Chủ đề: Những Hướng Dẫn Sống Thao Luyện Linh Thao Trong Kỳ Dịch Covid-19 (6/4/2020)

Hướng dẫn sống Linh Thao số 9

 

Tính trắc nghiệm của Tuần Ba trong Linh Thao

 

Anh chị em thân mến,

 

Như tôi đã trình bày, việc đào luyện của ba tuần cuối cùng trong Linh thao về cuộc đời Chúa Giêsu thuộc cấp độ siêu nhiên và thánh I-nhã gọi là đời sống soi sáng, ở đó Nguyên Lý và Nền Tảng siêu nhiên được nói đến trong bài “Lời gọi Vua Hằng Sống” (LT 91-98) với nội dung: “Theo Ta trong đau khổ sẽ ở với Ta trong vinh quang” (Lt 955). Ở cấp độ này, thao  viên được đào luyện dấn thân sống cái tốt hơn của mầu nhiệm hiến tế, so với cái tốt nhân bản, để sống phẩm giá làm con Thiên Chúa. Trật tự cho thấy Tuần hai và ba đào luyện thao viên ở vế thứ nhất: “Theo Ta trong đau khổ” còn Tuần bốn đào luyện ở vế thứ hai: “sẽ ở với Ta trong vinh quang”. Tuần hai và ba đào luyện thao viên cùng một nội dung trong sự hủy mình của Đức Giêsu: Từ Thiên Chúa đến làm người và rồi hiến tế mình trên thập giá, nhưng Tuần ba còn thêm ý nghĩa trắc nghiệm, hay thử thách. Ý nghĩa trắc nghiệm hay thử thách dựa vào một lý do và hai yếu tố:

 

1/ Lý do trắc nghiệm

Kết thúc việc thao luyện của Tuần một, thao viên nhận được ơn tha thứ và bước vào hành trình đào luyện làm môn đệ Đức Giêsu, khởi sự với bài chiêm niệm “Lời gọi Vua Hằng Sống” xét như là Nguyên Lý và Nền Tảng siêu nhiên (LT 91-98) với nội dung “Theo Ta trong đau khổ, ở với Ta trong vinh quang” (LT 955). Lời tâm sự của bài này cho thấy việc đi theo làm môn đệ Đức Giêsu trước hết là ơn huệ nhưng không của Ngài: “Lạy Chúa Hằng sống của muôn loài, nhờ ơn huệ và sự trợ giúp của Chúa….con mong muốn và ao ước và đây là quyết tâm con đã cân nhắc, là noi gương Chúa chịu mọi sỉ nhục, khinh chê và nghèo khó… miễn là điều ấy phụng sự và ngợi khen Chúa hơn, nếu Chúa muốn tuyển chọn và chấp nhận con vào đời sống và bậc ấy” (LT 98).

 

Khi chiêm ngắm đời sống Chúa Giêsu ở Tuần hai, ngoài việc đào luyện về việc nhận định thần loại (LT 328-336), vận hành của Linh Thao còn cho thao viên xác tín và sống sự bình tâm của mẫu người thứ ba (LT 155) như Đức Giêsu vì Ngài là người thật, và sống bậc khiêm nhường thứ ba với tư cách là Thiên Chúa mà ta gọi là lối sống siêu bình tâm so với sự bình tâm. Bởi lẽ ở đó thao viên tuyên bố: “…tôi muốn và chọn sự nghèo khó với Chúa Kitô nghèo khó hơn là giầu sang, sự sỉ nhục với Chúa Kitô bị sỉ nhục hơn là danh vọng và ao ước được coi là ngu dại và điên rồ vì Đức Kitô hơn là được coi là khôn ngoan và thông thái ở thế gian này” (LT 167). Lời tuyên bố này vừa là xác tín có tính cá vị, vừa là điểm căn cốt khởi sự đời sống soi sáng để thao viên hiện thực việc đi theo Đức Kitô nơi một ơn gọi cụ thể, qua việc chọn lựa bậc sống được Giáo Hội chuẩn nhận (LT 169-188). Đời sống này ta gọi là đời sống (chặng) chủ động nơi thao viên.

 

Với sự xác tín và chọn lựa ấy, thao viên được dẫn vào cuộc trắc nghiệm khi họ bước vào Tuần Ba, chiêm ngắm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô. Tại sao? Thưa, vì tình yêu được trắc nghiệm cách chính xác nhất khi người yêu rơi vào hoàn cảnh khốn cùng chứ không phải khi họ được sung túc…

 

2/ Về đề tài chiêm niệm

Trong việc thao luyện của Tuần Hai và cả Tuần Bốn, những đề tài chiêm niệm được mô tả theo từng biến cố: Việc chiêm niệm về cuộc Nhập Thể (LT 101), về Việc Giáng Sinh (LT 110), về Đời Sống Ẩn Dật tại Nazareth và biến cố Ở Lại Đền Thờ (LT 134)… của Tuần Hai – về Việc Hiện Ra Cho Đức Mẹ (LT 218), về cuộc Hiện Ra Lần Thứ Hai, Thứ Ba… (LT 300; 301) của Tuần bốn.

 

Đề tài chiêm niệm của Tuần ba không được trình bày theo từng biến cố, nhưng theo từng giai đoạn với hạn từ “từ lúc…..đến”. Chẳng hạn, Ngày thứ nhất có hai bài chiêm niệm, bài thứ nhất: “…về các việc từ lúc Đức Kitô Chúa chúng ta, từ Bêtania lên Giêrusalem đến hết Bữa Tiệc Ly… (LT 190/289) – bài chiêm niệm thứ hai: “… từ Bữa Tiệc Ly đến hết những việc xảy ra ở Vườn Dầu” (LT 200/290)…. Tuần thứ ba có 7 ngày thao luyện ở đó thao viên chiêm niệm 10 mầu nhiệm trong 6 ngày (x. LT 190; 200; ) ngày thứ bảy là ngày phục niệm. Và đây cũng chính là 10 mầu nhiệm được kê khai về toàn bộ cuộc thương khó trong danh sách đề nghị (x. Lt 289-298).

 

Như vậy, Tuần ba đòi hỏi thao viên sống trọn vẹn cuộc thương khó của Chúa chứ không được bỏ phần nào hay biến cố nào. Bởi lẽ không sống trọn vẹn cuộc khổ nạn của Chúa, thao viên có nguy cơ không hiểu đến nơi đến chốn và việc đào luyện có nguy cơ rơi vào lệch lạc hoặc phiếm diện. Phần chúng ta chọn cuộc khổ nạn của TM Gioan để chiêm niệm vào dịp này.

 

3/ Về tính chao đảo của việc đào luyện:

Trong 10 mầu nhiệm được đem ra chiêm ngắm trong Tuần ba, chúng ta thấy việc sắp xếp như sau:

-Ngày thứ nhất có hai mầu nhiệm: “Từ Bêtania lên Giêrusalem cho đến hết Bữa Tiệc Ly” (LT 289) và “từ Bữa Tiệc Ly cho đến hết những việc ở đó” (LT 290).

 

-Ngày thứ hai có hai mầu nhiệm: “Từ Vườn Dầu đến hết nhà Anna” (LT 291) và “Từ nhà Anna đến hết các việc ở nhà Caipha” (LT 292).

 

-Ngày thứ ba có hai mầu nhiệm: “Từ nhà Caipha đến hết dinh Philatô” (LT 293) và “từ dinh Philatô đến hết dinh Hêrôđê” (LT 294).

 

-Ngày thứ tư có một mầu nhiệm phân đôi: “Từ dinh Hêrôđê về Philatô” (LT 295) chiêm niệm nửa đêm một nửa và buổi sáng một nửa.

 

-Ngày thứ năm có hai mầu nhiệm: “Từ dinh Philatô đến việc đóng đinh trên thánh giá” (LT 296) và “từ việc treo trên thánh giá đến khi tắt thở” (LT 297).

 

-Ngày thứ sáu có hai mầu nhiệm: “Từ khi hạ xác đến mồ” (LT 298) và “ Từ mồ đến nhà Đức Mẹ sau khi đã táng xác” (không có trong danh sách).

 

-Ngày thứ bảy phục niệm toàn bộ các mầu nhiệm nhưng cũng phục niệm hai lần vào nửa đêm và ban sáng.

 

Từ việc phân phối các mầu nhiệm trên, ta có thể đưa ra những ghi nhận như sau: Thứ nhất, mầu nhiệm sau cùng của ngày thứ sáu không có trong danh sách ở bảng liệt kê – thứ hai, trong tất cả bảy ngày chỉ có ngày thứ tư và ngày thứ bảy thao viên chiêm ngắm một mầu nhiệm và phục niệm toàn bộ các mầu nhiệm; các ngày còn lại đều chiêm ngắm hai mầu nhiệm. Ngay cả ngày thứ tư và thứ bảy, dù thao viên chỉ chiêm ngắm một mầu nhiệm hay phục niệm các mầu nhiệm, nhưng mầu nhiệm và các mầu nhiệm đó lại phải phân chia hai lần: nửa đêm một nửa và ban sáng một nửa. Cách bài trí các mầu nhiệm như thế cho thấy rằng thao viên chưa đạt được sự hội nhất khi sống việc thao luyện của Tuần này, nghĩa là có khi có tiến bộ nhưng vẫn còn chao đảo và cho dù có tiến bộ, nhưng bản thân vẫn còn bị phân rẽ.

 

Kết luận:

Thao luyện Tuần Ba có tính trắc nghiệm và tính chao đảo khiến cho chúng ta nhận thức rằng tự thân chúng ta không thể đi theo Chúa Giêsu, vì thế khi tâm sự, thánh I-nhã cho thao viên qui về việc giải thích ở lời tâm sự của bài ba mẫu người: “…Khi thấy tâm tình  gớm ghét sự nghèo khó thực nghĩa là không bình tâm với sự giầu có, thì điều rất có lợi để diệt trừ lòng quyến luyến ấy, là khi tâm sự, nài xin Chúa cho mình vào trong sự nghèo khó thực sự (dù nghịch ý xác thịt) và van nài cho được điều ấy miễn là để phụng sự và ngợi khen Thiên Chúa nhân lành” (x. LT 1995 -> 157). Vậy tâm tình ở đây là không chấp nhận sự bách hại của thế gian khi đi theo làm môn đệ Chúa Giêsu.

 

Ad Majorem Dei Gloriam

 

Người soạn: Lm. Giuse Lê Quang Chủng,S.J

Kiểm tra tương tự

Mến Yêu Hằng Ngày, 19-11-2024

MẾN YÊU HẰNG NGÀY Thứ 3, 19-11-2024 (Lc 19,1-10) Sau khi  vào Giê-ri-khô, Đức Giê-su …

Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh

Phần lớn các bạn trẻ Công giáo cảm thấy được mời gọi bước vào đời …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *