết bao, đức Yêsu mà còn bị cám dỗ cả về “đức tin vào Thiên Chúa”, và ngay cả trong giờ phút cuối đời của Ngài. Đức Yêsu không chỉ bị cám dỗ trong hoang địa, nhưng trong suốt đời Ngài, kể cả trên thập giá.

            “Lạy Chúa, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc.23,46). Đức Yêsu bị cám dỗ như thể Thiên Chúa bỏ rơi Ngài, nhưng thực tế đức Yêsu không chiều theo, đức Yêsu luôn tin tưởng phó thác tất cả tương lai đời mình cho Thiên Chúa, dù hiện tại ra sao chăng nữa.

            “Ta khát” (Yn.19,28). Giây phút này đức Yêsu không chỉ khát nước, nhưng thực sự Ngài khao khát tình yêu của con người; Ngài đã để trái tim của Ngài được mở ra và chảy đến giọt nước và giọt máu cuối cùng: Ngài đã yêu thương con người đến cùng tình yêu của Ngài (Yn.13,1), Ngài đã yêu thương con người như Cha đã yêu thương Ngài.

            “Đã hoàn tất” (Yn.19,30). Thế là xong; Ngài không thể làm gì được nữa và không thể làm gì hơn được nữa; Ngài chấp nhận thân phận con người đến tận cùng, đó là “không là gì cả và không làm được gì cả”; Ngài chấp nhận và Ngài phó thác tất cả cho Thiên Chúa.

2.Đức Maria đứng dưới chân thập giá

            Đức Maria đã theo Con suốt chặng đường Con Mẹ vác thánh giá; và trên đồi Calvê, Mẹ đau khổ chứng kiến cái chết của Con mình mà không thể làm gì được cho Con; lời Thiên Chúa nói với Mẹ năm xưa khi thiên thần truyền tin, liệu còn được Thiên Chúa giữ lời không? hay Thiên Chúa đã quên lời hứa? mà nếu Người nhớ thì làm sao còn có thể thực hiện được nữa nếu đức Yêsu chết?

            Mẹ nghĩ gì và nói gì trong những giây phút này? Dù bị thử thách và cám dỗ trăm chiều, Mẹ vẫn luôn tin tưởng phó thác tất cả cho Thiên Chúa dù Mẹ không biết Lời Chúa có thể thực hiện làm sao đây: “phúc cho em là kẻ đã tin rằng Lời Chúa phán cùng em sẽ được thực hiện” (Lc.1,45).

            Mẹ đứng đó dưới chân thập giá, đau khổ, bị khủng hoảng về đức tin biết bao! Nhưng như Con của Mẹ, Mẹ hoàn toàn phó thác. Mẹ xứng đáng là Mẹ những kẻ tin, là Nữ vương các thánh tử đạo.

3.Chúa Cha thinh lặng nhìn Con của Ngài

            Ba ngôi Thiên Chúa yêu thương nhau vô cùng, vậy tại sao Thiên Chúa Cha nỡ để Con của Ngài là đức Yêsu phải đau khổ và thử thách như vậy?

            Tại sao Thiên Chúa không tru diệt ngay kẻ dữ? Tại sao Thiên Chúa lại để cho họ hành hạ bao người lành như vậy?

            Nếu Thiên Chúa làm theo điều tôi cầu xin: tru diệt ngay người dữ để họ đừng làm khổ bao người lành, thì cái gì xảy ra? Lúc đó, tôi là người phải bị tru diệt đầu tiên, và sau đó là tất cả. Nếu Thiên Chúa áp dụng điều đó, thì chắc bây giờ chẳng còn ai trên dương thế, vì có ai đã không phạm tội[1]?

            Thiên Chúa đã không phạt người dữ ngay, là để kẻ dữ còn có thời gian và cơ may mà sám hối. Tạ ơn Thiên Chúa đã yêu thương con người vô cùng!

Tâm sự

            Thân thưa với Chúa Yêsu trên thập giá, với đức Maria dưới chân thập giá, và với Chúa Cha đang thinh lặng đau đớn[2] nhìn Con của Ngài. Xin cho chúng ta biết chấp nhận thập giá trong cuộc đời mỗi người, để chúng ta mỗi ngày một nên giống Chúa Yêsu hơn.

 

 

HOME     LINH ĐẠO     LINH THAO MƯỜI NGÀY       LTMN1       LTMN2       LTMN3       LTMN4       LTMN5      LTMN6

 

 

Chúc bạn an vui hạnh phúc.

Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.

[email protected]

 



[1] Trừ Mẹ và Chúa.

[2] Chỉ có thể nói như vậy, khi dùng kiểu nói nhân hình và bình dân.