Những cuộc chia ly nhiều lưu luyến

Thứ Năm Tuần Thánh là một ngày của chia ly. Đức Giêsu, người Thầy yêu mến của các môn đệ, phải nói lời sau cùng với cả nhóm. Để chuẩn bị cho cuộc chia ly này, Đức Giêsu đã cho người sửa soạn một nơi khá riêng tư và kín đáo, chỉ có thầy trò. (Lc 22,19). Đó là một phòng ăn rộng rãi ở trên lầu.

Vì tính chất của buổi tối sau cùng ngày hôm ấy, nên phòng này còn được gọi là Nhà Tiệc Ly. Tuy không ở đó, nhưng chúng ta có thể mường tượng được qua lời kể của thánh sử Gioan, người đã ngồi cạnh Đức Giêsu trong bàn tiệc.

Tôi muốn đề cập đến cuộc chia ly ấy, để thấy Thiên Chúa cũng có kinh nghiệm để chia sẻ nỗi đau với con người trong dịch bệnh lần này. Mỗi người chết vì Covid–19 có những cuộc chia ly với gia đình, bạn thân và các y bác sĩ. Có người chết trong cô quạnh chẳng kịp nói lời sau cùng với ai. Có người đang chịu nỗi đau quằn quại vì cơn bệnh đến nỗi không thể nói lời vĩnh biệt. Người thân cũng chẳng thể gặp mặt để tạm biệt lần cuối. Trong muôn vàn cách thế chia ly đó, mẫu số chung là những giọt nước mắt lăn dài trên má! Nỗi đau lòng, bất hạnh, khổ sở và niềm tuyệt vọng của những người còn sống cố tìm kiếm lý do giải thích.

Chúa Giêsu của chúng ta cũng thế. Ngài biết giờ của Ngài sắp đến, giờ phải về với Chúa Cha. Ngài đã chuẩn bị cho giờ này rất lâu rồi. Ngài chuẩn bị cả một di chúc dài để trao cho các môn đệ. Bản di chúc ấy thánh Gioan đã cẩn thận ghi lại (x. Ga chương 13–17). Chúng ta có thể tóm gọn di chúc này trong vài từ chính yếu: phục vụ, tình yêu, bí tích Thánh Thể, Đấng Bảo trợ sẽ đến, Thầy Giêsu sẽ trở lại, v.v.

– Rửa chân và tinh thần phục vụ trong mùa dịch:

Trong mùa dịch, ước sao có nhiều người noi gương Đức Giêsu trong lúc này, cúi xuống phục vụ những ai nhiễm bệnh. Nhớ lại bài chia sẻ hôm ban phép lành ngoại thường cho toàn thế giới, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh đến cầu nguyện và phục vụ âm thầm. Đó là những khí giới chiến thắng của chúng ta. Những người đang xả thân phục vụ trong những ngày tháng này là: các bác sĩ, y tá nam nữ, các nhân viên siêu thị, nhân viên vệ sinh, những người giúp việc gia đình, các nhân viên chuyên chở, các nhân viên công lực, những người thiện nguyện, các linh mục, nữ tu và bao nhiêu người khác. Họ thực sự đang cố gắng chia sẻ nỗi đau với bao người. Họ đang khóc với người khóc!

– Nguồn sức mạnh nơi thánh lễ trực tuyến [online]:

Chúng ta phải tham dự thánh lễ trực tuyến [online] tại nhà. Đó là Bí Tích mà Đức Giêsu đã lập trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Trong điều kiện ấy chúng ta cũng đang phải tạm chia ly với cộng đoàn giáo xứ, với nhà thờ thân yêu. Trong hoàn cảnh ấy, giáo dân và linh mục tin rằng Thiên Chúa cũng đang liên kết mỗi người nơi thánh lễ trực tuyến [online]. Dẫu sao, nhờ phương tiện truyền thông, thánh lễ vẫn có thể trở nên nguồn an ủi với mỗi người trong lúc này.

–  Chúa Thánh Thần sẽ đến:

Đó là lời hứa của Đức Giêsu dành cho các môn đệ. Sau khi Chúa Giêsu về trời, Chúa Thánh Thần đã đến với nhân loại trong ngày lễ Ngũ Tuần. Hơn lúc nào hết, chúng ta cũng khẩn xin Ngài soi sáng cho các nhà nghiên cứu sớm tìm ra thuốc chủng ngừa và thuốc chữa trị. Chỉ khi đó người ta mới an tâm như chưa hề có cuộc chia ly. Khi ấy con người không phải khóc thương vì bệnh Covid–19 nữa. Xin Thánh Thần mau đến. Amen.

Tiếc là chúng ta không thể đi vào chi tiết của những lời chia tay ngày hôm ấy. Thực tế cuộc chia ly này diễn ra khá dài, đủ giờ để Đức Giêsu nói với các môn đệ những gì cần thiết. Hằng năm chúng ta cũng được cử hành lại cuộc chia ly này. Khi đó vài lời di chúc của Thầy Giêsu cũng được Giáo Hội nhắc lại. Năm nay vì đại dịch Covid–19, chúng ta ở nhà cùng với nhau tham dự trực tuyến cuộc cử hành này.

Chúng ta chẳng thể liệt kê nổi bao nhiêu cuộc biệt ly trong vội vã của người thân với các bệnh nhân. Khi nhiễm bệnh, họ được đem đi cấp cứu và tuyệt đối cách ly. Phần lớn là những người già cả. Chắc họ cũng có gia đình, con cháu và họ hàng. Khi virus tấn công, chắc không đủ thời gian để họ nói những lời cần thiết với người còn ở lại. Cuộc chia ly như thế luôn đọng lại nhiều nước mắt, hoài niệm và đau lòng cho cả hai bên. Biết sao được khi dịch bệnh đang lan tràn. Người ta chẳng biết khi nào mình phải bị cách ly hoặc nhập viện.

Trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh này, chắc mỗi người dừng lại đôi chút để chiêm ngắm những cuộc chia ly như thế. Chúa cũng đau nỗi đau của con người; Ngài cũng buồn nỗi buồn của nhân loại. Tin Mừng không cho thấy các môn đệ hoặc Thầy Giêsu khóc. Họ có xao xuyến, nghẹn ngào và xúc động. Những dòng cảm xúc ấy đủ cho thấy tâm trạng của mỗi người trong lúc này. Đúng là lời nào buồn hơn phút chia tay! Nhất là chia ly trong vĩnh biệt!

Hãy chia ly trong Chúa

Giáo Hội hiểu việc cử hành Bí Tích Thánh thể không chỉ là để nhớ lại biến cố lịch sử Bữa Tiệc Ly, mà còn hiện tại hóa sự hiện diện của Chúa Giêsu, Đấng đã chịu chết và sống lại. Theo ý nghĩa này, lúc nào chúng ta cũng có cuộc chia ly như thế. Lúc nào Đức Giêsu cũng đang hiến tế chính mình để cứu độ nhân loại. Trong niềm tin, chúng ta tin Đức Giêsu đang ở trong cuộc chia ly của nhiều người. Nơi đó, “giọt nước mắt sẽ nên nụ cười và tiếng hát vang dậy trời cao”.

Cụ Nguyễn Du năm xưa viết rằng: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu, người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Năm nay và trong Tuần Thánh này, Đức Giêsu nói với mỗi người: “Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.” (Ga 16,20).

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

Kiểm tra tương tự

Thầy Phó tế Giuse Trần Ngọc Huynh, S.J. – Nguyện sống đời phục vụ, trở nên bạn đường của Thiên Chúa

  Vào ngày 3/12/2024, tại Nhà thờ Giáo xứ Hiển Linh, Thủ Đức, Tổng Giáo …

Bộ Phong Thánh công bố Sắc Lệnh về cuộc tử đạo của Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp

  Trong buổi tiếp kiến vào ngày 25 tháng 11 năm 2024, dành cho Đức …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *