[Bí tích thống hối hòa giải – Xưng tội tiến đức]: IV. Phần kết: Những sự kiện cần đặc biệt lưu ý (tt)

Tác giả: Antôn Ngô Văn Vững, S.J.

 

LỜI NGUYỆN TRƯỚC KHI XƯNG TỘI (tùy nghi)

“Lạy Chúa, chớ gì con biết con,
Chớ gì con được biết Chúa” (thánh Augustinô)
Chớ gì con biết sự ích kỷ của con,
Sự dốt nát và sự yếu đuổi của con,
Và cũng biết rằng Chúa sẵn sàng nâng con lên.
Và nâng đỡ con khi con lần bước lên những đỉnh cao
Thiêng liêng Chúa gọi con đạt được.
Chớ gì con không tin tưởng nơi mình
Mà tin tưởng vào Chúa!
XIN soi sáng tâm trí con
Để con có thể thấy được tội con cách rõ ràng.
Xin làm mềm trái tim con,
Để con có thể thật sự hối hận vì chúng.
Xin cho con ân sủng và can đảm
để xưng thú tội con cách chân thành và nhờ thế,
Được ơn tha thứ của Chúa,
Nhờ Đức Kitô là Chúa và là Đấng Cứu Độ chúng con.
Amen.

Đến tòa giải tội.

1. Làm dấu thánh giá. Vì là con cái Thiên Chúa, nên có thể hưởng nhờ sự khoan hồng của Thiên Chúa, nhờ thánh giá Chúa Giêsu, nguồn mạch của mọi sự tha thứ.
2. “Lạy Cha, xin chúc lành cho con, vì con là kẻ có tội.”
3. Lm ban phép lành: “Deus sit in corde tuo et in labiis tuis, ut rite confitearis omnia pecata tua”
4. Tự giới thiệu mình, xác đinh danh tánh (nếu có thể): Con là giáo dân, có gia đình, còn độc thân. Con là chủng sinh (triết, thần). Con là tu sĩ (đã khấn tạm, khấn trọn đời). vv…
Xác định thời gian: “Thưa Cha, con xưng tội từ một tháng, (hai tuần, mười ngày, một tuần…”)
5. Xưng tội theo một thứ tự nào đó: các giới răn, các tội đầu, các đức đối thần, các nhân đức khác. Hoặc tội với Thiên Chúa, với anh em, vói chính mình.
6. Ngoại trừ trường hợp tội trọng, không bắt buộc phải xưng hêt mọi tội nhe.
Thành thật, trong sáng: không nên che giấu một tội quan trọng mà ta cảm thấy xấu hổ khi xưng ra. Để rồi, chỉ nói những điều vô nghĩa.
Sụ xưng thú có tính “bí tích” (dấu chỉ) nghĩa là nó phải có ý nghĩa.
Nhất là sự xưng thú phải hữu ích, nghĩa là có thể hoặc soi sáng cha giải tội- nhất là khi chúng ta mong đợi người cho lời khuyên-, hoặc nhấn mạnh đến những điểm mà chúng ta muốn chú ý để sửa đổi.
7. trình bày các tội chính xác, chớ không nói cách tổng quát. Thêm lý do, nguyên động, nhất là khi nó thay đổi giống lọai của tội.
8. khi có cơ hội, chỉ ra hoàn cảnh hay hậu quả làm tăng trách nhiệm của chúng ta. Vd. Con có nổi giận khi xem lễ về, làm gương xấu cho những đứa con, chúng thấy con vừa rước lễ.
9. nhưng vắn tắt. đừng dông dài kể lể về mình. Nói rõ hành vi chớ đừng nói quanh co. Ghi nhận sự kiện. Đi trực tiếp vào vấn đề.
10. không cấm trở lại với những tội đã xưng thú trong những lần xưng tội trước, miễn là đừng do bối rối, sợ rằng chúng chẳng được hoàn toàn tẩy xóa.
Người ta có thể và tự do lặp lại những sự xung thú nếu thấy rằng việc lặp lại làm ta xấu hổ hơn, gia tăng lòng thống hối và làm nên như một việc đền tội phụ trội. Trái lại, việc xưng một tội trọng bị quên trong lần xưng trước và cả ngay tình (thiện chí), phải coi như cần thiết vào cơ hội đầu tiên.
11. Nếu có nghi ngờ, thì phải hỏi cha giải tội để tránh tình trạng “vô tri có lỗi” (ignorance coupable, ignorantia crassa).
12. cũng có thể xin cha giải tội giúp cho….
13. Khi kết thúc việc xưng tội thì tốt hơn không nói : “hết” vì làm sao kể hết tội nhẹ? Nhưng tốt hơn nói: “thưa cha con xưng thú các tội này và các tội khác, tội quên sót trong cả đời con (nhắc lại tội nặng làm ta đau buồn trong quá khứ, nhất là tội lỗi đức ái, đức khiết tịnh, đưc công bình)… cúi xin Chúa thứ tha, xin Cha làm phép giải tội cho con.”
14, Nghe linh mục khuyên dạy và chỉ việc đền tội. Việc đền tội hiện nay đơn giản là đọc một số kinh quen thuộc (đọc kinh dài thì không thuộc, làm việc khó thì không làm được). Vây nên tự nguyện đền tội theo cách của mình, ngoải việc đền tội quy định.
15. Linh mục đọc lời xá giải và lời chúc bình an. Tạ ơn Chúa.

Giải thích thêm một số chi tiết

Thiên Chúa ở khắp mọi nơi và biết hết mọi sự. Nhưng chúng ta không thể hẹn Chúa đến với ta, hay tự mình đến với Chúa. Thiên Chúa đến gặp chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô. Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta trong Chúa Kitô. Và Chúa Kitô tha thứ cho chúng ta trong Hội Thánh của Người. “chúng con tha tội cho ai…” Mọi ơn tha tội đến từ quyền năng Đấng Phục sinh.

1. Xét mình

1/ Xét mình: theo nhiệm vụ và bổn phận
Không phải là đọc các bản luật, danh sách tội hay sách xét mình. Nhưng các sách giúp xét mình cũng ích lợi và ích lợi về hai phương diện. Các sách xét mình: “có thể giúp soi sáng lương tâm về lề luật luân lý và đặt nhiều câu hỏi làm chúng ta lúng túng..”
Nói: “lương tâm tôi không trách tôi điều gì,” thì có nghĩa: hoặc là tôi thực sự không có tội, hoặc là lương tâm tôi lệch lạc, nó không còn chức năng phê phán chính xac, quá rộng rãi hoặc quá chặt chẽ. Không có tội nếu lương tâm không cho là tội, nhưng trong mọi trường hợp lương tâm phải được huấn luyện cho ngay thẳng, chín chắn. Như la bàn phải luôn chỉ hướng bắc, nếu nó không còn chỉ hướng bắc, thì đã trở nên vô dụng, hoặc còn là nguy hiểm, vì làm ta mất phương hướng, phải đi lạc.
Câu hỏi chính yếu: “Có yêu mến Thiên Chúa và anh em không?” cần phải xem xét cách chi tiết hơn.

2/ Người ta có thể xét mình dựa trên Phúc âm. Ví dụ: theo các mối phúc thật. Hay Lời Chúa (1 Cr 13).

a) Chúa Giêsu dạy về tội trong Tin Mừng:
• “cái gì từ bên trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, từ xuất phát những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, dối trá, trác táng, ganh tị , phỉ bang, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.” (Mc 7, 20-23)
b) Danh sách tội trong Phaolô
• “Thưa anh em điều tôi muốn nói là xác thịt và khí huyết không thể thừa hưởng Nước Thiên Chúa được, cũng như cái hư nát không thể thừa hưởng sự bất diệt được” (1Cr 15,50)
• “nào anh em chẳng biết rằng những kẻ bất chính sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp sao? Anh em đừng lầm, những kẻ dâm đãng, thờ ngẫu tượng, ngoại tình, truỵ lạc, trộm không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp.” (1Cr 6, 9-11). (adultères, efféminés, pédérastes)
• “ Vì họ đã không thèm nhận biết Thiên Chúa, nên Người đã để họ theo trí óc lệch lạc mà làm những điều bất xứng, lòng họ đầy bất chính, xấu xa tham lam độc ác đủ thứ: nào là ganh tị, giết người , cãi cọ, mưu mô , thâm hiểm,nào là nói xấu, vu oan giả hoạ. Họ thù ghét Thiên Chúa, ngạo ngược, kiêu căng, khoác lác, giỏi làm điều ác, không vâng lời cha mẹ, không có lương tri, không giữ lời hứa, không chút tình cảm, không chút xót thương. Họ thừa biết phán quyết của Thiên Chúa là: hễ ai làm những điều như vậy thì đáng chết . Thế mà không những họ cứ phạm những tội đó, lại còn tán thành kẻ làm như vậy.”( Rm 1, 29-31)
• “ chúng ta hãy ăn ở cho đúng đắn như người sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời, dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tuông” (Rm 13,13).
• “Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa” Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không thừa hưởng Nước Thiên Chúa” ( Gl 5, 19-21).
• “ chuyện gian dâm, mọi thứ ô uế (débauche,impureté) hay tham lam, thì dù nói đến, anh em cũng phải tránh, như thế mới xứng đáng là các Thánh. Đừng nói lời thô tục, nhảm nhí, cợt nhả: đó là điều không nên, trái lại phải tạ ơn Thiên Chúa thì hơn. An hem phải biết rõ điều này: không một kẻ gian dâm, ô uế hay tham lam nào mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng- được thừa hưởng trong Nước của Đức Kitô và của Thiên Chúa”( Ep 5,3-5)
2Tm 3,1-5: Anh em hãy biết điều này: vào những ngày sau hết sẽ có những lúc gay go. Như thế người ta sẽ ra: ích kỷ, vv.

2. Xưng tội. Trình tự đối thoại với thừa tác viên.

Hối nhân phải nói ra. Mở ra – Eppheta: xin Chúa mở miệng lưỡi tôi ra thì tôi sẽ…
Thú nhận tội cách tổng quát: tôi là kẻ tội lỗi (chưa đủ).
Phải xác định: tôi đã phạm tội gì (vấn đề cốt yếu).
Nhưng cách chung việc thú nhận này không đạt chỉ tiêu. Có khủng hoảng, khó khăn. Cần phải được giải quyết.
• Thú nhận cách tổng quát, mơ hồ: “có lỗi đức ái…có lo ra chia trí…”điều đó không có nghĩa gì!

1) Nhưng lỗi đức ái cách cụ thể là gỉ?
Làm hại đến thanh danh -nói hành, nói xấu, vu khống, đặt điều, đặt chuyện, khinh dễ kẻ khác vì họ nghèo…
Làm mất uy tín, danh dự: -tìm cách tố cáo với bề trên để loại trừ, đặt tên riêng để cô lập, nhục mạ, viết thư nặc danh, gây chia rẻ, xuyên tạc..tiết lộ bí mật thư tín.
Làm thiệt hại đến của cải: phá hoại tài sản, vật dụng…
Làm hại đến thân xác, sức khỏe..: -bùa ,ngải, thư, ếm…
Trong các xứ đạo, cộng đồng, nhà tu, người ta :”giết nhau chằng cái lưu cầu, giết nhau bằng cái ưu sầu độc chưa?” nhưng cứ xưng là; “Thiếu bác ái”!!!

2) lo ra, chia trí là thế nào?
Có bị ám ảnh bởi những hình ảnh bất chính, bởi những gắn bó vô trật tự, bởi những ác cảm dai dẳng, bởi những ước muốn báo thù…
Cố ý dùng thời giờ kinh lễ để chuẩn bị cho công việc gấp rút hay bài thi sắp tới. Vào giờ kinh nguyện, làm thơ hay đặt nhạc.., thay vì chú ý cầu nguyện.
Ở trước mặt Chúa mà không nhớ Chúa, nên có những cử chỉ bất kính, vô lễ…

3) con có kiêu ngạo…!!!. Đó là tội ông Adam. Còn tội của tôi là lấy mình làm quan trọng, cho mình là giỏi, nên có thái độ, lời nói khinh thị kẻ khác. Hay tôi tìm cách hạ bệ những người giỏi hơn tôi bằng những thủ đoạn đê hèn nhất.

4) con có lười biếng…!!!. Chính xác là không chịu làm việc bổn phận để xem phim, hay ăn nhậu. Thay vì chăm chỉ làm việc bổn phận tôi chỉ làm điều tôi thích, rồi lo ăn ngủ. Không chuyên cần đọc kinh xem lễ, nên đi lễ trể. Không chịu đi ngủ sớm, đúng giờ nên dậy trể, “cúp cua”. Không ân cần học tập, nên chép bài thi của kẻ khác, gian lận thi cử..
• Nói quanh co, tô son điểm phấn cho tội ra đẹp, ra nhẹ: “Vd: có nghịch bẩn…có làm sự chẳng nên…có lỗi đức khiết tịnh” (thay vì nói: có phạm tội tà dâm, có thủ dâm..!)
• Khi là tội trọng phải xác định thứ tội, lượng số: Ví dụ : lỗi đức khiết tịnh (điều răn thứ 6), trong tư tưởng, lời nói, việc làm (một mình, người cùng phái, người khác phái, người có gia đình, người đồng trinh, người vị thành niên, người có lời khấn, thánh chức, vv.). khi phạm tội với người có gia đình, thì còn thêm tội điều răn thứ 9, có vấn đề công bình.
• Vấn đề cởi mở lương tâm: đơn sơ, trong sáng

2.1. Xưng gì? Những tội nhớ được. những tội nhẹ cố ý. Tìm căn nguyên của các tội khác.

2.2. Xưng cách nào? Hãy nói tội, nêu đích danh tội của mình.
a. Với đức tin: thấy Chúa qua thừa tác viên
b. Lòng khiêm tốn: “con là kẻ có tội”
c. Đơn sơ chân thành: rõ ràng chính xác. Nếu là tội trọng, nêu rõ giống loại hoàn cảnh làm nên tội trọng.
d. Nói rõ, nghe được, không lý nhí, thì thào. Nói lý nhí là thói quen của phái nữ, nhưng cũng là của nhiều người bất hảo, khi chửi mắng kẻ khác thì la to, nhưng khi xưng tội, thì đâm ra rụt rè, nhút nhát. Cực hình của thừa tác viên là không nghe hối nhân, nên không biết xử lý thế nào !.

3/ Xưng thú tội lỗi: vấn đề khó khăn, phức tạp

3.1/ Ích lợi của sự xưng thú trong bí tích Thống hối.
– giải toả lương tâm (áy náy, xao xuyến, mặc cảm đè nặng lương tâm)
– khách thể hoá cách nhận thức về chính mình.
3.2/ Trong thực tế, nhiều người nói để chẳng nói gì (chung chung, mông lung, bâng quơ, nói lí nhí, để không ai nghe …) hay còn che giấu tội mình, biện minh, đổ lỗi cho người khác.
3.3/ Thú tội: không chỉ hành vi phạm luật Chúa bên ngoài nhưng còn phải nhận định tính cách nghiêm trọng của tội và các xu hướng sâu xa chi phối tâm hồn
”Còn người thu thuế đứng đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng : ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.’ Tôi nói cho các ông biết : “Người này khi trở xuống và về nhà thì đã được nên công chính rồi, còn người kia thì không.” (Lc 18,13-14)

“Ai đến với bí tích Thống hối thì lãnh nhận sự khoan hồng của Thiên Chúa, việc tha thứ các lỗi phản nghịch chống Thiên Chúa, và lúc đó cũng được giao hoà với Hội Thánh vốn đã bị tội lỗi làm tổn thương và Hội Thánh bằng bác ái, cầu nguyện và gương lành, tìm cách giúp họ hoán cải.” [(Hiến chế về Hội Thánh (LG 11)..

Kiểm tra tương tự

Tin vui từ Vatican: Công nhận Cuộc Tử đạo của Cha Trương Bửu Diệp

Ngày 25 tháng 11 năm 2024, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho phép Bộ Phong …

Rồi mọi sự sẽ khác!

  Tôi đứng giữa cây cầu, nhìn xuống dòng sông đang lơ đãng trôi. Từng …

Một bình luận

  1. Nội dung bài viết hay và hữu ích. Tuy nhiên có nhiều lỗi chính tả và viết tắt không đáng có.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *