Căn bản đời sống Ki-tô hữu: Biết và biết ơn     

Tác giả: Bs Hà thị Ánh Tâm và Lm Nguyễn công Đoan, S.J.

30.03.2022

Biết và biết ơn để biết yêu như Thiên Chúa yêu. Đó là Thiên đàng ngay bây giờ.

Từ các ngôn sứ trong Cựu Ước đến Chúa Giê-su và các tông đồ được Chúa Giê-su sai đi đều chung một sứ mạng là làm cho người ta biết Thiên Chúa và biết sống thế nào cho xứng là con cái, là dân của Thiên Chúa, vì người ta thích vẽ Thiên Chúa theo hình ảnh của mình và thờ phượng Thiên Chúa theo cách của mình.

Dân của Giao Ước Xi-nai di chuyển, rồi định cư giữa các bộ lạc, các dân tộc đầy ngẫu thần, Mô-sê và các ngôn sứ được sai đến dạy cho dân Chúa biết Thiên Chúa thật và cách thờ phượng Thiên Chúa muốn. Các vị này phải chiến đấu chống lại các ngẫu tượng và những cách thờ phượng của những người tôn thờ chúng. Những thứ này hấp dẫn hơn vì thỏa mãn giác quan. Ngẫu tượng do người ta tạo ra theo hình ảnh mình, phóng thể của những mơ ước hay đam mê của mình. Cách thờ ngẫu tượng cũng do người ta tự nghĩ ra, từ những thực hành thỏa mãn nhục dục đến việc giết con tế thần.

Thiên Chúa đã tỏ mình cho dân Ít-ra-en là “Đấng ẩn mình”, “Đấng ngự trong đám mây”. Họ không được thấy dung nhan Người, nhưng được nghe, được thấy vinh quang của Người trong ánh lửa, tiếng sấm tiếng sét. Họ sợ hãi, xin ông Mô-sê nói với họ bằng tiếng của một con người, đừng để Thiên Chúa nói:

18 Khi nghe tiếng sấm sét, tiếng tù và, khi thấy ánh lửa và núi bốc khói, toàn dân sợ hãi run rẩy và đứng xa xa. 19Họ nói với ông Mô-sê : “Xin chính ông nói với chúng tôi, chúng tôi mới dám nghe ; nhưng xin Thiên Chúa đừng nói với chúng tôi, kẻo chúng tôi chết mất !” 20Ông Mô-sê bảo dân : “Đừng sợ hãi, vì Thiên Chúa đến là để thử thách anh em và làm cho anh em luôn luôn kính sợ Người, ngõ hầu anh em đừng phạm tội.” (Xh 20,18-20)

Nhưng ngay sau đó, khi ông Mô-sê ở lại trên núi với Thiên Chúa để nhận Bia Đá khắc ghi Luật làm Chứng Ước,  thì họ không thể tiếp tục tin vào một Thiên Chúa mà họ không thấy dung nhan. Chưa đầy 30 ngày sau khi run  sợ trước  vinh quang Thiên Chúa, họ đã yêu cầu ông A-ha-ron: “Làm cho chúng tôi một vị thần để dẫn đầu chúng tôi” (Xh 32,1). Thiên Chúa đã đến trong vinh quang và tôi tớ của Ngài là “Mô-sê đã đưa chúng tôi lên từ đất Ai cập” thì họ phải chờ mà “không biết chuyện gì đã xảy ra”.

Họ muốn có một ông thần dẫn đầu họ, nhưng họ quyết định: muốn đi thì họ cứ việc khiêng ông thần đi, theo hướng họ muốn, muốn ngừng ở đâu thì đặt ông thần xuống. Thay vì hiện nay họ lệ thuộc vào một Thiên Chúa mà mắt không thấy, tay không nắm được,  cứ phải chờ lệnh lên đường, và cũng chẳng biết Ngài sẽ đưa họ đi lối nào, bao giờ nghỉ, nghỉ ở đâu. Đi theo Thiên Chúa thật là phiền toái!

Giao Ước và hôn nhân

Công trình trí tuệ nhất của Thiên Chúa là sáng tạo người nam và người nữ để hai nên một mà tiếp tục công cuộc sáng tạo, đã bị chính con người làm hỏng, gây phiền toái cho nhau và cho Thiên Chúa (x. sách Sáng Thế, chương 2-3). Thế nhưng Thiên Chúa lại không chối bỏ cái sáng kiến của mình, mà lấy đó làm mẫu để thiết lập tương quan giữa Ngài với loài người.

Ngài đã chọn một dân và lập giao ước với họ, mà Ngài ví với giao ước hôn nhân:

Vì ngươi sẽ được ĐỨC CHÚA đem lòng sủng ái,

và Chúa lập hôn ước cùng xứ sở ngươi.

5Như  tài trai sánh duyên cùng thục nữ,

Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về .

Như cô dâu là niềm vui cho chú rể,

ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ. (I-sai-a 62, 4-5)

Thiên Chúa như muốn có được niềm vui Ngài đã cho loài người khi dẫn Người đàn bà đầu tiên đến cho người đàn ông đầu tiên.

Nhưng Ngài cũng phải vật lộn với họ, vì họ chỉ muốn ăn trái cây Ngài cho, chứ không muốn “ý hợp tâm đầu với Ngài”. Tất cả lịch sử thời Cựu Ước diễn tả cuộc vật lộn giữa Thiên Chúa và dân của Giao Ước Xi-nai. Họ luôn muốn “làm một ông thần để dẫn đầu họ”. Nhưng họ cũng chẳng giầu trí tuệ, óc sáng tạo. A-ha-ron đúc con bê bằng vàng là theo mẫu của dân Ai-cập. Trên đường dài 40 năm để vào Đất Hứa, đi tới đâu họ lại nhận thần của dân ở địa phương đó. Tiêu biểu là tại Ba-an Pê-o (x. sách Dân Số, ch.25, câu 1-18). Ở chuyện này Kinh Thánh cũng áp dụng tình cảm “ghen” cho Thiên Chúa.

Khi đã vào ở Đất Hứa, họ lại theo các thần của những dân đang sinh sống tại đây. Các ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến để chiến đấu chống lại sự phản bội này.

Ê-li-a một mình chống lại tất cả, chiến đấu cả bằng gươm và lửa, đã trở thành tiêu biểu.

Hô-sê là ngôn sứ thuộc trường phái lãng mạn, đã phải sống cái bi kịch mối tình của Thiên Chúa với dân trong đời sống hôn nhân của ông. Ông là ngôn sứ diễn tả mãnh liệt nhất tình yêu của Thiên Chúa và sự phản bội của dân. Dân của Giao Ước bỏ Chúa đi thờ ngẫu thần cũng giống như một người vợ bỏ chồng đi làm điếm, nhưng chồng vẫn đi chuộc về (x. Hô-sê, ch. 3,1-3).

Tình yêu và của lễ

Đọc trong sách Lê-vi, một trong bộ 5 cuốn gọi là Luật, chúng ta thấy bao nhiêu quy định tỉ mỉ về rất nhiều thứ của lễ. Từ đó nảy sinh não trạng coi của lễ là  tất cả những gì Thiên Chúa muốn. Sách 1 Sa-mu-en phản kháng não trạng ấy qua lời ông Sa-mu-en quở trách vua Sa-un:  ĐỨC CHÚA đã sai ngài lên đường và phán : ‘Hãy đi, ngươi phải tru hiến quân tội lỗi là bọn A-ma-lếch ấy, và phải giao chiến với chúng cho đến khi tận diệt chúng.’ 19 Tại sao ngài đã không nghe theo tiếng ĐỨC CHÚA ? Tại sao ngài đã xông vào lấy chiến lợi phẩm và làm điều dữ trái mắt ĐỨC CHÚA ?” 20Vua Sa-un nói với ông Sa-mu-en : “Tôi đã nghe theo tiếng ĐỨC CHÚA. Tôi đã đi theo con đường ĐỨC CHÚA sai tôi đi. Tôi đã đưa A-gác, vua A-ma-lếch về, và đã tru hiến A-ma-lếch. 21Trong số chiến lợi phẩm là chiên dê và bò, trong số những vật bị tru hiến, dân đã lấy những con tốt nhất để làm hy lễ dâng ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ông, tại Ghin-gan.”

22Ông Sa-mu-en nói : “ĐỨC CHÚA có ưa thích các lễ toàn thiêu và hy lễ như ưa thích người ta vâng lời ĐỨC CHÚA không ? Này, vâng phục thì tốt hơn là dâng hy lễ, lắng nghe thì tốt hơn là dâng mỡ cừu.   (1Sm 15,18-22)

Càng gần tới ngày “phán xét” và trừng phạt bằng cuộc tàn phá vương quốc Ít-ra-en (năm 722 trCGS), rồi cuộc tàn phá vương quốc Giu-đa và lưu đầy Ba-by-lon (năm 587 trCGS),  Thiên Chúa càng sai nhiều ngôn sứ rao giảng mạnh mẽ hơn ngay tại hai thủ đô và hai Đền thờ Sa-ma-ri và Giê-ru-sa-lem, với lời lẽ đanh thép theo cung cách của mỗi vị mà ta thấy trong các sách mang tên các ngài:

– Hô-sê tha thiết lãng mạn,

– A-mốt trực ngôn sống sượng,

– I-sai-a văn hoa trau chuốt,

– Giê-rê-mi-a thống thiết não nùng…

Nội dung thì vị nào cũng vạch rõ cho vua, tư tế và dân thấy tội bất trung với Giao Ước và tha thiết kêu gọi họ “quay mặt lại với Thiên Chúa”, để được xót thương.

Những lời rao giảng còn được cô đọng trong những thánh vịnh mà ngày nay chúng ta vẫn đọc trong phụng vụ. Cái nguy là chúng ta đọc như những lời tố cáo và kêu gọi dân của Giao Ước Xi-nai, chứ không phải nói với chúng ta hôm nay. Ấy là vì chúng ta đọc như những bức thư lượm được của ai đó làm rơi ngoài đường, chứ không phải là những lá “thư tình” do Thiên Chúa gởi cho Hội Thánh và mỗi người chúng ta hôm nay.

Đó là những lá “thơ tình” thẳng thắn, thiết tha đến mức lãng mạn, đau đớn tới độ đắng cay, chân thành như rút ruột, với mục đích lay tỉnh và kéo người yêu bỏ con đường phản bội mà quay về.

 Nhìn chung lại, chúng ta thấy lời rao giảng của các ngôn sứ khiển trách dân về hai điểm. Thánh vịnh 50/49 nêu rõ:

1/ Họ không biết Thiên Chúa, con người được nặn thành theo hình ảnh Thiên Chúa, nhưng sau khi con người đã chọn làm biến dạng “khuôn mặt” được Thiên Chúa ban cho, thì lại muốn nặn Thiên Chúa theo hình ảnh mình: “ngươi tưởng ta cũng giống ngươi sao?” (Tv 50/49, 21)

2/ Họ không nhận biết các ân huệ của Thiên Chúa vì họ dâng bao nhiêu của lễ, nhưng không phải là do lòng biết ơn mà chỉ muốn mua chuộc Thiên Chúa để được thêm ân huệ.  “Hãy dâng lời tạ ơn làm hy lễ” (Tv 50/49, 14)

Tạ ơn là nhận biết rằng tất cả là ân huệ của Thiên Chúa và Thiên Chúa ban do lòng nhân lành chứ không phải vì chúng ta xứng đáng hay có quyền nhận, hoặc đã làm gì cho Thiên Chúa để Người phải đền ơn.

Biết Thiên Chúa như Người tỏ mình cho chúng ta :

1/ trong Giao Ước Xi-nai, qua sách Luật, các ngôn sứ và các sách khác trong Sách Thánh

2/ trong Giao Ước Mới, do Lời đã trở nên người phàm như chúng ta, để tỏ cho chúng ta biết Thiên Chúa thật, đến mức Ngài nói được: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Sách Thánh Tân Ước đã ghi lại cho chúng ta để giúp chúng ta “thấy Chúa Giê-su”, như khi những người Hy Lạp muốn gặp Chúa Giê-su thì đã nhờ các Tông Đồ dẫn đến: “Chúng tôi muốn được gặp ông Giê-su” (Ga 12,21).

Thiên Chúa làm nên chúng ta “giống hình ảnh Người”,  rồi Thiên Chúa lại “làm người giống như chúng ta”, để chúng ta biết Người. Nhưng chúng ta thích đảo lộn, lấy mình làm mẫu để hình dung Thiên Chúa. Tiêu biểu là ông Phê-rô, vừa tuyên xưng “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16), lại phản kháng khi nghe Chúa Giê-su nói về thập giá, khiến Người phải quở trách ông, vạch trần nguồn gốc của lối suy nghĩ của ông:  “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”.

Sau đó Thiên Chúa phán với ông và hai môn đệ khác từ trong đám mây ở trên núi, như xưa Ngài đã phán với dân Cựu Ước ở núi Xi-nai, xác nhận: “Đây là con yêu dấu của Ta, hãy nghe Người” (x.Mt 17,1-8; Mc 9,2-8; Lc 9,28-36). Chúa Giê-su mới là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình (x.thư Cô-lô-xê 3,15), còn chúng ta được tạo thành giống hình ảnh Thiên Chúa (x. sách Sáng Thế 1,27).

Kết luận.

Muốn sống làm Ki-tô hữu chân chính, phải bắt đầu từ “biết Thiên Chúa”, mà muốn biết Thiên Chúa lại phải bắt đầu từ “biết ơn”: ơn tạo dựng và ơn cứu chuộc, cùng mọi ơn huệ khác ta nhận lãnh hàng ngày. Có biết ơn như thế mới biết Thiên Chúa là Tình Yêu (x. thư thứ nhất của thánh Gio-an, ch.4,8) và học yêu như Thiên Chúa yêu.

Thiên Chúa  là Tình Yêu trong màu nhiệm Ba Ngôi: Cha hằng sinh ra Con, Con hằng hướng về Cha. Thánh Thần là Tình Yêu, là sự trao đổi không ngừng giữa Cha và Con, Con và Cha. Cha yêu Con và trao cho con tất cả. Con không giữ cho mình mà hướng trọn về làm vinh danh Cha (x. Ga 17,1-26).

Thiên Chúa là Tình yêu hướng về chúng ta : “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời (Ga 3,16).

Biết Thiên Chúa là Tình Yêu như thế đó, mới có thể học yêu như Thiên Chúa yêu. Yêu là hướng về người mình yêu và làm tất cả sao cho người mình yêu được sống hạnh phúc . Suy nghĩ kiểu thông thường: yêu để mình được hạnh phúc, đó là ngược chiều, vì quay lại tìm chính mình và lợi dụng  người mình (tưởng là) yêu thành công cụ cho mục đích của mìnhĐổ vỡ là đương nhiên. Làm việc tông đồ, phục vụ người nghèo để mình được thỏa mãn là phản bội, không phải là Bác ái.

Biết và biết ơn để biết yêu như Thiên Chúa yêu. Đó là Thiên đàng ngay bây giờ.

Kiểm tra tương tự

Hãy tìm hiểu nhau như một vị thánh

Phần lớn các bạn trẻ Công giáo cảm thấy được mời gọi bước vào đời …

Bố ơi, ai vậy?

Ông đang nằm nghiêng mình trên chiếc ghế sofa, vừa xem ti-vi vừa thưởng thức …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *