Đừng để vi-rút cách ly lòng người

Cả nhân loại đang tập trung về con vi rút Corona. Ai ai cũng lo sao cho mình không bị nhiễm chủng vi rút mới nguy hiểm này. Nhiều người được cách ly hoặc tự cách ly để không bị lây bệnh. Cách ly là điều cần thiết phải làm trong hoàn cảnh hiện nay. Thế nhưng, dường như không ít người đang tạo ra “một loại cách ly khác” đáng sợ hơn, đó là cách ly lòng người.

Có một làn sóng kết án nhau đang xảy ra giữa một vài quốc gia, hoặc giữa người dân với chính quyền. Có hay không việc một quốc gia kia cố tình tạo ra vi rút như một loại vũ khí sinh học để phục vụ chiến tranh. Tại sao chính quyền nọ lại cố tình giấu dịch, không khai báo số người nhiễm hoặc chết vì bệnh dịch. Thật khó để tìm ra được sự thật ngay lúc này. Và việc tìm ra sự thật cũng chưa chắc là việc cấp thiết bây giờ. Tuy nhiên, trong tình thế hiện nay, niềm tin mà chúng ta tạo ra cho nhau mới thật sự quan trọng. Tin tưởng tạo nên sự gắn bó, nó sản sinh sức mạnh cho sự đồng tâm hiệp lực. Ngược lại, sự ngờ vực dễ làm chúng ta lảng tránh trách nhiệm, đổi lỗi cho nhau và gây ra những căng thẳng nguy hại. Tuy vậy, đã dần xuất hiện những tia sáng của niềm tin khi mà đâu đó một số quốc gia đã cử các chuyên viên y tế đi cứu trợ nước bạn; hoặc không thiếu những tình nguyện viên sẵn sàng xông pha vào đầu chiến tuyến để chăm sóc những người bệnh. Mong rằng lòng tin sẽ khai sinh lòng gắn bó nơi hàng triệu con tim trên khắp thế giới.

Một vài đoạn phim được đăng trên mạng xã hội cho thấy cảnh người dân chen chúc mua đồ trong siêu thị. Nhiều người vơ vét và giành giật từng món hàng, ai cũng muốn lấy cho thật nhiều, thậm chí còn xảy ra ẩu đả. Dịch bệnh cũng là cơ hội để nhiều người chuộc lợi từ việc kinh doanh khẩu trang và các thiết bị phòng hộ y tế. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở các nước Châu Á, nhưng còn xuất hiện cả ở những nước Châu Âu – vùng đất được xem là văn minh tiên tiến. Tích trữ là điều cần thiết khi nhiều khu vực đang bị phong tỏa, nhiều gia đình đang tự cách ly. Thế nhưng làm thế nào để nhu yếu phẩm được phân chia đồng đều cho tất cả mọi người. Làm sao để lòng tham và sự bần tiện không chế ngự lòng người. Và bằng cách nào chúng ta có thể chia sẻ với những người nghèo, những người đang đói khát trong các vùng cách ly. Lòng người chẳng dễ bị cách ly nhưng sẽ xích lại gần hơn khi người ta biết sống vị tha, biết sẻ chia yêu thương với tấm lòng chân thành. Dù sao thì đâu đó người ta đang bắt đầu phân phát khẩu trang miễn phí, và nghe đâu ở nhiều khu vực, người ta đang quyên góp lương thực để giúp đỡ người nghèo. Tình người đang dần sưởi ấm những con tim lạnh lẽo trong những căn phòng cô đơn, và đồng thời cũng thức tỉnh những giá trị làm người.

Cư dân mạng xôn xao phê phán những người mang vi rút đầu tiên và lây cho nhiều người. Đúng hơn là họ lên án thái độ không biết tự bảo vệ mình và bảo vệ người khác. Thậm chí, có những người còn trốn khỏi khu vực cách ly “và mang hiểm họa vào thế giới.” Ai đó có thể đọc được sự tích cực đằng sau những bình luận gay gắt của cộng đồng. Phần lớn họ chỉ muốn tất cả cùng cảnh tỉnh và giúp nhau an toàn qua mùa dịch. Nhưng mong rằng ai đó không để lòng mình ra hận thù và oán hờn. Bởi có thể ngày mai bạn sẽ là người mang vi-rút, và có thể ngày kia ai đó sẽ nhiễm vi-rút từ bạn. Tôi nhớ trong một lần bị bệnh “thập tử nhất sinh”, nhờ sự chăm sóc ân cần và yêu thương của mẹ, tôi đã có động lực dưỡng bệnh và hồi phục nhanh chóng. Ở nơi khu vực cách ly, những người bệnh không còn bị cô đơn nhờ những dòng tin nhắn, những cuộc gọi “video chat” từ gia đình, bạn bè và người thân. Họ động viên và an ủi nhau, tuy xa mà thật gần.

Xét cho cùng, chẳng ai mong dịch bệnh xảy ra cả. Thế nhưng, phải chọn một lối sống ra sao khi nó xảy đến mới là điều quan trọng. Có người chọn thu mình lại và hưởng thụ những tích trữ sẵn có của mình. Người khác lại chọn mở lòng hướng về thế giới, chia sẻ nỗi đau với cộng đồng nhân loại; và họ chẳng tiếc sẻ chia với những ai đang bần cùng thiếu thốn. Chúng ta có thể an toàn khỏi dịch, hoặc hồi phục khỏi bệnh, nhưng liệu con tim có được phục hồi, nhân cách có được lớn lên sau mùa Covid-19 này chăng. Dịch bệnh có thể cách ly thân xác của chúng ta với thế giới bên ngoài, nhưng không thể chia cắt tấm lòng chúng ta hướng tới mọi người, và ngăn cản tâm hồn chúng ta hướng lên Thiên Chúa. Vậy nên, đừng để vi rút cách ly lòng người.

 

Manila, 12.03.2020
Bạch Quang

Kiểm tra tương tự

Giáng Sinh trong Nghệ Thuật – Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem

Các mục đồng thờ lạy Chúa (1622). Hoạ Sĩ Gerrit van Honthorst (1592-1656). Tranh được …

Phép màu Giáng Sinh: Cuộc hoán cải của thi hào Paul Claudel

  Vì sao thi sĩ nổi tiếng ấy trở lại đạo Công giáo vào đúng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *