Hãy tưởng tượng bạn đang trên đà thành công và sở hữu tất cả những gì mà bạn nghĩ là sẽ khiến bạn hạnh phúc – công việc, tiện nghi, tiền bạc, trong túi là danh thiếp của một công ty tầm cỡ… – Rồi chỉ sau một phút, bạn nằm dài trên cáng của xe cứu thương, bạn sẽ nghĩ gì? Đây là điều mà Inhaxio đã trải qua và gọi đó là những cuộc “tử đạo” trên giường bệnh.
Theo Tự Thuật của Inhaxio thì ít nhất ngài đã phải chịu phẫu thuật ba lần, một lần được những bác sỹ người Pháp tại Pamplona sắp xếp lại các xương chân bị gãy, lần thứ hai tại Loyola là để chỉnh sửa lại những sai sót của lần một và lần thứ ba cũng tại Loyola mà theo Inhaxio là để “làm đẹp” cái chân của mình (Tự Thuật, 2-4).
Nghe qua thì cũng chỉ tương tự như những cuộc phẫu thuật bình thường, nhưng với Inhaxio đó là một hành trình từ “làm thịt” đến “tử đạo”. Có lẽ bên cạnh việc phẫu thuật hàn gắn và cứu sống sinh mạng, nơi Inhaxio còn tiềm tàng chất chứa những khát vọng hư danh thế gian nơi những Pamplona trong lòng còn chưa thất thủ. Sống giữa những định kiến cố hữu của xã hội, giữa truyền thống hào hiệp của gia đình, và chính những kì vọng nơi bản thân, tất cả có lẽ làm cho Inhaxio bị đeo cặp kính của “người hiệp sĩ mù”, khó có được một góc nhìn trung thực về con người mình và khát vọng chân lý đang hiện diện trong cuộc đời mình. Bởi trước đó, Inhaxio vốn đã xác định theo gót và phục vụ một vị tiểu thư đài các và nhất quyết tiến thân trên con đường công danh nơi chốn hoàng cung, vì thế ta có thể thấu hiểu được tại sao Inhaxio lại có những hư danh như thế ngay khi sinh mạng còn đang bị đe dọa.
Thế nhưng, chính ở nơi mà có vẻ hư danh trần thế xem ra chiếm lấy khoảng trời của chân lý và sự thật, đâu đó ta vẫn thấy được những tích cực trong hành trình khám phá bản thân nơi Inhaxio. Mặc dù biết đau đớn là như thế trong cuộc “tử đạo” mà mình sẽ chịu, ngài đã chịu đựng sự đau đớn ấy bằng một sự kiên nhẫn như thường lệ (Tự Thuật, 4). Sự can trường và kiên nhẫn của con người chắc hẳn là con đường để ân sủng Thiên Chúa đi vào. Chỉ khi mình còn muốn chiến đấu, còn mơ ước và khát khao khi đối diện với nghịch cảnh, dẫu cho mơ ước và khát khao ấy “chưa trọn vẹn”, mình mới có được tiền đề vững vàng để bắt đầu tiến vào một hành trình mới.
Có nhiều người cả đời chỉ yêu thích sống trong những “bong bóng quen thuộc” – những người thân quen, cùng ý kiến và suy nghĩ với mình, hành xử giống như mình và có cái nhìn giống mình – để rồi sợ hãi và khép lại khi đối diện với những lạ lẫm mới mẻ vô vàn của cuộc sống, tự hạn định chính bản thân trong những nhãn mác mà người khác hay chính mình tự dán nhãn cho cuộc đời mình. Điều mà Inhaxio gọi là cuộc “tử đạo” khi nằm trên giường bệnh tại lâu đài Loyola đâu đó phảng phất một lối suy nghĩ nhãn mác như thế. Thế nhưng có lẽ hơn hết, một sự can trường và kiên nhẫn lên đường để tìm kiếm chân lý đích thực là điều quan trọng cho một sự khởi đầu của tiến trình hoán cải. Bởi đôi khi qua sự “cứng đầu” của mình, ta lại thấy một nét dễ thương nào đó vì mình còn là những con người trong tiến trình thanh luyện, mình còn rất “người” trong chính ơn gọi hoàn thiện để xứng đáng làm con Thiên Chúa hơn. Hành trình tự khám phá bản thân có lẽ bắt đầu khi và chỉ khi cái vùng trời bình yên của ta khép lại.
Loạt bài kỉ niệm 500 năm cuộc hoán cải của thánh Inhaxio
J.Bosco Nhật Tài S.J.