Những ngày này tôi theo dõi thông tin về tình hình dịch bệnh covid-19. Càng nghe và đọc nhiều tin tôi càng thấy thêm buồn bực. Buồn vì bao nhiêu cảnh đau khổ chia ly chỉ vì con virus này. Dù đã có nỗ lực của bao con người, cống hiến của bao tấm lòng nhưng nó vẫn còn có thể hoành hành gây bệnh tật khổ đau. Bản thân tôi dẫu đã tiêm phòng vắc-xin và cũng rất cẩn thận giữ gìn, vậy mà cũng không tránh khỏi việc bị nhiễm bệnh. Trong bối cảnh phải cách ly điều trị như thế này, tôi tự hỏi điều gì khiến con virus nhỏ nhoi này gây nguy hiểm về thể chất và nguy hại về tinh thần cho bao người bị nhiễm? Có cách nào để khi bị nhiễm bệnh vẫn có thể sống có ích cho bản thân và người khác không?
Sau vài ngày bị nhiễm, tôi bị mất vị giác, rồi khứu giác. Thực ra, tôi không nhận ra rằng mình bị mất khứu giác. Có lẽ do không để ý vì phải lo theo học online và làm bài. Chỉ khi bác sĩ hỏi thăm về chúng tôi mới để ý và nhận ra mình đã mất khả năng ngửi mùi và nếm vị. Lúc này tôi mới vỡ lẽ rằng ăn có vị và ngửi có mùi là điều rất quan trọng cho sức khỏe thể chất và cả tinh thần. Khi mất vị giác hay hay khứu giác, tôi thiếu đi khả năng thưởng nếm hương vị của đồ ăn thức uống, của môi trường xung quang, và cũng là một phần của hương vị đời sống. Ăn không ngon thì sao có sức; ngửi không cảm thì sao có động lực. Có những điều nho nhỏ mà thường ngày tôi chẳng quan tâm, lại là những món quà ý nghĩa và hữu dụng đóng góp không nhỏ vào sự tồn vong của tôi.
Có những lúc bị ho và khó thở, tôi không biết phải làm sao. Chỉ cố để thở thôi. Nhiều khi chỉ đớp đớp không khí như cá đớp bóng. Nhìn lại giây phút ấy, tôi được nhắc nhớ rằng mỗi hơi thở diễn ra êm đẹp là một kỳ công, là thiết yếu. Tôi không thể sống nếu không thể thở. Thường ngày tôi chẳng phải làm gì mà việc thở của tôi vẫn diễn ra đều đặn. Đúng là một kỳ tích. Bản thân tôi tin đó là ơn nhưng không của Chúa cho tôi. Lúc này, ơn ấy trở nên rõ ràng và lớn lao biết chừng nào.
Lại nữa, tôi phải ở cách ly hoàn toàn trong một phòng riêng. Hết ngồi lại nằm ngày qua ngày trong không gian hơn chục mét vuông. Tôi thấy nhớ và mong những lúc được bước ra khỏi phòng, được đi dạo dưới hàng cây, hít thở bầu không khí, tận hưởng làn gió từ thiên nhiên. Những điều này thường ngày tôi cũng có phần ý thức, thế nhưng khi phải cách ly trong bốn bức tường thì ý thức đó hiển lộ rõ nét đến từng chi tiết.
Khi phải cách ly tại nhà, tôi được anh em mang cơm đến tận cửa phòng. Cần gì thì nhắn tin nhờ anh em giúp. Khi đến khu cách ly, những nhu cầu này được các nhân viên và thiện nguyện viên khu cách ly lo. Điều này giúp tôi cảm nhận rõ ràng và sống động hơn tình anh em, tình liên đới giữa người chung quanh. Tôi hiểu tôi không thể sống và vượt qua dịch bệnh nếu thiếu tình người. Tạ ơn Chúa, hoàn cảnh này giúp tôi hiểu sâu và đậm hơn về tình liên đới giữa người với người.
Gần hai tuần sống biệt lập, tôi thấy rõ hơn sự cần thiết của gặp gỡ tương quan. Dù tôi có thể chat với bạn bè, gọi điện cho gia đình người thân, ngay cả thấy hình qua video chat, điều này vẫn không khỏa lấp được khoảng trống nào đó trong lòng tôi. Dẫu sao thì việc ngồi ăn uống chuyện trò với nhau, gặp gỡ sẻ chia niềm vui nỗi buồn cùng nhau cách trực tiếp vẫn chất và thật hơn là online.
Những điều này giúp tôi thấy rằng dù việc bị nhiễm virus là điều không mong muốn, đây lại là cơ hội cho tôi có được cái nhìn đổi mới. Tôi cảm nhận được sự tươi mới và ý nghĩa của những quà tặng nho nhỏ vốn được cho là cũ hay tầm thường. Đúng là “nhỏ nhưng có võ”, dù đó chỉ là khả năng cảm nếm hương của thế giới xung quanh và vị của những đồ ăn thức uống hay là cảm thức mới mẻ trở lại về tương quan với người chung quanh, về tình liên đới giữa người với người.
Hóa ra, bị nhiễm covid-19 không chỉ là điềm rủi mà còn là cơ may. Đó là cơ may để tôi học biết ý nghĩa và ơn ban trong những gì là nho nhỏ, là đời thường. Giữa những bộn bề chộn rộn của đời sống, những ơn nhưng không này dễ bị lãng quên, bị mất hút. Càng cảm nhận rõ và sâu hơn về những ơn ấy, tôi càng thêm quý trọng tình người và tri ân tình Chúa với tất cả những gì tôi được trao ban hằng ngày. Đây cũng là cơ hội để tôi học biết khao khát ‘thấy mọi sự mới mẻ trong Đức Kitô’. Chủ đề của năm thánh I Nhã nhắc nhở tôi học biết chiêm ngắm mọi sự cách mới mẻ trong những gì nho nhỏ của đời sống thường ngày, với nhãn quan của đức Tin-Cậy-Mến. Nhãn quan tin yêu này giúp tôi thay đổi thái độ tiêu cực gây ra bởi bối cảnh tang thương của dịch bệnh hiện tại.
Tạ ơn tình Chúa, cám ơn tình người!
Vinh-sơn Phạm Văn Đoàn, SJ