HOME     LINH ĐẠO     LINH THAO MƯỜI NGÀY       LTMN1       LTMN2       LTMN3       LTMN4       LTMN5      LTMN6

 

LINH THAO MƯỜI NGÀY
NHỮNG  ĐIỂM  GỢI  Ý  GIÚP  CẦU  NGUYỆN

 

Giuse Phạm Thanh Liêm, S.J.

 

TUẦN HAI 2

TIẾNG GỌI VUA HẰNG SỐNG.. 2

43. Lời mời (Lc.5,1-11) 2

1. Simon đã thả lưới 2

2. Từ nay ngươi sẽ là kẻ chài lưới người 2

3. Họ đã bỏ tất cả mà theo Ngài 2

44. Hãy nên thánh (Lv.19,2) 3

1. Hãy nên thánh, vì Ta là thánh. 3

2. Thân phận con người 3

3. Siêu vượt 3

51. Sứ Mạng (Yn.20,21) 4

1. Sứ mạng của Đức Yêsu. 4

2. Cách thế đức Yêsu thực hiện sứ mạng. 4

3. Sứ mạng và cách thế thực hiện sứ mạng của chúng ta. 4

NGÔI LỜI THỰC HIỆN SỨ MẠNG.. 5

52. Nhập Thể (Lc.1,26-38) 5

1. Con người trong tình trạng tội 5

2. Thiên Chúa quyết định cứu độ con người 5

3. Xin vâng. 5

53. Giáng Sinh và Dâng Chúa Yêsu (Lc.2,1-40) 6

1. Ngôi Lời Nhập Thể được giáng sinh. 6

2. Thiên Chúa tỏ mình cho những người nghèo. 6

3. Cắt bì và đặt tên. 7

4. Dâng đức Yêsu vào đền thờ.. 7

5. Như dao sắc thâu qua lòng. 7

6.Đức Yêsu sống thời thơ ấu tại Nadarét 7

54. Đức Yêsu ở lại đền thờ (Lc.2,41tt) 7

1. Đức Yêsu ở lại đền thờ.. 7

2. Đức Yêsu sống một thời gian dài tại Nadarét 8

61. Hồi niệm.. 8

62. Thanh Tẩy Và Bị Cám Dỗ (Mt.3,13-4,11) 8

1. Đức Yêsu được thanh tẩy. 8

2. Đức Yêsu bị cám dỗ. 9

3. Bản chất con người không hàm chứa “phạm tội” 9

63. Mối phúc thật (Mt.5,1-12) 9

1. Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó. 10

2. Phúc cho các ngươi khi người ta xỉ nhục các ngươi 10

3. Các mối phúc khác. 11

NGÀY Y-NHÃ.. 11

 

TUẦN HAI

TIẾNG GỌI VUA HẰNG SỐNG

43. Lời mời (Lc.5,1-11)

Khung cảnh

            Cùng với dân chúng theo đức Yêsu ra bờ hồ để nghe Ngài rao giảng.

Ơn xin

            Xin ơn đừng giả điếc làm ngơ trước lời mời gọi của Chúa, nhưng mau mắn lắng nghe và đáp trả tiếng Ngài.

Điểm

            Cách cầu nguyện bây giờ là chiêm niệm, nghĩa là, chúng ta nhìn rồi suy nghĩ rút ích lợi, nghe rồi suy nghĩ rút ích lợi, quan sát rồi suy nghĩ rút ích lợi.

1. Simon đã thả lưới

            Nhìn nghe quan sát đức Yêsu để rút ích lợi.

            Simon đã nhận lời để đức Yêsu lên thuyền của mình, và giữ thuyền cho đức Yêsu giảng dạy. Không chỉ thế, Simon còn chăm chú lắng nghe đức Yêsu.

            Sau khi nghe giảng dạy, Simon đã vâng lời đức Yêsu ra khơi buông lưới, dù với kinh nghiệm con người, làm sao đức Yêsu có chuyên môn về chài lưới bằng Simon!

            Tất cả những điều đó cho thấy thái độ của Simon lúc này đang mở ra với Thiên Chúa và với con người, cụ thể là với đức Yêsu.

2. Từ nay ngươi sẽ là kẻ chài lưới người

            Mẻ cá bất ngờ và vượt tất cả mọi kinh nghiệm trong đời của mình. Và không phải chỉ được một ơn vật chất là mẻ cá lớn, Simon còn nhận được một ơn lớn hơn nhiều: nhận ra mình là tội nhân và không xứng đáng ở gần đức Yêsu: “Lạy Thày, xin xa tôi ra, vì tôi là kẻ tội lỗi” (Lc.5,).

            Và khi Simon khiêm tốn phủ phục dưới chân đức Yêsu, thì ông còn nhận được một ơn khác nữa: đức Yêsu mời gọi ông cộng tác với Ngài: “từ nay ngươi sẽ là kẻ chài lưới bắt người” (Lc.5,10).

            Không phải vì tốt hơn người khác mà Simon được gọi, nhưng chính khi ý thức mình là tội nhân và bất xứng với Thiên Chúa thì Simon được gọi.

3. Họ đã bỏ tất cả mà theo Ngài

            Trước lời mời của đức Yêsu đối với Simon và các bạn, họ đã bỏ tất cả để theo đức Yêsu không một chút luyến tiếc.

            Không bận tâm giải quyết hai thuyền đầy cá, dù rằng trước đó không lâu họ đã bận tâm nhiều để làm sao có được nhiều cá; sẵn sàng từ bỏ thuyền, chài và lưới, nghề nghiệp và thói quen; sẵn sàng từ bỏ  cha mẹ anh chị em và cả vợ con để theo đức Yêsu.

            Tôi có thái độ sẵn sàng như các tông đồ tiên khởi này không? Phải chăng lúc đầu tôi cũng đã quảng đại sẵn sàng từ bỏ tất cả, nhưng còn những năm tháng sau đó và bây giờ? Hay tôi đã lấy lại tất cả điều tôi đã từ bỏ trong những năm tháng vừa qua?

            Hôm nay và bây giờ, Chúa mời gọi gì nơi tôi? Phải chăng Chúa vẫn tiếp tục mời gọi tôi từ bỏ tất cả để đi theo Chúa, và từ bỏ cả những gì tôi đã lấy lại trên đường theo Chúa, như ngày nào thuở ban đầu Chúa đã mời gọi tôi?

Tâm sự

            Hãy thân thưa với Chúa như tôi thấy về hiện trạng của tôi. Xin cho tôi được quảng đại với Ngài không chỉ như mà còn hơn ngày đầu mới theo Ngài.

            Làm sao để có tâm tình thái độ của lời nguyện xin trong LT.97-98, lời nguyện của những kẻ muốn trổi trang trong việc phụng sự Thiên Chúa.

 

44. Hãy nên thánh (Lv.19,2)

Khung cảnh

            Như thể mình hiện diện và thấy đức Yêsu chiến đấu đổ mồ hôi máu trong vườn dầu.

Ơn xin

            Quảng đại đáp trả lời mời gọi của Chúa: nên thánh, thuộc trọn về Chúa, bằng vượt lên trên những khuynh chiều của thân xác mình, bằng đời sống yêu thương.

Điểm

1. Hãy nên thánh, vì Ta là thánh

            “Hãy là thánh vì Ta là thánh, Ta, Yavê Thiên Chúa của các ngươi” (Lv.19,2). Thiên Chúa đã truyền lệnh nhân danh chính Ngài, vì chính Ngài chứ không vì bất cứ điều gì khác; điều này cho thấy mức độ quan trọng của lệnh truyền.

            Thánh, nghĩa là sao?

            Chỉ có Thiên Chúa là Đấng Thánh, là Đấng ba lần thánh: “Thánh, chí thánh, ngàn trùng chí thánh”, ngoài Thiên Chúa không ai là thánh cả.

            Ở một nghĩa loại suy, các tạo vật được gọi là thánh vì được dành cho Thiên Chúa, chẳng hạn: bàn thánh, đĩa thánh, khăn thánh,...; và nơi con người, một người được gọi là thánh vì người đó thuộc về Thiên Chúa.

            Với những sách tu đức xưa, người ta thường trình bày các thánh nhân như những người làm phép lạ, như những người khi cầu nguyện thường được ngất trí. Trình bày hình ảnh của một vị thánh như vậy dễ làm cho người ta thấy xa lạ và không ao ước nên thánh. Đúng ra, thánh nhân là người luôn thuộc về Thiên Chúa, luôn lấy Ý Thiên Chúa làm ý mình, sẵn sàng từ bỏ mình để thực hiện ý định của Thiên Chúa. Thánh nhân, là những người sống đời bình thường một cách rất phi thường.

2. Thân phận con người

            Con người là tinh thần qua thân xác.

            Với thân xác, con người có những khuynh chiều thuộc thân xác như đói cần ăn khát cần uống, khuynh chiều thỏa mãn sinh lý, khuynh chiều đòi được tôn trọng và muốn thống trị người khác,...! Nơi con vật, chúng ta cũng thấy những khuynh chiều này, nhưng dưới trạng thái thô sơ hơn.

            Con người có khuynh chiều thân xác, nhưng con người tự do, con người có thể không thỏa mãn những khuynh chiều của thân xác.

            Nếu một người cảm thấy nơi mình có khuynh chiều thân xác hạ đẳng, thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên và buồn phiền.

            Cảm thấy nơi mình có khuynh chiều hạ đẳng, không có nghĩa rằng mình xấu xa hèn kém. Chúng ta chỉ hèn kém khi chúng ta chiều theo những khuynh chiều thấp hèn đó, còn nếu chúng ta chống trả, thì giá trị con người chúng ta càng cao.

            Nếu bị cám dỗ mà chống trả, mình có công phúc trước mặt Thiên Chúa; và nếu càng bị cám dỗ nhiều mà lại càng chống trả mãnh liệt đến khi nó chịu thua, thì công phúc của mình lại càng lớn (LT.33-34).

3. Siêu vượt

            Nên thánh, là không dừng lại ở bình diện vật chất, nhưng vượt lên trên vật chất để vươn tới Thiên Chúa.

            Qua những dấu chỉ là các tạo vật hữu hình, con người trở thành “tinh thần” khi nhận ra Thiên Chúa hiện hữu. Để trở thành tinh thần trong hành vi nhận thức, con người phải làm một bước nhẩy.

            Để trở thành tinh thần trong đời sống thường ngày, con người được mời gọi vượt qua chính mình với những khuynh chiều của mình bằng hành vi yêu thương, vì chỉ có con người mới có thể yêu thương. Yêu thương là làm theo điều lý trí thấy đúng và tốt, cho mình và cho tha nhân, dù mình phải từ bỏ, phải hy sinh thời giờ và sức lực. Yêu thương là sống vượt lên trên những khuynh chiều hạ đẳng, vượt lên trên thú tính của mình.

            Một ngày, chúng ta có rất nhiều dịp để nên thánh. Càng bị thử thách và cám dỗ, chúng ta càng có nhiều dịp để lập công và nên thánh. Thánh Phaolô đã ba lần xin Chúa cất cái dằm ra khỏi xác thịt ngài, nhưng Thiên Chúa phán : “ơn Ta đủ cho con” (2Cor.12,8-9).

            Khi bị cám dỗ và thử thách nhiều, đừng chán nản thất vọng, nhưng hãy tin tưởng vào đức Yêsu. Đức Yêsu đã bị cám dỗ và thử thách trăm chiều (Mt.4,1-11 Mc.14,34;15,34), nhưng Ngài đã chiến thắng để ta cũng được chiến thắng với Ngài (Yn.16,33).

Tâm sự

            Hãy thân thưa với Chúa như mình thấy con người của mình. Xin cho mình ơn quảng đại với Chúa, để mình luôn vượt qua chính mình trong mọi giây phút của cuộc sống thường ngày.

 

51. Sứ Mạng (Yn.20,21)

Khung cảnh

            Những nơi và những con đường tại đất nước Do Thái nối từ làng này qua làng kia, những con đường ven biển, trên đó đức Yêsu đã rong ruổi rao giảng Nước Thiên Chúa.

Ơn xin

            Đừng làm ngơ giả điếc trước lời mời gọi của Chúa, nhưng mau mắn lắng nghe và quảng đại thực thi Ý Chúa trong từng giây phút của cuộc đời.

Điểm

1. Sứ mạng của Đức Yêsu

            Sứ mạng của đức Yêsu, của Ngôi Lời nhập thể là gì?

            Sứ mạng của Ngôi Lời Nhập Thể là chuộc tội, là cứu độ, là giải phóng con người khỏi nô lệ tạo vật (dù là qủy dữ hay đam mê của xác thịt mình). Câu trả lời này hoàn toàn đúng, nhưng người ta cũng có thể nói: sứ mạng của Ngôi Lời Nhập Thể là làm chứng cho tình yêu.

            Làm sao để con người biết Thiên Chúa yêu thương họ, và rung động trước tình yêu của Thiên Chúa, để rồi họ đáp trả.

            Tội là không tin rằng Thiên Chúa yêu thương mình, là tin vào qủy dữ hơn tin vào Thiên Chúa, là không trông cậy vào Thiên Chúa nữa. Nhưng nếu con người rung động trước tình yêu Thiên Chúa, và sẵn sàng phó thác đời sống mình cho Thiên Chúa để tùy Thiên Chúa muốn làm gì tùy Ngài, thì con người sẽ bình an và hạnh phúc thực sự.

            Làm sao để con người tin nhận và đáp trả tình yêu của Thiên Chúa đối với mình, đó là sứ mạng của Ngôi Lời Nhập Thể, của đức Yêsu.

2. Cách thế đức Yêsu thực hiện sứ mạng

            Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thể làm người để thực hiện sứ mạng Cha trao phó.

            Nhập thể, thành xác phàm, nghĩa là phải đói phải khát, có thể bị xỉ nhục khinh chê, và có thể bị giết. Ngôi Lời Thiên Chúa đã chấp nhận cái cùng cực của kiếp người để thực hiện sứ mạng được trao phó:

·        chấp nhận nhập thể và ở trong cung lòng một người nữ (Gl.4,4-6);

·        chấp nhận mình có một người cha người mẹ ở giai cấp thường dân như mọi người khác;

·        sinh ra trong chuồng súc vật;

·        sống như một người nghèo và bình thường ở Nadarét;

·        hành nghề thợ mộc, một nghề thường như bao nghề khác;

·        đi rao giảng trong khó nghèo (Lc.21,37);

·        chết ô nhục và đau đớn trên thập giá.

            Đức Yêsu đã yêu thương con người đến chết vì con người (Yn.15,13), đến ban thịt máu Ngài làm của ăn của uống cho con người (Mc.14,22-25). Đức Yêsu đã làm mọi sự để con người nhận biết Ngài yêu mến họ và Thiên Chúa cũng yêu mến họ. Ngài mong ước con người đáp trả tình yêu của Ngài và cũng là tình yêu của Thiên Chúa (Yn.15,9;17,23).

            Đức Yêsu đã mặc khải cho con người biết Ngài là Thiên Chúa dù vì mặc khải đó Ngài phải chết. Sở dĩ Ngài phải làm vậy, vì nếu con người biết Ngài là Thiên Chúa, thì con người cũng biết Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng. Để con người biết Thiên Chúa yêu thương họ, đức Yêsu đã phải chết. Ngài chết để làm chứng cho tình yêu.

3. Sứ mạng và cách thế thực hiện sứ mạng của chúng ta

            “Như Cha đã sai Thày, Thày cũng sai anh em” (Yn.20,21).

            Cùng một sứ mạng Thiên Chúa Cha đã trao cho đức Yêsu, đức Yêsu cũng trao cho các tông đồ và qua các tông đồ Ngài trao cho chúng ta; cùng một cách thế đức Yêsu thực hiện sứ mạng, thì chúng ta cũng thực hiện sứ mạng đó.

            Làm sao chúng ta có thể làm cho người ta nhận biết Thiên Chúa yêu thương họ, nếu chính chúng ta không hoặc chưa cảm được tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta?

            Làm sao chúng ta có thể làm cho con người tin và cảm nghiệm Thiên Chúa yêu thương họ, nếu chính chúng ta không yêu thương họ?

            Con đường diễn tả tình yêu, là con đường thập giá. Chính khi mình phải gian nan để yêu thương người ta, người ta mới dễ nhận ra tình yêu của mình đối với họ; và khi họ nhận ra mình yêu thương họ, họ dễ tin vào lời mình nói với họ hơn, và họ dễ tin rằng Thiên Chúa yêu thương họ hơn.

Tâm sự

            Xin Chúa cho mình xác tín và cảm nghiệm Thiên Chúa yêu thương mình, để mình có thể trở thành chứng nhân tình yêu của Thiên Chúa cho con người ngày hôm nay.

 

NGÔI LỜI THỰC HIỆN SỨ MẠNG

 

52. Nhập Thể (Lc.1,26-38)

Khung cảnh

            Căn nhà đức Maria sống với thân phụ thân mẫu tại làng Nadarét.

Ơn xin

            Hiểu biết thâm sâu về Ngôi Lời Nhập Thể hơn, để yêu mến Ngài hơn và theo Ngài.

Điểm

            Nhìn nghe quan sát, suy nghĩ và rút ích lợi.

1. Con người trong tình trạng tội

            Nhìn nghe quan sát con người trên khắp thế giới đang sống trong tình trạng tội lỗi, không vâng phục Thiên Chúa qua lương tâm và luôn thù ghét làm hại nhau.

            Sống trong tội, con người đặt lợi danh quyền hành của họ lên hàng đầu, và những sự khác, ngay cả “nhân vị con người” cũng chỉ là phương tiện để phục vụ cho con người ích kỷ với những tham vọng của họ.

            Con người phạm tội, luôn sống trong tình trạng bất hạnh. Họ sống không bình an, và những người sống với họ cũng luôn cảm thấy bị đe dọa; vì không gì bảo đảm họ sẽ không làm hại những người này.

2. Thiên Chúa quyết định cứu độ con người

            Thiên Chúa từ thuở đời đời, thấy rõ con người bất hạnh và khốn cùng khi từ chối Thiên Chúa và tình yêu của Ngài.

            Thiên Chúa muốn cứu độ con người, Ngài đã quyết định từ thuở đời đời rằng Ngôi Lời sẽ nhập thể để cứu độ con người.

            Không phải khi Adam và Evà phạm tội, Thiên Chúa mới biết và mới quyết định rằng Ngôi Lời sẽ nhập thể, nhưng Thiên Chúa đã biết từ thuở đời rằng con người sẽ phản bội chống đối Ngài.

            Tuy Thiên Chúa biết trước con người sẽ phạm tội như vậy, nhưng không vì thế mà con người mất tự do: con người vẫn luôn được tự do, cũng tương tự như trường hợp hai người bạn thân biết “trước phần nào” cung cách cư xử của nhau và như người mẹ biết “trước phần nào” cung cách cư xử và phản ứng của con mình.

            Với kiểu nói nhân hình, Thiên Chúa biết con người sẽ phạm tội nhưng Thiên Chúa không hề muốn con người phạm tội; Sở dĩ như vậy vì Thiên Chúa ban cho con người tự do: Thiên Chúa ban cho con người khả năng làm trái ý Thiên Chúa nếu con người muốn; Và khi con người làm trái ý Thiên Chúa: đó là tội.

3. Xin vâng

            Khi tới thời tới buổi (Gl.4,4-6), Thiên Chúa đã sai sứ thần Gabriel đến truyền tin cho đức Maria, hỏi xem đức Maria có sẵn sàng vâng phục ý định Thiên Chúa: thụ thai một con người rất đặc biệt không?

            Đức Maria đã thưa tiếng “xin vâng” với Thiên Chúa về chương trình của Ngài nhằm cứu độ con người.

            Để có thể thưa tiếng xin vâng, đức Maria đã đặt

·        tình yêu Thiên Chúa trên tình yêu riêng (đối với thánh Yuse);

·        ý định Thiên Chúa trên danh dự gia đình;

·        niềm tin vào Thiên Chúa hơn là chính con người của mình.

            Đức Maria đã đính hôn với Yuse trước khi thiên thần truyền tin (Lc.1,27), hàm chứa đức Maria đã thân quen và yêu thánh Yuse trước. Đứng trước lời mời gọi của Thiên Chúa, đức Maria đã chọn Thiên Chúa trên hết, đã sẵn sàng hy sinh tình yêu riêng để làm theo ý định của Thiên Chúa. Nếu Yuse không hiểu và không thông cảm, thì đức Maria cũng sẵn sàng chịu, ý Thiên Chúa được coi là trên hết đối với đức Maria.

            Nếu Yuse không chịu hiểu, và nếu chuyện tai tiếng xảy tới cho gia đình, làm sao thánh Yoan-Kim và thánh Anna có thể chịu đựng được điều như vậy? Đức Maria chấp nhận tất cả điều tệ hại nhất có thể xảy ra cho gia đình cha mẹ và họ hàng, ý định của Thiên Chúa phải được coi là trên hết.

            Nếu Yuse không hiểu và không thông cảm, nếu Yuse tố cáo công khai thì sao, Maria có thể bị ném đá chết như một phụ nữ phạm tội ngoại tình! Nếu chuyện xảy ra như vậy, thì việc nhận lời thụ thai nào có ích lợi gì? Không, đức Maria vẫn hoàn toàn tin tưởng và phó thác tất cả cho Thiên Chúa. Thiên Chúa quyền năng, Ngài có thể làm tất cả những gì, và Ngài có thể làm cho thành sự những gì Ngài đã khởi đầu. Chỉ khi phó thác như vậy, đức Maria mới có thể thưa tiếng xin vâng đối với Thiên Chúa.

            Đức Maria đã thưa tiếng xin vâng với Thiên Chúa, dù Mẹ chưa thấy rõ hoàn toàn tương lai của mình. Chưa thấy rõ, nhưng Mẹ vẫn tin tưởng phó thác  tất cả cho Thiên Chúa: “Phúc cho em là kẻ đaõ tin rằng Lời Chúa phán cùng em sẽ được thực hiện” (Lc.1,45). Lúc này, những gì Thiên Chúa nói với Mẹ chưa được thực hiện, nhưng Mẹ tin chúng sẽ được thực hiện. Đức tin của Mẹ thật  tuyệt vời.

            Kể từ khi đức Maria thưa tiếng “xin vâng”, Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thể trong cung lòng đức Maria.

            Chúng ta hãy nhìn nghe quan sát, suy nghĩ và rút ích lợi.

Tâm sự

            Thân thưa với Thiên Chúa Cha, với Ngôi Lời Nhập Thể, như chúng ta thấy nơi lòng mình. Xin cho mình biết tự hủy trong sứ mạng làm chứng cho tình yêu như Ngôi Lời.

 

 

53. Giáng Sinh và Dâng Chúa Yêsu (Lc.2,1-40)

Khung cảnh

            Con đường từ Nadarét tới Yêrusalem và Bêlem, chuồng chiên cừu, đền thờ. Như thể mình đang hiện diện trong chuồng chiên cừu để chiêm ngắm Ngôi Lời Nhập Thể giáng sinh.

Ơn xin

            Ơn hiểu biết thâm sâu về Ngôi Lời Nhập Thể hơn, để yêu Chúa hơn và theo Ngài hơn.

Điểm

1. Ngôi Lời Nhập Thể được giáng sinh

            Nhìn nghe quan sát, cố hiểu phản ứng và tâm tình của từng vị, suy nghĩ và rút ích lợi:

·        đức Maria và thánh Yuse trên đường từ Nadarét tới Bêlem; lúc này thai nhi đã hơn chín tháng nên đức Maria rất vất vả;

·        thánh Yuse vất vả ngược xuôi tìm nhà trú đêm cho đức Maria;

·        đức Maria sinh con trong chuồng chiên cừu;

·        hài nhi được sinh hạ là Ngôi Lời Nhập Thể.

2. Thiên Chúa tỏ mình cho những người nghèo

            Thiên thần Chúa đã hiện ra báo tin cho các mục đồng.

            Dấu chỉ để nhận biết “Đấng Cứu Thế Chúa được giáng sinh cho các ngươi trong thành Davit”, là hài nhi mình vấn tã được đặt nằm trong máng cỏ.

            Dấu chỉ quá tầm thường, tầm thường đến độ không ai có thể ngờ. Dân ở Bêlem không thể nhận ra hai vợ chồng trẻ nghèo xin ngủ nhờ qua đêm lại là những người “mang” Thiên Chúa đến với họ, nên họ đã không tiếp nhận, và không được diễm phúc nhận biết Ngôi Lời Nhập Thể; còn những mục đồng đã tin dù dấu chỉ rất đơn sơ và tầm thường, nên đã được diện kiến Ngôi Lời Nhập Thể.

            Hãy nhìn nghe quan sát, suy nghĩ rút ích lợi.

3. Cắt bì và đặt tên

            Hài nhi được cắt bì và đặt tên. Cắt bì là nghi thức tôn giáo, cắt da quy đầu của em bé trai.

            Hài nhi cảm thấy đau đớn, dẫy dụa và khóc thét trong nghi lễ này. Hãy nhìn nghe quan sát mầu nhiệm, suy nghĩ và rút ích lợi.

            Ngôi Lời Nhập Thể nên giống chúng ta, là “người” hoàn toàn, trừ tội (Dt.2,17;4,15).

4. Dâng đức Yêsu vào đền thờ

            Đức Yêsu được dâng cho Thiên Chúa trong đền thờ. Đức Maria được tẩy uế theo luật.

            Đức Yêsu là Thiên Chúa, luôn hướng về Cha (Yn.1,1), vậy tại sao phải “dâng” trong đền thờ? Đức Maria sinh hạ Thiên Chúa Nhập Thể, đâu có “dơ” để mà phải tẩy uế?

            Đức Maria và thánh Yuse đã đại diện con người, xin Thiên Chúa Cha cho Chúa Yêsu, Ngôi Lời Nhập Thể, được ở lại với con người.

5. Như dao sắc thâu qua lòng

            Đức Maria vẫn không hiểu lời hai tiên tri Simêon và Anna; Mẹ suy nghĩ và giữ kỹ trong lòng.

            Mẹ Maria cũng luôn đi tìm thánh ý Thiên Chúa trong đức tin.

6.Đức Yêsu sống thời thơ ấu tại Nadarét

            Nhìn nghe quan sát, suy nghĩ và rút ích lợi.

            Đức Yêsu đã sống thời thơ ấu tại Nadarét như bao em bé khác. Ngài cũng được bú mớm, được ấp yêu cưng chiều, tập lẫy tập bò tập đi, học nói học viết học làm việc. Cũng chơi, và lớn lên với chúng bạn và nhờ chúng bạn.

            Nhìn nghe quan sát, suy nghĩ và rút ích lợi:

·        đức Yêsu ở sáu tháng tuổi;

·        ở ba năm tuổi;

·        ở sáu năm tuổi;

·        ở tám, mười, và mười một năm tuổi.

            Cách thức người thời đó đối xử với đức Yêsu, là cách đối xử của họ với Thiên Chúa Nhập Thể. Cách thức hôm nay tôi đối xử với các em thơ bé, có thể là cách thức tôi đối xử với đức Yêsu.

Tâm sự

            Nói chuyện thân thưa với Chúa Cha, với Ngôi Lời Nhập Thể, và với Thánh Thần Thiên Chúa, như chúng ta thấy nơi lòng; cũng có thể tâm sự với Mẹ và với thánh Yuse nữa.

 

54. Đức Yêsu ở lại đền thờ (Lc.2,41tt)

Khung cảnh

            Con đường từ Nadarét tới Yêrusalem, đền thờ và nơi đức Yêsu ngồi với các thày dạy tại Yêrusalem.

Ơn xin

            Ơn hiểu biết thâm sâu về Chúa, để yêu mến Chúa hơn và theo Ngài. Hiểu tại sao Ngài ở lại đền thờ mà không báo cho mẹ Ngài hay, để mẹ Ngài phải cực khổ tìm Ngài như vậy!

Điểm

1. Đức Yêsu ở lại đền thờ

            Nhìn nghe quan sát, suy nghĩ và rút ích lợi:

·        Đức Maria, thánh Yuse và đức Yêsu trước ngày đi lên Yêrusalem dự lễ Vượt Qua;

·        Dân làng Nadarét tập trung đi với nhau lên Yêrusalem, họ đi thành từng nhóm[1] với nhau, và có thể đàn ông riêng, đàn bà riêng, và trẻ em riêng;

·        Đức Yêsu ở lại Yêrusalem mà cha mẹ Ngài không hay biết.

            Đức Yêsu ở lại Yêrusalem, vì có lẽ Ngài được thúc đẩy đến độ quên không báo hoặc không còn giờ hoặc dịp để báo cho mẹ hoặc cha Ngài.

            Đức Yêsu luôn đặt Thiên Chúa, ý định cũng như công việc của Thiên Chúa lên trên tất cả. Đó là điều chúng ta phải học đức Yêsu trong biến cố Ngài ở lại Yêrusalem này.

2. Đức Yêsu sống một thời gian dài tại Nadarét

            Kể từ biến cố đó trở đi, đức Yêsu hằng luôn tùng phục hai ông bà (Lc.2,51-52).

            Đức Yêsu đã sống những năm tháng dài ở Nadarét, như một em bé đồng trang lứa tuổi bất kỳ nào đó. Ngài đã sống những năm 13 tuổi, 14 tuổi, 15, 16, 17, 18, 19, 20 tuổi, 21, 21, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30 tuổi; Những tháng năm dài, mà chỉ kể số năm thôi chúng ta đã thấy lâu và không đủ kiên nhẫn rồi, huống hồ là sống!

            Xem cách đức Yêsu đối xử với những người tới đặt đức Yêsu làm việc; xem cách Ngài đối xử với bạn trai bạn gái; xem cách Ngài đối xử với kẻ dưới người trên. Để mỗi người chúng ta được nên giống Ngài hơn.

            Cuộc đời đức Yêsu có giá trị và ý nghĩa sâu xa. Hãy nhìn nghe quan sát, suy nghĩ và rút ích lợi.

Tâm sự

            Thân thưa với Chúa Yêsu như thể Ngài đang trong đời sống ẩn dật tại Nadarét, xin Ngài dạy chúng ta cách sống và đối xử với người khác như Ngài.

 

61. Hồi niệm

Khung cảnh

            Nơi hài nhi được sinh ra; và căn nhà, nơi đức Yêsu sống với đức Maria và thánh Yuse tại Nadarét. Cũng nhìn nơi đức Yêsu đã ở khi Ngài lưu lại tại Yêrusalem. “Xưởng mộc” của đức Yêsu.

Ơn xin

            Xin hiểu thâm sâu về Chúa, Đấng đã làm người vì tôi, để yêu Ngài hơn và theo Ngài.

Điểm

            Dừng lại ở những chỗ đã được đánh động hoặc an ủi; cũng dừng lại những chỗ mình đã bị sầu khổ hoặc mình muốn trốn tránh.

Tâm sự với Chúa như mình thấy.

62. Thanh Tẩy Và Bị Cám Dỗ (Mt.3,13-4,11)

Khung cảnh

            Chỗ đức Yêsu được thanh tẩy và nơi đức Yêsu ăn chay cầu nguyện và bị cám dỗ; có lẽ dưới một vòm cây hay trong một hốc đá nào đó.

Ơn xin

            Xin hiểu Chúa hơn để yêu Chúa và theo Chúa hơn.

Điểm

            Đức Yêsu vô tội, vậy tại sao Ngài phải chịu thanh tẩy? Đức Yêsu là Thiên Chúa Nhập Thể, vậy tại sao Ngài lại bị cám dỗ?

1. Đức Yêsu được thanh tẩy

            Nhìn nghe quan sát, suy nghĩ và rút ích lợi:

·        đức Yêsu chào Mẹ để lên đường đi Yêrusalem;

·        đức Yêsu trên đường tới nơi Yoan rao giảng;

·        đức Yêsu trước khi được thanh tẩy và sau khi được thanh tẩy.

            Khiêm tốn không là giả bộ, cũng không là làm điều gì trái sự thực với mục đích chỉ để làm gương. Ai sống theo sự thật mới có thể làm gương sáng thực sự. Đức Yêsu đã không chịu thanh tẩy chỉ nhằm để làm gương, nếu thực sự Ngài không thấy Ngài cần phải được thanh tẩy.

            Đức Yêsu ý thức Ngài “gánh tội trần gian” như Yoan Tẩy Giả làm chứng (Yn.1,29). Chính vì gánh tội của con người, nên đức Yêsu thấy Ngài cần được thanh tẩy, và Ngài đã chịu thanh tẩy.

            Thiên Chúa đã chứng thực cho hành vi khiêm tốn của Ngài bằng tiếng phán từ trời và Thánh Thần như chim câu đáp xuống trên Ngài.

2. Đức Yêsu bị cám dỗ

            Thần Khí Thiên Chúa dẫn Ngài vào hoang địa để chịu ma qủy cám dỗ (Mt.4,1).

i. Biến đá thành bánh

            Đức Yêsu cảm thấy đói, và ma qủy gợi ý cách thỏa mãn nhu cầu bằng cách biến đá thành bánh.

            Đức Yêsu đã từ chối! Tại sao?

            Tự bản chất ma qủy không muốn điều gì tốt lành cho con người; điều mà ma qủy gợi ý đó, chắc chắn không tốt thực cho tôi.

            Một điều còn quan trọng hơn việc ăn uống đối với con người, đó là lắng nghe Lời Chúa. Người đời thường cho rằng “có thực mới vực được đạo”, nhưng con người còn nhu cầu tinh thần, và nhu cầu này còn quan trọng và khẩn thiết hơn cả nhu cầu về cơm ăn áo mặc.

            Ngày nay, những cám dỗ thuộc loại này còn xuất hiện trong đời của tôi không? và thường dưới dạng thức nào?

ii. Nhảy xuống từ đỉnh đền thờ

            Nếu đức Yêsu nhảy từ đỉnh đền thờ xuống, chắc chắn có nhiều người kính phục Ngài; và nếu sau đó Ngài giảng dạy dân chúng, thì chắc có nhiều người nghe lời Ngài. Vậy tại sao Ngài không làm?

            Điều ma qủy muốn, chắc chắn không tốt thực cho tôi.

            Cách thế của Thiên Chúa là chinh phục con người bằng tình yêu; Ngài luôn để con người tự do hoàn toàn ; Ngài không dùng bất cứ một áp lực nào, dù áp lực đó không phải là vũ lực. Sự thật và tình yêu, đó là những nét đặc trưng của cách thế Thiên Chúa dùng.

            Ngày nay, cám dỗ ham danh vọng và mong muốn trổi trang được ngụy trang dưới hình thức nào và chiêu bài nào đối với tôi?

iii. Quyền trên tất cả nếu bái lạy ma qủy

            “Tôi sẽ cho Ngài tất cả nếu Ngài phục mình bái lạy tôi” (Mt.4,9). Cám dỗ có quyền hành trên kẻ khác, muốn làm chủ người khác bằng vũ lực, vẫn là cám dỗ mãnh liệt đối với con người ngày hôm nay. Đức Yêsu cũng không được miễn trừ khỏi cám dỗ này.

            “Chỉ phải thờ lạy một Thiên Chúa mà thôi”. Không được chọn lựa hay đánh đổi điều gì với Thiên Chúa cả. Chỉ có Thiên Chúa có quyền trên con người, còn chúng ta, chúng ta phải tôn trọng con người, tôn trọng Thiên Chúa. Chúng ta không được điều khiển Thiên Chúa theo ý mình, nhưng ngược lại, chúng ta phải thuận theo ý muốn của Thiên Chúa.

            Ngày này, cám dỗ về quyền hành được thấy qua những hình thức nào?

3. Bản chất con người không hàm chứa “phạm tội”

            Đức Yêsu đã chiến thắng ma qủy, Ngài đã không sa chước cám dỗ. Theo niềm tin kitô giáo, đức Maria cũng không vương tội nguyên tổ và tội riêng. Như vậy, bản chất con người đâu có hàm chứa: “con người không thể tránh phạm tội”.

            Con người có thể không phạm tội; nhưng thực tế không ai lại không phạm tội[2]. “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa cơn thử thách, tâm thần tuy sẵn sàng nhưng xác thịt thì yếu nhược” (Mc.14,38). Nếu chúng ta cậy dựa vào sức riêng của chúng ta, chắc chắn chúng ta sẽ sa ngã; nhưng nếu chúng ta cậy dựa vào Thiên Chúa và vào đức Yêsu, chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng ma qủy và con người hạ đẳng của mình, bởi vì Chúa đã phán: “Anh em hãy tin tưởng, Thày đã thắng thế gian” (Yn.16,33).

Tâm sự

            Nói chuyện thân thưa với Chúa Yêsu, Đấng đã bị cám dỗ khủng khiếp, không chỉ nơi hoang địa như chúng ta thấy trong bài cầu nguyện vừa qua, mà còn trong suốt đời đức Yêsu, thậm chí ngay ở giây phút cuối đời Ngài, và ngay cả về đức tin đối với Thiên Chúa. Hãy xin Chúa cho mình lòng quảng đại, để mình có thể vượt qua cám dỗ trong mỗi ngày sống và trong suốt đời mình.

 

63. Mối phúc thật (Mt.5,1-12)

Khung cảnh

            Đức Yêsu lên một ngọn đồi[3], các môn đệ và dân chúng theo Ngài. Ngài ngồi xuống, các môn đệ ngồi xung quanh, và dân chúng bao quanh các vị. Như thể mình đang hiện diện ở đó để nghe đức Yêsu rao giảng.

Ơn xin

            Xin cho mình hiểu biết thâm sâu về Chúa, để mình yêu Chúa hơn, và theo Ngài hơn. Xin cho mình thấy rõ Chúa sống điều Chúa dạy như thế nào, để mình nên đồng hình đồng dạng với Ngài.

Điểm

            Trong mỗi điểm của bài cầu nguyện này, chúng ta tuần tự làm theo bốn bước nhỏ:

·        Ý nghĩa của từng mối phúc;

·        Đức Yêsu đã sống mối phúc đó thế nào?

·        Tôi đã sống mối phúc đó thế nào?

·        Tâm sự với Chúa như tôi thấy, để nên giống Chúa hơn.

1. Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó

            Ý nghĩa của mối phúc

            Ngày xưa người ta cũng đã biết hối lộ. Người giầu thời các tiên tri đã biết dùng tiền để mua chuộc quan tòa, để các quan toà xử cho họ được thắng kiện.

            Những người nghèo là những người không có tiền của để đút lót cho quan tòa, họ không thể bám víu vào của cải mà cũng không thể trông cậy gì nơi con người, vì các quan toà đã nhận tiền của người giầu, họ chỉ có thể và chỉ biết bám víu vào Thiên Chúa mà thôi.

            Những người nghèo được chúc phúc là những người không trông cậy gì nơi tạo vật, nhưng chỉ biết trông cậy và bám víu vào Thiên Chúa mà thôi.

            Cũng có những người giầu, nhưng họ không bám víu vào của cải, họ chỉ bám víu vào Thiên Chúa, thì những người này cũng được coi là những người có tinh thần nghèo khó, và họ cũng là những người được chúc phúc. Nhưng cũng có những người nghèo tiền của, nhưng họ cho rằng với tiền của, con người có thể làm mọi chuyện; những người này không có “tinh thần nghèo khó” vì họ đặt trông cậy nơi tiền của.

            Đức Yêsu đã sống mối phúc này thế nào?

            Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thể làm người, đã chọn cho mình một người cha một người mẹ nghèo, đã được sinh ra nghèo hèn trong chuồng chiên cừu, đã sống ở Nadarét như những người nghèo nhất, đã làm nghề của những người nghèo (thợ mộc).

            Đức Yêsu đã đi rao giảng trong sự khó nghèo và dạy các tông đồ sống như Ngài (Mt.10,10); đức Yêsu thường ngủ ngoài trời (Lc.21,37); chết trần trụi trên thập giá; chôn nhờ huyệt của người ta (Mt.27,60).

            Tôi đã sống mối phúc này thế nào?

            Tôi đã sống mối phúc nghèo này thế nào, ở quá khứ và trong hiện tại?

            Hiện tại, tôi có tin thực rằng nghèo là một mối phúc? Tôi có ao ước sống nghèo, được trở nên nghèo?

            Nếu tôi không tin nghèo là phúc thật, nếu tôi không ao ước trở nên nghèo, thì:

·        phải chăng tôi đã không tin rằng lời nói của đức Yêsu là chân lý?

·        phải chăng tôi đã tin tôi hơn tin đức Yêsu?

·        đức Yêsu có thực sự là lý tưởng của tôi, Ngài có thực sự là Thiên Chúa đối với tôi?

            Có thể ngoài môi miệng tôi nói rằng tôi tin đức Yêsu, tôi tin những lời Ngài nói là chân lý; nhưng trong thực tế, trong chọn lựa thường ngày của tôi, tôi đã không coi nghèo khó là một mối phúc lành!

            Tâm sự với Chúa

            Thân thưa với Chúa như mình thấy về chính mình với những khiếm khuyết đã chưa tin yêu Chúa thực sự.

2. Phúc cho các ngươi khi người ta xỉ nhục các ngươi

            Ý nghĩa của mối phúc

            “Phúc cho những kẻ bị bắt bớ vì sự công chính, ...;phúc cho các ngươi khi người ta xỉ nhục các ngươi, bắt bớ, đặt điều nói xấu các ngươi” (Mt.5,10-11).

            Đức Yêsu đã sống mối phúc này thế nào?

            Ngay từ nhỏ, đức Yêsu đã bị Hêrôđê coi như người muốn tranh dành ngôi vua (Mt.2,1-18); Khi đi rao giảng, đức Yêsu đã bị những người thân quen coi như người mất trí (Mc.3,21), người ta coi Ngài như một người dối trá (Yn.8,57.59), như một người tội lỗi (Yn.9,24), như một người phạm thượng đáng chết (Mc.2,7 Yn.10,33 Mc.14,64).

            Đức Yêsu đã bị đóng đinh thập giá, chết trần truồng ô nhục, chết giữa những người tội lỗi, giữa những người đáng bị nguyền rủa.

            Tại sao đức Yêsu đã bị truy lùng, bắt bớ như vậy? Hãy nhìn nghe quan sát đức Yêsu để nên giống Ngài hơn.

            Tôi đã sống mối phúc này thế nào

            Tại sao bị bắt bớ và xỉ nhục lại là mối phúc cho chúng ta?          Phải chăng trong cuộc sống thường ngày, tôi thường lẩn trốn mối phúc này, tôi thường coi đó là mối họa hơn là mối phúc?

            Nếu tôi không coi đây là mối phúc, thì e rằng tôi chưa tin đức Yêsu và chưa trân trọng Lời Ngài!

            Thập giá là con đường dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa. Thập giá giúp chúng ta nhận biết con người thực của mình, giúp chúng ta cậy dựa và phó thác vào Thiên Chúa.

            Tâm sự với Chúa

            Xin Chúa giúp mình coi xỉ nhục khinh chê là mối phúc thật, và xin cho mình ao ước mối phúc này. Xin cho mình có cùng cảm nghĩ với Chúa, và được trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài.

3. Các mối phúc khác

            Nếu thời giờ cho phép, chúng ta có thể cầu nguyện với từng mối phúc theo cách thức đã chỉ ở trên. Mỗi mối phúc có thể là một điểm cầu nguyện.

Tâm sự

            Thân thưa với Chúa và xin Ngài cho chúng ta những gì chúng ta còn thiếu sót. Xin cho chúng ta yêu Chúa và ao ước nên giống Ngài. Có lẽ chỉ có một mối phúc thôi: nên giống Chúa Yêsu Kitô, đồng hình đồng dạng với Ngài.

NGÀY Y-NHÃ

 

HOME     LINH ĐẠO     LINH THAO MƯỜI NGÀY       LTMN1       LTMN2       LTMN3       LTMN4       LTMN5      LTMN6

 



[1] Có thế, chúng ta mới hiểu tại sao đức Yêsu ở lại Yêrusalem từ sáng mà chiều tối đức Maria và thánh Yuse mới nhận ra.

[2] trừ Chúa và Mẹ.

[3] Có thể gọi là núi so với mặt biển, nhưng nếu mình đang ở trên núi, thì nó lại là đồi.